• Loading...
 
Một số bài viết, bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý (kỳ 1)
Ngày xuất bản: 01/06/2019 12:00:00 SA

Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Người đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta một di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách vô cùng quý giá; là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm cho vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đây là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW sẽ làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là yêu cầu, trách nhiệm, nhưng đồng thời cũng là tình cảm, là nguyện vọng tha thiết của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam yêu nước, để xây dựng một đất nước Việt Nam giàu đẹp, dân chủ; dân tộc Việt Nam độc lập, tự do; nhân dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc.

Để góp phần đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, đặc biệt là giúp mọi người hiểu thêm về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phong cách làm việc, xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một số bài viết, bài nói của Người về phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý.

1. Về sự kết hợp tính nguyên tắc và tính linh hoạt, sáng tạo

“TINH THẦN TỰ ĐỘNG TRONG ỦY BAN NHÂN DÂN

Tự động là không phải tựa vào ai, là tự mình biết biến báo xoay xở, tự mình biết thực hành công tác theo nhiều hình thức mới mẻ, phong phú.

Nhiều Uỷ ban nhân dân, một khi nhận được mệnh lệnh gì của cấp trên là chỉ biết cắm đầu cắm cổ thi hành đúng như vậy, thi hành một cách máy móc. Họ không biết tùy hoàn cảnh địa phương, tùy tình thế từng lúc mà châm chước đi, không biết biến báo, làm khác đi ít nhiều cho được thích hợp. Ví dụ, nhận được chỉ thị phải tổ chức "Tuần lễ vàng", Uỷ ban nhân dân xã nọ đã biết chắc làng mình không ai có được một đồng cân vàng hay chỉ có rất ít, mà lại chủ trương chỉ lạc quyên độc một thứ vàng thôi, thì bảo đào ở đâu ra? Sao không biết quyên thóc, sắt, đồng, nếu làng ấy có nhiều các thứ ấy.

Khi có công tác thì đem thi hành một cách máy móc. Khi làm xong việc lại chỉ ngồi không, không chịu bới việc ra mà làm nữa, cứ ỳ ra như xe bò lên dốc, không có người đẩy là y như đứng lại.

Nhiều uỷ viên trong các Uỷ ban, đã được phân công rõ ràng, đã nhận phụ trách một việc nhất định, không biết xoay xở nghĩ cách thực hành công tác mình cho có hiệu quả, lại nhất nhất điều gì cũng chỉ đòi hỏi chủ tịch hay thượng cấp, không biết tự quyết, tự định cái gì, như vậy làm sao công tác phát triển được. Có mắt ta phải trông, có óc ta phải nghĩ, có tay ta phải làm chứ.

Nhưng tự động không phải là tự tiện. Nhiều bạn lại hiểu nghĩa tự động sai lạc hẳn đi, không coi kỷ luật chính trị vào đâu, muốn làm gì là cứ tự ý làm bừa đi, chẳng bàn hỏi thảo luận với ai, không theo pháp luật Chính phủ ban hành, không dựa vào ý nguyện dân chúng. Những ca bắt bớ, tịch thu tài sản bừa bãi thường xảy ra ở nhà quê.

Hành động như vậy, các Uỷ ban đó vô tình gây nên nhiều chuyện có hại đến uy tín của Chính phủ, làm cho dân chúng oán thán kêu ca.

Nói tóm lại, các nhân viên trong các Uỷ ban nhân dân phải rèn cho có một tinh thần tự động mạnh mẽ, nhưng phải bỏ tính cái gì cũng tự tiện...”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.44-45.