• Loading...
 
Những sáng chế vô cùng hữu ích cho Nhà nông
Ngày xuất bản: 01/05/2019 12:00:00 SA
Lượt xem: 4054

 Những sáng chế vô cùng hữu ích cho Nhà nông

1. “Nhà sáng chế” chân đất Đặng Ngọc Tiến
Từ những chiếc xe máy cà tàng bỏ đi và một vài vật dụng khác, anh Đặng Ngọc Tiến (SN 1987, ở thôn Phú Hội, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An) đã sáng chế ra chiếc máy cày đa năng, thay thế việc cày bừa bằng trâu bò và sức người cho hàng chục hộ nông dân ở địa phương.





Cái khó không bó cái khôn

Xuất thân trong một gia đình nghèo ở xã An Ninh Đông, năm 2006, sau khi tốt nghiệp THPT, Đặng Ngọc Tiến phải nghỉ học để đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, cuộc sống làm thuê bấp bênh, anh nhiều lần thất nghiệp. Từ đó, anh quyết định theo anh rể học nghề cơ khí tại thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An).
Qua 5 năm trau dồi, tay nghề ngày càng vững, Tiến quyết định vay mượn tiền người thân đầu tư mua máy tiện, máy hàn… mở tiệm cơ khí làm tại nhà. Từ lúc mở tiệm, nhiều hộ dân có tàu thuyền đánh bắt ở xã An Ninh Đông đến nhờ làm lại máy tàu, có người nhờ tiện, mài cốt máy thủy, có người nhờ ép dên, xoáy xi lanh…
Nhờ làm tốt nên Tiến ngày càng có uy tín, tiếng lành đồn xa, không chỉ người dân trong xã mà nhiều ngư dân có tàu thuyền đánh bắt ở nơi khác cũng tìm đến, Tiến “kéo” luôn anh rể là người thầy của mình về làm chung cho tới nay.
Đến năm 2017, Tiến tự mình sáng chế ra chiếc máy cày đất từ động cơ xe máy cũ. Tiến thổ lộ, trong một lần tình cờ xem ti vi về chương trình nhà nông tại một tỉnh ở Tây Bắc, thấy người dân dùng máy cày đất được chế tạo từ động cơ xe máy, anh nảy sinh ý tưởng, tìm tòi nghiên cứu chế tạo chiếc máy cày một lưỡi, vừa cày vừa bừa thay cho cày, bừa bằng trâu bò.
Tiến mua một chiếc xe máy cũ, tháo bộ khung sườn bán phế liệu, còn phần động cơ anh mang đến tiệm sửa xe làm lại máy để động cơ mạnh lên. Tiếp đó, Tiến mua sắt V5 về thiết kế khung sườn và mua nhông xe ba gác độ lại làm nhông máy cày, rồi lấy sắt la 5, dày 5 ly gò lại làm vòng tròn bánh lồng. Trục bánh lồng được làm bằng thép Φ32 đặc; tay cầm điều khiển làm bằng ống thép Φ34 độ lại…
Sau khi hoàn thành các bộ phận của chiếc máy cày, Tiến độ dây ga bằng một cần lắc để người cày “bỏ số” đơn giản và dễ điều chỉnh tốc độ. “Qua hơn 1 tháng nghiên cứu, lắp ráp, tôi đã hoàn thành chiếc máy cày đầu tiên và cho cày thử rất hữu dụng.
Còn hiện tại, để hoàn thành một chiếc máy cày bằng động cơ xe máy, tôi chỉ cần khoảng 6 ngày. Mỗi chiếc được bán với giá 7-7,8 triệu đồng, tùy thuộc vào yêu cầu thiết kế của người dân. Đến nay, tôi đã cung cấp cho bà con 12 chiếc; nhiều nông dân trong huyện tiếp tục đến đặt hàng theo yêu cầu”, Tiến cho biết.
Nhiều đơn đặt hàng

Mới đây, vào một buổi chiều muộn, chúng tôi theo chân nông dân Phạm Ngọc Anh (SN 1954, thôn Phú Hạnh, xã An Ninh Đông) lên núi Động Sặc để tận mắt xem ông cày 4 sào đất lúa ăn nước trời để gieo đậu xanh. Vượt qua một quãng đường dốc từ nhà ông Anh đến thửa ruộng khoảng 15 phút, hai bên là tường rào bằng đá thẳng tắp.
Như đọc được ý nghĩ của tôi, ông Anh cho biết, khu vực Động Sặc đá rất nhiều, nhưng mỗi viên đá không lớn, chỉ bằng đầu người trở lại. Để có đất canh tác, hơn 30 năm trước, người dân trong làng chất đá lại thành bờ, vừa tạo ranh giới giữa đám này với đám kia, vừa có đất canh tác. Thậm chí có người còn xếp đá làm chuồng bò. Khi đến thửa ruộng của gia đình, ông Anh liền vào bụi cây bên bìa núi dắt chiếc máy cày ra, khởi động, rồi bắt đầu cày.




Vì đã gần thất thập nên cày khoảng 30 phút thì ông Anh cho dừng máy, tạm nghỉ lấy lại sức. Chúng tôi cùng lão nông dân này ngồi tựa vào bìa rừng với gió nồm mát rượi. Hớp một ngụm nước trà, ông Anh chia sẻ:
“Tại khu vực Động Sặc này, nhà tôi có 15 sào đất thổ. Trước đây để làm đất, tôi phải nuôi hai con bò đực, giống bò dùng để kéo cộ mới cày nổi. Vì đất ở đây pha lẫn với đá dăm nên cày rất nặng, nếu chỉ một con bò thì không cày nổi. Vả lại cày bằng bò rất tốn kém và mất nhiều thời gian nên cuối năm 2017, tôi quyết định đặt chú Tiến làm cho tôi chiếc máy cày với giá 7,2 triệu đồng”.
Theo ông Anh, nếu như trước đây, để cày 4 sào đất tại Động Sặc, ông mất 3 ngày thì nay cày bằng máy chỉ mất 6 giờ đồng hồ. Những người không có bò phải thuê người khác cày thì mỗi ngày phải trả 400.000-500.000 đồng, tùy vào thời điểm. Trong khi đó, cày máy ít tốn kém, mỗi sào chỉ tốn 1,2 lít xăng. Còn cày trở hay cày đất nhẹ, 8 sào chỉ tốn 5 lít xăng.
Là người đặt mua chiếc máy cày đầu tiên do anh Tiến chế tạo, ông Nguyễn Văn Chiên (còn gọi là Tám Chiên) ở Phú Hạnh cho biết: “Sở dĩ, tôi mạnh dạn mua chiếc máy cày này là vì khi Tiến chế tạo xong và đem cày thử, tôi thấy rất hiệu quả.
Với lại, Tiến cũng cam kết bảo hành một năm. Trong ba năm qua, nhờ chiếc máy cày này mà gần 6.000m2 đất thổ và đất rẫy của gia đình tôi không phải cày bò. Dù đất ở đây rất nặng, nhưng chiếc máy cày của gia đình chưa biết hư là gì.
Trước đây, tôi phải nuôi hai con bò đực to, hàng ngày chăm lo đủ thứ. Còn bây giờ nuôi bò đủ thịt, tôi bán được vài chục triệu đồng/con mỗi năm; tiết kiệm, dành dụm được một số tiền đáng kể”.
Thấy được lợi ích thiết thực của chiếc máy cày do Tiến chế tạo và giá thành phù hợp với túi tiền, nhiều người dân ở huyện Tuy An đã đến cơ sở của Tiến đặt hàng, mua về cày, giải phóng sức kéo của trâu, bò.
Cán bộ Đoàn năng động
Không chỉ đam mê sáng chế, Đặng Ngọc Tiến còn chú trọng đến phát triển kinh tế gia đình. Để tăng thêm thu nhập, tháng 7 năm ngoái, Tiến bàn với vợ đầu tư 200 triệu đồng mua 20 lồng, 3.000 con tôm hùm giống thả nuôi tại xã Xuân Phương (TX Sông Cầu). Hàng ngày, Tiến tranh thủ thời gian chở thức ăn ra cho tôm và thuê thêm người trông coi.
Tiến cho biết: “Tôi học cách nuôi tôm hùm từ rất nhiều nơi, nhất là các anh chị có nhiều kinh nghiệm. Nhờ vậy, số lượng tôm hùm thả nuôi của gia đình tôi đang phát triển tốt, dự kiến khoảng 3 tháng nữa là có thể xuất bán”.
Ngoài ra, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội LHTN xã An Ninh Đông kiêm Bí thư Chi đoàn thôn Phú Hội, Đặng Ngọc Tiến luôn đi đầu trong các phong trào do Xã đoàn và Hội LHTN xã tổ chức, phát động. Theo Tiến, làm công tác Đoàn ở cơ sở khó khăn nhất là đoàn kết tập hợp thanh niên.
Vì thanh niên địa phương thường đi làm ăn xa; thanh niên ở nhà thì nhiều người không muốn tham gia tổ chức Đoàn, Hội. Để “kéo” thanh niên vào tổ chức Đoàn, Hội, trong sinh hoạt tháng, quý…, Tiến thường xuyên đổi mới các hoạt động, làm cho các buổi sinh hoạt Đoàn sinh động. Nhờ vậy, mỗi hoạt động do Xã đoàn tổ chức hoặc giao chỉ tiêu, Chi đoàn thôn Phú Hội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giao.
Bí thư Xã đoàn An Ninh Đông Nguyễn Thành Đồng nói: “Đặng Ngọc Tiến là một cán bộ Đoàn năng động. Là Bí thư Chi đoàn thôn Phú Hội, anh đã có những đổi mới trong công tác sinh hoạt Đoàn và thực hiện tốt công tác đoàn kết, tập hợp nên ngày càng có nhiều thanh niên trong thôn tham gia tổ chức Đoàn.
Ngoài ra, Tiến còn tiên phong làm ăn phát triển kinh tế gia đình, là tấm gương tiêu biểu để thanh niên trong xã noi gương. Nhiều năm liền, Tiến được Xã đoàn, Đảng ủy xã và Huyện đoàn Tuy An tặng giấy khen”.

Nhà nông đam mê sáng chế máy “5 trong 1”

Với kinh nghiệm thực tế trong nhiều năm trồng điều, cao su và sau một thời gian “học lỏm” nghề cơ khí từ bạn bè, anh em, nhà nông Nguyễn Văn Lĩnh (40 tuổi, phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài) đã sáng chế ra máy phun xịt “5 trong 1” với nhiều chức năng hữu ích, góp phần giảm sức lao động.



Từ nhu cầu thực tiễn
Sinh ra và lớn lên tại Bình Phước, từ nhỏ anh Lĩnh đã quen thuộc với các loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh. Với hơn 10 ha trồng điều, cao su của gia đình, hằng năm phải thuê hàng chục nhân công từ cạo mủ cao su, lượm điều, phun thuốc, bón phân, thổi lá... tốn nhiều chi phí sản xuất. Hơn nữa, việc thiếu nhân công thường xuyên xảy ra.
Anh Lĩnh luôn trăn trở với suy nghĩ phải làm gì để chuyển từ lao động chân tay sang cơ giới hóa, vừa giúp nông dân cắt giảm chi phí, tăng năng suất, hiệu quả vừa tiết kiệm thời gian.
Với kinh nghiệm từng làm thợ cơ khí, năm 2013, nhận thấy đặc điểm chung của cây điều, cao su đều được trồng với khoảng cách khá rộng, anh đã mua các bộ phận riêng lẻ của các loại máy nông nghiệp như máy phát, ống sắt, quạt gió, dây điện... về tự mày mò, lắp ráp thành máy 2 chức năng với quyết tâm cơ giới hóa thay sức người.
Sau thời gian vừa làm vừa rút kinh nghiệm, với nhiều lần thất bại, nhiều đêm không ngủ, anh nảy ra ý tưởng liền bật dậy để ứng dụng luôn. Bằng sự kiên trì của mình, sản phẩm máy phun “2 trong 1” đầu tiên của anh đã ra đời với 2 chức năng là phun thuốc cỏ và phun cao (phun trừ sâu trên cây cao su, điều).
Sản phẩm của anh từng bước được tối ưu hóa bằng những nút xoay, cần gạt điều khiển đặt phía trước xe cạnh ghế ngồi. Chỉ cần thao tác đơn giản là anh có thể điều chỉnh được độ cao, độ mạnh, lượng thuốc, nước khi phun mà chất lượng, năng suất cao gấp nhiều lần so với cách làm thông thường.
Ông Lê Viết Đức, khu phố Tân Tiến, phường Tân Xuân (Đồng Xoài) cho biết: “Gia đình tôi có hơn 20 ha điều, cao su, thường phun thuốc trừ sâu phải mất 2-3 tiếng đồng hồ mới xong 1 ha dù dùng bằng các loại máy phun thông thường cũng 1 bồn 1.000 lít cùng với thuốc và tiền công hết khoảng 1,2-1,4 triệu đồng/ha tùy loại thuốc.
Nhưng máy cũng chỉ phun được lớp lá dưới của cây do lực phun không mạnh. Tuy nhiên, khi sử dụng máy anh Lĩnh sáng chế thì 1 bồn 1.000 lít cùng với lượng thuốc đó nhưng có thể phun đến 2 thậm chí 3 ha và chất lượng cao hơn.
Lưu lượng thuốc được phun lên cây hấp thụ triệt để tránh lãng phí. Cùng với đó, thuốc phun cũng có thể tiếp xúc cả 2 mặt lá mà chi phí nhân công, thuốc, nước giảm một nửa so với cách làm hiện nay”.
Chiếc máy “2 trong 1” của anh Lĩnh nhanh chóng được các hộ dân ở ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú (nơi có vườn rẫy của gia đình anh Lĩnh) tin dùng.
