• Loading...
 
Chia sẻ
Biển đảo Việt Nam - vì sự toàn vẹn đích thực
Ngày xuất bản: 06/03/2017 3:47:00 CH
Lượt xem: 1436

Vậy là thêm một mùa xuân nữa biển đảo tổ quốc đứng vững trong phong ba bão tố. Với tôi, hình ảnh biển đảo thiêng liêng, tươi đẹp của nước ta đã in dấu sâu đậm lắm rồi.

 

Là một người thanh niên của thủ đô Hà Nội, nhưng tôi đã được đi biển, ra đảo khá nhiều lần rồi. Mỗi lần quay lại, tôi đều thấy biển đảo tổ quốc như đang vụt lớn lên, đang thay da đổi thịt đến ngỡ ngàng. Mỗi lần đặt chân lên bờ biển, tôi luôn cảm nhận thấy biển và đảo nước ta là địa điểm du lịch nổi tiếng, năng động nhưng hồn hậu, và bây giờ, biển đảo Việt Nam đã thực sự trưởng thành, xứng đáng là một điểm sáng của cả nước. Nếu hỏi bất cứ người Việt Nam, hay khách du lịch quốc tế nào từng đến thăm biển đảo Việt Nam về cảm giác khi đến đây, chắc hẳn người đó sẽ trả lời không ngần ngại với sự trìu mến và lòng ngưỡng mộ.

Vậy tại sao biển đảo nước ta có thể tạo cho khách du lịch cảm xúc mãnh liệt đến vậy? Phải chăng vì bờ biển dài, cảnh đẹp thơ mộng? Vì có tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nhiều di sản văn hóa, nhiều đặc sản nổi tiếng? Điều đó đúng nhưng chưa đủ! Biển đảo nước ta ngày càng có chỗ đứng vững chắc trong lòng người Việt Nam và bạn bè quốc tế chính nhờ vào thành quả của tất cả mọi người con của tổ quốc, của tất cả những ai đang cống hiến cho mảnh đất này, từ chính quyền, đoàn thể, nhân dân các địa phương cho đến những chiến sĩ đang ngày đêm canh gác ở Trường Sa thân yêu, từ người già cho đến người trẻ, đang từng ngày, từng giờ tận tâm vun đắp để biển đảo quê hương trở thành một biểu tượng văn hóa, biểu tượng của sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Có lẽ không cần nói nhiều về sự quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của quân và dân ta. Từ xưa đến nay, bao nhiêu liệt sĩ đã ngã xuống để cố giữ cho bằng được lá cờ Tổ quốc trên đảo, bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh trong quá trình xây dựng đảo để khẳng định chủ quyền Việt Nam. Quá khứ bi tráng, có dùng bao nhiêu lời lẽ vàng ngọc cũng không thể tả hết được lòng dũng cảm và niềm thương tiếc vô hạn. Mỗi một đồng chí ra đi, hàng triệu đồng bào rơi lệ.

Điều mà tôi muốn nói đến ở đây là, tạm gác lại nỗi đau của ngày đó, giờ đây, tất cả quân dân trên các đảo và ở đất liền đều đang quyết tâm giữ vững biển đảo quê hương bằng nhiều cách. Có những việc làm rất đơn giản, rất bình thường, nhưng hiệu quả cao bất ngờ và có sức lan tỏa rộng lớn. Ngoài tinh thần chiến đấu cao độ của những người lính, bà con trên đảo và ở đất liền đang dần biến đổi bộ mặt của biển đảo, giữ vững “đường biên giới mềm” của biển đảo Việt Nam.

Đầu tiên là sự thay đổi rõ rệt về cuộc sống ở các vùng biển đảo. Trước đây, đặt chân đến nhiều hòn đảo nước ta, từ Bắc xuống Nam, vẻ hoang sơ hút hồn tôi, nhưng cùng với điều đó là sự lạc hậu. Nhà cửa tạm bợ, chủ yếu là nhà lá. Thỉnh thoảng, lơ thơ vài chiếc chòi hiện ra buồn tẻ. Không điện, không nước sạch, đường xá chỉ là đường mòn và không có các phương tiện giao thông cơ giới. Bà con đều làm nghề chài lưới với lối đánh bắt thô sơ. Cuộc sống của chiến sĩ trên đảo rất khó khăn. Hằng ngày phải vật lộn với sóng to bão lớn đã đành, thịt thiếu, rau thiếu, thư từ cũng phải đợi cả năm mới nhận được. Nhất là các chiến sĩ trụ ở đảo chìm. Kỷ niệm của một người lính, mới chỉ cách đây 2 năm thôi, khi anh lần đầu đến đảo, thiếu hơi ấm từ đất liền, mấy tháng mới được nói chuyện với người thân một lần, cảm giác cô đơn, trống vắng lắm. Nghĩ lúc đó, nếu có một giọng nói từ đất liền thăm hỏi, động viên thì các anh sẽ càng vững tin và tinh thần quyết tâm chiến đấu bảo vệ chủ quyền đất nước sẽ tăng lên rất nhiều.

Còn bây giờ thì sao? Sau khi sóng điện thoại đến Trường Sa Lớn, thì cùng với đó hầu như tất cả các đảo đã nối liên lạc được với đất liền. Cuộc sống của các chiến sĩ đảo cũng đã được nâng lên rõ rệt, chiến sĩ đã có tivi, truyền hình kỹ thuật số, dàn karaoke… Những cánh thư từ đất liên cũng được chuyến tới đảo nhiều hơn và nhanh hơn. Cùng với thư từ là thứ “tối quan trọng” đối với các chiến sĩ: rau xanh. Đảo cũng trồng được rau, nhưng ít và thường xuyên bị mất do sóng to, bão lớn. Đời sống của nhân dân trên đảo từ khi có sự tiếp tế mạnh của đất liền cũng được cải thiện nhiều. Phương tiện đánh bắt của ngư dân đã hiện đại hơn. Nhiều nhà gạch khang trang, lớp học, bệnh viện được đầu tư xây mới từ nguồn vốn và tình cảm của nhân dân, thậm chí văn hóa tinh thần, tín ngưỡng cũng được chú trọng với những ngôi chùa trên đảo và các nhà sư đầu tiên ra đảo. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân đảo tốt hơn, họ yên tâm làm ăn, yên tâm công tác hơn. Các đảo ven bờ được đầu tư mạnh, trở thành những điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, dân đảo trở thành người làm dịch vụ du lịch.

Sự thay đổi cuộc sống này có ý nghĩa như thế nào với chủ quyền biển đảo và chủ quyền biên giới của Việt Nam? Có thể một số người sẽ thấy những hoạt động của đảo và đất liền là những việc rất bình thường, là những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống sinh hoạt của đảo và tình cảm của người dân đất liền. Hằng ngày ai chẳng nói về đảo, ai chẳng cố gắng ủng hộ cho đảo không nhiều thì ít? Vâng, chính vì những công việc bình thường đó, những sự ủng hộ, những tình cảm đó đã trở thành một chuyện bình thường trong tâm trí, trong suy nghĩ của mọi người Việt Nam, tức là nó đã trở thành biểu tượng văn hóa của dân tộc. Mà thứ gì đã trở thành biểu tượng văn hóa dân tộc thì nó sẽ có tác động, tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa rất lớn trong cả nước và trên thế giới. Khi người dân các nước khác tìm hiểu về biển đảo Việt Nam, họ tra cứu bằng internet, họ xem tivi, nghe đài…, họ sẽ biết được rằng: quần đảo Trường Sa là biểu tượng của Việt Nam, thuộc chủ quyền của Việt Nam, luôn ở trong trái tim của người Việt. Với nhân dân, họ chính là những người đã gửi rất nhiều tình cảm, vật chất đến Trường Sa nói riêng và các đảo của tổ quốc nói chung, họ là đội quân tuyên truyền cho bạn bè quốc tế và ngay cả những người Việt Nam hiểu rõ hơn về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc. Một người bạn nước ngoài của tôi, khi đọc được dòng tin trên mạng : “1000 lá thư từ đất liền gửi chiến sĩ Trường Sa”, anh đã xúc động : “Chỉ quê hương mới có thể nhận được tình cảm nồng ấm như vậy”. Tôi đã trả lời: “Vâng, Trường Sa là quê hương của tất cả mọi người Việt Nam”.

Điều đáng nói ở đây là Đảng bộ, chính quyền từ trung ương tới địa phương đã trở thành đầu tàu, nòng cốt trong việc dẫn dắt người dân cả nước bảo vệ chủ quyền biển đảo. Các chủ trương, chỉ thị của Đảng bộ, chính quyền về biển đảo được tuyên truyền sâu sát đến toàn thể người dân, từ các đảng viên đến quần chúng, từ những bậc hưu trí cho đến các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Chủ trương giáo dục về biển đảo cho học sinh ngay tại trường học đã có tác dụng tích cực. Các giờ sinh hoạt, giờ ngoại khóa chính là nơi thích hợp nhất để các em học sinh hiểu được về biển đảo, vun đắp tình cảm với biển đảo ngay từ khi còn nhỏ, và khi lớn lên, các em sẽ trở thành lực lượng lớn mạnh để bảo vệ biển đảo quê hương. Nhiều hoạt động có ý nghĩa về biển đảo, nhất là Hoàng Sa và Trường Sa cũng được triển khai mạnh mẽ, như việc trưng bày 4 tấm bản đồ cổ khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở 15 điểm công cộng trong tỉnh Khánh Hòa - một địa điểm du lịch nổi tiếng, mỗi ngày đón tiếp hàng ngàn lượt khách du lịch quốc tế. Sau khi xem các chứng cứ rõ ràng này, du khách quốc tế sẽ hiểu rõ hơn về chủ quyền biển đảo của Việt Nam và sẽ trở thành những người cùng chung tay với người Việt Nam bảo vệ chủ quyền quốc gia. Cùng với việc giới thiệu biển đảo cho du khách quốc tế, hoạt động này còn giúp nâng cao được hiểu biết về biển đảo của thanh thiếu niên Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung, vì thế hệ trẻ hiểu biết về biển đảo chưa nhiều. Những hoạt động, hành động đơn giản đó trong cả nước đã tạo nên tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa rộng lớn, hiệu quả cao mà ít tốn kém.

Thế nên, thật mát lòng khi nghe được nhiều lời khen ngợi, nhiều tình cảm chân thành từ du khách, từ phía bạn bè quốc tế, rằng biển đảo Việt Nam thật tươi đẹp, tình cảm của người dân Việt Nam với biển đảo thật đáng quý. Việt Nam đã khẳng định rằng, về nhận thức của Đảng bộ, chính quyền, của các cấp lãnh đạo và ý thức, tình cảm của người dân đối với vấn đề biển đảo thì chúng ta đang làm rất tốt và Việt Nam lên như một điểm sáng trên thế giới về tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ không chỉ là giữ vững được đường biên giới thực, “biên giới cứng” trên đất liền, trên biển. Nó còn là sự toàn vẹn của “biên giới mềm” - biên giới văn hóa, biên giới trong suy nghĩ của con người. Bảo vệ được biên giới mềm đó cũng là điều hết sức quan trọng không kém gì bảo vệ biên giới cứng. Đó cũng chính là mục tiêu mà cả nước ta đang hành động hết sức mạnh mẽ để đạt được. Hàng loạt sự kiện du lịch, văn hóa… được Việt Nam tổ chức đã gây được hiệu ứng tốt từ phía du khách và người dân. Hành động thực tế rất quan trọng, nhưng nhận thức, ý thức về biển đảo cũng quan trọng không kém. Ngày qua ngày, những người con của tổ quốc Việt Nam càng gắng sức phát huy những thành quả đã có của mình, bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc và sự toàn vẹn đích thực của biển đảo tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Theo TNV

Tin khác

  • Hiệu quả công tác tuyên truyền "Chiến lược biển Việt Nam"
  • Yên Bái: Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tỉnh Yên Bái.
  • Tài liệu tuyên truyền về Biển Đảo Việt Nam
  • Câu hỏi 8: Việc Trung Quốc tiếp tục hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 vào sâu trong vùng biển của Việt Nam sẽ tác động như thế nào đến quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại?
  • Câu hỏi 7: Việt Nam có quyết định khởi kiện Trung Quốc không? Nếu có thì khi nào và theo cơ chế nào?
  • Câu hỏi 6: Trung Quốc cho rằng Chính phủ Việt Nam đã dung túng để người dân kỳ thị, chống Trung Quốc, rằng tình hình hiện nay giống như việc “bài Hoa” năm 1978?
  • Câu hỏi 5: Đề nghị cho biết chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước ta trong việc đấu tranh với Trung Quốc trong thời gian tới.
  • Câu hỏi 4: Đề nghị cho biết phản ứng của các nước đối với hành vi hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 của Trung Quốc và trước những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông hiện nay?
  • Câu hỏi 3: Đề nghị cho biết các biện pháp đấu tranh của ta và quan điểm, thái độ của Trung Quốc.
  • Câu hỏi 2: Xin cho biết ý đồ, mục đích của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 vào thời điểm hiện nay? Việt Nam có bị động trước những ý đồ đó của Trung Quốc?
  • 1-10 of 28<  1  2  3  >