• Loading...
 
Những suất quà đầu tiên đã tới được tay bà con nhân dân xã An Lương
Ngày xuất bản: 30/07/2018 5:15:00 CH
Lượt xem: 973

An Lương là một xã vùng thấp của huyện Văn Chấn, sau khi chịu hậu quả nặng nề của trận lũ đá và sạt lở đất kinh hoàng ngày 23/7/2018; đến nay, An Lương là xã duy nhất còn lại của huyện vẫn bị cô lập, mất điện, mất sóng điện thoại, mọi ngả đường vào với xã đều bị sạt lở nghiêm trọng cộng với địa hình hiểm trở bị tàn phá nặng nề bởi thiên tai cho nên mọi cố gắng tiếp cận, tiếp tế vào với xã đều chưa thành công.

Quyết tâm vào với An Lương

Trong khi xã An Lương vẫn đang gồng mình khắc phục hậu quả của trận lũ đá và sạt lở đất tàn phá, tiếp tục di dời các hộ dân trong khu vực nguy hiểm, chuẩn bị các tình huống ứng phó với các đợt mưa lũ, sạt lở tiếp theo do các taluy đã no nước bắt đầu nứt ra đe doạ ập xuống bất cứ lúc nào. Mọi nỗ lực tiếp cận, tiếp tế cho xã đang diễn ra khẩn trương nhưng chưa có kết quả.

Đoàn công tác 3 người do Đ/c Đinh Tiến Hùng làm trưởng đoàn cùng với phóng viên Báo Tiền Phong đã xung phong tiếp cận An Lương với hành trang là sự quyết tâm của tuổi trẻ và những xuất quà hỗ trợ các hộ dân bị cuốn trôi nhà cửa và có người chết để kịp thời động viên nhân dân.

7h ngày 28/7/2018 - Đoàn công tác bắt đầu hành trình tiếp cận An Lương.

Sau khi di chuyển bằng xe máy từ Nghĩa Lộ lên Suối Giàng. Với sự giúp đỡ của đồng chí Hoàng Xuân Quyết - Nguyên Phó Bí thư Huyện đoàn Văn Chấn, đoàn công tác đi bộ Suối Giàng theo đường qua thôn Tập Lăng vào xã An Lương. Vượt suối, băng rừng trong thời tiết mưa phùn, qua các đoạn đường với dốc đứng, uốn lượn bị sạt lở 18 điểm khác nhau với những khó khăn nhiều hơn so với tưởng tượng của chúng tôi. Đường sỏi đá gập ghềnh, có những đoạn trơn trượt cả đoàn phải chống gậy mới bước được, có những đoạn đường sạt cả taluy âm, taluy dương, cầu cống bị phá huỷ, rất hiểm trở, đoàn công tác phải cắt rừng, vượt qua các điểm sạt lở vô cùng nguy hiểm với một bên là vực sâu, một bên là taluy đã sạt và đang có nguy cơ tiếp tục sạt xuống; những chỗ này do đất sạt nên rất trơn phải nhanh chóng vượt qua, nhưng có một vấn đề là những điểm này bùn nhão mà khi vượt qua có đồng chí phải liên tục dừng lại rút ủng vì bị lún chân trong bùn sâu quá không nhấc lên được. Việc phải cắt rừng ở những nơi có địa hình dốc và trơn khiến các cá nhân trong đoàn trượt ngã liên tục. Áo mưa, quần áo, balo gần như nhuộm màu bùn. Hành trình gian nan thêm khi vượt qua các khe suối với đá lởm chởm, và cây cối gãy đổ mà nhìn qua có thể thấy đây là hiện trường của một trận lũ đá và sạt lở mới xảy ra. Đứng dưới lòng khe nhìn lên dòng nước đang chảy ra đục ngàu có thể hình dung ra sự ghê sợ của nó khi nó sẵn sàng nhả hàng ngàn mét khối nước với đá sỏi va chạm với nhau lốp cốp dưới dòng nước siết và vô vàn những khúc gỗ, khúc cây sẵn sàng tiên phong phá tan những gì trên mặt nước ở mỗi nơi nó cuốn qua…

Hành trình của đoàn công tác Tỉnh đoàn Yên Bái và Báo Tiền Phong vượt lũ đến với xã An Lương, huyện Văn Chấn

12h30 đoàn đến cầu Tập Lăng – công trình thanh niên

Hình ảnh cây cầu thanh niên với một đầu cầu bị taluy đè xuống, chân cầu đá sỏi ngổn ngang, với một nhịp cầu đã bị sập chứng tích của một trận lũ đá phá cầu ghê gớm. Trông thấy cảnh ấy, những người trong đoàn không khỏi xót xa.

Bước vào đến địa phận xã An Lương, là thôn Tặng Chang, cũng là một thôn bị tàn phá nặng nề. Đoàn công tác đã đến thăm gia đình anh Hà Văn Thế, một gia đình bị thiên tai cuốn đi tất cả căn nhà, xe cộ và suýt cướp mất của anh một cậu con trai 5 tuổi. Nhận được quà hỗ trợ của Tỉnh đoàn, anh rất xúc động, nước mắt hai hàng anh chỉ biết than: “Tôi mất tất cả rồi…” Từ khi bỗng dưng mất tất cả đến giờ anh vẫn chưa hết bàng hoàng và hiện tại đang phải ăn nhờ, ở nhờ những người hàng xóm tốt bụng mặc dù những gia đình hàng xóm ấy cũng bị thiệt hại nặng nề sau trận lũ đá. Có sự hỗ trợ này, anh có thể yên tâm hơn vì gia đình anh không bị chính quyền, các tổ chức bên ngoài lãng quên.

