• Loading...
 
Muôn vàn tình thương yêu của Bác Hồ qua thư và thơ Trung thu gửi thiếu niên, nhi đồng
Ngày xuất bản: 02/10/2017 9:45:00 CH
Lượt xem: 31712

Sinh thời, Chủ tịch Hồ chí Minh luôn dành một tình cảm đặc biệt và sự quan tâm sâu sắc đối với thiếu niên nhi đồng. Rất nhiều Tết Trung thu, Người đã gửi thư và làm thơ cho các cháu thiếu niên nhi đồng - chủ nhân tương lai của đất nước.

Vào những ngày kỷ niệm Quốc tế thiếu nhi, ngày khai trường, Tết Trung thu hay mỗi khi các cháu làm được việc tốt, đạt thành tích xuất sắc, Bác Hồ thường đến thăm hỏi, động viên hoặc gửi thư, tặng quà

Ngay sau ngày cách mạng thành công, trong dịp Tết Trung thu đầu tiên, ngày 15 tháng 9 năm 1945, Bác đã viết thư gửi các cháu thiếu nhi. Trong thư Người  viết: “Đây là Tết Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà”. Lời của Bác thật thân tình, hồn nhiên, phấn chấn: ”Các cháu yêu quý. Hôm nay là Tết Trung thu… Cái cảnh trăng tròn, gió mát, hồ lặng, trời xanh của Trung thu làm cho các cháu vui cười hớn hở. Bác cũng vui cười hớn hở với các cháu. Đố các cháu biết vì sao? Một là vì Bác rất yêu mến các cháu, hai là vì Tết Trung thu năm ngoái nước ta còn bị áp bức, các cháu còn là một bầy nô lệ, năm nay các cháu đã trở thành những chủ nhân của nước  độc lập”. Đến vui với các cháu Tết Trung thu năm ấy Bác căn dặn: “Các cháu phải ngoan, ở nhà phải nghe lời cha mẹ, đi học phải siêng năng, đối với thầy bạn phải yêu kính. Các cháu phải thương yêu nước ta. Mong các cháu mai sau thành những người dân xứng đáng với nước độc lập, tự do”.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp cực kỳ gian khổ, mặc dù ở Chiến khu Việt Bắc nhưng Người cũng không quên viết thư gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng. Trung thu năm 1951, Người mở đầu bức thư bằng những dòng thơ lục bát cảm động: “Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/ Sau đây Bác viết mấy dòng / Gửi  cho các cháu tỏ lòng nhớ thương”/ rồi Bác nhắc nhở thiếu niên nhi đồng phải biết yêu nước, căm thù giặc, biết giúp đỡ thương binh, biết đoàn kết và thi đua để làm nhiều việc có ích cho kháng chiến. Năm 1952, giữa lúc cuộc kháng chiến của ta và địch đầy cam go thử thách, Tết Trung thu, Người cũng không quên viết thơ gửi các cháu. Bài thơ thể hiện tình cảm dào dạt của Bác, vừa là sự động viên, khen ngợi, biểu dương song cũng là lời căn dặn ân cần nhắc các cháu thực hiện tốt bổn phận của mình: “Ai yêu các nhi đồng / Bằng Bác Hồ Chí Minh/ Tính các cháu ngoan ngoãn / Mặt các cháu xinh xinh / Mong các cháu cố gắng / Thi đua học và hành/ Tuổi nhỏ làm việc nhỏ / Tuỳ theo sức của mình/ Để tham gia kháng chiến / Và gìn giữ hoà bình / Các cháu hãy xứng đáng / Cháu Bác Hồ Chí Minh”.

Bước sang năm 1953, cuộc kháng chiến của dân tộc ta đã giành được nhiều thắng lợi có tính chất bước ngoặt. Trung thu, Người  phấn khởi viết thư cho các cháu bằng những lời thơ vui biểu thị  tin tưởng: Chín Tết Trung thu/ Tám năm kháng chiến/ Các cháu khôn lớn/ Bác rất vui lòng/ Thu này Bác gửi thư chung/ Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa/ Thu này hơn những thu qua/ Kháng chiến thắng lợi gấp ba bốn lần/Các cháu vui thay/ Bác cũng vui thay/. Đúng như sự dự đoán  của Bác, năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã giành được thắng lợi, nhưng đất nước vẫn bị chia cắt: Bác viết thư thể hiện niềm mong mỏi thiết tha: “Đến ngày Nam - Bắc một nhà/ Các cháu xúm xít thì ta vui mừng”.

Trung thu năm 1960, Bác đã viết “Nói chuyện Trung thu với các em nhi đồng”, đây là bức thư Trung thu cuối cùng của Bác. Mặc dù Người đã 70 tuổi song lời lẽ vẫn hết sức vui tươi, dí dỏm: Theo truyện đời xưa Việt Nam thì trên mặt trăng có chú Cuội chăn trâu; Chú Cuội ngồi ở trong trăng/ Để trâu ăn lúa nhăn răng mà cười”. Cuối thư Bác viết  “Nhờ cách mạng tháng Tám thành công và kháng chiến thắng lợi, các em sinh trưởng trong chế độ XHCN. Nhờ Đảng săn sóc và Đoàn giúp đỡ, các em sẽ cố gắng về nhiều mặt để xứng đáng là người chủ tương lai của đất nước Việt Nam hoà bình thống nhất, dân chủ và giàu mạnh”.

Thư và thơ Trung thu của Bác thể hiện muôn vàn tình thân yêu đối với các cháu thiếu niên nhi đồng. Trước khi về với cõi vĩnh hằng, trong bản Di chúc thiêng liêng Người còn căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết” . Lời căn dặn của Bác có giá trị sâu sắc trong sự nghiệp “trồng người” của toàn Đảng, toàn dân ta, không chỉ đúng với hôm nay mà còn có giá trị cho mai sau.

Bác đã đi xa, Tết Trung thu không còn nhận thư và thơ của Bác, song các thế hệ thiếu niên nhi đồng vẫn luôn luôn ghi nhớ lời Bác dạy: “Các cháu hãy xứng đáng/ Cháu Bác Hồ Chí Minh”.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh