• Loading...
 
Những sản phẩm, giải pháp thông minh và sáng tạo của sinh viên
Ngày xuất bản: 10/03/2020 12:00:00 SA
Lượt xem: 3875

Những sản phẩm, giải pháp thông minh và sáng tạo của sinh viên

 

1. Trà làm từ cỏ lúa mì “thương hiệu” sinh viên
Cỏ lúa mì - loài thực vật nghe có vẻ xa lạ với nhiều người Việt Nam, nhưng hai bạn sinh viên ĐH Nông lâm TP.HCM đã “biến lạ thành quen” với việc tự nghiên cứu, sản xuất trà từ cỏ lúa mì.



Trà làm từ cỏ lúa mạch của hai sinh viên ĐH Nông lâm TP.HCM. Ảnh: Hà Thế An. 

Trong một lần tìm tài liệu các nghiên cứu về thực vật, Tuấn nhận thấy nhiều bài báo khoa học đã chứng minh những chất dinh dưỡng có trong cỏ lúa mì rất tốt cho sức khỏe con người.

Các tài liệu mà Tuấn tìm hiểu đều chỉ ra, cỏ lúa mì có chứa khoảng 12 vitamin, 10 khoáng chất, 17 axit amin và hơn 100 enzym có lợi cho sức khỏe con người. Đặc biệt, cỏ lúa mì có điều trị rối loạn tiêu hóa, chống lão hóa da, hỗ trợ điều trị một số bệnh ung thư…

Tuy nhiên, cỏ lúa mì ở Việt Nam lại ít được biết đến và khai thác những giá trị dinh dưỡng. Chính điều đó đã thôi thúc hai sinh viên lên kế hoạch trồng, chăm sóc, thu hoạch và làm các sản phẩm từ cỏ lúa mì

Hiện nay, nhóm đã nghiên cứu và trồng thành công giống cỏ lúa mì theo phương pháp thủy canh với giống được nhập từ Mỹ. Toàn bộ quy trình chăm sóc đều được tự động hóa.

Tuấn cho biết, nghiên cứu áp dụng mô hình thủy canh để tiết kiệm chi phí về nguyên liệu trồng như giá thể, nhân công và quy trình xử lý chất thải. Bên cạnh đó, khi trồng bằng hình thức này, tỷ lệ nảy mầm cũng sẽ cao hơn và rút ngắn được thời gian trồng.

Cơ sở để nhóm thực hiện trồng bằng hình thức thủy canh là hiện trên thế giới đã có nơi trồng bằng hình thức không có giá thể. Lúc đó hai sinh viên nảy ra ý tưởng thử nghiệm trồng thủy canh.

Điều này phù hợp với đặc tính sinh học của lúa mì là loài ưa nước. Khi sử dụng phương pháp thủy canh, đến lúc thu hoạch cắt và thu phần lá thì có thể sử dụng phần hạt và rễ để nghiên cứu tạo ra sản phẩm khác như nước ép đóng chai, bột đắp mặt, hoặc trà…

“Bởi khi phát triển ở 15 - 20 cm thì thành phần chất dinh dưỡng trong hạt vẫn còn khoảng 40%. Chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng chất dinh dưỡng trong hạt để tiếp tục sử dụng làm nhiều sản phẩm khác nhau, gia tăng giá trị của cỏ lúa mì”- Tuấn chia sẻ.

Hiện tại Tuấn và Ngọc đã cho ra đời sản phẩm trà từ cỏ lúa mạch với quy trình thu hoạch, sấy, nghiền thành bột. Trà từ cỏ lúa mạch có thể sử dụng như một loại thức uống đặc biệt, với 100% từ cỏ lúa mạch và không hề có chất phụ gia nào khác.

Mỹ Ngọc, thành viên nhóm cho biết, lúc đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn vì khi trồng theo quy trình, những hạt không nảy mầm sẽ bị mốc do vi sinh vật tấn công. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng an toàn thực phẩm của cỏ lúa mì.

Sau nhiều lần nghiên cứu nhóm nhận ra đây cũng là một loại rau mầm. Nếu độ ẩm rau mầm trên 50% sẽ bị úng ngang thân và làm cho vi sinh vật phát triển. Chính vì vậy nhóm kết hợp các kỹ thuật công nghệ để có thể kiểm soát được độ ẩm bằng cách dùng quạt hút để giảm độ ẩm xuống.

“Quan trọng là cỏ lúa mì không phải lúc nào cũng bơm nước liên tục, mà phải bơm đúng thời điểm và đúng lượng nước cần thiết”- Ngọc nói.

