• Loading...
 
Chia sẻ
Câu hỏi 3: Đề nghị cho biết các biện pháp đấu tranh của ta và quan điểm, thái độ của Trung Quốc.
Ngày xuất bản: 06/03/2017 3:59:00 CH
Lượt xem: 2411

Trả lời:

1. Về các biện pháp đấu tranh của ta

a. Về chính trị, ngoại giaota đã đấu tranh quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên, liên tục trên tất cả các mặt trận thực địa, ngoại giao, thông tin tuyên truyền, dư luận cả trong và ngoài nước, với sự phối hợp của nhiều bộ, ngành. Quan điểm chỉ đạo của ta là xử lý bình tĩnh, kiềm chế, xác định rõ đây không chỉ là vấn đề trước mắt mà còn là vấn đề lâu dài, cần tận dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền đất nước, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút gian khoan và các tàu ta khỏi vùng biển Việt Nam.

Từ ngày 02/5 đến nay, tại Hà Nội và Bắc Kinh, ta đã tiến hành hơn 30 cuộc giao thiệp phản đối ngoại giao với phía Trung Quốc ở các cấp, trong đó đã trao 03 Công hàm phản đối Trung Quốc. Ta cũng tranh thủ tối đa các kênh tiếp xúc khác nhau, như: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị CICA (21/5); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh điện đàm với Ủy viện Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì (06/5) và Ngoại trưởng Vương Nghị (15/5); Thứ trưởng Ngoại giao ta đi Bắc Kinh trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc; ngoài ra còn có 03 cuộc trao đổi, điện đàm cấp Bộ trưởng (Quốc phòng, Công an, Công thương)[1]; bên cạnh kênh ngoại gia ta chủ động trao đổi qua kênh Đảng (Ban Đối ngoại Trung ương), Quốc phòng, An ninh...

Tại các cuộc gặp, điện đàm và trong Công hàm ta nhấn mạng các nội dung sau:

+ Khu vực giàn khoan Hải Dương – 981 và các tàu hộ tống của Trung Quốc hoạt động hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; hoạt động của giàn khoan và các tàu của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam được quy định bởi Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước ước Luật Biển 1982), vi phạm DOC và các thỏa thuận liên quan khác giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc; việc làm của Trung Quốc phá hoại sự tin cậy chính trị, ảnh hưởng tiêu cực đến đà phát triển của quan hệ hai nước, làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

+ Khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa. Bất luận trong mọi trường hợp, việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương – 981 và lượng lớn các loại tàu, kể cả tàu quân sự vào hoạt động ở khu vực này là bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, Việt Nam không chấp nhận và kiên quyết phản đối; yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương – 981 và các tàu hộ tống, cùng Việt Nam đàm phán xử lý bất đồng.

+ Việt Nam kiên quyết phản đổi việc làm của phía Trung Quốc và kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình, phù hợp luật pháp quốc tế.

+ Việt Nam coi trọng quan hệ với Trung Quốc nhưng kiên quyết yêu cầu phía Trung Quốc rút hết giàn khoan Hải Dương – 981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực này, đồng thời tạo không khí thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp trên biển giữa hai nước, kể cả việc “hợp tác cùng phát triển”.

            b. Về vận động quốc tế

            Trong khuôn khổ các chuyến thăm chính thức nước ngoài của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tại các hoạt động đa phương, ta đã tăng cường vận động quốc tế ủng hộ lập trường của Việt Nam như: phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm làm việc Phi-líp-pin (21/5) và tại phiên khai mạc toàn thể Diễn đàn Kinh tế Đông Á (22/5); đấu tranh, vận động tích cực tại Hội nghị Bộ trưởng và Hội nghị cấp cao ASEAN tại Nay-pi-tô (Mi-an-ma), phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị cấp cao ASEAN 24 (10-11/5/2014); phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị quốc tế Tương lai Châu Á lần thứ 20 tại Nhật Bản và trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Xing-ga-po (22/5); phát biểu của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh tại cuộc họp các quan chức cấp cao (SOM) của ASEAN, ASEAN+3, Đông Á (EAS) cũng như của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Mi-an-ma (07-09/6). Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chủ động điện đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao các nước Nga (16/5), Hoa Kỳ (21/5), In-đô-nê-xi-a (16/5) và Xing-ga-po (16/5); Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn gặp Đại sứ Nhật Bản tại Hà Nội để thông báo về tình hình Biển Đông (18/5).

            Ngay từ ngày 5/5, Bộ Ngoại giao đã gặp Đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, EU…tại Hà Nội; các CQĐD tại các nước cũng gặp sở tại để thông báo tình hình và vận động các nước, các tổ chức quốc tế và các bạn bè, nhân sỹ uy tín thế giới lên tiếng ủng hộ lập trường của Việt Nam, phê phán hành động của Trung Quốc.

