• Loading...
 
Nơi hội tụ và lan tỏa tiếng nói của trẻ em
Ngày xuất bản: 12/10/2020 10:00:00 SA
Lượt xem: 34

TTYB: Hội đồng trẻ em tỉnh Yên Bái được thành lập và đi vào hoạt động được gần 4 năm. Qua đó, giúp trẻ em có cơ hội được tham gia đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tỉnh, được nói lên quan điểm, đề xuất các sáng kiến của mình, phản ánh được nhu cầu và nguyện vọng của các em. Từ đó, tạo ra sự chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về quyền tham gia của trẻ em và trách nhiệm thực hiện các mục tiêu vì trẻ em.

Đầu tháng 7 năm 2017, tỉnh Yên Bái đã cho ra mắt mô hình Hội đồng trẻ em, Hội đồng trẻ em tỉnh Yên Bái là một trong 5 Hội đồng trẻ em được tổ chức thí điểm trên toàn quốc gồm các em thiếu nhi là đại diện tiêu biểu cho tiếng nói, nguyện vọng của thiếu nhi trên địa bàn tỉnh. Qua đó định kỳ bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại với lãnh đạo, Hội đồng Nhân dân tỉnh về các vấn đề liên quan đến trẻ em.

hđtreem1.jpg

Thường trực HĐND tỉnh làm việc với Hội đồng trẻ em tỉnh Yên Bái

Hiện tại mô hình có 30 thành viên đại diện cho thiếu nhi tại 9/9 huyện, thị, thành phố, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh. Mô hình đã phát huy tốt vai trò là cầu nối giúp các cấp lãnh đạo tỉnh, các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực trẻ em nắm bắt tình hình, nguyện vọng và nhu cầu chính đáng tác động trực tiếp đến các điều kiện phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ em; góp phần nâng cao nhân thức của trẻ em cũng như toàn xã hội về Luật trẻ em, công ước quốc tế về quyền trẻ em, hỗ trợ các em cách giải quyết vấn đề quyết định các vấn đề một cách có trách nhiệm, giáo dục các em trở thành những công dân năng động và có ích cho xã hội.

Hội đồng trẻ em giúp trẻ khẳng định tiếng nói và quyền tham gia

Sau gần 4 năm ra mắtvà đi vào hoạt động, Hội đồng trẻ em đã tổ chức được trên 300 hoạt động lấy ý kiến của thiếu nhi tại cơ sở với trên 1.000 tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của trẻ em và gần 500 tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị gửi về Thường trực Hội đồng trẻ em. Các tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị tập trung nhiều vào vấn đề như: áp lực học tập, cơ sở vật chất ở trường học, thiên tai bão lũ ảnh hưởng tới cuộc sống; bạo hành xâm hại trẻ em trong học đường, tại cộng đồng, trong gia đình; Làm sao để tạo một môi trường an toàn, lành mạnh, phòng tránh xâm hại trẻ em; vấn đề tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em; vấn đề trẻ em trong thế giới công nghệ số...các thông điệp của trẻ em đã được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp nhận và từng bước giải quyết một cách có hiệu quả.

Bên cạnh đó hàng năm còn phối hợp tổ chức các Diễn dàn Trẻ em tỉnh Yên Bái với các chủ đề như: năm 2017 "Triển khai Luật trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em" ; năm 2018 “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”; năm 2019 “Trẻ em với các vấn đề về trẻ em” 30 thành viên của Hội đồng trẻ em là nòng cốt chính trong các phiên thảo luận nhóm và thuyết trình với hình thức sân khấu hóa ... Đặc biệt trong chương trình đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh về các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Các thành viên Hội đồng trẻ em đã đưa ra những câu hỏi, những vấn đề liên quan đến Quyền trẻ em, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em; phòng chống mua bán trẻ em; vấn đề bạo hành đối với trẻ em; vấn đề lao động sớm ở trẻ em; vấn đề xao nhãng con cái của các bậc phụ huynh trong gia đình… Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh sẽ giải đáp các thắc mắc của các em và hướng dẫn cho các em các kỹ năng cơ bản để tự phòng tránh mua bán, bạo hành, xâm hại trẻ em… Sau mỗi diễn đàn sẽ có sự giám sát về mức độ thực hiện các thông điệp mà các em đưa ra.

1 lay y kien tre e.jpg

Hội nghị lấy ý kiến trẻ em tại Trường TH & THCS xã Tân Hương, huyện Yên Bình

Các thành viên mô hình Hội đồng trẻ em tỉnh Yên Bái tại địa phương, đơn vị nơi mình sinh sống và học tập thường xuyên tổ chức các hoạt động lấy ý kiến trẻ em tại đơn vị với các nhóm quyền được bảo vệ, nhóm quyền được tham gia, nhóm quyền được phát triển. Nổi bật như hoạt động của thành viên mô hình Hội đồng trẻ em huyện Yên Bình, thành phố Yên Bái, huyện Văn Yên với nhiều hình thức tổ chức phong phú như tổ chức thành lập các câu lạc bộ trẻ nòng cốt, thực hiện việc lấy ý kiến của đội viên, “sáng kiến nhỏ” trong học tập, công tác đội, tập huấn các kỹ năng sống cho đội viên… sinh hoạt vào 1 ngày cố định trong tháng, thành lập các câu lạc bộ quyền trẻ em tại các Liên đội tổ chức lấy ý kiến của đội viên qua các buổi sinh hoạt hàng tuần, sinh hoạt dưới cờ hoặc qua các phiếu ý kiến gửi trực tiếp đến đồng chí giáo viên – Tổng phụ trách của nhà trường…

Hướng đi mới, cách làm mới đem lại hiệu quả

Em Hà Huyền Trang, học sinh lớp 8B, Trường TH&THCS Tân Hương chia sẻ: “Hội đồng trẻ em là nơi để chúng em nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình. Em rất vui vì những ý kiến đó sẽ được tổng hợp lại và đưa đến các bác lãnh đạo, từ đó giúp chúng em mạnh dạn, tự tin hơn khi đưa ra chính kiến của mình trong các vấn đề có liên quan. Ngoài ra, chúng em còn được trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực và xâm hại tình dục…”.

Mô hình Hội đồng trẻ em đã được áp dụng ở nhiều quốc gia, đem lại những hiệu quả nhất định trong công tác thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, giúp các em có tiếng nói về những vấn đề quan tâm.Để hoạt động của Hội đồng trẻ em  ngày càng thiết thực, trong thời gian tới, Hội đồng trẻ em tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về thực hiện Luật Trẻ em, các quyền của trẻ em, trong đó chú trọng vai trò của cha mẹ và gia đình trong việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ; tạo điều kiện cũng như tháo gỡ khó khăn cho trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Mô hình Hội đồng trẻ em là một hướng đi mới, cách làm mới đem lại hiệu quả nhất định trong công tác thúc đẩy quyền của trẻ em, giúp các em nói lên tiếng nói của mình về những vấn đề các em quan tâm, tạo cơ hội cho trẻ em phát huy quyền của bản thân; tạo sự bình đẳng và môi trường tích cực để các em trao đổi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị, xuất phát từ cuộc sống và trong học tập, rèn luyện, vui chơi, giải trí… Đồng thời, mô hình Hội đồng trẻ em phát huy tốt vai trò là cầu nối giúp lãnh đạo địa phương, cơ quan hoạt động trong lĩnh vực trẻ em nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các em; Các thông điệp của trẻ em được cơ quan, ban ngành đoàn thể và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh thành tiếp nhận và từng bước giải quyết một cách có hiệu quả, tích cực./.