• Loading...
 
Yên Bình: Chủ nhiệm Hợp tác xã thanh niên mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm
Ngày xuất bản: 23/10/2022 9:50:00 SA
Lượt xem: 912

Với tinh thần xung kích, nhiệt huyết của tuổi trẻ, HTX Quốc Việt do anh Phạm Quang Giáp làm chủ là hợp tác xã tiêu biểu của Tuổi trẻ Yên Bình trong năm 2022. HTX được thành lập tháng 3/2022, tại xã Đại Minh. Với ngành, nghề kinh doanh: sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép, trồng rừng, sản xuất đồ gỗ xây dựng, vận tải hàng hóa,...

Trong những năm qua, anh Phạm Quang Giáp – là Bí thư chi đoàn thôn Làng Cần, đã mạnh dạn tiên phong trong phong trào “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” trên chính mảnh đất quê hương mình. Nắm bắt được những tiềm năng, lợi thế của địa phương về phát triển cây ăn quả có múi – cây Bưởi Đại Minh, hiện đang là cây kinh tế mũi nhọn của người dân nơi đây. Đồng thời, kế thừa truyền thống nông nghiệp của gia đình, Anh Giáp đã mạnh dạn đầu tư trồng và chăm sóc hơn 300 gốc Bưởi các loại, đem lại thu nhập bình quân từ cây Bưởi là 150 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, anh đã cùng gia đình trồng và chăm sóc 6,2ha rừng keo, cho thu nhập 100 triệu đồng/năm. Nhận thấy trên địa bàn xã và các vùng lân cận có nguồn nguyên liệu gỗ rừng rất dồi dào, nhu cầu của thị trường về sử dụng gỗ là rất lớn anh tiếp tục đầu tư xây dựng, mở xưởng chế biến gỗ với quy 2000 m2, đã tạo lao động thường xuyên cho 12 ĐVTN và nhân dân trên địa bàn, với mức thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng. Với mong muốn vừa phát triển kinh tế, vừa tạo ra môi trường thuận lợi để thanh niên có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế.

Thường trực Huyện đoàn Yên Bình thăm mô hình kinh tế của HTX do anh Giáp làm chủ

Được sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp bộ Đoàn năm 2020 anh quyết định thành lập Tổ hợp tác sản xuất và chế biến gỗ do Thanh niên làm chủ, với tổng số thành viên tham gia là 6 ĐVTN. Sau một thời gian ra mắt, triển khai, mô hình Tổ hợp tác đã đem lại hiệu quả kinh tế cho các xưởng thành viên. Đến đầu năm 2022, anh quyết định thành lập và ra mắt Hợp tác xã Quốc Việt hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực với 07 thành viên, số vốn 8,3 tỷ đồng, tổng số công nhân của xưởng chế biến gỗ và HTX là 40 công nhân, trong đó ĐVTN có 15 đồng chí. HTX có 04 xe ôtô tham gia vận chuyển hàng hóa chế biến từ gỗ rừng trồng với mức lương chi trả cho 4 lái xe, HTX đóng góp thuế cho nhà nước là 18 triệu đồng/tháng.

Qua mô hình HTX đã mở ra cơ hội hợp tác, phát triển cho nhiều mô hình kinh tế nhỏ lẻ trên địa bàn. Ngoài ra, chi đoàn còn tuyên truyền, vận động 12 ĐVTN tham gia là thành viên của các Hợp tác xã Bưởi đặc sản Đại Minh, Hợp tác xã Bưởi VietGap...

Từ hiệu quả mô hình kinh tế tập thể của anh Phạm Quang Giáp cho thấy xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển kinh tế trong đoàn viên thanh niên là một giải pháp hiệu quả, có thể giải quyết đồng thời nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế nói chung và trong công tác đoàn kết tập hợp thanh niên khu vực nông thôn nói riêng.

Thông qua mô hình tổ hợp tác, đoàn viên thanh niên có thể giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, phát huy tính đoàn kết. Đồng thời tận dụng, tranh thủ triệt để các công cụ, nguồn lực hỗ trợ từ phía các ngành chức năng. Quan trọng hơn là khi kết hợp hài hòa giữa hoạt động sinh hoạt chi đoàn và hoạt động của tổ hợp tác, hợp tác xã thì công tác đoàn kết thu hút tập hợp thanh niên khu vực nông thôn trở nên thuận lợi hơn, công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước dễ đi vào nhận thức của đoàn viên.

Điều đó được minh chứng cụ thể bằng kết quả trong hoạt động công tác đoàn đó là Chi đoàn thôn Làng Cần, xã Đại Minh được Trung ương Đoàn TN Việt Nam công nhận là “Chi đoàn vững mạnh tiêu biểu toàn quốc” và đồng chí Bí thư Chi đoàn ngày ấy được công nhận là “Bí thư chi đoàn tiêu biểu toàn quốc” năm 2021.

Lại Tuyến