GIẤC MƠ NƠI NGÃ TƯ ĐƯỜNG
Băng qua ngã tư đường, tìm thấy một giấc mơ bị bỏ lỡ
"Có ai mượn nó làm đâu, đứng đó làm màu hay làm kẹt xe thêm cũng không biết nữa..."
Đó là những câu nói bâng quơ mà mình vẫn thường nghe ai đó nhắc về họ - những người cảnh sát giao thông vô danh. Mình không biết đã có ai gọi như thế này chưa nhưng mình chọn gọi theo đúng nghĩa đen và có ánh nhũ của nghĩa bóng.
Người cảnh sát giao thông vô danh, không biết chỉ đến ở ngã tư trước nhà mình hay đã từng hiện diện khắp bao phố phường chia làm bốn.
Nhưng mình vẫn nhớ chú, ở ngã tư rộng lớn bao la là người và xe cộ. Giờ tan tầm như một cái tặc lưỡi xui xẻo mà không ai muốn trải qua, đông nghẹt và giao thông hỗn độn.
Mình vẫn nhớ chú, dáng hình cao gầy, trông có chút khó gần bọc lên sự nhọc nhằn của mưu sinh, tay lăm lăm cây dùi cui dùng để điều khiển giao thông. Trông chuyên nghiệp lắm.
Mình vẫn nhớ chú, đứng giữa đại lộ không hoài ngớt xe, ra tín hiệu cho di chuyển, nhắc nhở khi có ai đó tia mắt muốn vượt đèn. Có lúc lách vào khe hỡ nhỏ hối thúc một chiếc xe máy ngược chiều đi nhanh hay quát lớn tiếng với một chiếc xe tải cố gắng nhấn ga quẹo phải.
Chú đang làm việc của một người cảnh sát giao thông với phong thái nghiêm túc nhưng nhiều hơn là phần bình dân và mộc mạc. Chỉ khác là, chú không có một bộ trang phục nhận diện màu xanh hay màu da cam như các cô chú điều khiển giao thông. Chú không có một chiếc xe đặc chủng và chẳng ai biết chú tên gì, chú đến từ đâu và ở đây từ khi nào?
Chỉ biết là chú luôn xuất hiện khi giao thông ách tách, khi tiếng còi xe hối hả, kẻ nhăn mày vì cách vài mét mà không được rẽ phải, kẻ thấp thỏm vì sắp đến giờ cơm nhà, mấy đứa nhỏ sợ xe lớn cứ thụt ló không dám đi, xa xa cụ bà bên đường đẩy xe đạp qua vạch kẻ, nheo mắt khó nhìn trong cái độ trời quáng gà bực bội. Xe ổn thì chú dắt người qua đường, xe đông thì lại tuýt còi, vươn dùi cui điều tiết.
Nếu giờ tan tầm là một địa điểm du lịch thì kẹt xe chính là một món ăn đặc sản. Cái giờ mà tưởng chừng bao nhiêu sự mệt mỏi của cả ngày dồn nén ụp thẳng lên vai. Nhưng kì lạ thay chỉ có một người luôn vui và dường như chờ đợi cái giờ đó đến.
Chờ đợi để thêm một lần trọn vẹn với ước mơ tuổi trẻ, có phải không?
Mấy bác xe ôm truyền thống ế khách trong chiếc áo xanh cũ kĩ, lạc quan cười khúc khích: "Hồi đó nó muốn làm cảnh sát giao thông mà nhà nghèo, thể trạng không có nên ở nhà, giờ tranh thủ trải nghiệm nghề đó mà. Mấy cô bác thông cảm cho nó, cũng được việc lắm à nha."
Mình đứng ở góc đường nghe trọn cuộc trò chuyện, lặng nhìn xuống chân.
À, lại một giấc mơ bị bỏ lỡ. Bỏ lỡ vì cái nghèo, vì cái "thời đó", vì cái xui rủi ôm trọn nghìn lí do của một thế hệ.
Có lẽ dẫn chứng sâu đậm nhất về việc phải bỏ lỡ ước mơ vì hoàn cảnh phần lớn đến từ các thế hệ trước của mình. Gen Y, Gen X, có lẽ là vậy và cái nghèo thì luôn là một kẻ chi phối toàn năng.
Đứng chờ đèn đỏ, lại nhớ đến ba mẹ. Nhiều lần mình cảm thấy khó chịu vì mớ trang thiết bị điện tràn lan trong kẹt nhà nhỏ xíu. Nhiều lần mình cảm thấy sốt ruột khi tất tần tật hư hỏng điện trong nhà ba đều giành sửa, dù tay ba chảy mồ hôi, dù tính ba dễ mất kiên nhẫn nên mình lo xa đến mức cáu bực.
Nhớ hồi lớp 8 học điện, mình lắp bảng điện đến chảy máu tay mà cứ hư mãi. Ba giúp mình cắm thử thì chỉ kịp nghe "bụp" một cái rồi cả nhà tối thui.. Mình thì hốt hoảng còn ba lại bình tâm rồi từ tốn sửa cho mình, chậm rãi giải thích nhiều lần cách thức vận hành của bảng điện, lan man cả những kiến thức mình không học. Mình chưa từng thấy ba kiên nhẫn với việc lắp điện như này. Ba đâu cần phải làm vậy đâu nhỉ?
Cho đến một ngày, mình được nghe từ câu chuyện của bà về ước mơ học Điện của ba. Ước mơ đã bị gác lại khi còn dang dở niềm vui trên tay giấy trúng tuyển. Mình nghe được cuộc trò chuyện của ba với chú bạn nhậu cùng xóm về việc "hồi đó tui cũng mê điện lắm mà không theo được". Mình vỡ lỡ.
Hóa ra với một giấc mơ bị bỏ lỡ, con người ta luôn nâng niu và trân trọng thật nhiều với những cơ hội sau này.
Hóa ra với một giấc mơ bị bỏ lỡ, người ta tỏ ra quên lãng để cố hài lòng với cuộc sống hiện tại nhưng thực chất vẫn luôn canh cánh trong lòng. Dù là bé nhỏ, dù là bị chỉ trích lạ thường, dù là không đáng có nhưng nó vốn là một phần của giấc mơ bị bỏ lỡ. Sao mà bỏ được?
Và có lẽ trong phút giây nào đó, ta mong rằng mình có thể trọn vẹn với đam mê. Và biết đâu trong suy nghĩ khi cầm dùi cui đứng giữa ngã tư của chú vô danh là hình ảnh ngời ngời của bản thân khi khoác lên trang phục màu vàng cam uy nghiêm. Hay biết đâu trong cuộc trò chuyện với những chú điện lực ở xóm, ba đã từng ước muốn khoác lên mình bộ đồng phục xanh dương, tay cầm hộp dụng cụ.
Tan học mình đi bộ ngang qua ngã tư, đứng ở một góc đường lâu thật lâu để chờ ba và nhìn chú. Có người nói chú rảnh rổi làm chuyện không đáng, có người nói chú làm vậy mọi chuyện càng rối thêm. Có người nói chú khùng, người kia thì chỉ trích chú làm màu.
Nhưng mình nói, mình thấy một cậu bé gật đầu cám ơn vì được chú dẫn qua đường. Mình nói, mình thấy các chú lơ xe tải vẫy tay ra tín hiệu tương tác với chú. Mình nói, mình thấy các chú cảnh sát giao thông mỉm cười và cám ơn chú. Mình nói, mình thấy giao thông ổn định hơn và mọi người được về nhà sớm hơn.
Sớm hơn 5 phút cũng đủ đầy cho một niềm hạnh phúc. Niềm hạnh phúc của mọi người và của chú.
Vì một lần được gợi lại ước mơ, đâu phải ai cũng có thể? Vì một lần vì mọi người và trọn vẹn với đam mê, đâu phải ai cũng có thể?
Về những giấc mơ bị bỏ lỡ mình luôn cảm thấy chạnh lòng. Có lúc mình nghĩ nhiều đến mức, mình muốn trở nên phi thường. Phi thường đến mức có thể giúp những ai phải bỏ lỡ ước mơ được một lần trải nghiệm, được một lần đắm chìn vào nghề nghiệp mà họ mơ ước.
Mở cho mẹ một salon tóc, mua cho ba một bộ dụng cụ điện chuyên nghiệp, kinh doanh một quán ăn nhỏ cho bà nội, gửi tặng chú cảnh sát vô danh một tấm bằng khen "người cảnh sát giao thông của khu vực".
Cậu có bao giờ được nghe về ước mơ nghề nghiệp của ba mẹ, ông bà và người thân chưa? Mình nghĩ rằng sẽ có rất nhiều điều bất ngờ trong câu chuyện của họ.
Cậu có bao giờ nghĩ về chuyện sẽ thực hiện ước mơ cho họ không? Mình thì có và luôn nghĩ về.
Về chúng mình, những người đang cố gắng từng ngày vì ước mơ hay những người đang mất phương hướng về đích đến xa vời trong tương lai. Về chúng mình, những người vẫn còn thời gian và còn cơ hội để suy nghĩ thật kĩ về những giấc mơ.
Chọn bỏ lỡ hay kiên nhẫn là câu chuyện riêng của mỗi người nhưng đã lỡ nhẫn (nại) với giấc mơ một ngày thì đừng bỏ (cuộc) kiên (định) trong nhiều ngày tiếp theo nhé.
Mong rằng sẽ không có thêm bất kì một giấc mơ nào phải bị bỏ lỡ, ngăn tủ giấc mơ bỏ hoang đã gần như chật cứng. Hãy có trách nhiệm với ước mơ của mình và biết đâu được đến một ngày cậu sẽ đủ năng lực để khôi phục ước mơ của ai đó đã ngủ yên từ lâu trong ngăn tủ bỏ hoang?
Đó có thể là giấc mơ dang dở của người cậu yêu thương.
Chú cảnh sát giao thông vô danh nhưng chưa từng vô thức về giấc mơ của mình. Trời tối, chú đi về, sáng mai dậy mưu sinh và rồi giờ chiều lại đứng giữa lộ, tay chỉ trái, mắt nhìn phải.
Dừng đèn đỏ nhiều hơn mọi ngày nhưng mình thầm cảm ơn vì trong gần 2 phút chờ đợi quý giá, mình đã bắt gặp được một giấc mơ bị bỏ lỡ. Có cái gì đó lấp lánh trong tim mình, không rõ ràng.
Đã rất lâu rồi mình không còn nhìn thấy chú, góc quen của mấy chú xe ôm bên đường mà tuổi đời hơn cả mình cũng không còn nữa. Màu áo xanh dương bạc màu có phải đang lặn lội đâu đó tìm một chiếc áo xanh lá giả mạo để tiếp tục mưu sinh tuổi xế chiều? Thời đại và thích nghi lại là một câu chuyện khác.
Nguyễn Khánh Linh
Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội