• Loading...
 
"Thuần bồ câu"
Ngày xuất bản: 15/04/2017 9:34:00 SA
Lượt xem: 11616

Trong khi chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao, nhiều người chăn nuôi bỏ chuồng trại thì mô hình nuôi bồ câu Pháp của anh Nguyễn Văn Thuần sinh năm 1987 được mọi người gọi là "Thuần bồ câu" ở thôn Tân An, xã Đại Phác, huyện Văn Yên đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Thuần đang chăm sóc bồ câu.

Bài học từ thất bại…

Sinh ra và lớn lên ở xã Yên Hợp, huyện Văn Yên trong một gia đình nghèo đông anh em, bố mất sớm, nên tuổi thơ của Thuần là chuỗi ngày vật lộn với mưu sinh. Học xong THPT, Thuần lang thang kiếm sống khắp các tỉnh, thành từ đào vàng, đóng gạch, làm công nhân, mổ lợn, phụ hồ, bưng bê trong các nhà hàng… đều không làm anh nản chí.

“Từ khi đi làm thuê, tôi đã ý thức được công việc nặng nhọc, khói bụi, độc hại rất ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng không làm thì lấy gì mà sinh sống?” - Thuần tâm sự.

Có được ít vốn, anh về quê mở trang trại nuôi lợn giống. Những tưởng cuộc sống đỡ cực hơn thì người ta lại thấy Thuần một mình trên đồi vừa khóc, vừa ôm từng con lợn đi chôn vì bệnh dịch. Cũng kể từ đó, bát cơm, manh áo của Thuần lại “cột chặt” với nghề bóc gỗ thuê ở một xưởng sản xuất chế biến giấy xã Yên Hợp.

Một lần tình cờ, sang nhà bác hàng xóm chơi, thấy chỉ nuôi 3 đến 4 đôi chim bồ câu mà tiền điện, mắm muối hàng tháng không phải lo. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu và Thuần chủ động hỏi: “Có bao giờ bác nghĩ nuôi 30 - 40 đôi, hay 300 đến 400 đôi chưa?”. Bác hàng xóm trả lời: “Bác nuôi chơi cho vui, còn mở rộng thì phải để thanh niên các cháu!”.

Cũng từ đấy, một mô hình nuôi bồ câu luôn là ước mơ, sự lựa chọn, ưu tiên số một của Thuần. Là người khá cẩn thận, trước khi đến với nghề nuôi bồ câu, Thuần đã bỏ ra hơn 1 năm để nghiên cứu, tìm hiểu về giống, kỹ thuật chăm nuôi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Qua tìm hiểu, Thuần thấy nuôi bồ câu Pháp mô hình lớn theo hướng hàng hóa hiện nay chỉ có ở 3 tỉnh, thành gồm: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Vũng Tàu. Vì không có điều kiện, nên Thuần chỉ đến tham quan mô hình nuôi bồ câu Pháp quy mô nhỏ ở tỉnh Bắc Giang và huyện Sóc Sơn (Hà Nội).

Sau khi tìm hiểu khá kỹ về giống, kỹ thuật xây dựng chuồng trại, cách chăm nuôi, Thuần vay mượn gia đình, hàng xóm và xuống Bắc Giang đặt mua gần 100 đôi giống bồ câu Pháp. Đang mừng rỡ về một tương lai đổi đời thì 100 đôi giống vừa mua cứ lần lượt lăn ra chết một cách khó hiểu trước sự bất lực của Thuần.

“Về sau, tôi mới hiểu, người buôn, bán giống cũng là người đi gom nhặt giống ở các nơi không rõ nguồn gốc về bán cho mình. Thứ hai là, khí hậu giữa miền Nam và miền Bắc khác nhau, đặc biệt, địa phương mình khí hậu lạnh, độ ẩm lại cao… Vậy là, gần 50 triệu vay mượn lại “đội nón” ra đi” - Thuần thở dài tiếc nuối.