Bình quân thời điểm 2014-2016, chiếc máy của anh phục vụ được từ 500-800 ha. Đây là động lực giúp anh tiếp tục sáng chế thêm những tính năng mới trên cùng một máy của mình.
Đến máy phun “5 trong 1”
Song song với việc đưa máy phun “2 trong 1” sử dụng phục vụ nông dân trong vùng, anh Lĩnh tiếp tục nghiên cứu, thiết kế, sáng chế ra chiếc máy thứ 2 được lắp đặt trên chiếc xe tải để tối ưu hóa hoạt động. Anh Lĩnh chia sẻ:
“Sau khi thành công với chiếc máy 2 trong 1, tôi tiếp tục thiết kế, sáng chế ra các chức năng khác và hiện chiếc xe đã có đến 5 chức năng như phun cao (phun thuốc trừ sâu, thuốc cỏ, thổi lá, xông khói, làm điện áp trị sâu đục thân). Những chức năng này phục vụ chủ yếu cây cao su và điều, đưa vào sử dụng được nhiều nông dân đón nhận”.
Anh Trần Quốc Tuấn, ấp Thuận Phú, huyện Đồng Phú, có gần 10 ha cao su và điều cho biết, đã sử dụng chiếc máy của anh Lĩnh hơn 3 năm nay. “Mới đầu còn lo lắng do lượng thuốc, lượng nước ít hơn hẳn các cách phun hiện nay, nhưng qua 1 năm sử dụng tôi thấy hiệu quả khác biệt.
Không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí vài triệu đồng mỗi năm mà chiếc máy “5 trong 1” còn có hiệu quả cao khi tầm phun xa và mạnh hơn rất nhiều, có thể sử dụng cả ở khu vực có độ dốc”.
Anh Lĩnh cho biết, hiện nay với ứng dụng phun cao su, chiếc máy này trong 1 giờ có thể phun được 3 ha điều hoặc cao su. Việc phun dạng phun sương không chỉ giúp người dân tiết kiệm nước, thuốc mà còn bảo vệ môi trường và sức khỏe con người hơn so với các loại máy khác. Trung bình 1 năm, chiếc máy của anh Lĩnh phục vụ hơn 1.000 ha điều, cao su...
Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng cho biết: Ấp Pa Pếch hiện có hơn 200 hộ dân sinh sống với khoảng 700 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó không ít diện tích đất của người dân Đồng Xoài vào mua để thâm canh, sản xuất với các loại cây chủ yếu là điều, cao su và cà phê, hồ tiêu.
Khoảng 4 năm trở lại đây, chiếc máy phun “2 trong 1”, rồi mới đây là máy “5 trong 1” của anh Lĩnh đã dần quen thuộc và được nhiều nông dân sử dụng, đánh giá cao. Tuy nhiên, với diện tích lớn, chỉ với 1 chiếc máy cũng không thể đáp ứng nhu cầu của người dân trong những lúc cao điểm”.
Anh Lĩnh cho biết, hiện các chức năng của máy cơ bản hoàn thiện. Từ hiệu quả kinh tế mang lại từ chiếc máy “5 trong 1”, anh đã đầu tư mua thêm các loại máy móc để tiếp tục sáng chế thêm 1 máy bón phân tự động cũng như làm mới thêm từ 2-4 máy phun “5 trong 1” để đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân.
Hiện nay, máy phun “5 trong 1” do anh Lĩnh sáng chế đã có không ít doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến hợp tác để thương mại hóa.
Tuy nhiên, điều anh lo lắng là các doanh nghiệp đến đặt vấn đề đều yêu cầu phải có đội ngũ kỹ sư cùng giám sát trong quá trình thực hiện. Bởi anh trăn trở khi sản phẩm chưa được đăng ký bản quyền, sáng chế và cũng chưa có một bản vẽ cụ thể.

U60 Sơn La sáng chế máy tách vỏ cà phê, ai cũng mê
Máy tách vỏ cà phê hiện đại, có thể xát được 8 tấn quả/tiếng với lượng nước sử dụng cực ít, lại có giá bán khá rẻ khiến hàng ngàn hộ dân trồng cà phê ai cũng mê. Điều đặc biệt, chủ nhân sáng chế ra chiếc máy ấy đã gần 60 tuổi và là một người con của vùng đất cà phê tại xã Hua La, TP.Sơn La, tỉnh Sơn La.



Quê hương của ông Thao, xã Hua La là vùng trồng cà phê có tiếng của tỉnh Sơn La. Chính sự vất vả của gia đình và bà con làng xóm trong việc sơ chế cà phê đã thôi thúc ông sáng chế ra máy bóc vỏ cà phê tiện lợi.


Sinh năm 1962 tại bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La (TP.Sơn La), ông Nguyễn Xuân Thao đã sớm cảm nhận được nỗi khổ của người dân ở nơi vùng cao đèo dốc này khi cuộc sống chỉ dựa vào nương rẫy, làm quần quật quanh năm mà vẫn bị cái đói, cái nghèo đeo bám.
Vì có sở thích hay "tò mò, táy máy" với các loại máy móc và muốn có cuộc sống tốt hơn thoát ly khỏi vùng đất cằn,  ông đã theo học lớp cơ khí chế tạo và đến năm 1996 thì ông vào miền Nam làm việc cho một công ty chuyên sản xuất máy xát gạo.
Ở miền Nam, ông Thao say sưa làm việc, chế tạo ra hàng trăm chiếc máy xát, kiếm được thu nhập cao.. Nhưng cuộc sống phồn hoa nơi đô thị và cả những tiếng búa, tiếng máy cưa hàng ngày cũng không làm mờ đi nỗi nhớ quê hương luôn đau đáu trong ông.
“Mỗi lần về thăm quê tôi lại thấy thương bà con lắm. Cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào cà phê. Những nương cà phê xanh mướt được họ dày công chăm sóc nhưng lúc bán quả lại bị ép giá. Một số tư thương còn lợi dụng bán máy móc nông nghiệp với giá cao càng khiến cuộc sống của họ khốn khổ hơn.” ông Thao chia sẻ.
Những hình ảnh cả gia đình ngày, đêm còng lưng xát vỏ cà phê và cả câu chuyện người dân phải mua máy móc sản xuất với giá cao luôn hiện trong đầu ông, khiến ông suy nghĩ mình cần phải làm điều gì đó giúp đỡ cho bà con. Và rồi ông Thao quyết định trở về quê hương lập nghiệp sau gần 10 năm bôn ba nơi xứ người. 
“Năm 2006 tôi về Sơn La quyết tâm làm giàu từ vườn cà phê mà bố mẹ tôi để lại và trong đầu tôi luôn nghĩ là phải làm sao tìm chiếc máy tách vỏ cà phê tiện dụng, có giá rẻ để cho những người trồng cà phê đỡ khổ. “ ông Thao bộc bạch.

Nghĩ  là làm, ông Thao lại khăn gói vào Lâm Đồng, Nha Trang để tìm hiểu về loại máy xát vỏ được nhập từ nước ngoài về nhưng vì đó là loại máy dành cho các doanh nghiệp lớn với công suất và giá bán rất cao nên không phù hợp cho các hộ dân ở Sơn La. Với kiến thức và kinh nghiệm có được khi làm nghề chế tạo máy xát gạo ở miền Nam, ông Thao nghĩ ngay đến việc tự chế ra chiếc máy bóc vỏ cà phê phù hợp với hộ gia đình.




Sau nhiều năm nghiên cứu, ông Thao đã chế tạo ra chiếc máy bóc vỏ cà phê liên hoàn với những tính năng vượt trội.


Ông đi khắp nơi xin các loại máy bóc vỏ đã bị cũ, hỏng  rồi về tháo ra, tìm hiểu cơ chế hoạt động của nó. Đến năm 2007, ông Thao đã nghiên cứu, chế tạo ra chiếc máy bóc, tách vỏ cà phê đầu tiên với công suất 2-3 tấn/giờ và giá bán rẻ hơn nhiều so với những chiếc máy mà bà con mua trước đó. Chiếc máy này giúp bà con giải phóng sức lao động nhưng vẫn còn một số điểm hạn chế khiến ông Thao vẫn còn trăn trở.
Thu “quả ngọt” ở tuổi 60
Ông Thao không ngừng học hỏi, nghiên cứu để cải tiến chiếc máy bóc, tách vỏ cà phê cho hoàn thiện hơn. Và quả thật, trời đã không phụ lòng người khi vào năm 2016, ông Thao “trình làng” chiếc máy bóc tách vỏ cà phê liên hoàn làm bằng thép tấm, thép hình V5 với những chức năng vượt trội.
Ông Thao chỉ vào chiếc máy mới coong, còn vương mùi sơn rồi giới thiệu: “Chiếc máy này gồm 7 bộ phận: Vít tải cà phê, thùng rửa quả, thùng chứa nước, cối tách vỏ cà phê tươi, quạt gió, sàng phân loại, vít đãi hạt cà phê.”
Theo ông Thao chiếc máy xát, tách vỏ cà phê này sẽ tự động làm hết mọi việc mà không cần con người phải bỏ sức lao động. Những quả cà phê sẽ được vít tải lên  và cho vào thùng rửa sạch, loại bỏ sạn, đá rồi được chuyển qua sàng để tách nước. Số nước này sẽ được gom vào thùng sau đó được bơm vào thùng chứa nước ban đầu để tái sử dụng rửa quả.
Cà phê sau khi tách nước sẽ được cho vào cối để tách vỏ, đầu ra của cối có quạt gió phân tách vỏ quả và hạt. Hạt cà phê được tách vỏ sẽ được đưa vào sàng phân loại. Những hạt cà phê đạt tiêu chuẩn sẽ được vít đãi rửa quả đặt chìm trong nước hoặc phun ra từ ống lõi để rửa, tách nhớt trước khi đưa ra sân phơi.



Từng bộ phận của máy được đánh số để thuận tiện cho việc hướng dẫn sử dụng cho bà con.



‘Chiếc máy này được cải tiến trên cơ sở chiếc máy cũ tôi chế tạo năm 2007 nên sẽ có nhiều ưu điểm hơn. Cùng một lúc nó có thể giúp người nông dân vừa bóc tách vỏ cà phê tươi, vừa sàng lọc, phân loại chất lượng cà phê giúp giảm chi phí nhân công, hạn chế lượng nước thải ra môi trường.” ông Thao phấn khởi chia sẻ

Với việc cải tiến 1 số chi tiết, chiếc máy bóc tách vỏ cà phê liên hoàn của ông Thao có thể bóc, tách được 9 tấn quả/ tiếng, hiệu quả gấp 3 lần so với máy cũ. Đặc biệt, trong quá trình hoạt động máy chỉ sử dụng một lượng nước khá ít, khoảng 0.9  m3/tấn trong khi các máy trên thị trường “ngốn” hết khoảng 2 m3/tấn. Điều này không những tiết kiệm nguồn nước mà còn làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải từ rửa quả cà phê.

Những chiếc máy bóc vỏ cà phê liên hoàn đầu tiên được ông Thao thử nghiệm cho gia đình mình, sau khi nhận thấy hiệu quả rõ rệt mà nó mang lại thì ông mới sản xuất và bán cho các nông hộ quanh vùng.




Những hạt cà phê Sơn La cho hương vị thơm ngon, đậm đà một phần cũng nhờ có quá trình bóc, tách vỏ cà phê nhanh chóng, hiện đại, không làm biến đổi mùi vị của cà phê.
Bà con mua máy này được ông Thao bảo dưỡng, sửa chữa miễn phí, giá tiền cũng hợp lý so với thị trường.  Ở tuổi xấp xỉ 60, ông Thao vẫn không ngần ngại đi đến từng nhà dân để hướng dẫn cách sử dụng và sửa chữa máy dù ngày nắng hay mưa nên bà con trong vùng ai cũng yêu quý ông.  
Tiếng lành đồn xa, giờ đây máy bóc vỏ cà phê liên hoàn của ông Thao đã được bán ở các nơi như Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, với mức giá từ 40 – 50 triệu đồng/ máy.
Năm 2017, máy bóc tách vỏ cà phê do ông Thao chế tạo đã được UBND tỉnh Sơn La cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đồng thời chiếc máy này cũng đang được tỉnh nhà lựa chọn tham dự sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp Trung ương năm 2019.

Thùng trồng cây của nhà sáng chế chân đất
Ông Nguyễn Quang Ngọc (51 tuổi) ở Đắk Lắk, đã có hơn 20 bằng sáng chế độc quyền được chứng nhận trong và ngoài nước. Điều đặc biệt là ông hoàn toàn tự mày mò sáng tạo và chưa từng trải qua trường lớp nghiên cứu khoa học nào.




Nhà sáng chế “chân đất” Nguyễn Quang Ngọc (bìa phải) và cộng sự bên những cây lên xanh tốt với chậu trồng cây không cần tưới



Sáng chế đầu tiên của ông được ra đời trong những ngày ở Đắk Lắk, đó là sản phẩm phin cà phê sử dụng một lần, được thiết kế giống phin uống cà phê truyền thống của người Việt nhưng được điều chỉnh cà phê, đường, sữa sẵn trong phin (thành bánh nén). Phin sản xuất bằng nhựa, sử dụng một lần rồi bỏ. Sử dụng loại phin này vừa nhanh, tiện lợi lại đảm bảo vệ sinh. Sản phẩm đã được Bộ KH-CN cấp bằng sáng chế độc quyền.

Từ thành công của sáng tạo đầu tiên, ông Ngọc có động lực để liên tục cho ra đời những sáng chế hữu ích khác, như: bánh cà phê nén; thiết bị xới đất rung động địa chất; máy nối màng ngoại kích; cơ cấu cấp nước cây trồng, thiết bị giữ ẩm cây trồng; máy phun phân, nước tự động...

Đặc biệt, thiết bị xới đất bằng rung động địa chất sẽ tác động trực tiếp đến nhu cầu sinh trưởng của cây trong từng giai đoạn sinh trưởng rễ, thân, lá, hoa và quan trọng là thay thế sức lao động của nông dân. Nghĩa là, không cần sự tác động của nông dân, cây vẫn phát triển, ra hoa, kết trái tốt...

Sau thiết bị xới đất bằng rung động địa chất, ông Ngọc tiến hành nghiên cứu và sáng chế thành công “Thùng trồng cây không cần tưới nước”. Sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp bằng độc quyền sáng chế năm 2007 và sau đó được tổ chức WIPO tại Mỹ cấp bằng sáng chế độc quyền PCT-WIPO (WO/2007/012088).

Ông Ngọc bộc bạch, mô hình “thùng trồng cây không cần tưới nước” nói nôm na là kỹ thuật trồng cây không mất công tưới nước, được phỏng theo cấu trúc 3 tầng của rừng Amazon, một trong những nơi có hệ thống thực vật tốt nhất thế giới. Cách trồng cây mới này được ông nghiên cứu và thử nghiệm hơn 5 năm.

“Quan trọng hơn là nông dân sẽ tìm được giải pháp hữu hiệu nhằm điều chỉnh hạn hán, thoát úng, tiết kiệm hơn 80% nước, hơn 60% công lao động, hơn 60% năng lượng và tăng năng suất hơn 30%. Khi trồng theo phương pháp này, các thùng trồng cây được sắp xếp gồm 7 phần, phân thành 3 tầng từ trên xuống: tầng đất và cây trồng; tầng không khí và thông khí; tầng chứa nước”, ông Ngọc chia sẻ.

Khi lắp đặt xong, cho đất và trồng cây vào thùng. Ở lần cấp nước đầu tiên, nước vào thùng qua miệng sao cho thấm đều hết đất. Nước tiếp tục di chuyển xuống đáy thùng và dâng lên cho đến khi cao bằng lỗ mực nước thì chảy ra ngoài, dừng việc cấp nước.