13h30 vượt qua ngần ấy những thử thách đoàn công tác đã vào được An Lương sau gần 4h đi bộ liên tục. Được biết đoàn công tác của Tỉnh đoàn là một trong những đoàn công tác đầu tiên vào được An Lương.

Kinh hoàng sau nhìn thấy những gì còn lại của trận lũ đá

Cảnh tượng hoang tàn do cơ lũ đá tuy đã được dọn dẹp nhiều ngày, nhưng trông còn thật đáng sợ. Đó là một bãi đá khổng lồ từ mép rừng kéo dài xuống dòng suối Thia mà mới hơn 1 tuần trước đây thôi nó còn là một khu dân cư với những ngôi nhà sàn san sát và những thửa ruộng kéo dài về phía dòng suối Thia hiền hoà. Những người già trong thôn cũng phải kinh hãi thốt lên: “80 năm từ khi sinh ra đến giờ còn chưa từng thấy, từng nghe ông bà cha mẹ kể về một trận lũ đá nào khủng khiếp đến thế này!”

7 căn nhà sàn bị xoá sổ, những căn còn lại chỉ còn lại đống đổ nát, siêu vẹo do những tảng đá to với đường kính hơn 1m đập vào. Ao cá, đồi cây, ruộng lúa thay bằng một dải đá sỏi khó có khả năng khắc phục, khôi phục lại.

Hơn 200 ha lúa và hoa màu bị tàn phá, nhiều gia súc, trâu bò cũng bị cuốn trôi. Lũ suối Thia dâng cao và chảy siết đã suýt đánh sập chiếc cầu treo duy nhất bắc vào thôn.

Ấn tượng hình ảnh màu áo xanh

Trong bức tranh tang thương và mất mát, màu áo xanh của đoàn viên thanh niên trong xã hoà với màu áo xanh của các chiến sỹ, công an, quân đội, những bộ quần áo đồng phục của học sinh đang miệt mài dọn dẹp các đống đổ nát, vét bùn, khiêng đá, khiêng gỗ…giúp bà con nhân dân. Đã gần 1 tuần thế này, trên 100 bạn trẻ với màu áo xanh của các lực lượng thanh niên cùng với bà con nhân dân cùng nhau khắc phục hậu quả của cơn lũ khi nó đã đi qua khi mà mọi sự giúp đỡ vẫn chưa thể tới An Lương. Trong lấm lem bùn đất, trong màu xám xịt của bãi đá ngổn ngang, những màu áo xanh đẫm mồ hôi phần nào đã giúp cho nhịp sống nơi đây bớt ảm đạm, chung tay góp sức xoa dịu đi những nỗi đau, mất mát do thiên tai đột ngột mang đến.

Đoàn viên, thanh niên xã An Lương, huyện Văn Chấn hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ

Chính quyền địa phương huy động toàn bộ nội lực khắc phục thiên tai

Ông Hoàng Văn Cội, Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ khi thiên tai bất ngờ ập xuống, chính quyền đã huy động liên tục ngày đêm toàn bộ lực lượng tại chỗ nhiều ngày khắc phục hậu quả trận lũ, và cũng đã kịp thời có phương án tái định cư cho 18 hộ bị mất nhà, di dời 58 hộ ra khỏi vùng nguy hiểm. Bà con yêu thương đùm bọc nhau nên cũng không để xảy ra tình trạng màn trời, chiếu đất, không nơi ăn chốn ngủ.

Xã đã có điện và sóng điện thoại trở lại, chính quyền quán triệt các hộ buôn bán không chộp giật tăng giá lương thực thực phẩm gây khó khăn cho người dân đang gồng mình khắc phục hậu quả cơn lũ. Đồng thời đã liên lạc với bên ngoài để phối hợp xử các tuyến đường, các điểm sạt lở để có thể sớm nhất thông đường vào với An Lương.

Nhiều năm qua, nhân dân trong xã đã trồng được quế sản xuất nên đời sống khá ổn định, và đây sẽ là nội lực để người dân từng bước vượt qua thiên tai chưa từng có này.

Những phần quà, kịp thời được gửi đến nhân dân

Vào đến An Lương, đoàn công tác gần như ngay lập tức đến với người dân thôn Mảm 2, xã An Lương – Tâm cơn lũ đá và sạt lở đất đi qua. Đồng chí Đinh Tiến Hùng – Phó Bí thư Tỉnh đoàn đã gửi lời động viên, thăm hỏi đến nhân dân trong thôn đặc biệt là các gia đình bị thiệt hại nặng nề về người và của. Tại đây, đoàn công tác đã chuyển 7 suất quà của Trung ương Đoàn, 02 suất quà của Báo Tuổi trẻ, trao 19 xuất quà của Tỉnh đoàn và Câu lạc bộ vì đàn em thân yêu – Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi trị giá 38 triệu đồng cho các hộ thiệt hại nặng nề. Đại diện Báo Tiền phong trao 2 suất quà cho các gia đình có người thiệt mạng và mất tích trong xã. Những xuất quà phần nào góp sức xoa dịu những mất mát của người dân trong xã, đồng thời khẳng định được rằng đoàn công tác của Tỉnh đoàn đã vào được An Lương thì sẽ có nhiều đoàn công tác khác, đoàn cứu trợ khác sẽ sớm vào được xã để chung tay giúp đỡ người dân trong xã sớm khắc phục thiên tai, ổn định cuộc sống./.

Đ/c Đinh Tiến Hùng  - Phó Bí thư Tỉnh đoàn tặng quà cho các gia đình có nhà bị cuốn trôi hoàn toàn

Đồng chí Đinh Tiến Hùng - Phó Bí thư Tỉnh đoàn tặng quà cho gia đình có nhà bị thiệt hại nặng nề

                                 Lại Tuyến