• Loading...
 
Chàng trai trẻ với khát vọng làm giàu
Ngày xuất bản: 15/08/2017 4:26:00 CH
Lượt xem: 6957

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Trấn Yên, sớm thoát ly gia đình, sau nhiều năm bươn chải ở Hà Nội, tiết kiệm được khoản tiền nho nhỏ, chàng trai sinh năm 1989 - Hoàng Văn Hoan, ở thôn Đồng Bằng 3, xã Lương Thịnh quyết định trở về quê hương ấp ủ khát vọng làm giàu. 

Chăn nuôi gà thương phẩm quy mô lớn của anh Hoàng Văn Hoan mang lại hiệu quả kinh tế cao

Đường vào trang trại gà của anh Hoàng Văn Hoan không khó đi bởi nằm sát trục đường chính, bên trong là 3 gian trại chăn nuôi rộng rãi cùng 1 khu nhà ở được xây kiên cố, có rào chắn cẩn thận. Vì là buổi sáng, nên khi chúng tôi tới thăm cũng là lúc anh đang phun rửa, vệ sinh khu vực chuồng trại.

Anh Hoan tâm sự: "3 năm theo học Trường Cao đẳng Cơ khí chế tạo Thái Nguyên, cộng thêm 3 năm đi làm tại Công ty cổ phần Đá cao cấp Vinaconex - Hà Nội, chưa bao giờ em nghĩ sẽ có ngày theo nghề chăn nuôi gà. Bươn chải kiếm sống, dành dụm được 100 triệu đồng, đắn đo suy nghĩ mãi, tôi quyết định trở về và mang trong mình khao khát vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Ban đầu, tôi cứ nghĩ 100 triệu làm được nhiều thứ lắm! Nào ngờ, vừa mới xây dựng nhà trại đầu tiên đã hết luôn số tiền đó. Được xã quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn ngân hàng, tôi mới quyết định vay thêm 200 triệu, mở rộng quy mô chuồng trại như bây giờ”.

Khởi điểm chăn nuôi đầu năm 2016, anh Hoan tập trung nuôi duy nhất giống gà Minh dư (Bình Định). "Gánh” trên vai số tiền lớn vay mượn để xây dựng chuồng trại, mua con giống, anh Hoan càng quyết tâm phải thành công, chịu khó tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi. Bên cạnh tư duy nhạy bén, dám nghĩ dám làm, nắm bắt thị trường, anh đặc biệt chú trọng đến khâu phòng chống dịch bệnh cho đàn gà. Gà được nuôi theo quy trình chuẩn, cách ly với môi trường bên ngoài và được tiêm phòng vắc - xin đầy đủ.

 Đến nay, sau 2 năm, quy mô trang trại chăn nuôi gà của anh Hoan với tổng diện tích 3.800 m2 luôn duy trì nuôi 3.500 con gà/lứa. Có đầu ra ổn định là chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ - Hà Nội và chợ Lào Cai, mỗi năm anh Hoan xuất bán 3 lứa gà, mỗi lứa 7 - 8 tấn với giá từ 50 - 60 nghìn đồng/kg, trừ chi phí còn thu về hơn 150 triệu đồng/năm.

 Thuận lợi là thế, nhưng không phải công việc chăn nuôi lúc nào cũng suôn sẻ. Còn nhớ, lứa gà thứ 2 năm đầu tiên, do thiếu kinh nghiệm, đàn gà hơn 3.000 con bị chết đồng loạt vì dịch bệnh. Xót xa chịu thua lỗ nhưng anh Hoan không nản chí mà vẫn quyết tâm tìm tòi, học hỏi thêm kiến thức sách vở, trên mạng Internet, rút ra được bài học để có thêm kinh nghiệm tiếp tục đầu tư, khôi phục lại trại gà.

Bên cạnh những khó khăn về vốn, phòng chống dịch bệnh, với mô hình nuôi gà thả vườn, anh Hoan rất chú trọng các khâu kỹ thuật chăn nuôi khác như: bắt gà vào những thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát; không thả gà tự kiếm thức ăn khi gà còn quá nhỏ; thiết kế chuồng trại đảm bảo thoáng mát mùa hè, kín ấm vào mùa đông, nền chuồng cao, có khả năng thoát nước tốt; xen kẽ ở nơi thả gà trồng thêm một số loại cây tạo bóng mát; máng ăn, máng uống nước cho gà luôn sạch sẽ, đầy đủ…

 "Làm rồi mới thấy, nuôi gà kỳ công hơn mình tưởng rất nhiều, đặc biệt là cần có sự cẩn trọng, tỉ mỉ và am hiểu kỹ thuật chăn nuôi. Ngày thường chăm sóc gà, hai vợ chồng tôi có thể quán xuyến được, nhưng định kỳ mỗi lứa 3 lần cắt mỏ để gà không đánh mổ nhau thì phải thuê thêm ít nhất 15 người, tập trung làm trong vòng một ngày mới xong. Nhiều khi vất vả nhưng với tôi đó cũng chính là niềm vui lớn lao” - anh Hoan chia sẻ thêm.

Nhắc đến mô hình nuôi gà thương phẩm quy mô lớn của anh Hoàng Văn Hoan, anh Phùng Bảo Khánh - Phó Bí thư Đoàn xã Lương Thịnh cho biết: "Không chỉ là tấm gương thanh niên làm kinh tế giỏi tiêu biểu, anh Hoan còn là một trong những trưởng thôn trẻ tuổi rất năng nổ, nhiệt huyết trong công tác xã hội của xã. Với đặc thù địa phương là bà con sống chủ yếu nhờ lâm nghiệp, mô hình chăn nuôi gà của anh Hoan nổi lên như một hướng đi mới trong phát triển kinh tế; đồng thời, là tấm gương sáng để các đoàn viên thanh niên trong xã cùng học tập, noi theo”

Theo Báo Yên Bái