• Loading...
 
Yên Bái, 122 năm hình thành và phát triển
Ngày xuất bản: 11/04/2022 9:04:00 SA
Lượt xem: 2400

 Cách đây 122 năm, ngày 11/4/1900, Toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định chính thức thành lập tỉnh Yên Bái, chấm dứt thời kỳ thực hiện chế độ quân quản. Yên Bái chính thức trở thành đơn vị hành chính cấp tỉnh nhưng vẫn nằm dưới sự cai trị của bộ máy chính quyền phong kiến; nhân dân Yên Bái bị nô dịch trong vòng tăm tối, lạc hậu, cuộc sống cơ cực, lầm than. Tinh thần cách mạng sang ngời, bản lĩnh kiên cường và ý chí vươn lên trở thành sức mạnh to lớn, khích lệ đồng bào các dân tộc Yên Bái cùng nhân dân cả nước đứng lên chống Thực dân Pháp…Từ các phong trào cách mạng và yêu cầu thực tiễn, ngày 30/6/1945, xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ, mở ra dấu mốc lịch sử quan trọng về ngày thành lập Đảng bộ tỉnh và là bước ngoặt mới cho phong trào đấu tranh cách mạng ở các địa phương toàn tỉnh. Từ đây, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng bộ tỉnh, lớp lớp những người con trung kiên đã hy sinh cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Sau Cách mạng tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã bảo vệ vững chắc chính quyền non trẻ, củng cố lực lượng vũ trang… thực hiện đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh” kết hợp vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, xây dựng hậu phương vững chắc, cùng quân và dân cả nước mở nhiều chiến dịch lịch sử tiến tói đỉnh cao chói lọi chiến thắng Điện Biên Phủ.

 

Trung tâm thành phố Yên Bái hôm nay

Giai đoạn 1900 - 1945

Từ thời Hùng Vương dựng nước, Yên Bái thuộc bộ Tân Hưng, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Trải qua thời kỳ Bắc thuộc, Yên Bái thuộc phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa. Sau khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, từ năm 1891 - 1900, chúng đặt Yên Bái thuộc các đạo quan binh.

Ngày 11/4/1900, Toàn quyền Đông Dương đã ra nghị định chính thức thành lập tỉnh Yên Bái (lúc này có 05 đơn vị cấp huyện là Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Bàn, Lục Yên và Than Uyên), chấm dứt thời kỳ thực hiện chế độ quân quản; tỉnh lỵ được đặt tại làng Yên Bái, thuộc tổng Bách Lẫm, huyện Trấn Yên (thuộc phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái hiện nay). Kể từ đây, Yên Bái chính thức trở thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Cùng dòng chảy của lịch sử dân tộc Việt Nam, nhân dân các dân tộc Yên Bái đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc; ngay từ thế kỷ XIII, đồng bào các dân tộc đã đoàn kết, sát cánh cùng quân đội nhà Trần chiến đấu chống giặc Nguyên - Mông, góp phần đánh bại các cuộc xâm lược của chúng. Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, nhân dân các dân tộc Yên Bái đã góp phần không nhỏ bảo vệ triều Lê, chống họ Mạc cát cứ và sự cướp bóc của “giặc giã”. Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, chúng biến nước ta thành nước thuộc địa nửa phong kiến.

Đối với tỉnh Yên Bái, sau khi được thành lập, thực dân Pháp đã sử dụng bộ máy chính quyền phong kiến để thống trị nhân dân các dân tộc trong tỉnh, triệt để áp dụng chính sách “ngu dân”, “chia để trị”, kích động chia rẽ đồng bào các dân tộc, kìm hãm nhân dân trong vòng tăm tối, lạc hậu, người dân Yên Bái bị thực dân nô dịch, sống kiếp đời nô lệ, lầm than. Quyết không chịu kiếp sống nô lệ, nhân dân các dân tộc Yên Bái cùng nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa của đồng bào Kinh, Tày, Dao... ở Văn Chấn, Trấn Yên, Lục Yên và ở nhiều nơi khác đã liên tục đấu tranh chống bắt phu, bắt lính, cướp ruộng đất, làm cho thực dân Pháp lúng túng, lo sợ, bất ổn định.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã mở ra một trang sử  mới cho lịch sử cách mạng Việt Nam, tác động manh mẽ đến phong trào yêu nước của nhân dân các dân tộc Yên Bái. Đêm ngày 9, rạng ngày 10/2/1930, trên địa bàn Yên Bái đã nổ ra Cuộc khởi nghĩa của tổ chức Việt Nam quốc dân Đảng do chí sĩ yêu nước Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa không thành công do không đề ra đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn để tập hợp rộng rãi quần chúng nhân dân bị áp bức đứng lên giải phóng. Mặc dù bị thất bại nhưng tinh thần yêu nước bất khuất, kiên cường của các nghĩa sỹ trước sự khủng bố, đàn áp dã man của kẻ thù đã thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và cổ vũ, bồi đắp thêm lòng yêu nước của nhân dân cả nuớc, đồng thời góp một tiếng vang lớn trên thế giới. Đó là những sự kiện tiêu biểu, thể hiện truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, quật khởi của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.

Đầu những năm 40 của thế kỷ XX, những cán bộ cách mạng của Xứ ủy Bắc Kỳ được cử lên Yên Bái hoạt động và đã xây dựng được một số cơ sở cách mạng ở huyện Trấn Yên và thị xã Yên Bái. Với truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường chống ngoại xâm của nhân dân các dân tộc Yên Bái, từ tháng 10/1944 đến đầu năm 1945, nhiều cơ sở cách mạng được xây dựng, phát triển ở các huyện trong tỉnh; các tổ chức cứu quốc được thành lập, tập hợp hàng nghìn hội viên. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), khí thế cách mạng của quần chúng khắp nơi trong tỉnh dâng cao. Ngày 7/5/1945, Chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập ở thị xã Yên Bái gồm 3 đảng viên do đồng chí Mai Văn Ty làm Bí thư, đã chuyển hướng phong trào đấu tranh của nhân dân sang một giai đoạn mới.

Tình thế cách mạng trong nước ngày càng lớn, phong trào đấu tranh của công nông với các tầng lớp nhân dân lao động Yên Bái không ngừng phát triển. Ngày 30/6/1945, tại chiến khu vần - Hiền Lương, Xứ ủy Bắc Kỳ đã công bố quyết định thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Phú - Yên (Phú Thọ - Yên Bái) do đồng chí Ngô Minh Loan làm Bí thư. Sự kiện trọng đại này đã mở ra bước ngoặt mới cho phong trào đấu tranh cách mạng ở địa phương. Từ đây, phong trào cách mạng của tỉnh Yên Bái được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự Đảng. Ngày 6/7/1945, lực lượng vũ trang Yên Bái ra đời làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc.

Giai đoạn 1945 - 1975

Đảng bộ Yên Bái mới ra đời, số lượng đảng viên ít, song Đảng bộ đã thực hiện đúng đắn, sáng tạo chủ trương của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Xứ ủy Bắc Kỳ, lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng ngày một phát triển, tiến hành khởi nghĩa giải phóng các châu Văn Chấn, Lục Yên, Trấn Yên, Yên Bình và thị xã Yên Bái. Yên Bái vinh dự, tự hào là một trong những địa phương tiêu biểu sớm giành chính quyền về tay nhân dân và ít hao tổn xương máu.

Ngày 19/8/1945, trước sức mạnh áp đảo cả về chính trị và quân sự, quân Nhật đã đầu hàng vô điều kiện. Ngày 22/8/1945, tại Sân Căng (nay là sân vận động thành phố Yên Bái), chính quyền cách mạng lâm thời đã ra mắt trong sự hân hoan, phấn khởi của hàng ngàn quần chúng nhân dân.

Sau thắng lợi của cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Yên Bái đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách của nạn “giặc đói”, “giặc dốt” và giặc ngoại xâm. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và quân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã chèo lái con thuyền cách mạng, vượt qua những thác ghềnh nguy hiểm. Trong một thời gian ngắn, Yên Bái đã xây dựng được hệ thống chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở, củng cố lực lượng vũ trang, tránh được sự xô xát với quân Tưởng, cô lập bọn phản động Việt Quốc, đuổi chúng ra khỏi biên giới, chuẩn bị mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Từ năm 1947, thực dân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng, thôn tính 2/3 diện tích tỉnh ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Yên Bái đã kiên trì thực hiện đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh” kết hợp “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, bám đất, bám dân, huy động sức người, sức của và phối hợp với bộ đội chủ lực mở nhiều chiến dịch như: Sông Thao (1949), Lê Hồng Phong (1950), Lý Thường Kiệt (1951), loại khỏi vòng chiến đấu hàng vạn tên địch, từng bước mở rộng vùng giải phóng. Đặc biệt, trong chiến dịch Tây Bắc (1952), quân, dân tỉnh ta đã đập tan hoàn toàn phân khu Nghĩa Lộ, mở thông cánh cửa sang phân khu sông Đà, giải phóng quê hương khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp.

Ngay sau khi được giải phóng (10/1952), toàn tỉnh lại dồn sức vào thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Bác Hồ và Chính phủ giao phó là mở con đường huyết mạnh nối liền căn cứ địa Việt Bắc với chiến trường Tây Bắc. Tỉnh ta đã huy động gần 5 vạn lượt người, góp 3,6 triệu ngày công, cung cấp hơn 2.000 tấn lương thực, thực phẩm cho chiến dịch Điện Biên Phủ, bảo đảm tuyến đường từ Yên Bái sang Sơn La thông suốt, trong đó có nhiều trọng điểm máy bay đánh phá ác liệt như bến Âu Lâu, đèo Lũng Lô... góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954.

Hòa bình lập lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Yên Bái đã bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, cải tạo các tập tục lạc hậu, phát triển lực lượng sản xuất, thiết lập quan hệ sản xuất mới, tập trung xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật.. tạo ra những biến đổi quan trọng trong đời sống xã hội ở Yên Bái; trong đó có công trình Nhà máy thuỷ điện Thác Bà, đứa con đầu lòng của ngành thủy điện Việt Nam. Để xây dựng công trình này, tỉnh ta đã phải di chuyển hàng ngàn hộ dân ra khỏi vùng hồ, việc chuyển dân xây dựng nhà máy đã diễn ra nhanh, gọn, thành công và tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; trở thành một kinh nghiệm tốt cho cả nước và có ý nghĩa chính trị, kinh tế, quốc phòng to lớn, đánh đấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Yên Bái trong công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng, bảo đảm chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng.

Ngày 25/9/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu phái đoàn của Đảng và Chính phủ về thăm Yên Bái. Đây là vinh đự to lớn, cổ vũ mạnh mẽ các phong trào cách mạng của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Những lời căn dặn chí tình của Bác đã động viên, thôi thúc toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân trong tỉnh thi đua phấn đấu vượt lên khó khăn, quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác: Xây dựng đời sống văn hóa mới, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm và không ngừng phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Đảng bộ đã lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt các phong trào “tay cày, tay súng”, “tay búa, tay súng”, “mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt. Qua đó đã động viên được tinh thần, khí thế và sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong hai cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, quân và dân Yên Bái đã phối hợp với bộ đội chủ lực bắn rơi 115 máy bay, tiêu diệt và bắt gọn nhiều toán gián điệp, biệt kích.

Với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, tỉnh Yên Bái đã huy động cao độ sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, đóng góp 29 vạn tấn lương thực, 15 vạn tấn thực phẩm; tiễn đưa gần 25.000 thanh niên tham gia nhập ngũ, trong đó có 4 tiểu đoàn mang tên Yên Ninh tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Giai đoạn 1975 đến nay

Bước vào giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Yên Bái đã đạt được một số thành quả về lĩnh vực kinh tế - xã hội, lần lượt làm thất bại âm mưu phá hoại, xâm lược, gây mất ồn định của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc chủ quyền và biên giới quốc gia.

Cùng với toàn Đảng và nhân dân cả nước, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, nhất là cuối những năm 80 của thế kỷ XX, khi các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng của nước ta quyết liệt bằng nhiều thủ đoạn, bao vây, cấm vận bằng kinh tế.

Tại kỳ họp thứ IX, Quốc hội khóa VIII đã quyết định chia tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Cùng với việc tái lập tỉnh, Đảng bộ tỉnh cũng được tái lập và đi vào hoạt động. Tháng 9/1991, Bộ Chính trị Trung ương Đảng chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời tỉnh Yên Bái gồm 23 đồng chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 7 đồng chí, đồng chí Tạ Hữu Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy. Ngày 01/10/1991, tỉnh Yên Bái chính thức bước vào hoạt động.

Đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng; đoàn kết, vượt khó vươn lên; năng động, sáng tạo trong việc cụ thể hoá đường lối của Đảng vào thực tiễn địa phương; phát huy tiềm năng, thế mạnh, huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; tạo thế và lực mới, cùng cả nước vững bước đi lên.

 

BBT