• Loading...
 
Kỷ niệm 71 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 -19/12/2017) “Ý chí quyết tâm và niềm tin chiến thắng”
Ngày xuất bản: 19/12/2017 9:54:00 SA
Lượt xem: 5661

 "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không, chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh 

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 23/9/1945, Nam Bộ đứng lên kháng chiến và cả nước hướng về Nam Bộ với tinh thần: "Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

Ngày 25/11/1945, Đảng ta ra Chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc". Đặc biệt, tại Hội nghị Quân sự toàn quốc ngày 19/10/1946, vấn đề chuẩn bị cho toàn dân, toàn quân bước vào cuộc kháng chiến được đặt ra một cách cấp thiết. Căn cứ thực tế và so sánh lực lượng, Hội nghị kết luận: "Không sớm thì muộn Pháp sẽ đánh ta và ta cũng nhất định phải đánh Pháp”.

Công tác chính trị tư tưởng phải góp phần khẳng định, tuy ta còn kém địch về trang bị kỹ thuật, nhưng với tinh thần dẻo dai, bền bỉ, cuộc kháng chiến của ta nhất định thắng lợi. Hội nghị quyết định, đẩy mạnh xây dựng LLVT, chú trọng chất lượng chính trị, chỉnh đốn cơ quan chỉ huy.

Về tư tưởng, phải tăng cường giáo dục tình hình và nhiệm vụ mới, củng cố khối đoàn kết toàn dân, chú trọng tự phê bình và phê bình, giữ vững kỷ luật nội bộ; về tổ chức, phải tăng cường phát triển đảng, kiện toàn chế độ chính trị viên và cơ quan công tác chính trị.

Hội nghị đề ra nhiệm vụ hoàn thành công cuộc chuẩn bị mọi mặt để giành chủ động trong mọi tình huống, gấp rút chuẩn bị kháng chiến, đẩy mạnh hơn nữa công cuộc xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT), đặc biệt là công tác Đảng, công tác chính trị trong Vệ quốc đoàn; đồng thời chỉnh đốn tổ chức, sửa đổi lối làm việc của các cơ quan chỉ huy; trên cơ sở phân quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng, phân chia lại chiến trường cả nước thành 12 chiến khu; mỗi chiến khu có khu ủy và ủy ban kháng chiến...

Những đoàn quân "Nam tiến” lên đường vì đồng bào miền Nam ruột thịt.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, Hội nghị quyết định mỗi đại đội hoặc cơ quan từ tiểu đoàn trở lên phải có chi bộ, trung đội phải có tổ đảng. Những biện pháp trên có tác dụng trực tiếp nâng cao sức mạnh chiến đấu và trình độ sẵn sàng chiến đấu của các LLVT cả nước.

Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chỉ thị "Công việc khẩn cấp bây giờ" xác định nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là ra sức đẩy mạnh chuẩn bị kháng chiến trên các mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, giao thông..., sẵn sàng đối phó khi thực dân Pháp cố tình gây chiến tranh. Người đề ra nhiệm vụ xây dựng lực lượng mọi mặt, trong đó về chính trị, tuyên truyền tổ chức, huấn luyện, động viên dân chúng, phải làm cho dân ta có tín tâm và quyết tâm.

Người khẳng định lòng tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, đồng thời cổ vũ quân và dân cả nước: "Cố ráng sức ra khỏi mùa đông lạnh lẽo thì ta sẽ gặp mùa xuân". Như vậy, cùng với Chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc", Nghị quyết Hội nghị Quân sự toàn quốc của Đảng, văn kiện "Công việc khẩn cấp bây giờ" đã động viên mọi nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cho cuộc kháng chiến và đặt cơ sở cho đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện của Đảng ta sau này.

Công tác chuẩn bị yếu tố chính trị, tinh thần một lần nữa được Đảng ta xác định rõ khi Pháp đánh Hải Phòng, Lạng Sơn và cho quân đổ bộ lên Đà Nẵng; chứng tỏ rằng, thực dân Pháp ngang nhiên gây hấn, với mưu đồ dùng vũ lực bắt ta phải nhượng bộ, nhưng ta không bao giờ chấp nhận như vậy. "Tạm ước 14/9” là bước nhân nhượng cuối cùng, nếu nhân nhượng nữa là phạm đến chủ quyền đất nước, là hại đến quyền lợi cao trọng của dân tộc. Trong hai ngày 18 và 19/12/1946, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Phân tích hành động khiêu khích, lấn chiếm của thực dân Pháp trong hai tháng cuối năm 1946, đặc biệt là thời gian gần đó, Hội nghị nhận định: "Âm mưu của Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược đã chuyển sang một bước mới, thời kỳ hòa hoãn đã qua, khả năng hòa bình không còn nữa. Chúng ta đã nhân nhượng để giữ hòa bình, nhưng càng nhân nhượng thì kẻ địch càng lấn tới. Nhân dân ta không thể trở lại cuộc đời nô lệ. Cuộc kháng chiến sẽ kéo dài và gian khổ, song nhất định thắng lợi”. Hội nghị quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên quy mô cả nước và vạch ra những vấn đề cơ bản về đường lối kháng chiến. Đây là quyết định sáng suốt, kịp thời của Đảng ta...

Tinh thần cơ bản của hội nghị được thể hiện đầy đủ trong "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không, chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".

Nhân dân phố Mai Hắc Đế, Hà Nội dựng chướng ngại vật chặn bước tiến của quân Pháp trong ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

Hồi 20 giờ 3 phút ngày 19/12/1946, với sự chuẩn bị chu đáo cả vật chất, tư tưởng và tinh thần, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ chống thực dân Pháp của nhân dân ta chính thức bắt đầu.

Làm tốt công tác chuẩn bị về chính trị và tư tưởng, cùng với chuẩn bị chu đáo về vật chất, vũ khí trang bị, chúng ta đã mở màn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bằng cuộc tiến công tổng hợp, toàn diện của các lực lượng. Tự vệ Nhà máy điện Hà Nội phối hợp với các lực lượng khác phá máy, đèn thành phố vụt tắt; lực lượng pháo binh từ các Pháo đài: Láng, Xuân Canh, Xuân Tảo... nã đạn chính xác vào những vị trí then chốt của địch trong thành phố.

Trong những giờ chiến đấu đầu tiên, nhiều chiến sĩ Vệ quốc đoàn, tự vệ Thành ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch, nhiều chiến sĩ hy sinh trên thềm Bắc Bộ Phủ để bảo vệ vị trí này.

Trong 60 ngày đêm, cuộc chiến đấu tại các cửa ô thành phố đã viết nên bản tráng ca "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", bảo vệ Thủ đô yêu dấu. Sự chuẩn bị chu đáo yếu tố chính trị, tư tưởng, tinh thần cho toàn dân, toàn quân còn góp phần tạo nên thắng lợi trong các trận đánh giam chân địch tại các thành phố; với các chiến thắng: Việt Bắc Thu Đông 1947; Biên Giới năm 1950; Hòa Bình, Tây Bắc (1951-1952), từng bước đánh bại các kế hoạch chiến tranh của địch, tiến tới đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, kết thúc bằng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.

Theo Báo Yên Bái