• Loading...
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Vấn đề đặt ra là làm sao khơi dậy được nguồn trí tuệ của cộng đồng khoa học
Ngày xuất bản: 06/11/2019 12:00:00 SA
Lượt xem: 5763

Đó là những suy nghĩ và chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với cộng đồng khoa học Việt Nam tại Lễ tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu 2019, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức tại Hà Nội vào ngày 2/11/2019.

Tham dự buổi lễ có 112 trí thức tiêu biểu, được VUSTA lựa chọn từ hàng nghìn trí thức, nhà khoa học đang làm việc tại các cơ sở nghiên cứu công lập và tư nhân ở khắp mọi miền đất nước, những người được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam coi là “những tấm gương về nghị lực, về những phẩm chất của người trí thức trong thời đại mới”.

Khuyến khích tư nhân đầu tư cho KH&CN

Nhìn tổng thể, những năm qua đất nước đã đạt được những thành tựu phát triển rất đáng kể, liên tục tăng trưởng kinh tế, nhưng do chiến tranh, xuất phát điểm quá thấp nên trình độ kinh tế-xã hội của Việt Nam còn khiêm tốn so với mặt bằng chung trên thế giới. Thu nhập theo đầu người của Việt Nam hiện chỉ đứng thứ 130 trên thế giới, thuộc diện các nước thu nhập trung bình. Trong bối cảnh còn nhiều điều khó khăn như vậy, các nước khác, các nhà khoa học thế giới đều đánh giá nguồn lực quý nhất của Việt Nam là con người, trí tuệ. Làm sao chuyển các tri thức ấy trở thành các chính sách cụ thể, thúc đẩy sự tham gia của các nhà khoa học vào xây dựng chính sách mới, đổi mới tư duy cho phát triển đất nước? Theo Phó Thủ tướng, các chính sách ấy cần khuyến khích được sự sáng tạo trong xã hội và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực.

Trong thời gian gần đây, theo sau thành công của những người đi tiên phong như Mỹ Lan, Minh Long, Rạng Đông, số lượng doanh nghiệp Việt Nam rót kinh phí vào R&D bắt đầu gia tăng như Phenikaa, VinGroup, Trường Hải, Traphaco…, trong đó Rạng Đông và Trường Hải đã tham gia vào một số đề tài, dự án R&D trong các chương trình quốc gia do Bộ KH&CN quản lý. Những hợp tác đó cũng là một phần gợi ý để Bộ KH&CN thực hiện những điều chỉnh chính sách đầu tư cho các hoạt động KH&CN với mục tiêu lấy doanh nghiệp làm trung tâm thông qua việc tái cấu trúc hàng loạt chương trình quốc gia, để các chương trình này có thể hỗ trợ kết nối viện/trường với doanh nghiệp cùng giải quyết vấn đề của doanh nghiệp hoặc hỗ trợ doanh nghiệp làm chủ những công nghệ mới.
 Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ, bởi trong Hội nghị Triển khai công tác ngành KH&CN hồi đầu năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng chỉ ra “có rất nhiều chương trình nhưng chưa có chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam có hàm lượng KH&CN tiếp cận được thị trường trong nước và thế giới”. Rõ ràng, một lần nữa, Phó thủ tướng nhắc lại tầm quan trọng của đổi mới tư duy để có thể kịp thời đưa ra các cơ chế chính sách, đặc biệt là chính sách để “doanh nghiệp thấy lợi ích trước mắt và lâu dài của việc đầu tư vào khoa học và giáo dục” vẫn là nhiệm vụ hàng đầu.

Đổi mới tư duy quản lý KH&CN ở khu vực công

Ở khu vực công, một vấn đề khác đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu, đó là đổi mới tư duy quản lý KH&CN, đặc biệt là nguồn lực đầu tư cho khoa học. Trong thời gian qua, điều này cũng được làm dấy lên thảo luận không ít lần tại nhiều diễn đàn, hội nghị của các nhà khoa học và nhà quản lý. Mặc dù Bộ KH&CN đã thực hiện sửa đổi, ban hành nhiều thông tư hướng dẫn nhằm mục tiêu “sử dụng hiệu quả nguồn lực còn hạn chế như hiện nay, tạo điều kiện cho các nhà khoa học đỡ vất vả” tuy nhiên, cơ chế tài chính và các quy trình, thủ tục thực hiện hồ sơ nghiên cứu là nhóm vấn đề được các nhà khoa học kiến nghị nhiều nhất. Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, GS.TS Nguyễn Đình Công cũng từng kiến nghị tại buổi đối thoại giữa các nhà khoa học và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào tháng 4/2017, các nhà khoa học vẫn đang phải “vật lộn” với các quy trình, thủ tục, nhiều quy định chưa rõ ràng, thậm chí có những cách hiểu khác nhau trên cùng một văn bản.

Cũng tại Hội nghị Triển khai công tác ngành KH&CN hồi đầu năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng nhìn nhận một trong những nguyên nhân của vấn đề này, “còn nhiều chính sách của các bộ ngành chưa thực sự coi KH&CN là quốc sách, động lực, là chìa khóa có thể nói là quan trọng bậc nhất để chúng ta có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình hay để chúng ta có thể phát triển nhanh và bền vững”.

Theo quan điểm của ông, “để đổi mới tư duy quản lý không đơn giản”, nên Chính phủ đã giao Bộ KH&CN cùng với các bộ liên quan “rà soát lại tổng thế chính sách quản lý khoa học” để có thể “xây dựng chính sách quản lý về KH&CN theo một tư duy mới trong nhiệm kỳ quản lý tới đây”. Do đó, Phó Thủ tướng cũng mong muốn VUSTA cùng đội ngũ trí thức, nhà khoa học cần trực tiếp tham gia xây dựng khung chính sách quản lý KH&CN theo tư duy mới.

Ông kỳ vọng, VUSTA tiếp tục huy động, thu hút thêm các trí thức, nhà khoa học tham gia, để “thực sự thành đội ngũ trí thức cách mạng, có vai trò quyết định đối với việc tận dụng thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. “Đội ngũ trí thức, nhà khoa học của Việt Nam không chỉ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp khoa học, công nghệ mà còn là những tấm gương sáng của những trí thức yêu nước, góp phần đóng góp, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong xã hội, đẩy lùi những tác động xấu của cơ chế kinh tế thị trường”, ông nói.

 Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển