• Loading...
 
Nguyễn Thị Oanh - Cô giáo tâm huyết với giáo dục STEM
Ngày xuất bản: 28/12/2022 2:40:00 CH
Lượt xem: 725

Tâm huyết, kiên trì với đổi mới phương pháp dạy và học, cô Nguyễn Thị Oanh - giáo viên môn Sinh học, Trường THPT Trần Nhật Duật, huyện Yên Bình đã chủ động thiết kế nhiều dự án học tập để tổ chức giảng dạy theo phương pháp giáo dục mới - STEM, tạo hứng thú học tập và kích thích khả năng sáng tạo cho học sinh.

 

Cô Nguyễn Thị Oanh hướng dẫn học sinh thực hiện các Dự án STEM.

STEM là từ viết tắt của Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật), Mathematics (toán học), tức là áp dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học để kết nối giữa lớp học và thế giới xung quanh. Bản thân là một giáo viên THPT giảng dạy môn Sinh học, cô Oanh đã nhận thấy trong chương trình Sinh học THPT có nhiều chủ đề, kiến thức thuận lợi để dạy học theo định hướng STEM nhằm phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh. 

 

Vì vậy, cô đã đầu tư thiết kế những dự án STEM giúp học sinh hình thành, khắc sâu kiến thức một cách chủ động, nâng cao hiệu quả việc học tập. 

 

Cô Oanh cho biết: "Thay vì dạy kiến thức như các đối tượng tách biệt và rời rạc, tôi đã kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Chẳng hạn như: trong Sinh học lớp 11, Chương III - Sinh trưởng và phát triển, Bài 35 - Hoocmon thực vật, tôi đã hướng dẫn học sinh nghiên cứu sử dụng axitsalicylic tạo dung dịch bảo quản hoa cúc kim cương hay trong Sinh học 10, Phần II - Sinh học Tế bào thì nghiên cứu một số chỉ tiêu dinh dưỡng trong hạt ngô tím nảy mầm với định hướng tạo sữa thực vật. Ngoài ra, tôi còn hướng dẫn học sinh vận dụng các kiến thức đã học để tạo các sản phẩm thực tiễn như: xà phòng, nước rửa tay diệt khuẩn, sữa chua, rượu nếp...”.

 

Từ năm học 2018 đến 2022, cô Oanh đã chủ động thiết kế, xây dựng 9 dự án giáo dục STEM. Trong mỗi bài học theo chủ đề STEM, cô Oanh đều đặt trước một tình huống có vấn đề thực tiễn cần giải quyết liên quan đến các kiến thức khoa học cho học sinh. 

 

Để giải quyết vấn đề đó, học sinh phải tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức thuộc các môn học có liên quan đến vấn đề (qua sách giáo khoa, học liệu, thiết bị thí nghiệm, thiết bị công nghệ) và sử dụng chúng để giải quyết vấn đề đặt ra. Qua đó, học sinh vừa học được kiến thức khoa học, vừa học được cách vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn. 

 

Em Lương Nguyễn Thùy Trâm - học sinh Lớp 11A6, Trường THPT Trần Nhật Duật chia sẻ: "Khác với cách học ghi chép truyền thống, chúng em có thể tự "vẽ” bài học theo cách hiểu của mình với nhiều màu sắc và hình ảnh khác nhau. Chỉ cần nhìn vào phần sản phẩm đã thiết kế, chúng em có thể nhớ được những phần trọng tâm của bài học. Trong quá trình thực hiện các dự án, chúng em cũng được cọ xát, tranh luận, bảo vệ ý kiến của bản thân cũng như tạo thói quen hợp tác với các thành viên trong nhóm”.

 

Quá trình học được cô Oanh thiết kế theo nhiều giai đoạn, tương ứng với mỗi giai đoạn học sinh đều phải trình bày ý tưởng, thiết kế và tạo sản phẩm cuối cùng. Nhờ đó, bên cạnh kiến thức khoa học, học sinh cũng được thấm dần các thói quen tư duy, nhìn nhận và đánh giá hiện tượng, sự kiện một cách logic. Từ đó, phát huy tối đa khả năng tư duy sáng tạo và ứng dụng các kiến thức khoa học vào cuộc sống. 

 

Thông qua các dự án dạy học STEM của cô Nguyễn Thị Oanh đã giúp học sinh hình thành một phong cách học tập sáng tạo với nhiều kỹ năng của một công dân toàn cầu như: giao tiếp, hợp tác, quản lý, điều hành, ra quyết định; đặt học sinh vào vai trò của một nhà phát minh, để hiểu bản chất của kiến thức, từ đó, việc tiếp nhận kiến thức sẽ không còn gò bó, ép buộc mà trở nên sinh động và thú vị hơn rất nhiều. Để lan tỏa phương pháp này, cô Oanh cũng chia sẻ các dự án này đến đồng nghiệp ở nhiều ngôi trường THPT trên toàn tỉnh và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cả giáo viên và học sinh.