Sản phẩm trà từ cỏ lúa mạch của hai bạn sinh viên đã được đóng gói và in logo với mong muốn sẽ sớm được thương mại hóa. Hiện nay, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ, ĐH nông lâm TP.HCM đang tích cực hỗ trợ để dự án có thể sớm ra thị trường.

2. Ra mắt mô hình thư viện điện tử phục vụ sinh viên

ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM (HUFI) vừa ra mắt thư viện theo mô hình thư viện điện tử kết nối với hệ thống e – learning gồm bài giảng, tài liệu, bài tập nhằm giúp sinh viên dễ dàng học tập và nghiên cứu trực tuyến.



Thư viện sẽ mang lại những trải nghiệm học tập, nghiên cứu tốt nhất cho sinh viên trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM. Ảnh: HUFI

Thư viện mới khánh thành chính thức hoạt động từ ngày 01 tháng 3 tại cơ sở chính của trường này trên đường Lê Trọng Tấn, Q. Tân Phú, TP.HCM với kinh phí đầu tư ước tính khoảng 20 tỉ đồng.

Thư viện có diện tích sàn khoảng 2000 mét vuông với 4 tầng, trong đó có hẳn một khu vực dành cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của sinh viên với khoảng 3000 đầu sách về lĩnh vực này. 7000 đầu sách khác thuộc về khoa học kỹ thuật, công nghệ, kinh tế.

Nhằm đáp ứng nhu cầu sinh viên, mô hình thư viện điện tử đang được vận hành và hoàn thiện, kết nối với hệ thống e – learing (giáo dục trực tuyến) để cùng xây dựng các bài giảng, tài liệu, bài tập nhằm giúp sinh viên học tập và nghiên cứu trực tuyến.

Ngoài ra, thư viện còn có hệ thống phần mềm quản lý việc mượn, trả sách tự động. Ngoài số lượng đầu sách, thư viện còn có không gian học tập chung, phòng thuyết trình, phòng nghiên cứu, phòng thảo luận nhóm, phòng xem phim, phòng hội thảo trực tuyến.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Phó hiệu trưởng phụ trách trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, mô hình thư viện của nhà trường sẽ đi theo hướng thư viện điện tử để đáp ứng tốt nhât nhu cầu tiếp cận kiến thức của sinh viên trong thời đại công nghệ số.

“Hiện tại thư viện của chúng tôi có thể phục vụ tối đa 1000 sinh viên cùng lúc và sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng để phục vụ các bán sinh viên”- PGS.TS Ngyễn Xuân Hoàn nói.

3. Du lịch lênh đênh sông nước với homestay di động "5 sao"

Mô hình homestay được thiết kế tận dụng không gian trống trên các ghe chở hàng cỡ lớn với thiết kế “5 sao” đầy đủ tiện nghi hiện đại.

Nguồn: tainangviet.vn



Trần Thị Trúc Xinh với áp phích mô hình thiết kế ghe homestay phục vụ du lịch đường sông tại cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2018. Ảnh: NVCC.

Đây là những chức năng nổi bật của ý tưởng về mô hình ghe homestay phục vụ du lịch đường sông tại TP.HCM do Trần Thị Trúc Xinh, sinh viên năm 2 khoa kiến trúc, ĐH Văn Lang nghiên cứu.

Nhiều lần về các vùng quê Tây Nam Bộ, Xinh nhận thấy các ghe chở hàng truyền thống của người dân thường có khoảng trống lên tới 50% không gian toàn bộ ghe khi không chở hàng. Từ đó, cô bạn này nghĩ đến, tại sao không tận dụng khoảng trống này để làm du lịch theo mô hình homestay.

Để nắm bắt nhu cầu người dân, Xinh tiến hành khảo sát khoảng 50 hộ dân sống trên ghe và nhận được kết quả phản hồi khá tích cực. Có đến 87% chủ ghe cảm thấy ý tưởng mô hình homestay mang lại hiệu quả kinh tế và sẵn lòng hợp tác để ứng dụng mô hình này vào thực tế.

Xinh cho biết, mô hình này vừa có thể tận dụng không gian trống trên ghe khi chở hàng vừa có thể tăng thêm thu nhập cho người dân đồng bằng sông Cửu Long, tạo ra một mô hình du lịch khá mới lạ, giúp khách du lịch có thể trải nghiệm cuộc sống của người bản xứ và tìm hiểu nhiều nét văn hóa đặc trưng của vùng.

Từ những ý tưởng đó, Xinh đã lên kế hoạch biến chiếc ghe thành mô hình “ngôi nhà di động” được biến hóa linh hoạt để trở thành không gian chở khách du lịch.

