• Loading...
 
Hiệu quả vốn vay 120 cho thanh niên phát triển kinh tế tại huyện Lục Yên
Ngày xuất bản: 09/10/2018 8:59:00 SA
Lượt xem: 13876

Tỉnh đoàn Yên Bái được Trung ương Đoàn giao quản lý 960 triệu đồng vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (nguồn vốn 120), hiện đang triển khai 21 dự án tạo viêc  làm cho thanh niên. Nhờ làm tốt công tác quản lý, các dự án đều sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích, hỗ trợ tích cực cho thanh niên trên con đường lập nghiệp. Trong tổng số 21 dự án đang triển khai hiệu quả thì huyện Lục Yên có 10 dự án với số tiền 592 triệu đồng, nhiều nhất trong toàn tỉnh.

Anh Hoàng Trung Chinh – Bí thư huyện đoàn cho biết toàn huyện Lục Yên có trên 18 nghìn đoàn viên, thanh niên, thì có đến gần 200 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, trong đó lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm trên 80%, tạo việc làm ổn định cho trên 250 thanh niên. Hầu hết các mô hình đều có vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và vốn vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (nguồn vốn 120). Thông qua nguồn vốn này, nhiều mô hình phát triền kinh tế, sản xuất kinh doanh của đoàn viên thanh niên có cơ hội mở rộng quy mô, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho nhiều lao động trẻ ở địa phương. Điển hình như: trang trại tổng hợp của đoàn viên Hoàng Trung Hiếu, thôn Cốc Há, thị trấn Yên Thế; Trang trại 10 ha quế của đoàn viên Đặng Văn Thanh ở thôn Vàn 1 xã Phúc Lợi; Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Minh Sơn - xã Liễu Đô của đoàn viên Nguyễn Văn Mừng; Nhà hàng Công viên của đoàn viên Bùi Thế Viên, tổ 17, thị trấn Yên Thế; trang trại của Đoàn viên Tống Văn Hữu ở thôn Làng Già, xã Yên Thắng; mô hình tổng hợp VAC của đoàn viên Nguyễn Chí Châu ở thôn Đồng Cáy, xã Yên Thắng; HTX thanh niên Lục Yên của Nguyễn Hải Chiều xã Lâm Thượng…cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Thăm lại trang trại chăn nuôi tổng hợp của đoàn viên Hoàng Trung Hiếu ở thôn Cốc Há, thị trấn Yên Thế. Năm 2013 với 300 triệu đồng được vay từ nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn, Hiếu đầu tư xây dựng tường rào bao quanh khu đất của gia đình với diện tích 2ha, mua giống lợn rừng, hươu sao, gà vịt, ngan về nuôi để thực hiện ý tưởng trang trại chăn nuôi tổng hợp. Hiện nay trang trại thường xuyên duy trì đàn gà khoảng 700 con, trong đó có trên 300 con gà thiến, trên 100 con gà đẻ còn lại là gà thịt; vịt được nuôi theo thời vụ, có những vụ thị trường tiêu thụ tốt anh tăng đàn lên tới 300 con/ lứa. Đàn lợn rừng trên 100 con mỗi con khoảng 15 kg, mà có tuổi gần 1 năm nên thịt ngon như lợn ngoài rừng, giá xuất chuồng từ 130 đến 150 nghìn đồng/kg. Bình quân mỗi năm gia đình xuất bán được khoảng trên 60 con”, tổng thu một năm với các sản phẩm chăn nuôi bình quân từ 250 đến 300 triệu đồng. Có vốn Hoàng Trung Hiếu tiếp tục đầu tư đào đắp khu ruộng lầy gần 2ha thành ao để nuôi cá và mở rộng chăn nuôi thêm ngan, vịt và đã trả hết số vốn vay 300 triệu đồng cho Ngân hàng CSXH. Hiếu cho biết “có được thành công như hôm nay là nhờ sự giúp đỡ, quan tâm của Tỉnh đoàn, huyện Đoàn và Ngân hàng CSXH cho tôi vay vốn nên bản thân đã vượt qua khó khăn ban đầu, là động lực để phát triển mở rộng sản xuất”.

Để thêm căn cứ khẳng định hiệu quả của đồng vốn 120 chúng tôi thăm HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Sơn - xã Liễu Đô của đoàn viên Nguyễn Văn Mừng. Năm 2012 Nguyễn Văn Mừng mở xưởng mộc dân dụng và trại chăn nuôi gà, được vay 60 triệu đồng từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, sau 3 năm hoạt động, đã trả xong vốn vay ban đầu, mô hình phát triền thành hợp tác xã  cung cấp dịch vụ con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho các hộ gia đình, vốn điều lệ hiện nay là 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động tại địa phương. Được hỏi về hiệu quả của nguồn vốn vay giải quyết việc làm, Nguyễn Văn Mừng vẫn không quên cảm xúc khi được vay 60 triệu đồng vào lúc đầu khởi nghiệp: “Vốn 120 của Tỉnh đoàn là nguồn vốn rất hiệu quả, hỗ trợ thanh niên lúc mới khởi nghiệp, giúp thanh niên có vốn để phát triển sản xuất, thủ tục vay vốn thuận lợi mà không cần tài sản thế chấp vì thế mà chúng em mới vay được”.

Đ/c Đoàn Thị Thanh Tâm - Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Yên Bái thăm mô hình nuôi thỏ của đoàn viên Phạm Hải Chiều - xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên

Có cùng chí hướng khởi nghiệp như các đoàn viên thanh niên trên vùng đất ngọc. Bạn Phạm Hải Chiều thôn Tông Cại, xã Lâm Thượng là người có hoàn cảnh đặc biệt. Năm 2012 tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm khoa Giáo dục thể chất, lên tận Lai Châu dạy học, sau vài năm không có biên chế, Phạm Hải Chiều quyết định bỏ nghề dạy học về quê hương khởi nghiệp. Năm 2015 mạnh dạn đầu tư trang trại nuôi thỏ bán công nghiệp, với số vốn 200 triệu đồng được bố mẹ cho mượn, xây được 500m2 chuồng thỏ, mua giống, thức ăn và tự mình ngày đêm chăm sóc đàn thỏ trắng. Phạm Hải Chiều tâm sự: “năm đầu do ít vốn, có tháng không còn tiền để mua thức ăn cho thỏ, phải vay mượn bạn bè, người thân mỗi người một ít, cố gắng vượt qua đến khi xuất bán lứa thỏ đầu tiên lại mang đi trả nợ, nên muốn mở rộng diện tích nuôi thỏ mà không thể. Tháng 8/2018 vừa qua em được Tỉnh đoàn và Ngân hàng CSXH huyện cho vay 150 triệu vốn 120 mà mừng không kể hết, em sẽ thực hiện ngay kế hoạch mở rộng thêm 500m2 chuồng trại, chuyển thỏ con sang để nuôi thương phẩm, có vốn rồi em mừng lắm…”. Chiều cho biết thêm với diện tích 1000m2 chuồng nuôi mở rộng, giống thỏ tự sản xuất được, một năm sẽ cho thu nhập trên 200 triệu đồng sau khi đã trừ các chi phí, giải quyết việc làm cho 5 lao động trong gia đình. Dự định trong những tháng tới Hợp tác xã thanh niên Lục Yên do Phạm Hải Chiều làm giám đốc ngoài bán thỏ thương phẩm cho công ty Nippon Zoki của Nhật Bản sản xuất vaccine, HTX còn cung cấp ra thị trường sản phẩm giò thỏ, xúc xích thỏ với bao bì, tem nhãn có đăng ký nguồn gốc xuất xứ.

Cùng với mô hình của nhiều đoàn viên, thanh niên đã khởi nghiệp thành công, mới đây trên địa bàn huyện Lục Yên xuất hiện nhiều thanh niên lập nghiệp với những mô hình dự kiến sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình phát triển Du lịch cộng đồng gắn với Bảo tồn Nghề dệt thổ cẩm của Đoàn Viên Hoàng Thị Ngọt, thôn Bản Khéo, xã Lâm Thượng; mô hình ứng dụng khoa học trồng Lan Kim Tuyến công nghệ Nhà màng của đoàn viên Nông Thị Thắm thôn Thooc Phưa thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên.

Có thể khẳng định, cùng với các phong trào thanh niên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đang triển khai, thực hiện thì phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp”, có hiệu quả rất rõ ràng, thông qua các mô hình thanh niên phát triển kinh tế tại huyện Lục Yên đã khẳng định được vai trò của tổ chức Đoàn đang giúp thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng và phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Với những kết quả đạt được, tuổi trẻ huyện Lục Yên đang tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, xây dựng lớp thanh niên tiên tiến, sáng tạo và giàu nghị lực, có trách nhiệm với bản thân cộng đồng và xã hội.

                                                                                       Hoàng Tuyên