• Loading...
 
Yên Bái: Vốn vay ưu đãi "tiếp sức" thanh niên
Ngày xuất bản: 13/08/2019 4:50:00 CH
Lượt xem: 15229

 Toàn tỉnh hiện có gần 690 mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ. Để các mô hình kinh tế hình thành và phát triển, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi bạn trẻ là hiệu quả của hoạt động tín dụng, trong đó, có Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đoàn viên thanh niên Đặng Văn Thanh ở thôn 1 Vàn, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên đã vay 100 triệu đồng trồng 2 ha quế. Với sự cần cù chăm sóc, lứa quế đầu tiên đã đem lại lợi ích kinh tế rất khả quan và anh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích quế lên 5 ha rồi 10 ha. Thanh còn tận dụng đất vườn, đất ven suối trồng rau sạch với diện tích 0,5 ha mướp hương, rau cải, khoai sọ; nuôi mỗi năm 2 lứa gà, mỗi lứa từ 100 - 200 con. 

Sau 5 năm, Thanh đã hoàn trả hết vốn vay ngân hàng, diện tích quế của Thanh đã cho thu hoạch từ tỉa thưa cây, tỉa cành đạt từ 50 triệu đồng năm vào năm 2016; 100 triệu đồng năm 2017 và 200 triệu đồng năm 2018… 

Mô hình trồng quế của đoàn viên Đặng Văn Thanh ở xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm nhờ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đặng Văn Thanh chia sẻ: "Nếu không có sự tiếp sức của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Yên cho vay 100 triệu đồng thì tôi không thể có thu nhập như bây giờ. Tôi cũng mong muốn sẽ có nhiều đoàn viên thanh niên trong tỉnh được tiếp sức về vốn vay để phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo bền vững".

Ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, đoàn viên Vàng A Công, dân tộc Mông ở xã Púng Luông với mô hình nuôi gà đen thả đồi, số lượng đàn 1.500 con đến 2.500 con cũng đã cho thu nhập 250 triệu đồng/năm; mô hình nuôi 100 con lợn thịt, 30 con bò của hội viên Hoàng Đình Huân, dân tộc Thái, thôn Hát Lừu 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu cho thu nhập 120 đến 150 triệu đồng/năm; mô nuôi thỏ bán công nghiệp quy mô 2.000 con/lứa của Phạm Hải Chiều, dân tộc Tày, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên cho thu nhập 200 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí. Đến nay, tổng dư nợ ủy thác tín dụng chính sách của đoàn thanh niên toàn tỉnh đạt trên 502 tỷ đồng, tăng 306,3 tỷ đồng so với năm 2014. 

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội, đã có hàng nghìn hộ gia đình trẻ ở nông thôn và nhân dân thoát nghèo, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều thanh niên. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức 32 lớp tập huấn nghiệp vụ ủy thác vốn vay cho trên 700 lượt cán bộ Đoàn cấp huyện, bí thư, phó bí thư đoàn xã, phường, thị trấn, tổ chức 700 buổi truyền thông cho trên 35.000 lượt đoàn viên thanh niên và nhân dân về các nội dung như: cho vay ưu đãi học sinh, sinh viên; tín dụng đối với hộ cận nghèo, gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn...

Đồng chí Đoàn Thị Thanh Tâm - Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, vốn tín dụng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả trong đoàn viên thanh niên. Toàn tỉnh đã có 87/180 xã, phường, thị trấn duy trì, thành lập câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên phát triển kinh tế với 92 câu lạc bộ, trên 60 tổ hợp tác và 30 hợp tác xã thanh niên phát triển kinh tế, tạo việc làm cho trên 5.000 đoàn viên thanh niên. 

Thời gian tới, để quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, Tỉnh đoàn đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát đến 100% cơ sở Đoàn cấp huyện, thị xã, thành phố. Trong quá trình kiểm tra, sẽ tăng cường về cơ sở xã, phường, tổ tiết kiệm và vay vốn, đến tận hộ vay vốn để đánh giá hiệu quả vốn vay, nắm bắt thực trạng công tác quản lý vốn tín dụng...

Theo Báo Yên Bái