“Đó sẽ là sản phẩm du lịch mới, trên nền tảng sẵn có của địa phương nhưng được thiết kế lại để phù hợp với nhu cầu sử dụng mới, giúp phát triển ngành du lịch ở TP.HCM cũng như các tỉnh miền Tây Nam Bộ”- Xinh hào hứng nói.

Theo đó, ý tưởng của Xinh giữ lại vóc dáng truyền thống của chiếc ghe chài bao gồm bộ khung và hình dáng nguyên thủy. Ghe sẽ được thay thế các vật liệu bao che và đồ nội thất. Tre sẽ làm vật liệu vỏ bao che, gỗ cây sao dùng làm khung và đế ghe. Ghe cũng được trang bị một số đồ nội thất như một căn nhà di động.

Mỗi căn nhà sẽ có kích thước dài x rộng = 18m x 3,5m, khối lượng vận chuyển 17 tấn, sức chứa 10 người (7 du khách). Theo đó, các giải pháp kỹ thuật được đưa ra là sử dụng nội thất thông minh, vỏ bao che linh hoạt, nhà vệ sinh sinh thái, tấm pin mặt trời và tái chế nước mưa làm nước sinh hoạt bằng việc sử dụng thiết bị lọc nước mưa bằng than hoạt tính.

Sau khi hoàn thiện phần kỹ thuật, Xinh nghĩ đến xây dựng mô hình kinh doanh cho dự án Homestay của mình theo hình thức kinh tế chia sẻ đang phát triển nở rộ tại Việt Nam. Với mô hình ghe này, thương lái và du khách sẽ được tương tác với nhau thông qua một phần mềm quản lý.

Khi nào ghe trống, chủ ghe có thời gian rỗi thì có thể nhận chở khách du lịch. Đối với du khách thì có thể trực tiếp đặt ghe một cách nhanh chóng khi có nhu cầu muốn “quá giang”.

“Việc tận dụng thời cơ này vào mô hình ghe Homestay sẽ mang về nhiều những nguồn lợi cho ngành du lịch Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng”- Xinh tự tin nói.

Hiện, dự án của Xinh mới chỉ dừng lại ở thiết kế trên bản vẽ và cô bạn này mong muốn có các doanh nghiệp đầu tư để mô hình Homestay có thể được thử nghiệm, đánh giá kết quả và ứng dụng vào thực tế.

Với những lợi thế và tiềm năng ứng dụng, đề tài của Trần Thị Trúc Xinh đã đạt giải Khuyến khích giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka do Thành đoàn TP.HCM tổ chức năm 2018.

4. Hai sinh viên muốn “xe đạp hóa” một số tuyến đường tại TP.HCM

Trước tiên, nhóm muốn xe đạp được sử dụng phổ biến hơn cho mục đích du lịch tại một số tuyến phố của TP.HCM với dự án Bike – Sharing.

Dự án thiết thực này là của Vũ Hoàng Việt và Vũ Thị Hương Trang, cùng là sinh viên khoa quy hoạch, ĐH kiến trúc TP.HCM. Nhóm sinh viên xây dựng dự án này trước đề xuất của Sở GTVT TP.HCM về việc cấm xe máy vào nội thành thành phố vào năm 2030.



Phố đi bộ Bùi Viện được nhóm đề xuất trở thành trạm trung chuyển xe đạp cho các tuyến du lịch bằng phương tiện này ở TP.HCM. Ảnh: NVCC.

Tạo dựng văn hóa xe đạp từ…người nước ngoài

Phố đi bộ  Bùi Viện (Q.1, TP.HCM), với không khí cuộc sống phố phường phương Đông nhộn nhịp xen lẫn văn hóa ẩm thực đa dạng mà ở các nước châu Âu – Mỹ không có, đã thu hút được lượng lớn khách du khách nước ngoài đến.

Vũ Hoàng Việt, thành viên nhóm cho rằng, điều này cho thấy việc phát triển giao thông công công giúp tăng sự hấp dẫn cho Bùi Viện là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, hiện trạng hiện nay hệ thống xe buýt chưa hấp dẫn, BRT (xe buýt nhanh), xe điện cũng như đường sắt thành phố chưa phát triển.

Trong tương lai TP.HCM sẽ áp dụng đề án về việc dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030. Đề án này nhằm kiểm soát xe cá nhân, giải quyết các vấn đề giao thông hiện tại như ùn tắc kéo dài, thiếu bãi gửi xe, đặc biệt giảm lượng khí thải của phương tiện cá nhân.

“Chính vì vậy, nghiên cứu áp dụng mô hình Bike-sharing cho tuyến phố Bùi Viện là hết sức cần thiết, tạo tiền đề cho áp dụng rộng rãi sau này”- Việt chia sẻ.