Lại một lần nữa, Thuần bỏ lên Sa Pa (Lào Cai) làm nghề nấu ăn thuê hơn một năm. Năm 2013, sau khi tích cóp được ít vốn, anh về quê lấy vợ và chuyển sang sinh sống tại thôn Tân An, xã Đại Phác. Ban ngày làm nghề cắt tóc, phụ hồ, ban đêm thì phụ mổ lợn… với quyết tâm dành dụm ít vốn để tiếp tục theo đuổi ước mơ về mô hình nuôi bồ câu của mình.

Lần này, Thuần đến với nghề nuôi bồ câu khá dè dặt. Anh chỉ mua 10 đôi về để vừa chăm sóc, vừa theo dõi. Do làm chủ kỹ thuật, cách thức chăn nuôi, nên 10 đôi bồ câu giống sinh trưởng tốt, bắt đầu sinh sản và ước mơ về một mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa đã không còn quá xa. Khi 10 đôi bồ câu Pháp sinh sản tốt, Thuần tiếp tục vay vốn đầu tư mua thêm 90 đôi về nuôi. Lần này, chúng không chết nhiều, nhưng lại không sinh sản.

Tìm hiểu nguyên nhân, Thuần phát hiện ra mình đã bị người cung cấp giống lừa pha trộn nhiều con đực và con già trước khi bán cho anh. May mắn, Thuần đã kịp bán bồ câu thịt nên chỉ thua lỗ trên 30 triệu đồng. Không đầu hàng rủi ro, thất bại, anh một mình đến các trang trại nuôi bồ câu Pháp ở Bắc Giang để làm thuê hơn nửa năm với mong muốn hiểu nhiều hơn về giống, vòng đời sinh sản và cách thức nuôi theo phương pháp công nghiệp.

“Quá tam ba bận! Lần này không thành công chắc tôi chỉ còn đường chết…” - Thuần nói “chết” mà nghe nhẹ hơn và có phần khoái chí. Tôi biết chắc chắn là Thuần đã “chinh phục” được ước mơ của mình.

... Đến “bồ câu tung cánh”

Tưởng như con đường đến với nghề nuôi bồ câu bị khép lại, song với ý chí kiên cường, không đầu hàng thất bại của Thuần, đã giúp anh dần biến ước mơ của mình thành hiện thực. Trở về sau nhiều lần vấp ngã, cay đắng có, mất mát có, tủi hổ có... Thuần trở lên tự tin hơn.

Được sự trợ giúp của gia đình vợ, lần này, Thuần đã tự tay chuyển nhà ra khu trước sân ở tạm, còn gần 300 m2  nhà gỗ anh biến thành khu nuôi bồ câu.

Để chuẩn bị cho hành trình “chinh phục” giống bồ câu này, ngoài việc tìm tòi trên sách báo, hay đến những mô hình nuôi bồ câu Pháp thành công ở các tỉnh phía Bắc, trại giống của Học viện Nông nghiệp để học tập, cùng kinh nghiệm sau những vấp ngã để đời đã giúp Thuần lựa chọn được 100 đôi giống ứng ý.

Không như những mô hình nuôi bán công nghiệp, Thuần lựa chọn nuôi bồ câu theo hướng công nghiệp. Toàn bộ chuồng trước đây thay bằng lồng được thiết kế khoa học để tiện cho bồ câu giống sinh sản và có thể chăm sóc thêm 3 đến 4 con giống nhỏ.

Thuần đặc biệt chú ý đến khoảng cách bố trí của các lồng phải thoáng mát, ánh sáng đầy đủ, yên tĩnh, sạch sẽ. Mỗi lồng là một cặp bồ câu sinh sản (mật độ 1 cặp/lồng). Chuồng nuôi bồ câu thịt (từ 21 - 30 ngày tuổi) có mật độ 45 - 50 con/m2. Bồ câu Pháp thức ăn chủ yếu là ngô, lúa gạo, đậu… Thuần đấu thầu các bãi soi ven sông để trồng ngô, đậu làm thức ăn cho chúng.

