• Loading...
 
Mạng xã hội – những vấn đề đặt ra cho các cấp bộ Đoàn
Ngày xuất bản: 14/02/2019 8:51:00 SA
Lượt xem: 21111

Mạng xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục là một công cụ làm việc, ứng dụng giải trí, nguồn thông tin quan trọng trong cuộc sống của người Việt Nam. Mỗi ngày, trung bình một người trưởng thành (trên 16 tuổi) dành khoảng 2.12 tiếng để truy cập mạng xã hội. Facebook đang là mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay, ngoài ra còn có Zalo, YouTube, Instagram và Twitter. Vì vậy, vấn đề đưa ra giải pháp đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là mạng xã hội là một yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

(Ảnh minh họa - nguồn internet)

Trên 90% cơ sở Đoàn có trang facebook

Anh Đinh Tiến Hùng - Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: thanh niên có nhu cầu sử dụng mạng xã hội rất lớn; từ đó, Tỉnh đoàn đã thành lập và duy trì một Fanpage với tên gọi “Tuổi trẻ Yên Bái” để đăng tải, định hướng thông tin cho các bạn đoàn viên, thanh niên cũng như việc phản bác lại những thông tin xấu, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đây là trân địa rất quan trọng trong việc định hướng dư luận, tư tưởng cho thanh niên và cũng là kênh thông tin rất bổ ích; thông qua đó, giúp tổ chức đoàn nắm bắt được tâm tư, tư tưởng của đoàn viên, thanh niên.

Trên địa bàn tỉnh, 100% Đoàn cấp huyện; 90% tổ chức đoàn cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh hiện tại duy trì trang facebook để tuyên truyền hoạt động cấp mình, thường xuyên chia sẻ hình ảnh sau mỗi hoạt động để tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên tại địa phương. Bên cạnh đó, Đoàn các cấp sử dụng mạng zalo qua hình thức nhóm, từng nội dung cần tuyên truyền sẽ có những nhóm đối tượng cụ thể được kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin lẫn nhau.

Có thể nói, mạng xã hội đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục của Đoàn. Các thông tin, hình ảnh được chuyển tải kịp thời, sinh động, thường xuyên, có thể cập nhật thông tin một cách nhanh nhất, nâng cao chất lượng tuyên truyền và sức thuyết phục thanh niên; có thể quan sát và đánh giá chất lượng, sự đồng tình hưởng ứng của thanh niên đối với mỗi hoạt động. Qua đó, giúp tổ chức Đoàn thuận lợi trong công tác nắm bắt tư tưởng, trào lưu, sở thích và các nhu cầu mà các bạn đoàn viên, thanh niên đang quan tâm.

Chủ động “đi trước” để định hướng thanh niên

Vào các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, hay các các sự kiện nổi bật… ĐVTN trong tỉnh hưởng ứng rất nhanh việc thay đổi hình ảnh đại diện cờ Tổ quốc, cờ Đoàn hoặc viết bài, chia sẻ về sự kiện này. Nổi bật, trong năm 2018, toàn tỉnh ra sức chống chọi với cơn bão số 3; có nhiều hình ảnh, lời chia sẻ, động viên hoặc kêu gọi ủng hộ của các bạn ĐVTN. Qua đó, chính từ các lời kêu gọi, các thông tin được đưa lên mạng đã đến nhanh hơn với các tổ chức thiện nguyện, các mạnh thường quân muốn nắm bắt thông tin để ủng hộ đối với người dân bị ảnh hưởng.

Hay trong đợt kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh liệt sỹ, Kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái – đợt sinh hoạt chính trị lớn của toàn tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã ban hành các bộ công cụ Infographic về sự kiện trên; tuyên truyền rộng rãi qua trang Fanpage Tuổi trẻ Yên Bái và các trang chính thống của các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh. Qua đó, đã tiếp cận được trên 7.000 lượt tương tác và chia sẻ.

Trước những vấn đề xã hội quan tâm, Tỉnh đoàn Yên Bái luôn xác định tinh thần chủ động, “đi trước”, để định hướng dư luận, tư tưởng cho thanh niên, hướng thanh niên vào những giá trị tốt đẹp, đồng thời lên án, phê phán cái xấu…

Chọn lọc thông tin truyền tải

Việc sử dụng mạng xã hội của Đoàn được thường xuyên và trở thành một trong những công cụ hiệu quả, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: tính sáng tạo trong đăng tải thông tin tuyên truyền của một số cơ sở Đoàn còn hạn chế; một số thông tin chưa được định hướng kịp thời trên mạng xã hội... Nếu không có định hướng, dẫn dắt, thanh niên dễ bị lôi kéo vào những thông tin sai lạc, tiêu cực, kéo theo những hệ lụy khác.

Thuật toán của mạng xã hội hướng đến những vấn đề, những nội dung người sử dụng hay tìm kiếm; vì vậy, nếu các nội dung của Đoàn không phong phú, không đa dạng, không thu hút, không có chiến lược maketting thì sẽ khó tiếp cận được đến đông đảo thanh niên.

Để công tác tuyên truyền trên mạng xã hội đạt hiệu quả, thời gian tới, Tỉnh đoàn Yên Bái tiếp tục duy trì và nâng chất lượng hoạt động của trang Fanpage “Tuổi trẻ Yên Bái”; tổ chức các cuộc thi trực tuyến trên Fanpage nhằm tiếp tục thu hút sự quan tâm của đông đảo đoàn viên, thanh niên, xem đây là công cụ đắc lực để chia sẻ và gắn kết với thanh niên, cổ vũ thanh niên hăng hái tham gia các hoạt động tình nguyện, các phong trào của Đoàn... Xây dựng các sản phẩm truyền thông trực quan (trailer, infographic…) bài bản, chất lượng cao.

Bên cạnh đó, tạo các nhóm sự kiện, thành lập facebook cho từng nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, thanh niên nông thôn, thanh niên công nhân… chọn lọc các nội dung tuyên truyền phù hợp. Nội dung sẽ được cô đọng ngắn gọn, dễ tiếp thu. Ngoài ra, đẩy mạnh hoạt động trên zalo thông qua việc kết nối thành lập từng nhóm hoạt động, theo từng khu vực để chia sẻ, nắm bắt thông tin đến tận cơ sở Đoàn. Trước những vấn đề cần định hướng dư luận, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ nhanh chóng cập nhật thông tin chính xác; nhanh chóng truyền tải đến các nhóm…

Cùng với các phương tiện truyền thông khác, thời gian tới, mạng xã hội sẽ là một trong những công cụ đắc lực được các cấp bộ Đoàn tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện. Qua đó, giáo dục, định hướng, nắm bắt tình hình tư tưởng thanh niên; góp phần tác động mạnh mẽ, cổ vũ, nâng cao ý thức cho mỗi thanh niên về vai trò, trách nhiệm của mình trong đấu tranh chống lại sự xuyên tạc của các thế lực thù địch, trong xung kích, tình nguyện xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển./.

Thác Vân