• Loading...
 
Tuổi trẻ Yên Bái triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Ngày xuất bản: 02/08/2019 1:46:00 CH
Lượt xem: 8157

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Yên Bái về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội”. Trong 5 năm qua Tỉnh đoàn Yên Bái đã triển khai, phổ biến Chỉ thị số 40-CT/TW đến 100% các cấp bộ Đoàn - Hội LHTN Việt Nam trong toàn tỉnh. Các cấp bộ Đoàn kịp thời triển khai, phổ biến Chỉ thị 40-CT/TW trong các buổi sinh hoạt chi Đoàn, chi Hội và các cuộc sinh hoạt của tổ TK&VV với tổng số trên 6.700 buổi tuyên truyền cho trên 135.000 lượt đoàn viên thanh niên và nhân dân chương trình cho vay tín dụng ưu đãi  học sinh, sinh viên; tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo; chính sách hỗ trợ nhà ở và Quỹ quốc gia về việc làm; tổ chức 32 lớp tập huấn nghiệp vụ ủy thác vốn vay cho trên 700 lượt cán bộ Đoàn cấp huyện, Bí thư, Phó Bí thư đoàn xã, phường, thị trấn và tổ trưởng tổ TKVV.

Trong quá trình triển khai hoạt động nhận ủy thác vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, thời gian đầu các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã gặp không ít khó khăn, dư nợ ủy thác thấp, hiện tượng xâm tiêu, vay ké, vay hộ, sử dụng vốn vay sai quy định làm giảm hiệu quả mục đích của nguồn vốn tín dụng chính sách. Năm 2014, khi có Chỉ thị 40 của ban Bí thư với sự vào cuộc tích cực của các Cấp ủy, chinh quyền các địa phương cùng với cách làm sáng tạo, tâm huyết của các cấp Đoàn – Hội LHTN Việt Nam, sự chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, sự sâu sát của đội ngũ cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội, đã xây dựng được mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, thành lập, mở rộng, kiện toàn thường xuyên các tổ TK&VV do Đoàn thanh niên quản lý. Mô hình này làm củng cố thêm mối quan hệ giữa tổ chức Đoàn thanh niên với Cấp ủy - Chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh đến xã, sự gắn bó của người dân với tổ chức Đoàn thanh niên, tập hợp và phát huy được vai trò của đoàn viên, thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Thông qua các tổ tiết kiệm vay vốn do Đoàn quản lý, nguồn vốn của Nhà nước đã xuống tận các hộ dân một cách công khai, dân chủ, mang lại hiệu quả về mặt kinh tế và có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Qua đó hoạt động của chính quyền cơ sở và tổ chức Đoàn – Hội  gắn bó mật thiết hơn với đời sống của nhân dân. Đồng thời, đoàn thanh niên có thêm nguồn lực để củng cố, phát triển đoàn viên, hội viên, tổ chức được nhiều hoạt động hỗ trợ đoàn viên thanh niên vượt qua khó khăn về vốn trong sản suất kinh doanh để làm giàu chính đáng.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 –CT/TW tổng dư nợ ủy thác vốn tín dụng chính sách của Đoàn thanh niên toàn tỉnh đến hết tháng 6/2019 là 502,5 tỷ đồng, tỷ trọng 19,6 %, tăng 306,3 tỷ đồng so với năm 2014, đã có 9/9 huyện, thị, thành Đoàn ký văn bản liên tịch với Ngân hàng CSXH, 118 đoàn cấp xã ký hợp đồng uỷ thác, quản lý 388 tổ tiết kiệm và vay vốn với trên 14.000 hộ vay đang còn dư nợ, tỷ lệ nợ quá hạn thấp 0,07% so với tổng dư nợ ủy thác. Đồng vốn tín dụng chính sách do Đoàn thanh niên quản lý ngày càng phát huy hiệu quả, đã có hàng ngàn hộ gia đình trẻ ở nông thôn và nhân dân thoát nghèo, không còn hộ đói, việc làm cho thanh niên được giải quyết. Song song với đó Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã kết hợp lồng ghép các chương trình tập huấn giảm nghèo, chuyển giao tiến bộ KHKT giúp người dân sử dụng vốn vay hiệu quả, giúp thanh niên nông thôn lập thân, lập nghiệp. Đặc biệt, nhiều hộ nghèo từ làm ăn nhỏ, lẻ đã phát triển trở thành các chủ trang trại có quy mô lớn, sản xuất hàng hóa, thu hút nhiều lao động và việc làm ổn định và giúp được nhiều hộ khác thoát nghèo.

Đ/c Đoàn Thị Thanh Tâm - Bí thư Tỉnh đoàn thăm mô hình nuôi thỏ của đoàn viên Phạm Hải Chiều xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên

Các mô hình Câu lạc bộ thanh niên giúp nhau làm kinh tế và các tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên tiếp tục được các cấp bộ Đoàn duy trì và nhân rộng. Đến nay trên toàn tỉnh đã có 87/180 xã, phường, thị trấn duy trì, thành lập câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên phát triển kinh tế với 92 câu lạc bộ, trên 60 tổ hợp tác và 19 hợp tác xã của thanh niên phát triển kinh tế, tạo việc làm cho trên 5000 đoàn viên thanh niên. Tiêu biểu là: Câu lạc bộ thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế tại xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn; HTX thanh niên Q&C xã Đại Phác; HTX Thanh niên Lâm Thượng, huyện Lục Yên... Đây là những mô hình tiêu biểu, hoạt động hiệu quả từ vốn vay tín dụng chính sách và vốn vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm.

Phải khẳng định rằng tín dụng chính sách đã có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào thanh niên. Trong quá trình thực hiện ủy thác vốn vay, cán bộ Đoàn nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của thanh niên từ cơ sở. Thanh niên có nhu cầu vay vốn được các cấp bộ Đoàn tư vấn, hướng dẫn hỗ trợ. Từ đó, tạo được sự gắn kết giữa cơ sở Đoàn – Hội với thanh niên, nhất là ở địa bàn nông thôn. Có thể nói về mặt phong trào nếu không có nguồn vốn của NHCSXH thì rất khó thúc đẩy tư duy đổi mới của thanh niên nông thôn, việc triển khai phong trào thi đua tuổi trẻ sản xuất kinh doanh giỏi sẽ gặp khó khăn. Thực tế cho thấy, nơi nào cơ sở Đoàn quan tâm đến công tác tín dụng chính sách thì thanh niên địa phương đó được tạo điều kiện tốt để khởi nghiệp. Để tiếp tục quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách, Tỉnh đoàn Yên Bái đã bám sát các điều khoản ký kết trong văn bản liên tịch với Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai thực hiện, từ việc phân công cán bộ chuyên trách theo dõi đến việc đưa nhiệm vụ uỷ thác tín dụng chính sách vào nội dung kế hoạch, chương trình công tác của Ban Thường vụ, Ban chấp hành.

Đ/c Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư Trung ương đoàn cùng Thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái thăm mô hình nuôi cá lồng tại huyện Yên Bình tháng 7/2019

Hằng năm, Tỉnh đoàn xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát đến 100% Đoàn cấp huyện, thị, thành phố, vừa tiến hành kiểm tra độc lập công tác uỷ thác tín dụng chính sách, vừa kết hợp các buổi làm việc, kiểm tra chuyên môn lồng ghép với kiểm tra các mô hình kinh tế của thanh niên, xuống tận cơ sở xã, phường, tổ tiết kiệm và vay vốn, đến tận hộ vay để đánh giá hiệu quả vốn vay, nắm bắt thực trạng công tác quản lý vốn tín dụng chính sách, phát hiện và khắc phục kịp thời những tồn tại yếu kém. Từ năm 2016 nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả vốn vay, các cấp bộ Đoàn đã phát động phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong Đoàn viên thanh niên. Nhiều mô hình trang trại trẻ do thanh niên người dân tộc thiểu số làm chủ có vay vốn tín dụng chính sách được hình thành, tiêu biểu phải kể đến như: Trang trại nuôi gà đen thả đồi, quy mô 1ha, số lượng đàn 2.500 con của Vàng A Công - dân tộc Mông, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải cho thu nhập 250 triệu động/năm; Trang trại nuôi 100 con lợn thịt, 30 con bò của hội viên Hoàng Đình Huân, dân tộc Thái-Thôn Hát Lừu 2 xã Hát Lừu huyện Trạm Tấu cho thu nhập 120 đến 150 triệu đồng/năm; Trang trại Dưa (Tà Xùa) diện tích 02 ha, sản lượng 3 tấn thu nhập 50 triệu đồng/vụ – của Giàng A Sử, tân tộc Mông tại xã Bản Công huyện Trạm Tấu; Mô hình phát triển Du lịch cộng đồng gắn với Bảo tồn Nghề dệt thổ cẩm, của Đoàn Viên Hoàng Thị Ngọt, dân tộc tày, xã Lâm Thượng, Lục Yên đầu tư khôi phục 01 nhà sản cổ, vận động các gia đình chỉnh trang nhà cửa đưa nhà sàn của người tày vào khai thác du lịch thu hút khách trong nước và nước ngoài thăm quan, trải nghiệm cuộc sống, bản sắc văn hóa của người Tày; Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển trồng cây Lan Kim Tuyến tại thị trấn Yên Thế huyện Lục Yên của đoàn viên Nông Thị Thắm đang phát huy hiệu quả; Trang trại 10 ha quế của đoàn viên Đặng Văn Thanh, dân tộc Dao Đỏ ở thôn Vàn 1 xã Phúc Lợi, hàng năm cho thu nhập 270 triệu từ việc tỉa cành, bán lá trưng cất tinh dầu; Trang trại nuôi Thỏ bán công nghiệp quy mô 2000 con/lứa của Phạm Hải Chiều, dân tộc Tày xã Lâm Thượng, Lục Yên cho thu nhập 200 triệu đồng đã trừ chi phí.

Để chủ động giúp đỡ cho thanh niên khởi nghiệp Tỉnh đoàn Yên Bái cùng Hội Doanh nhân trẻ tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng cho hai Đoàn viên Hờ A Sênh và Hờ A Chở, dân tộc Mông, thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên triển khai Dự án trồng 2 ha cây gáo vàng, nghệ dược liệu và chăn nuôi 40 con lợn rừng, sản phẩn được Hội doanh nhân trẻ bao tiêu. Trong thời gian tới, khi được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi thì phong trào khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên sẽ phát triển mạnh mẽ góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.

Xuân Tuyên