“Bồ câu Pháp ăn tạp nên có thể nghiền lúa, gạo, ngô, đậu... chế biến thức ăn. Nên cho bồ câu ăn nhiều chất đạm, hạn chế chất béo. Nếu bồ câu mẹ ăn nhiều chất béo thì sinh sản kém, còn bồ câu non ăn nhiều chất béo thì thịt nhiều mỡ, kém ngon” - Thuần tỏ ra khá am hiểu cách chăm sóc giống bồ câu.

Ngoài ra, để bồ câu bố mẹ đẻ nhiều, nuôi con tốt, Thuần chủ động chọn con giống có lông bụng dày và mượt, khỏe mạnh, không dị tật, đuôi nhọn… Khi bồ câu đẻ trứng, ấp được 8 ngày thì đem trứng ra soi, bỏ những trứng hỏng.

Sau đó, chọn hai trứng có cùng ngày tuổi hoặc có thể lệch 1 hoặc 2 ngày để ghép cho bồ câu mẹ ấp. Những cặp chim bố mẹ không có trứng để ấp sẽ nuôi riêng để tiếp tục đẻ trứng; bồ câu nuôi khoảng 6 tháng là bắt đầu sinh sản. Bình quân một cặp bồ câu Pháp có thể ấp 8 - 10 lứa mỗi năm. Ưu điểm của bồ câu Pháp là nuôi con nhanh phát triển, ít dịch bệnh.

Chim ra ràng phát triển khoảng 18 - 20 ngày thì bắt đầu bán, bình quân mỗi con nặng khoảng 0,5 kg. Với cách chăn nuôi khoa học, đến nay mô hình nuôi bồ câu Pháp của Thuần đã phát triển lên hơn 200 đôi và cho thu nhập bình quân mỗi tháng sau khi trừ chi phí thu về hơn chục triệu đồng.

Là người say mê, lại có cái tâm trong chăn nuôi, những thương lái, chủ nhà hàng ăn uống ngoài thị trấn Mậu A không cần giới thiệu cứ kéo đến nhà Thuần mua bồ câu. Nguồn bồ câu giống và bồ câu thịt cung ứng ra thị trường không đủ, Thuần chủ động đầu tư máy ấp trứng để có điều kiện phát triển đàn cũng như khả năng quay vòng sinh sản của bồ câu hiệu quả hơn.

Từ suy nghĩ đó, anh đầu tư máy ấp trứng hiện đại trị giá gần 20 triệu đồng để mở rộng thêm mô hình kinh doanh gà giống cũng như nhu cầu ấp trứng gia cầm trong xã.

“Nếu ấp trứng thuê thì chỉ được từ 2.500 đồng - 3.000 đồng/con giống, còn nếu mình mua trứng về ấp và bán thì có giá từ 10.000 đến 12.000 đồng/con giống. Tôi mới cho ấp trứng gà từ đầu năm 2017, mỗi lượt trên 100 con giống mà không đủ cung ứng cho người mua” - Thuần tâm sự.

Nuôi bồ câu Pháp làm mô hình kinh doanh theo hướng hàng hóa đã và đang là hướng đi đúng đắn, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho Nguyễn Văn Thuần. Với Thuần, bây giờ mơ ước lớn nhất của anh là tiếp tục mở rộng mô hình nuôi bồ câu Pháp có quy mô lên đến 500 đôi, thậm chí 1.000 đôi.

Vinh dự trong dịp đầu năm 2017, mô hình nuôi bồ câu Pháp của Thuần đã được đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đến thăm.

Những lời động viên của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là nguồn cổ vũ to lớn để Thuần biến ước mơ trở thành người tiên phong trong việc đưa giống bồ câu Pháp vào phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa của huyện Văn Yên nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung đang trở thành hiện thực.

“Thuần bồ câu” thực sự là hình ảnh đại diện cho ý chí vươn lên, không đầu hàng thất bại để thực hiện ước mơ dù phải trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ khi đến với nghề mà mình yêu thích. Câu chuyện của “Thuần bồ câu” chính là bài học về lòng quyết tâm, nghị lực, ý chí vượt khó của thanh niên nông thôn.

Anh xứng đáng là tấm gương cho nhiều bạn trẻ cùng học tập, noi theo.