• Loading...
 
VẠCH RÕ SỰ MÂU THUẪN TRONG CÁC LUẬN ĐIỆU THÂM ĐỘC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH
Ngày xuất bản: 07/01/2021 2:03:00 CH

 Trong những luận điệu chống phá mà các thế lực thù địch, phản động thực hiện trước thềm Đại hội XIII của Đảng ta, thì luận điệu “Đại hội XIII cần bỏ cụm từ “nền tảng tư tưởng”, "cứ lý thuyết nào đúng thì theo" là một ví dụ về luận điệu thâm độc của chúng.

Trong lịch sử phát triển của văn minh nhân loại, sự đấu tranh, va đập, xung đột giữa các trào lưu tư tưởng, ý thức hệ, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng…luôn xuất hiện và có diễn biến phức tạp, nhất là từ khi chủ nghĩa tư bản (CNTB) ra đời cho đến nay. Tùy theo đặc điểm, mức độ khác nhau, có thể nói, cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội (CNXH) là cuộc đấu tranh dai dẳng, lâu dài, quyết liệt nhất.

Nhìn lại sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, sự khó khăn của các nước xã hội chủ nghĩa, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, có nguyên nhân quan trọng từ sự chống phá về tư tưởng, ý thức hệ của các thế lực cơ hội, thù địch.

Ở Việt Nam, sự chống phá của các thế lực thù địch diễn ra từ trước khi Đảng Cộng sản Đông Dương (sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam) ra đời, bằng sự đàn áp của chế độ thực dân với các phong trào yêu nước, các cá nhân có tư tưởng tiến bộ. Khát vọng giành độc lập dân tộc, đưa nhân dân, đất nước thoát khỏi ách đô hộ thực dân, thoát khỏi đói nghèo cũng là một trong những nguyên nhân ra đời một chính Đảng kiểu mới - Chính Đảng của giai cấp công nhân, lãnh đạo nhân dân kháng chiến giành độc lập và đi lên CNXH.

Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Bây giờ chủ nghĩa nhiều, học thuyết lắm, chỉ có chủ nghĩa Lênin là chắc chắn nhất, cách mạng nhất. Cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Việt Nam, không chỉ là cuộc kháng chiến giành độc lập của một dân tộc đánh đuổi đế quốc, thực dân xâm lược mà còn là cuộc đấu tranh về ý thức hệ giữa hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa.

Trong suốt 30 năm từ khi Nhà nước công nông non trẻ đầu tiên ra đời, cho đến khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, Việt Nam đã tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ đánh Pháp, đuổi Nhật và chiến thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa CNXH và CNTB diễn ra ở Việt Nam lúc này, không chỉ là cuộc đấu tranh trên chiến trường với súng đạn, các phương tiện chiến tranh hủy diệt của kẻ thù xâm lược, sự hy sinh xương máu của hàng triệu người, mà còn là cuộc chiến tranh tổng lực, trên mọi phương diện, trong đó có cả sự chống phá về tư tưởng, ý thức hệ của các thế lực cơ hội, thù địch.

Những âm mưu kích động bạo loạn, lật đổ, tâm lý chiến, tuyên truyền, bôi nhọ, phá hoại từ bên trong thường xuyên xảy ra, có sự phối hợp trong - ngoài, trên - dưới với nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc. Phạm vi chống phá cũng rất đa dạng, kết hợp đấu tranh trên chiến trường với sức mạnh vượt trội về phương tiện chiến tranh, tiềm lực quân sự với tâm lý chiến, phá hoại về tư tưởng, chính trị, bao vây, cô lập… Nội dung và lĩnh vực chống phá được thực hiện, hướng vào những vấn đề khó khăn trong nước, khi Việt Nam vừa thực hiện kháng chiến giành độc lập, vừa từng bước xây dựng CNXH trong điều kiện điểm xuất phát thấp, một số lĩnh vực hay bị lợi dụng như dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo… Âm mưu, thủ đoạn của các thế lực chống phá cũng linh hoạt, đa dạng, đó là sử dụng sức mạnh trên chiến trường, kết hợp phá hoại sự ổn định bên trong, ly tán về tư tưởng, chính trị… Ở mỗi thời điểm, giai đoạn khác nhau, các thế lực cơ hội, thù địch sử dụng phương thức chống phá tương ứng. Tuy nhiên, sức mạnh của chính nghĩa và sự đoàn kết, đồng lòng của người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đã làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, Việt Nam đã giành độc lập, thống nhất đất nước./.