Nhóm tiến hành khảo sát người dân trong khu vực, đặc biệt là người nước ngoài (khách du lịch, người đi làm). Đa số họ mong muốn có một phương tiện giao thông tiện lợi và có lợi cho sức khỏe là xe đạp (ở đất nước họ sử dụng hằng ngày) để di chuyển những quãng đường ngắn.

Ví dụ như trạm giao thông công cộng đến nơi làm việc hoặc dùng để di chuyển tham quan trong thành phố, nơi mà đường xá nhỏ hẹp.

Từ nhu cầu đó, nhóm muốn tạo dựng một loại hình xe công cộng mới có thể giúp cho TP.HCM văn minh, hiện đại giống như các thành phố lớn trên thế giới như Thượng Hải, Singapore,.. Đây là những thành phố xe đạp công cộng mới phát triển rất nhanh, thân thiện với môi trường hơn cũng quảng bá hình ảnh đậm chất Sài Gòn xưa.

Đề tài của nhóm đề xuất ở phố Bùi Viện bởi lý do khu vực này đây tập trung rất nhiều người nước ngoài tới tham quan cũng như lưu trú tại các khách sạn gần đây. Việc đặt trạm xe đạp tại đây giúp họ dễ dàng tiếp cận với loại giao thông công cộng thân quen đối với họ nhưng chưa phố biến rộng.

Mặt khác, vị trí phố đi bộ Bùi Viện nằm ở trung tâm thành phố, khoảng cách đi đến những điểm tham quan du lịch nổi tiếng của thành phố, thích hợp cho việc sử dụng xe đạp.

Du lịch nội thành bằng xe đạp

Theo đó, nhóm sẽ quy hoạch phố đi bộ Bùi Viện thành một trạm trung chuyển chính của hệ thống xe đạp công cộng Bike – Sharing. Hệ thống các trạm xe đạp sẽ được sử dụng ở khu vực này. Trước mắt nhóm sẽ thiết lập các tuyến giao thông bằng xe đạp với mục đích du lịch đến các địa điểm như phố đi bộ Nguyễn Huệ, bưu điện TP.HCM, nhà thờ Đức Bà,…

“Các tuyến này đều có một phần đường phù hợp để đi xe đạp nên nhóm đề xuất phát triển hệ thống đường xá phục vụ cho dự án. Ngoài ra, nhóm cũng sẽ xây dựng các ứng dụng di động nhằm quản lý việc sử dụng xe đạp để người dân có trải nghiệm tốt hơn khi di chuyển trên các tuyến du lịch”- Việt chia sẻ.



Hai thành viên nhóm muốn xây dựng TP.HCM thành một thành phố với nhiều xe đạp hơn. Ảnh: NVCC.

Mục tiêu hiện tại của nhóm là phố biến loại hình di chuyển xe đạp này với người nước ngoài giúp họ di chuyển đến những điểm du lịch và điểm làm việc của họ một cách dễ dàng hơn. Như cách mà họ sử dụng xe đạp ở đất nước của họ, tránh phụ thuộc vào cách dịch vụ vận chuyển công nghệ hay phải tìm mua một chiếc xe máy và rất khó để làm quen.

Việc thay đổi thói quen từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng xe đạp cần một quá trình dài. Nhóm đề xuất sử dụng chính hình ảnh người nước ngoài sử dụng xe đạp di chuyển tại những điểm du lịch của thành phố, từ đó tạo một xu hướng mới cho giới trẻ Việt Nam.

Trong quá trình nghiên cứu, việc nghiên cứu vị trí đặt trạm của nhóm có một số khó khăn. Việc đặt trạm tại trước một khách sạn, nhóm phải xin phép và giải thích về mô hình cũng như mục đích của đề tài cho chủ khách sạn (một người trung niên) hiểu rõ và chấp nhận.

Dự định của nhóm là sẽ có một nghiên cứu về tuyến đường, thiết kế đô thị, phân chia không gian vỉa hè, cảnh quan, biển hiệu… nhằm phục vụ cho việc di chuyển bằng xe đạp nhằm bổ sung thêm tính khả thi cho dự án..

Hiện tại, sau khi tham gia giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka, đề tài của nhóm đã được Sở Du lịch TP.HCM tiếp nhận để ứng dụng.

“Nhóm mong đề tài được nghiên cứu thêm và sớm đưa vào thực tiễn”- Vũ Thị Hương Trang, thành viên nhóm chia sẻ.

Đông Trần tổng hợp (nguồn: Khampha.vn)