• Loading...
 
Câu hỏi: Bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin được thể hiện ở những nội dung chủ yếu nào?
Ngày xuất bản: 07/03/2017 10:01:54 SA

 Trả lời:

- Chủ nghĩa Mác-Lênin là một hệ thống các quan điểm lý luận và phương pháp khoa học được kết tinh và là đỉnh cao thành tựu trí tuệ của loài người, của tinh hoa văn hoá mà nhân loại đã sáng tạo ra.

Mác - Ăngghen cũng như Lênin đã kế thừa có chọn lọc những thành tựu khoa học, những giá trị tư tưởng và văn hoá, những tiền đề kinh tế, chính trị xã hội mà nhân loại đã đạt được, bằng thiên tài của trí tuệ cộng với sự lao động nghiêm túc, vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, những cám dỗ của vật chất và vòng cương toả hà khắc của chế độ chính trị đương thời, các ông đã để lại cho nhân loại một di sản vô cùng quý báu, một cơ sở lý luận khoa học để giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

- Chủ nghĩa Mác-Lê nin là học thuyết duy nhất từ trước tới nay đặt ra mục tiêu, chỉ rõ con đường giải phóng triệt để giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới thoát khỏi tình trạng bị nô dịch và bóc lột, thoát khỏi đói nghèo và tha hoá về nhiều mặt. Đồng thời học thuyết đó chỉ ra lực lượng cách mạng thực hiện sự nghiệp giải phóng và phát triển xã hội là giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đem lại niềm tin vào khả năng và sức mạnh của chính mình.

- Học thuyết đó cũng chỉ ra quy luật của sự giải phóng và phát triển xã hội. Đó là quy luật về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, về sự chuyển biến từ hình thái kinh tế xã hội này sang hình thái kinh tế xã hội khác không phải diễn ra một cách tự phát mà phải thông qua cuộc đấu tranh giai cấp gay go, quyết liệt. Từ đó, Mác - Ăngghen và Lênin đã trực tiếp nghiên cứu sự vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, tìm ra quy luật về sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản, cũng như sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội như một tất yếu thông qua cuộc cách mạng xã hội.

- Bản chất khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin còn thể hiện ở chỗ: Đó là học thuyết mở, không cứng nhắc, bất biến mà đòi hỏi luôn được bổ sung, tự đổi mới, tự phát triển trong dòng phát triển trí tuệ của nhân loại. Mác - Ăngghen cũng như Lênin đã nhiều lần khẳng định học thuyết của các ông không phải là cái đã xong xuôi, bất biến, không phải là giáo điều mà chỉ là kim chỉ nam cho hành động. Nó gắn liền với sự phát triển của phong trào cách mạng, với thực tiễn vận động của lịch sử, hay nói cách khác học thuyết đó chỉ đưa ra cơ sở và phương pháp luận cho suy nghĩ và hành động. Đó hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa giáo điều xơ cứng.

Chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết của sự phát triển, bao hàm cả sự phát triển của chính học thuyết đó với tinh thần phê phán và tự phê phán. Bởi có nhiều vấn đề mà các ông chưa có thời gian nghiên cứu làm sáng tỏ hoặc do hạn chế của lịch sử, nên những luận điểm của các ông cần phải điều chỉnh cho sát với thực tiễn, các ông cũng đòi hỏi những người cách mạng đời sau bổ sung và phát triển làm cho học thuyết đó ngày càng hoàn thiện và gắn liền với thực tiễn. Đó cũng chính là linh hồn sống của chủ nghĩa Mác-Lênin, thể hiện bản chất khoa học và cách mạng của nó.