• Loading...
 
Hội đồng Trẻ em - diễn đàn lớn của trẻ em Yên Bái
Ngày xuất bản: 11/05/2018 2:31:00 CH
Lượt xem: 6061

Yên Bái là một trong 5 tỉnh, thành phố triển khai thí điểm việc xây dựng Đề án và thành lập mô hình Hội đồng Trẻ em (HĐTE) - một hình thức hoạt động mới do chính trẻ em trực tiếp điều hành.

Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong, thành phố Yên Bái trao đổi kiến thức về Luật Trẻ em.

Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng các cấp, các ngành luôn quan tâm thông qua nhiều chương trình, diễn đàn, giao lưu, gặp gỡ... để các em được giao lưu, nói lên tâm tư, nguyện vọng và những mong muốn của mình. Tuy nhiên, việc đóng góp, tham gia ý kiến của các em còn hạn chế vì chưa tạo được môi trường riêng biệt để các em bày tỏ ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình.

Đầu tháng 7/2017, Yên Bái cho ra mắt mô hình HĐTE. Việc thành lập HĐTE có ý nghĩa quan trọng, đại diện cho trẻ em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại với lãnh đạo, HĐND tỉnh về các vấn đề liên quan đến trẻ em trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp các em học cách giải quyết vấn đề và quyết định một cách có trách nhiệm, bảo vệ trẻ em tốt hơn, định hướng cho trẻ em trở thành công dân năng động và có ích, tác động lên các nhà hoạch định chính sách.

Chị Đoàn Thị Thanh Tâm - Bí thư Tỉnh đoàn, Trưởng ban Cố vấn HĐTE tỉnh chia sẻ, mô hình HĐTE đã được áp dụng ở nhiều quốc gia, đem lại những hiệu quả nhất định trong công tác thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, giúp các em có tiếng nói về những vấn đề quan tâm. 

Đối với tỉnh Yên Bái, HĐTE thành lập nhằm tạo cơ hội tham gia bình đẳng cho mọi trẻ em, tạo môi trường giúp trẻ em trao đổi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất thiết thực của thiếu nhi tỉnh nhà trong việc học tập, vui chơi, giải trí. 

"Đây chính là cầu nối giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt tình hình, nguyện vọng và nhu cầu của thiếu nhi trong tỉnh về những vấn đề liên quan đến sự phát triển toàn diện của thiếu nhi nhằm góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức của thiếu nhi cũng như toàn xã hội về Luật Trẻ em, Công ước quốc tế về quyền trẻ em” - Bí thư Tâm trao đổi.
Ngay sau khi ra mắt, các thành viên HĐTE đã chủ trì tổ chức kỳ họp thứ Nhất, hiệp thương bầu em Trần Thị Hà Thanh - Liên đội trưởng Trường THCS Nguyễn Du, thành phố Yên Bái là Chủ tịch HĐTE tỉnh Yên Bái; em Hoàng Yến Nhi - Liên đội phó Trường THCS thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình; em Phạm Đăng Lâm – Liên đội trưởng Trường Tiểu học Hồng Thái, thành phố Yên Bái là Phó Chủ tịch HĐTE tỉnh Yên Bái. 

Thường trực HĐND tỉnh Yên Bái, Lãnh đạo Tỉnh đoàn, Lãnh đạo Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh gặp mặt thành viên Hội đồng trẻ em tỉnh Yên Bái năm 2017

HĐTE đã chủ động xây dựng chương trình hoạt động của từng thành viên theo thực tế địa phương. 

Chia thành viên HĐTE thành 3 tiểu ban gồm: Tiểu ban 1 là các thành viên tại thành phố Yên Bái phụ trách nội dung Nhóm Quyền được bảo vệ; Tiểu ban 2 là các thành viên tại các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên, thị xã Nghĩa Lộ phụ trách nội dung Nhóm Quyền được tham gia và Tiểu ban 3 là các thành viên tại Nhà thiếu nhi tỉnh, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh phụ trách nội dung Nhóm Quyền được phát triển.

Cùng với đó, HĐTE đã tổ chức nhiều hoạt động lồng ghép lấy ý kiến của thiếu nhi tại cơ sở với trên 200 tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị gửi về Thường trực HĐTE. Trong đó, tập trung nhiều vào vấn đề như: bạo hành trẻ em trong học đường; bạo hành trẻ em tại cộng đồng; bạo hành trẻ em trong gia đình; tạo một môi trường an toàn, lành mạnh, phòng tránh xâm hại trẻ em; vấn đề tai nạn thương tích ở trẻ em...
Em Trần Thị Hà Thanh - học sinh lớp 8E, Trường THCS Nguyễn Du, Chủ tịch HĐTE tỉnh cho biết: "Nhận được thông tin về vai trò Chủ tịch HĐTE tỉnh Yên Bái, em cảm thấy vui nhưng cũng rất hồi hộp bởi đây là nhiệm vụ ngoài việc học tập, rèn luyện của bản thân, kèm theo đó là những trách nhiệm cụ thể". 

"Tuy nhiên, HĐTE là môi trường tốt để em có thể học hỏi, giao lưu với các bạn có cùng quan điểm, là cơ hội để chúng em nói lên tâm tư, nguyện vọng với các cấp lãnh đạo. Qua đó, giúp giảm thiểu những vấn đề tiêu cực có thể xảy đến” - Hà nói.
Có thể thấy, HĐTE được đưa vào hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng, là diễn đàn để trẻ em có cơ hội được tham gia đánh giá và đối thoại trực tiếp với các nhà hoạch định luật pháp, chính sách các cấp về kết quả thực hiện, được nói lên quan điểm, đề xuất các sáng kiến của mình tại các diễn đàn phản ánh được nhu cầu và nguyện vọng của các em, tạo ra sự chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về quyền tham gia của trẻ em cũng như trách nhiệm thực hiện các mục tiêu vì trẻ em.

Theo Báo Yên Bái