• Loading...
 
Cần bảo tồn trang phục truyền thống
Ngày xuất bản: 08/06/2019 12:00:00 SA
Lượt xem: 7429

Những năm gần đây, vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống được quan tâm, nhất là du lịch cộng đồng phát triển, giờ các chợ đều có quần áo, trang phục của các dân tộc được bày bán phong phú, hầu hết đều là sản phẩm thủ công.

Chiếm 55,5% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỉnh Yên Bái tự hào là địa phương có trên 30 dân tộc cùng chung sống, gồm Tày chiếm 18,3%, Dao chiếm 11,5%, Mông chiếm 12,2%, Thái 7,18%, Nùng 2,3%, dân tộc Mường chiếm 2%, còn lại là các DTTS khác. 

Cũng như sự độc đáo  của văn hóa, phong tục, tập quán, trang phục của cộng đồng các DTTS ở Yên Bái đang tạo ra sức hấp dẫn đối với khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài, làm nên sự đa dạng về sắc màu văn hóa của vùng Tây Bắc. 

"... Đưa trang phục truyền thống (TPTT) phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các DTTS, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy TPTT các dân tộc” là một trong những yêu cầu cần thiết mà Đề án Bảo tồn, phát huy TPTT các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái đặt ra đối với công tác bảo tồn TPTT ở các địa phương.

Đề án được ban hành rất kịp thời khi TPTT đang ngày càng mai một; người dân nhiều DTTS không còn mặn mà với TPTT. 

Ông Vũ Tuấn Mạnh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Bình cho biết: "Nói thật là trước đây, việc bảo tồn TPTT trên địa bàn chưa được tốt. Điều nhận thấy rõ là ở các chợ địa phương, rất hiếm trang phục dân tộc được bày bán. 

Những năm gần đây, vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống được quan tâm, nhất là du lịch cộng đồng phát triển, giờ các chợ đều có quần áo, trang phục của các dân tộc được bày bán phong phú, hầu hết đều là sản phẩm thủ công. Ở nhiều vùng, bà con người dân tộc mặc TPTT phổ biến cả ngày thường và lễ hội hay cưới hỏi. Ví như dân tộc Dao, Cao Lan, trong đó dân tộc Dao mặc trang phục truyền thống khá phổ thông, đặc biệt là với những người cao tuổi. Đối với giới trẻ, cần tích cực tuyên truyền, vận động cũng như có những quy định cụ thể để tạo thói quen, hình thành nề nếp”. 

Tham gia ý kiến vào đề án này của tỉnh, huyện Yên Bình chủ trương đưa nhiệm vụ này vào quy ước, hương ước của làng văn hóa trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có chữ viết, tiếng nói và trang phục. Ở cấp huyện, những ngày kỷ niệm lớn, yêu cầu cán bộ và nhân dân thuộc dân tộc nào mặc trang phục của dân tộc đó. 

Trang phục của đồng bào Dao quần trắng ở xã Vũ Linh, huyện Yên Bình được người dân sử dụng thường xuyên, nhất là ở các thôn làm du lịch cộng đồng.

 Duy trì nề nếp 2 năm một lần tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng, trình diễn TPTT theo kế hoạch của tỉnh. Khuyến khích các tổ nhóm, hợp tác xã khôi phục nghề dệt thổ cẩm, trang phục truyền thống bằng nguyên liệu tự nhiên như đay, bông gắn với đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá trang phục. Riêng đối với học sinh trường dân tộc nội trú, khuyến khích mặc trang phục dân tộc mình. Các trường khác, học sinh dân tộc nào khuyến khích mặc trang phục dân tộc đó, quy định theo buổi, theo tuần. 

Ngoài việc phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch khôi phục, lưu giữ các lễ hội truyền thống của các dân tộc, huyện rất chú trọng tới việc bảo tồn TPTT của các dân tộc. 

Huyện vùng cao Mù Cang Chải có trên 90% dân số là đồng bào Mông. Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, trong đó có TPTT được địa phương chú trọng quan tâm. Từ năm 2013, huyện đã có Đề án Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020. Trong đó, quy định thực hiện việc mặc trang phục dân tộc đối với giáo viên và học sinh các trường trên địa bàn huyện vào ngày thứ 2 hàng tuần và các ngày lễ, tết của huyện, tỉnh và của đất nước. 

Theo bà Đào Thị Thu Thủy - Trưởng ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện, TPTT là 1 trong 3 tiêu chí để phân biệt bản sắc văn hóa các dân tộc trong một cộng đồng. Thông qua TPTT của một dân tộc phần nào phản ánh được hoạt động sản xuất, sinh hoạt của dân tộc đó, thể hiện tinh thần cần cù, sáng tạo, hồn cốt của dân tộc. Việc bảo tồn danh thắng và các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là trang phục của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện những năm qua đã tạo ra sức hút đối với khách du lịch. 

Ngoài cảnh đẹp thiên nhiên trời phú thì những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên mảnh đất này, đặc biệt là của đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Thái, trong đó có TPTT dân tộc là dấu ấn thu hút, mời gọi du khách, nhất là khách du lịch nước ngoài đến với Mù Cang Chải.  

Yên Bái đặt mục tiêu giai đoạn 2019 – 2025 xây dựng 3 mô hình trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm TPTT; 3 mô hình bảo tồn và phát triển nguồn nguyên liệu, sản xuất, may thêu TPTT. Đến năm 2021, hoàn thành 100% việc kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về TPTT của các DTTS. Đến năm 2022, 100% học sinh DTTS các cấp học trên địa bàn tỉnh triển khai mặc TPTT 2 buổi/tuần và các dịp lễ, tết, ngày hội. 

Tổ chức các liên hoan trình diễn trang phục DTTS; tổ chức Ngày hội sắc màu văn hóa các dân tộc; Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam gắn với Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc... Giai đoạn 2026 - 2030, phấn đấu TPTT của các dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một cơ bản được bảo tồn và phát huy. Có 2 di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn, trang trí hoa văn liên quan đến TPTT các DTTS được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia... 

Cùng với đó, xây dựng, ban hành cơ chế chính sách cho các nghệ nhân, người trao truyền, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và TPTT các DTTS nói riêng trên địa bàn tỉnh. Đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các DTTS, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy TPTT các dân tộc là phù hợp và cần thiết. Công việc này cần phải được triển khai thực hiện đồng bộ, phù hợp với điều kiện cụ thể, sao cho không khô cứng, cưỡng ép, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - văn hóa của tỉnh nói chung và từng địa phương.

Theo Báo Yên Bái