• Loading...
 
Bối cảnh lịch sử và ý nghĩa Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2022)
Ngày xuất bản: 15/05/2022 5:20:00 CH
Lượt xem: 1927

 Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đảm đương sứ mệnh cao cả lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam đấu tranh giành giải phóng dân tộc và giai cấp. Từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn chú ý đến lực lượng thanh thiếu nhi, phong trào thanh thiếu nhi nước ta ngày càng phát triển mạnh mẽ. Từ đó, tổ chức Đội từng bước được hình thành. Tháng 10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất đã đề cập đến việc tập hợp thiếu nhi vào các tổ chức thiếu niên cách mạng, Hồng nhi đoàn… và giao cho Đoàn thanh niên phụ trách.

Chương trình Ngày hội "Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn" do Hội đồng Đội Yên Bái tổ chức chào mừng kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh 

Một năm sau ngày thành lập, Đảng đã thấy rõ tầm quan trọng của việc thành lập tổ chức Đoàn, ngày 26/3/1931, Hội nghị lần thứ 2 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên. Tiếp theo đó, tại Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng vào tháng 5/1941, Trung ương Đảng đã ra quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh để đoàn kết các lực lượng đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam. Ngay sau đó, ngày 15/5/1941 tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Hội Nhi đồng Cứu quốc (nay là Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh) được thành lập và được gia nhập Mặt trận Việt Minh, hoạt động theo điều lệ của Mặt trận Việt Minh với mục tiêu chung “Dự bị đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập”

Ngày đầu tiên thành lập, ngày 15/5/1941, Đội có 5 đội viên là Nông Văn Dền (bí danh là Kim Đồng) được bầu làm đội trưởng, Nông Văn Thàn (bí danh là Cao Sơn), Lý Văn Tịnh (bí danh là Thanh Minh), Lý Thị Nì (bí danh là Thủy Tiên) và Lý Thị Xậu (bí danh là Thanh Thủy). Đội TNTP Hồ Chí Minh thành lập cho thấy thiếu niên, nhi đồng đã có tổ chức của mình, có Điều lệ và nguyên lý hoạt động riêng của tổ chức mình.

Đội TNTP Hồ Chí Minh thành lập là nhu cầu tất yếu của lịch sử đất nước, bởi lịch sử Đội TNTP Hồ Chí Minh và phong trào thiếu nhi Việt Nam là bộ phận trong lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đội là tổ chức của thiếu nhi Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập, được Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phụ trách, Đội Nhi đồng cứu quốc ra đời nhằm tập hợp thiếu nhi vào một tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương dưới sự hướng dẫn, phụ trách của Đoàn thanh niên, giáo dục các em theo tinh thần cách mạng và coi các em là một lực lượng cách mạng. Đội luôn là tổ chức nòng cốt trong các phong trào thiếu nhi, là lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, là lực lượng dự bị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Trải qua 81 năm xây dựng, tổ chức Đội đã có nhiều tên gọi khác nhau để phù hợp với bối cảnh của lịch sử. Năm 1941 tên gọi là: Hội Nhi đồng Cứu quốc sau đó đổi là Đội Thiếu nhi Cứu quốc; tháng 3/1951 lấy tên Đội Thiếu nhi tháng Tám; ngày 4/11/1956 đổi tên đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam; năm 1970 cho đến nay tên Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh

Suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, lớp lớp thiếu nhi trong cả nước, thiếu nhi Yên Bái nói chung hăng hái tham gia kháng chiến, làm liên lạc, tích cực tham gia phong trào chống giặc đói, giặc dốt.. góp phần vào xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nhiều tấm gương Đội viên thiếu nhi anh dũng hy sinh, có công lao to lớn với sự nghiệp cách mạng. Tiêu biểu Anh hùng Kim Đồng, người Đội trưởng đầu tiên của Đội cũng là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Lê Văn Tám, ngọn đuốc sống của thành phố mang tên Bác; Nguyễn Bá Ngọc quên mình hy sinh để cứu 2 em nhỏ; Trần Văn Chẩm, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, đội viên thiếu nhi anh hùng Kim Đồng, Dương Văn Nội, Phạm Ngọc Đa, Vừ A Dính, anh hùng liệt sỹ Hoàng Văn Thọ quê hương Yên Bái... đã trở thành những gương sáng cho các thế hệ thiếu nhi noi theo, làm sáng ngời trang sử vẻ vang của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.

Trải qua 81 năm xây dựng trưởng thành. Thiếu niên, nhi đồng trong cả nước nói chung, thiếu nhi Yên Bái hôm nay vâng lời Bác dạy, tiếp nối truyền thống yêu nước của các bậc cha anh, không ngừng tu dưỡng, học tập và rèn luyện, thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, tích cực tham gia phong trào, hoạt động Đôi, “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” nhằm xây dựng tổ chức Đội ngày càng phát triển, góp sức nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng đất nước, tỉnh Yên Bái ngày càng giàu mạnh, phát triển.

“Thế hệ trẻ hôm nay chính là tương lai của đất nước mai sau”

Hà Hạnh