Trong quá trình trồng, nhu cầu cấp thoát nước của cây diễn ra một cách tự động, cây luôn luôn đủ khí và nước, do đó việc chăm sóc cần rất ít sự tác động của bàn tay con người ngoài việc cấp phân, khoáng chất và thu hoạch. Ngoài ra, cách làm này còn tiết kiệm được chi phí, mang lại hiệu quả trong quá trình canh tác cây trồng. Cây trồng được ở mọi nơi.

Sáng chế này của ông Ngọc đã được Công ty CP Trái Đất xanh tươi chuyển sang chế tạo sản phẩm thực tế là thùng và chậu trồng cây, xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ, Australia, Nhật… Giải pháp được đánh giá hữu ích cho các công ty môi trường có sử dụng cho các công trình công cộng; các hộ dân ứng dụng trong việc trang trí thảm xanh cho nhà cao tầng. Giá thành mỗi thùng hoặc chậu chỉ dao động khoảng 200.000 - 500.000 đồng/sản phẩm.

Ông Ngọc hy vọng, nếu được ứng dụng rộng rãi, sản phẩm sẽ giúp các thành phố lớn của Việt Nam nhìn từ trên cao, hay tại những quảng trường, đường phố trung tâm sẽ là những thảm xanh tươi mát.

Nhà khoa học đưa đồng nano vào phân bón cây trồng
Muối đồng clorua nano được đưa vào phân bón vi lượng đạt hai tác dụng “vỗ béo” và tiêu diệt vi khuẩn, virus gây bệnh cho cây.
Nhận thấy tiềm năng của việc ứng dụng muối đồng (I) clorua ở kích thước nano (CuCl nano) trong sản xuất phân bón diệt nấm bệnh, Trung tâm Sinh học và Vật liệu mới, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng đã thực hiện sản xuất thử nghiệm, xây dựng quy trình công nghệ và triển khai dây chuyền sản xuất đồng (I) clorua nano ứng dụng làm phân bón vi lượng.
Sau hai năm thực hiện nhóm nghiên cứu đã sản xuất thành công phân bón vi lượng chứa CuCl nano ở dạng dung dịch keo. Phân bón thành phẩm có hàm lượng đồng chiếm trên 98%.



Vườn hồ tiêu ở Bình Phước nhiễm bệnh chết nhanh chưa có thuốc đặc trị được chữa khỏi 70 – 75% nhờ phân bón vi lượng chứa hợp chất đồng (I) clorua nano. (Ảnh: NVCC).

Qua thực nghiệm, nhóm nghiên cứu phát hiện muối đồng (I) clorua ở kích thước nano có khả năng diệt trừ nhiều loại nấm bệnh như rỉ sắt, nấm hồng trên cây cà phê, mốc sương trên cà chua, khoai tây, thối nhũn trên bắp cải, bạc lá trên lúa... TS Bùi Duy Du, Giám đốc Trung tâm Sinh học và Vật liệu mới cho biết, ở kích thước thường, các loại muối đồng mang những đặc tính của nguyên tố vi lượng đồng giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển nhanh, mạnh, chóng lành các vết gãy, cắt, sống tốt trong môi trường không thuận lợi, diệt trừ nấm bệnh và biến chúng thành chất dinh dưỡng cho cây. Ở kích thước nano sẽ cho hiệu quả cao hơn bởi nó có diện tích bề mặt lớn, kích thước nhỏ, giúp nguyên tố đồng tiến nhanh, sâu vào nấm bệnh và tiêu diệt chúng từ bên trong. 
Khảo nghiệm ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước cho thấy, chỉ sau hai ngày sử dụng phân bón vi lượng có chứa CuCl nano diệt trừ hoàn toàn bệnh tuyến trùng trong đất trên cây cà phê, 80% bệnh đốm nâu trên thanh long và 70 – 75% bệnh chết nhanh trên hồ tiêu, vốn là loại bệnh chưa có thuốc đặc trị.

Nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện công nghệ và dây chuyền điều chế CuCl nano ứng dụng trong sản xuất phân bón vi sinh diệt nấm bệnh. 

Đông Trần tổng hợp (nguồn: khoahoc&doisong.vn)