• Loading...
 
Hợp tác xã kiểu mới – hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của thanh niên Yên Bái
Ngày xuất bản: 30/09/2021 9:14:00 SA
Lượt xem: 5346

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Yên Bái mô hình Hợp tác xã (HTX), nhất là các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp được chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 đã vận hành mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, tạo sự liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần tích cực trong việc xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trong tỉnh Yên Bái. Nhận thức đúng đắn về các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước khuyến khích phát triển kinh tế tập thể và nắm bắt kịp thời nhu cầu của thanh niên cũng như tính ưu việt của mô hình hợp tác xã kiểu mới, Tỉnh đoàn Yên Bái đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ thanh niên tham gia phát triển kinh tế, vận động thanh niên khởi nghiệp từ mô hình liên kết sản xuất, cung ứng dịch vụ, phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm mang thương hiệu địa phương (OCOP). Với sự vào cuộc quyết liệt của Đoàn Thanh niên các cấp và tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của thanh niên, nhiều doanh nghiệp HTX kiểu mới do thanh niên làm chủ đã phát huy hiệu quả hình thức liên kết sản xuất, từng bước hình thành cơ sở liên kết dịch vụ trong quá trình sản xuất và cung ứng dịch vụ.

Mô hình tổ hợp tác nuôi dê của Đoàn xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải

Ra mắt vào năm 2012 HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Sơn - xã Liễu Đô của đoàn viên Nguyễn Văn Mừng là mô hình chăn nuôi gà và nghề mộc dân dụng, được vay 60 triệu đồng từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, sau 3 năm hoạt động, đã trả xong vốn vay ban đầu, mô hình phát triển thành hợp tác xã cung cấp dịch vụ con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho các hộ gia đình, vốn điều lệ hiện nay là 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động tại địa phương. Được hỏi về hiệu quả của nguồn vốn vay giải quyết việc làm, Nguyễn Văn Mừng vẫn không quên cảm xúc khi được vay 60 triệu đồng vào lúc đầu khởi nghiệp: “Vốn 120 của Tỉnh đoàn là nguồn vốn rất hiệu quả, hỗ trợ thanh niên lúc mới khởi nghiệp, giúp thanh niên có vốn để phát triển sản xuất, thủ tục vay vốn thuận lợi mà không cần tài sản thế chấp vì thế mà chúng em mới vay được”.

Thành công từ bước đầu mô hình HTX kiểu mới, đoàn viên Phạm Văn Hậu nhận thấy tỉnh Yên Bái nói chung, huyện Văn Yên nói riêng đất đai, khí hậu phù hợp, có nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu, với nhiều loại cây thuốc quý có thể đem lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Năm 2019, HTX sản xuất dược liệu Viễn Sơn được thành lập với 8 thành viên, vốn Điều lệ 2 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất giống cây dược liệu, thu mua và chế biến các sản phẩm từ dược liệu. Với diện tích đất sẵn có của các thành viên, HTX còn thuê đất của các hộ dân trên địa bàn, bước đầu đã triển khai sản xuất gần 2 ha các loại giống cây dược liệu như: Hà thủ ô, cây khôi nhung, cà gai leo, dây thìa canh, chè hoa vàng… Cuối năm 2019, HTX đã xuất bán hàng vạn cây giống chất lượng cao cho người dân trong tỉnh và các tỉnh bạn như Cao Bằng, Sơn La, Thái Nguyên, Phú Thọ… Bên cạnh đó, HTX còn thu mua toàn bộ sản phẩm cây cà gai leo, nhân trần cho người dân để chế biến cao trà gai leo, trà túi lọc…Năm 2019 Tỉnh đoàn Yên Bái tổ chức Cuộc thi ý tưởng, dự án thanh niên khởi nghiệp, anh đã tham gia dự thi và đạt giải nhất cuộc thi ý tưởng, dự án thanh niên khởi nghiệp tỉnh Yên Bái với Dự án hợp tác xã nhân giống, trồng và sản xuất sản phẩm dược liệu; năm 2020 sản phẩm Cao trà gai leo của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP.

Có thể nói, Hợp tác xã kiểu mới đã hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp và vươn lên làm giàu cho thanh niên tỉnh Yên Bái. Thời gian qua nhiều mô hình kinh tế thanh niên khởi nghiệp đã lựa chọn loại hình hợp tác xã kiểu mới để hoạt động với nhiều cách làm đa dạng, sáng tạo, đáp ứng xu thế và nhu cầu thị trường. Các Hợp tác xã thanh niên đang từng bước nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động đồng thời đã có những đóng góp nhất định cho phong trào Đoàn, Hội địa phương, là lựa chọn đúng đắn cho phong trào thanh niên khởi nghiệp.

Mô hình trồng cây Dược liệu của đoàn viên Phạm Văn Hậu đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao

Từ những hiệu quả đó, Tỉnh đoàn Yên Bái xác định trong thời gian tới sẽ tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và các hoạt động truyền cảm hứng, cổ vũ, động viên thanh niên mạnh dạn, tự tin làm kinh tế; phát hiện, hỗ trợ và nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế hiệu quả; hướng dẫn đoàn viên, thanh niên, các chủ mô hình, HTX thanh niên chưa chuyển đổi, đăng ký lại theo luật mới; xây dựng các dự án phát triển kinh tế thông qua các lớp tập huấn, triển khai các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp; xây dựng kho dữ liệu ý tưởng khởi nghiệp làm nguồn dữ liệu tham khảo để thanh niên Yên Bái vận dụng, phát triển ý tưởng khởi nghiệp của bản thân; Xây dựng các tổ hợp tác, HTX kiểu mới do thanh niên làm chủ, mô hình sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên theo hướng liên kết bền vững gắn sản xuất với tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm; Tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); chủ động tham gia vào các chuỗi giá trị hình thành trong Chương trình OCOP; kết nối các nguồn lực hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án để ưu tiên hỗ trợ, triển khai xây dựng mô hình trong đoàn viên thanh niên; tổ chức cho thanh niên đi tham quan thực tế, học tập mô hình làm kinh tế phù hợp để tư vấn, hướng dẫn chuyển giao cho hộ thanh niên có nhu cầu. Triển khai có hiệu quả Đề án hỗ trợ, phát triển phong trào thanh niên Yên Bái khởi nghiệp giai đoạn 2021 – 2025./.

Diệp Thanh