• Loading...
 
Bí thư đoàn phường Cầu Thia làm dân vận khéo
Ngày xuất bản: 14/02/2020 3:23:00 CH
Lượt xem: 3278

Đến Nghĩa Lộ những ngày đầu xuân, mưa giăng bụi trắng, tôi tìm gặp Hoàng Văn Hòa - Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Phường Cầu Thia - Thị xã Nghĩa Lộ, một trong những tấm gương Dân vận khéo của Thị ủy Nghĩa Lộ. Với tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, Hoàng Văn Hòa đưa tôi đi dọc các tuyến đường nội đồng để tận mắt ngắm những cánh đồng rau màu lên xanh mướt mát, những bể chứa rác thải nông nghiệp gọn gàng, thong thong trên tuyến đường bê tông sạch sẽ, chạy vòng sang khu dân cư tổ 1, tổ 2 vào thăm 02 ngôi nhà tình nghĩa được xây từ hoạt động thiện nguyện mà Hòa chính là người đi vận động…Những câu chuyện tưởng chừng không dứt cùng Bí thư đoàn phường Cầu Thia được bắt đầu từ cái bắt tay thật chặt và ánh mắt sáng, tràn đầy nhiệt huyết...

Đ/c Hoàng Văn Hòa - Bí thư Đoàn phường Cầu Thia, Thị xã Nghĩa Lộ phát khẩu trang miễn phí cho người dân trong đợt tuyên truyền phòng chống dịch nCoV vừa qua

Lắng nghe dân nói- Nói cho dân hiểu

Sinh năm 1985 trong một gia đình thuần nông, tốt nghiệp cấp 3 chàng trai người Thái Hoàng Văn Hòa thi đỗ Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật. Năm 2009 Hòa lấy vợ, năm 2011 chính thức làm việc tại UBND phường Cầu Thia. Năm 2012, Hòa theo học Trung cấp Chính trị, 2013 thi đỗ Học viện Đại học mở Hà Nội, chuyên ngành Luật. Kiến thức Luật đã mang lại hiệu quả thiết thực cho Hòa trong quá trình phụ trách công tác đoàn phường, không chỉ trong hoạt động tuyên truyền mà còn giúp Hòa làm tốt hơn cương vị Thành viên Đoàn hội thẩm nhân dân của Thị xã khi tham gia xử lý các vụ việc có liên quan đến Đoàn viên thanh niên, thực hiện tốt vai trò đại diện, chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của Hội viên thanh niên trên địa bàn phường trước pháp luật và công luận. Nền tảng kiến thức được học giúp ích rất nhiều cho Hòa trong việc vận động Hội viên thanh niên thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân như tuyên truyền phổ biến các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghĩa vụ của công dân về thực hiện mọi sắc thuế và phụ trách công tác Hội phong trào thanh thiếu nhi và chăm sóc các em thiếu niên nhi đồng, xây dựng Hội Liên hiệp thanh niên phường vững mạnh.

Rất chân thành, Hòa chia sẻ: “Hội Liên hiệp Thanh niên phường Cầu Thia luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thường trực Đảng ủy, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Thị xã, sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể. Đội ngũ cán bộ Hội cơ sở về cơ bản có trình độ, nhiệt huyết, trách nhiệm. Bên cạnh đó, địa bàn phường nhỏ, hẹp nên khá thuận lợi cho việc triển khai các chương trình, công tác và tổ chức các hoạt động chung của phường. Tuy nhiên với đặc thù của một phường đang trên đà phát triển, phấn đấu để trở thành phường văn minh đô thị, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên phường phải thường xuyên tham gia phục vụ các sự kiện lớn, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục- thể thao. Khối lượng công việc, các phong trào Đoàn- Hội- Đội rất nhiều. Trong khi đó, cán bộ làm công tác Hội kiêm nhiệm nhiều công việc, kỹ năng, nghiệp vụ trong việc tập hợp, đoàn kết thanh niên, nắm bắt tâm tư, tình cảm của thanh niên còn nhiều hạn chế nên việc triển khai công tác Đoàn gặp không ít những khó khăn. Nhưng càng khó khăn, em càng nhận ra rằng, phải sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, bà con nhân dân rồi từng bước tuyên truyền, thuyết phục để các hội viên, bà con nhân dân hiểu rõ hơn đường lối của Đảng, chủ trương chính sách của Nhà nước”...

