• Loading...
 
Tư vấn hướng nghiệp và trải nghiệm nghề nghiệp cho Đội viên lớn
Ngày xuất bản: 10/10/2024 4:02:00 CH
Lượt xem: 4474

 Ngày 10/10 tại xã Pá Lau huyện Trạm Tấu, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh đã tổ chức hoạt động Tư vấn hướng nghiệp và trải nghiệm nghề nghiệp cho 70 em học sinh khối lớp 8, 9 Trường PTDTBT TH&THCS Pá Lau - xã Pá Lau - huyện Trạm Tấu - tỉnh Yên Bái.

Trong khuôn khổ hoạt động, các em được đi tham quan trải nghiệm Nghề rèn thủ công truyền thống của dân tộc Mông. Tại đây các em đã được tìm hiểu về lịch sử của nghề rèn thủ công, việc rèn các nông cụ nhằm phục vụ tập quán canh tác trong lao động sản xuất của đồng bào. Các sản phẩm được tạo ra hoàn toàn bằng thủ công, từ khâu cắt sắt, tạo hình, quai búa, làm tay cầm… tất cả vẫn làm bằng tay không có sự can thiệp của máy móc.

Trước đây bản người Mông thường đi kiếm mua sắt, thép ở những nơi khác mang về rèn thành công cụ. Về sau nhờ có những phế liệu của nền công nghiệp như: nhíp ô tô, mảnh bom, xà beng, choòng đục đá,...

Cũng như nhiều dân tộc khác, thợ rèn người Mông dùng than củi để đốt lò, dùng bễ thụt để thổi lửa, công cụ sản xuất chủ yếu ngoài cái bễ thụt còn có đe, các cỡ búa, kìm và một chậu nước và một thân cây chối để tôi sắt.

Các sản phẩm trong nghề rèn truyền thống của dân tộc Mông rất phong phú, đó là những công cụ được sử dụng nhiều trong sinh hoạt, lao động sản xuất hàng ngày như: Dao, rìu, liềm, thuổng, cuốc, xẻng,... chúng vốn được làm từ thép nên sản phẩm rất bền, sử dụng đến mòn vẹt mà vẫn còn rất sắc bén.

Trong đời sống của đồng bào người Mông có nhiều nghề thủ công mang đậm nét văn hóa dân tộc. Trong đó nghề rèn là một trong những nghề truyền thống lâu đời gắn liền với hoạt động sản xuất của bà con người Mông.

Tổ chức hướng nghiệp và trải nghiệm nghề nghiệp thủ công tại địa phương cũng là hoạt động tuyên truyền và quảng bá các giá trị của di sản; khuyến khích việc tăng cường truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ,  giữ gìn văn hóa và bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc./.

Hồng Cẩm 

THƯ VIỆN VIDEO