            Ta đã cho lưu hành và lưu chiểu Công hàm phản đối Trung Quốc ngày 04/5 tại Liên Hợp quốc (07/5), Phái đoàn thường trực của ta bên cạnh Liên Hợp quốc, Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ đã ra Thông báo về tình hình Biển Đông và gửi đến Văn phòng Liên Hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các cơ quan báo chí (20/5 và 06/6).

            c. Các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân

            Nhiều tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân đã có các hình thức gặp mặt, bày tỏ thái độ, ra tuyên bố lên án các hành động phi pháp, nguy hiểm của Trung Quốc, như: Tập đoàn dầu khí Việt Nam; Hội Dầu khí Việt Nam; Hội Luật gia; Hội Hữu nghị Việt – Trung; Ủy ban Hòa bình Việt Nam; Hội Nhà báo Việt Nam; Hội nghề cá huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi);Liên đoàn Lao động và nghiệp đoàn nghề cá tỉnh Quảng Nam…

            Từ 9/5 đến nay, hàng nghìn người dân tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương đã tổ chức các hoạt động lên án hành vi sai trái, ngang ngược của Trung Quốc; cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Úc, Séc, Ba Lan, Đài Loan… cũng tổ chức các hoạt động biểu tình trước cửa các Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán của Trung Quốc tại sở tại.

            d. Công tác thông tin, tuyên truyền trong nước và ở nước ngoài

            Sau khi xảy ra sự việc, chúng ta đã triển khai tích cực các hoạt động thông tin, đấu tranh dư luận cả ở trong nước và ở nước ngoài, để kịp thời thông tin cho nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế, cụ thể là:

            Các cơ quan báo chí của ta đã kịp thời đưa tin về diễn biến tình hình trên thực địa, các biện pháp đấu tranh của ta, các hoạt động chính trị, ngoại giao, các phát biểu của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta thể hiện quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta sử dụng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, kiên trì các kênh đối thoại, thông tin cho cộng đồng quốc tế; phản đối những hoạt động vi phạm chủ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, phản bác những luận điệu sai trái của Trung Quốc; thông tin về cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; phản ánh dư luận trong nước; phản ánh dư luận quốc tế với các phát biểu tích cực của cộng đồng quốc tế, chính giới, tổ chức quốc tế, các cá nhân, tổ chức, học giả nước ngoài, báo chí nước ngoài bày tỏ lo ngại về tình hình, ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, chấm dứt các hoạt động đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải.

Các hoạt động thông tin đối ngoại được đặc biệt quan tâm và triển khai mạnh mẽ.

Ta đã tổ chức 4 buổi họp báo quốc tế, thu hút hàng trăm phóng viên báo chí trong và ngoài nước, quan chức phụ trách báo chí của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, được nhiều báo, đài phát thanh, truyền hình, thông tin, tường thuật trực tiếp qua mạng. Trong họp báo, ta thông báo toàn bộ diễn biến vụ việc với những bằng chứng, bản đồ, hình ảnh, đoạn phim về hoạt động vi phạm của Trung Quốc; thông tin về các biện pháp xử lý kịp thời của Chính phủ, ổn định tình hình tại các địa phương sau khi diễn ra một số vụ việc liên quan đến trật tự trị an, lợi dụng các hoạt động tuần hành để có hành vi vi phạm pháp luật; cung cấp bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; trả lời các câu hỏi của phóng viên. Những thông tin đưa ra trong cuộc họp báo được báo chí trong nước và quốc tế đăng tải, lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực; công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại được coi trọng và đẩy mạnh.

Đã tổ chức đưa 47 phóng viên, trong đó có 15 phóng viên nước ngoài ra thực địa để tác nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời các hãng thông tấn lớn (AP, Roi-tơ, Blum-bớc) về nỗ lực sử dụng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế của Việt Nam để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài về căng thẳng ở Biển Đông nhân dịp tham dự Hội nghị Quốc tế Tương lai Châu Á (22/5). Đoàn Việt Nam tổ chức họp báo quốc tế tại Diễn đàn kinh tế thế giới thông báo hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, khẳng định đây là mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển của Việt Nam. Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ trả lời Đài Truyền hình CNN khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, bác bỏ các luận điệu sai trái của Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải, lên án việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, thông tin về tình hình hoàn toàn ổn định sau một số vụ gây rối trật tự công cộng.

Các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực thông tin, vận động chính giới, dư luận sở tại, các tổ chức hữu nghị, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có các hình thức ủng hộ lập trường của Việt Nam, phản đối hành vi của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế; tổ chức nói chuyện, họp báo, tham dự các hội thảo về Biển Đông tại sở tại; vận động các học giả, trung tâm nghiên cứu viết bài phân tích hành động của Trung Quốc là mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định và Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển; theo dõi dư luận báo chí sở tại và kịp thời phối hợp các biện pháp đấu tranh dư luận.