Ủy Ban Hội Liên hiệp Thanh niên phường Cầu Thia hiện có 10 chi hội với tổng số 347 Hội viên thanh niên, 157 Đoàn viên. Để có thể làm tốt nhiệm vụ của Chi đoàn, Hòa nhận thức rõ công tác tuyên truyền- vận động, công tác dân vận đóng vai trò hết sức quan trọng. Thấm nhuần lời dạy của Bác: Dân vận là việc tập hợp và huy động cho được sức mạnh của toàn dân, người làm công tác dân vận phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” chứ không phải “chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh” nên Hòa luôn xác định nói đi đôi với làm. Hòa tâm sự: “Lực lượng tham gia ít, cơ bản tốt nghiệp xong lớp 9 rồi đi làm ăn xa, số thanh niên ở lại thì đang học cấp 3 nên muốn triển khai bất cứ việc gì mình đều phải tranh thủ ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật chị ạ. Là Bí thư đoàn, bản thân mình phải làm trước, đầu tàu gương mẫu, chơi với các đoàn viên như chơi với bạn, chứ chỉ tay 5 ngón thì chẳng ai làm theo”. Hòa bộc bạch: “Để có được những kết quả trên không hề đơn giản bởi công việc, thời gian không cho phép em đến từng nhà tuyên truyền, vận động mà phải tranh thủ lồng ghép trong các buổi sinh hoạt đoàn, phải nói đi nói lại, tuyên truyền nhiều lần mọi người mới hiểu, mới rõ...”

Chính nhờ thế nên trong những năm qua, Ban chấp hành Đoàn và Ủy Ban Hội Liên hiệp Thanh niên phường đã làm tốt công tác tập hợp thu hút thanh niên tham gia tổ chức Đoàn- Hội, tham gia vào xây dựng Đảng, chính quyền địa phương vững mạnh, tổ chức tốt nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, tuyên truyền vận động Đoàn viên thanh niên tham gia hưởng ứng các chương trình dự án phát triển kinh tế- xã hội, củng cố an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phòng chống các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, HIV/AIDS… cùng Đảng bộ, chính quyền thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đ/c Hoàng Văn Hòa - Bí thư Đoàn phường Cầu Thia, Thị xã Nghĩa Lộ tặng quà cho đoàn viên phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ chuẩn bị nhập ngũ năm 2020

Làm cho dân tin

Ngày Hòa mới nhận công tác, người dân trên địa bàn phường làm vụ đông đơn thuần trồng khoai lang, ngô, diện tích đất mất nhiều mà hiệu quả kinh tế lại thấp. Hòa tính nhanh, sau một vụ 3 tháng, mỗi ha chỉ thu được 3 tấn, tương đương 18 triệu đồng. Nhưng nếu trồng sang cây rau màu thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn hẳn. Ví thử trồng cà chua, cứ 1000m2 với 1500 gốc, sau 3 tháng sẽ cho thu hoạch 3 tấn, giá thị trường bình quân 5000đ/kg thì cũng cho thu nhập 15 triệu đồng. Nếu trồng súp lơ, chỉ với 700m2 cho 1500 cây, sau 3 tháng cũng thu về chừng 15 triệu đồng. Rõ ràng diện tích đất ít hơn, thời gian chăm sóc như nhau nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Song làm thế nào để mọi người nghe và làm theo? Sau nhiều ngày trăn trở, ngay khi có quyết định thành lập Chi đoàn phường năm 2015, Hòa quyết định mượn một mảnh ruộng rộng 500m2 ở tổ 2 vào vụ đông để trồng mẫu, vừa để tuyên truyền, vừa để gây quỹ. Lực lượng tham gia chủ yếu có thanh niên, người dân, các hộ gia đình. Sau nhiều lần vận động, tự bản thân gia đình làm mẫu trên 1200m2 ruộng, có thu hoạch hiệu quả, cuối cùng trên 90% hộ gia đình đã làm theo, tham gia phát triển sản xuất. Các hộ gia đình có thêm thu nhập còn Chi đoàn phường có thêm nguồn thu trên 3 triệu đồng mỗi năm.

