• Loading...
 
Thực hiện nghiêm túc quy định không uống rượu, bia khi lái xe
Ngày xuất bản: 01/01/2020 12:00:00 SA
Lượt xem: 5949

Từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực. Để người tham gia giao thông nắm được và nghiêm chỉnh thực hiện, chấp hành, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng đã triển khai tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của Luật đồng thời mở các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn.

Người dân ủng hộ, đồng thuận

Lâu nay, uống rượu đã trở thành thói quen của nhiều người dân vùng cao, miền núi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. 

Ngay khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia được Quốc hội thông qua, nhất là khi Luật có hiệu lực thi hành, tại các điểm công cộng, trong gia đình hay trên mạng xã hội, nhiều người dân đều bàn bạc về những hành vi bị nghiêm cấm như: điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập… 

Trên trang Facebook, ních name Đặng Hữu Thông bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ về quy định này khi chia sẻ dòng trạng thái: "Đã uống rượu, bia thì không lái xe, vì an toàn cho bạn và cho xã hội. Hãy ý thức và chia sẻ thông điệp này để biến nó thành hành động”. Theo Điều 5, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có 13 hành vi bị nghiêm cấm để phòng chống tác hại của rượu, bia, trong đó đáng chú ý là hành vi "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. 

Như vậy, kể từ ngày 1/1/2020, câu cửa miệng "đã uống rượu bia không lái xe” sẽ chính thức được luật hóa. Anh Đinh Duy Hưng - phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Do tính chất công việc cũng như thói quen nên tôi cũng hay uống rượu, bia. Tuy nhiên, từ bây giờ khi quy định không lái xe khi uống rượu, bia được đưa vào luật thì bản thân sẽ chấp hành tốt, khi uống rượu bia dù ít hay nhiều cũng sẽ không điều khiển xe máy hay ô tô. Tôi sẽ tuyên truyền cho gia đình, người thân, bạn bè khi uống rượu, bia rồi thì không được lái xe”.

Đẩy mạnh tuyên truyền và xử lý vi phạm

Theo ghi nhận, hiện nay, tại một số quán ăn trên địa bàn tỉnh Yên Bái, biển hiệu "Đã uống rượu, bia không lái xe” đã được treo tại các vị trí dễ quan sát để tuyên truyền, cảnh báo thực khách. Bên cạnh đó, các địa phương, đoàn thể cũng tập trung phổ biến, thông tin, nhắc nhở nhằm nâng cao nhận thức, định hướng hành vi, thay đổi thói quen uống rượu, bia của cán bộ công chức, hội viên và người dân, đặc biệt là tại các địa bàn vùng cao, miền núi, nơi thói quen uống rượu đi vào đời sống của người dân; đồng thời phổ biến rõ các quy định mới trong việc sử dụng rượu bia tới cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, qua đó nâng cao ý thức chấp hành nghiêm pháp luật. 

Ông Nguyễn Công Cường - Phó Chủ tịch UBND phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Đối với cán bộ công chức, từ lâu chúng tôi đã thực hiện nghiêm quy định không uống rượu, bia trong ngày làm việc. Tuy nhiên, với việc luật hóa quy định này thì tất cả mọi cán bộ đảng viên càng phải nghiêm chỉnh chấp hành. Bên cạnh đó, ngay khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thông qua, chúng tôi đã phổ biến, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cũng như loa di động đến từng hộ dân trên địa bàn”. 

Được biết, hiện nay lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Yên Bái cũng đang thực hiện đợt cao điểm xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trong đó chú trọng xử lý vi phạm nồng độ cồn tại các tuyến và địa bàn trọng điểm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. 

Trung tá Nguyễn Văn Quang - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 4, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Yên Bái cho biết: "Theo quy định mới, mức phạt hiện nay rất là nặng. Do vậy, trước mắt chúng tôi tập trung tuyên truyền đến người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, Đội cũng triển khai kiểm tra, xử lý đối với tất cả người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường, địa bàn được giao phụ trách”.  

Mức nồng độ

Đối tượng

Mức phạt tiền

Xử phạt bổ sung


Mức 1:

Chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1l khí thở

Ô tô

06 - 08 triệu đồng


Tước Bằng từ 10 - 12 tháng

Xe máy

02 - 03 triệu đồng

Xe đạp, xe đạp điện

80.000 - 100.000 đồng

 

Mức 2:

Vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc quá 0,25mg đến 0,4mg/1l khí thở

Ô tô

16 - 18 triệu đồng

Tước Bằng từ 16 - 18 tháng

Xe máy

04 - 05 triệu đồng

Xe đạp, xe đạp điện

200.000 - 400.000 đồng

 

Mức 3:

Vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1l khí thở

Ô tô

30 - 40 triệu đồng

 


Tước Bằng 22 - 24 tháng

Xe máy

06 - 08 triệu đồng

Xe đạp

600 - 800.000 đồng

 

Mức phạt về nồng độ cồn từ năm 2020 với ô tô, xe máy, xe đạp

Theo Báo Yên Bái