2. Thái độ của Trung Quốc

a. Đối với Việt Nam

Đến nay ta đã có hơn 30 cuộc làm việc với Trung Quốc ở nhiều cấp qua những hình thức giao thiệp, tiếp xúc, điện đàm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có 06 lần phát biểu về vụ giàn khoan Hải Dương – 981. Trong các cuộc gặp, điện đàm cũng như phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung quốc với ta, Trung Quốc đều thể hiện lập trường cứng rắn, ngang ngược, đổ lỗi, đe dọa ta.

Quan điểm của Trung Quốc tập trung một số ý sau:

- Hoạt động của giàn khoan Hải Dương – 981 của Trung Quốc nằm trong vùng biển lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải của quần đảo “Tây Sa” (Hoàng Sa) hoàn toàn nằm trong vùng biển thuộc chủ quyền cuả Trung Quốc; không liên quan gì đến vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

   - Quần đảo “Tây Sa” là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc, hoàn toàn không có tranh chấp. Hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc là hợp pháp, không ai có thể ngăn cản, Trung Quốc quyết không dừng lại. Nếu Việt Nam muốn nhân cơ hội này để tạo ra tranh chấp ở “Tây Sa” thì đây là sự tính toán sai lầm. Trung Quốc sẽ kiên quyết không đàm phán với Việt Nam về vấn đề “Tây Sa”.

- Đổ lỗi cho ta gây căng thẳng trên biển, các tàu Việt Nam quấy nhiễu hoạt động sản xuất bình thường và an toàn của doanh nghiệp Trung Quốc; đổ lỗi cho Việt Nam làm rùm beng dư luận; đe dọa Việt Nam phải chịu mọi hậu quả nếu tiếp tục các hoạt động sai trái hiện nay.

b. Đối với các nước khác

Trung Quốc ráo riết vận động quốc tế, đặc biệt gây sức ép các nước ASEAN không bày tỏ lập trường, phát biểu về tình hình đang diễn ra trên Biển Đông dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Cấp cao ASEAN đầu tháng 5 vừa qua. Đồng thời Trung Quốc cũng cảnh cáo Hoa Kỳ, Nhật và các nước khác không được can dự; gây phức tạp thêm tình hình.

Trung Quốc đẩy mạnh tuyên truyền sai lệch, xuyên tạc vụ việc, gửi công hàm thông báo cho các nước, tổ chức họp báo, trả lời phỏng vấn vu cáo ta khiêu khích, làm căng thẳng tình hình. Tuy nhiên, Trung Quốc không đưa ra được chứng cứ thuyết phục về tình hình xung quanh vụ việc, cho đến nay không có nước nào công khai ủng hộ việc làm sai trái của Trung Quốc.



[1] Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh điện đàm với Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Phạm Trường Long (17/5) và gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN – Trung Quốc tại Mi-an-ma (19/5). Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang điện đàm với Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Quách Thanh Côn (17/5), Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng gặp Bộ trưởng Bộ Thương mại Cao Hổ Thành bên lề Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC (16/5).

Tin khác

  • Hiệu quả công tác tuyên truyền "Chiến lược biển Việt Nam"
  • Yên Bái: Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tỉnh Yên Bái.
  • Tài liệu tuyên truyền về Biển Đảo Việt Nam
  • Câu hỏi 8: Việc Trung Quốc tiếp tục hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 vào sâu trong vùng biển của Việt Nam sẽ tác động như thế nào đến quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại?
  • Câu hỏi 7: Việt Nam có quyết định khởi kiện Trung Quốc không? Nếu có thì khi nào và theo cơ chế nào?
  • Câu hỏi 6: Trung Quốc cho rằng Chính phủ Việt Nam đã dung túng để người dân kỳ thị, chống Trung Quốc, rằng tình hình hiện nay giống như việc “bài Hoa” năm 1978?
  • Câu hỏi 5: Đề nghị cho biết chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước ta trong việc đấu tranh với Trung Quốc trong thời gian tới.
  • Câu hỏi 4: Đề nghị cho biết phản ứng của các nước đối với hành vi hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 của Trung Quốc và trước những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông hiện nay?
  • Câu hỏi 2: Xin cho biết ý đồ, mục đích của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 vào thời điểm hiện nay? Việt Nam có bị động trước những ý đồ đó của Trung Quốc?
  • Câu hỏi 1: Đề nghị cho biết diễn biến tình hình việc phía Trung Quốc triển khai hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của ta từ 01/5/2014 đến nay?
  • 1-10 of 28<  1  2  3  >