Riêng việc tập hợp thanh niên tham gia các hoạt động phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội tại địa phương, xung kích tình nguyện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bản thân Hòa đã mạnh dạn xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt với số lượng 1000 con và chăn nuôi lợn, trâu kết hợp say xát và trồng trọt bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Từ đó, Hòa vận động tuyên truyền, nhân rộng thêm 2 mô hình chăn nuôi 1000 con gia cầm do thanh niên làm chủ thực hiện tại  tổ 2.

Niềm vui nhân lên vào mỗi buổi chiều sau giờ làm Hòa đi dọc các tuyến đường ngắm nhìn những mảnh ruộng rau màu lên xanh bời bời. Bà con ai cũng phấn khởi, vui vẻ chuyện trò mỗi khi gặp Hòa. Người khoe mới thu hoạch, người kể đã có tiền lo học cho con. Bà con vui một, Hòa lại vui mười. Suy nghĩ cá nhân được Chi bộ, Ủy ban phường, Thị đoàn đồng tình ủng hộ đã góp phần nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Song mỗi lần phóng xe đi thăm đồng thấy trên các mương nội đồng vỏ bao bì, thuốc bảo vệ thực vật ném bừa bãi rất mất mỹ quan và ảnh hưởng trầm trọng đến nguồn đất, nguồn nước, Hòa không khỏi suy nghĩ. Hòa nảy ra ý tưởng xây bể chứa tập kết một chỗ để đốt hoặc chở ra khu tập kết rác để xử lý. Tranh thủ trong các buổi sinh hoạt chi đoàn, Hòa đã tranh thủ tuyên truyền, vận động bà con cùng thực hiện. Nhận được sự ủng hộ của Uỷ ban phường, sự đồng thuận của bà con, năm 2014, 3 bể chứa rác thải kích thước 0,75x 1,2m đã được hình thành từ nguồn kinh phí chung nhưng số tiền 1,2 triệu/ bể chỉ đủ để mua vật liệu còn công hoàn toàn do đoàn viên tham gia. Thấy hiệu quả, năm 2016, Hòa quyết định xin ý kiến tiếp tục nhân rộng mô hình bể chứa rác thải. Để giảm bớt tốn kém, Hòa đề xuất thay vì xây bể sẽ mua ống cống đường kính 60 phân, chỉ đổ đáy rồi đặt lên. Theo phương án đó, chi phí thấp hơn hẳn chỉ từ 150- 200 nghìn một chiếc. Song do kinh phí hạn hẹp cả năm chỉ thu được 6,3 triệu đồng nên Hòa tham mưu với khối dân vận huy động các đoàn thể ủng hộ trên tinh thần mỗi đoàn thể ủng hộ từ 1- 2 bể. Sau 2 đợt vận động, hiện nay toàn địa bàn phường đã có tổng cộng 13 bể chứa rác thải nông nghiệp tại các cánh đồng tổ 1, tổ 2 và tổ 7 trị giá gần 20 triệu đồng. Việc xây bể chứa rác thải nông nghiệp thực sự là việc làm nhỏ nhưng đã mang lại ý nghĩa lớn, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Đèo tôi đi trên tuyến đường nội đồng giữa buổi chiều, Hòa kể: “Mô hình làm đường giao thông nông thôn của Chi đoàn năm 2013 xuất phát từ chủ trương của Đảng ủy Phường về làm 2 tuyến đường thuộc tổ 2. Nhận chủ trương, em đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Ủy ban phường đổ cấp phối, huy động thanh niên góp công san mặt bằng. Em đặt vấn đề phối hợp cùng chi đoàn nhà trường, tổ dân phố, chi đoàn kết nghĩa thuộc các đơn vị Kiểm Lâm, Thống kê, Y tế, Khu tưởng niệm huy động lực lượng làm hai tuyến đường nội đồng, mỗi tuyến dài 350m. Chỉ sau 10 ngày 02 tuyến đường đã hoàn thành, giúp bà con tổ 2 thuận tiện hơn rất nhiều trong việc chăm sóc, thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp. Vòng qua khu dân cư tổ 1, khoát tay một vòng về phía nhà văn hóa nằm phía trong lòng kè dòng suối Thia, Hòa tâm sự: “Năm 2018, được nhà nước đầu tư, bà con nhân dân tổ 1, tổ 2 đã có nhà văn hóa nhưng do kinh phí hạn hẹp nên mới chỉ dừng lại ở phần thô, phần chính, tường rào không có, nhà vệ sinh cũng không. Thấy vậy, em mạnh dạn vận động người dân xây dựng nhà vệ sinh, tường rào cho nhà văn hóa với tổng diện tích gần 100m2, thu hút trên 70 đoàn viên thanh niên tham gia. Dù vẫn còn đơn sơ, chưa quét vôi ve, nhưng nhà văn hóa đã là điểm sinh hoạt cho bà con mỗi khi họp hành, tổ chức”. Hòa thủ thỉ: “Tính em thế, cứ thấy cái gì vướng là phải làm ngay. Ngay như việc làm sân bóng chuyền hơi cũng vậy. Hàng ngày đi làm về thấy thanh, thiếu niên, người cao tuổi cùng hô hào chơi bóng chuyền hơi trên nền sân đất, những ngày mưa phải tạm nghỉ nên liền tham mưu với chi bộ làm sân bóng chuyền hơi theo chương trình “Ngày thứ 7 cùng dân”. Cuối tháng 10 vừa rồi, chỉ trong một ngày thứ 7, với sự tham gia tích cực của các các đồng chí lãnh đạo, đảng viên chi bộ và Uỷ ban phường, chi đoàn thanh niên phường đã huy động thanh niên hoàn thành việc láng sân bóng chuyền hơi cho bà con tổ 2 chị ạ”.

Vận động được nhiều người làm theo mô hình đúng

Với phương châm, phát huy thế mạnh, cùng chia sẻ, học tập, cùng giúp nhau phát triển kinh tế, Hòa đã mạnh dạn tham mưu phát động phong trào thanh niên Cầu Thia giúp nhau làm kinh tế thông qua các tổ hợp tác. Ban đầu nhiều người không muốn tham gia vì tính chất ràng buộc, sợ mọi người trong nhóm không hợp nhau. Hòa phải tranh thủ buổi trưa, cuối chiều, sau giờ làm xuống từng hộ gia đình chuyện trò, tâm sự, phân tích cái lợi của việc làm chung sẽ hỗ trợ được cho nhau, phát huy thế mạnh, khi có lợi cùng hưởng. Được các gia đình nhất trí, Hòa cầm chứng minh thư làm hợp đồng Hợp tác cho các tổ rồi trình Ủy ban chứng thực. Cứ đủ một tổ hợp tác 3 người là Hòa trình hồ sơ. Kiên trì vận động thuyết phục, đến nay trên địa bàn phường đã có 4 tổ hợp tác và 10 mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ, điển hình như mô hình sửa chữa mua bán xe máy của thanh niên Trần Văn Tuyên tổ 3, mô hình trồng rau màu có hiệu quả kinh tế cao của chị Hà Thị Thắm tổ 2, mô hình kinh tế hộ gia đình nuôi 1000 con gia cầm của anh Hoàng Văn Hòa và Đồng Văn Thân tổ 2, mô hình sửa chữa điện thoại của thanh niên Hà Duy Khánh, Đinh Thế Anh tổ 5, Hoàng Minh Quang tổ 2... góp phần xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động trẻ, góp phần rõ nét trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn tại các tổ dân phố, thúc đẩy việc thực hiện xây dựng phường văn minh đô thị trên địa bàn phường.

Với vai trò của một Bí thư chi đoàn, Hòa đã chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác Đoàn, Hội và phong trào thanh niên tại địa phương, tổ chức thành lập mô hình dân vận khéo “Hội viên, Đoàn viên thanh niên nói không với ma túy” tại chi đoàn 7; "Vận động học sinh không bỏ thi, bỏ học" tại chi đoàn 2; "Cá nhân điển hình tiên tiến về sản xuất nông nghiệp và sửa chữa xe máy tạo việc làm cho thanh niên tại tổ 3", “Mô hình tuyến đường tự quản Sáng- Xanh- Sạch- Đẹp- An toàn tại tổ 4”; “Mô hình tuyến đường hoa thanh niên, thắp sáng đường quê tại tổ 2”. Trong giai đoạn 2014- 2019, chi đoàn đã cảm hóa giúp đỡ được 7 thanh niên nghiện ma túy bỏ được ma túy, 2 thanh niên vi phạm pháp luật hoàn lương trở thành người có ích, hiện đang quản lý giúp đỡ một thanh niên chấp hành hưởng án treo và một thanh niên nghiện ma túy. Chi đoàn còn tuyên truyền vận động và tuyển chọn 90 đoàn viên thanh niên tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho thanh niên như chăn nuôi cá nước ngọt và sửa chữa máy nông cụ, nuôi ong và trồng rau sạch. Đồng thời công tác định hướng lập nghiệp và khởi nghiệp cho thanh niên luôn được Hòa quan tâm, tập trung chỉ đạo rà soát hướng dẫn, giúp thanh niên vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo. Đến nay chi đoàn đã giới thiệu việc làm cho 52 thanh niên, tạo thu nhập ổn định.

Thành quả được ghi nhận

Với những cố gắng, nỗ lực không ngừng, trong 9 năm làm công tác đoàn, Hoàng Văn Hòa đã nhận được gần 20 Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh, Tỉnh đoàn, Thị ủy- UBND Thị xã Nghĩa Lộ. Hòa đã được Đảng ủy, chính quyền địa phương và Đoàn cấp trên công nhận, tập thể được UBND Thị xã Nghĩa Lộ khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước các năm 2014, 2015, 2016, 2017, 2018. Đặc biệt năm 2014, hòa đã được Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Dân vận khéo” giai đoạn 2009- 2014.

Đi dọc những con đường trải nhựa bê tông, giữa những tuyến đường hoa nở bung khoe sắc, nghe Hòa say sưa chia sẻ về những việc đã làm, những dự định trong tương lai mà trong tôi dấy lên niềm vui, niềm cảm phục… Nhưng dường như đằng sau vẻ ngoài rắn rỏi, nụ cười tươi là bao nỗi trăn trở, băn khoăn. Làm thế nào để ngày càng phát huy tốt hơn vai trò của Đoàn phường, làm thế nào để nâng cao đời sống cho thanh niên trên địa bàn và làm thế nào để cuộc sống người dân ngày một sung túc bền vững… chuỗi dài những câu hỏi đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực, chung tay vào cuộc không chỉ của riêng cá nhân Hòa, tập thể Đoàn phường mà của toàn hệ thống chính quyền địa phương cơ sở...

Minh Ngọc (Hội VHNT tỉnh Yên Bái)