• Loading...
 
Những đóng góp của Đảng bộ, quân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Ngày xuất bản: 07/05/2019 8:02:00 SA
Lượt xem: 19755

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vĩ đại kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp lâu dài, gian khổ của nhân dân ta; như một mốc son chói lọi của dân tộc Việt Nam, được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công hiển hách, đột phá và làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là bản anh hùng ca của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Để góp phần làm nên chiến công vang dội này, Đảng bộ, quân dân các dân tộc Yên Bái đã có những đóng góp to lớn cả về nhân lực, vật lực.

Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. (Ảnh tư liệu)

Yên Bái là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quân sự, nằm ở cửa ngõ chiến trường Tây Bắc, là khu đệm giữa hậu phương và mặt trận. Ngay từ cuối năm 1952, ngay sau khi Nghĩa Lộ được giải phóng, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh đã cử một phái đoàn lên kiểm tra khảo sát và thiết kế con đường lên Tây Bắc, từ đó chỉ thị gấp rút mở một tuyến đường vận chuyển chiến lược từ hậu phương ra tiền tuyến, từ Việt Bắc sang Tây bắc. Nhiệm vụ của Đảng bộ, quân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái hết sức nặng nề nhưng vinh quang là mở đường từ Hiên đi Ba Khe đến đường số 41 (Ngã ba Cò Nòi - Sơn La), thời gian phải làm xong trước tháng 10 năm 1953.

Xác định rõ nhiệm vụ chính trị của mình là đảm bảo thông suốt mạch máu giao thông của chiến trường, Đảng bộ Yên Bái đã động viên quân và dân tập trung sức lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Tháng 4/1953, theo yêu cầu của Bộ Tổng tham mưu, các đơn vị công binh và dân công Yên Bái đã khởi công mở đường cho xe ra tiền tuyến. Nhân dân xã Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái ngày nay), Trấn Yên, Lục Yên, Văn Chấn, Văn Bàn... đã nô nức tham gia vào các đội dân công. Tỉnh ủy Yên Bái đã quyết định thành lập Công trường 13 (gọi tắt của nhiệm vụ mở đường chiến lược 13A) do đồng chí Nguyễn Trung - Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Nhiệm vụ của Ban chỉ huy công trường không những chỉ mở đường mà còn phải đảm bảo giao thông trong suốt mùa chiến dịch. Các đơn vị dân công trên công trường được tổ chức thành các tiểu đội, trung đội trên cơ sở của thôn, bản và xã.

Thời kỳ đó, từ Yên Bái vào Nghĩa Lộ đã có đường cấp phối, song qua 8 năm kháng chiến, con đường này đã bị sạt lở nhiều đoạn, lau lách mọc um tùm, những cây cầu làm từ thời Pháp thuộc hoen rỉ, chật hẹp, một số cây cầu đã bị đánh sập hoàn toàn. Để đảm bảo cho các xe có trọng tải 10 tấn đi qua, từ ngã ba Vực Tuần đến đèo Lũng Lô đi qua Cát Thịnh, Ngòi Lao, Thượng Bằng La thì hoàn toàn phải làm mới. Ngay từ những ngày đầu mở đường, các cán bộ, kỹ sư trẻ của Bộ Giao thông được tăng cường phối họp với lực lượng công binh trèo đèo, lội suối, vạch rừng tìm lối, khảo sát thiết kế con đường qua đèo Lũng Lô sang Phù Yên. Từ chân làng Dạ lên đến đỉnh đèo là những cánh rừng già, con đường phải đi qua Ngòi Lao hung dữ khi mùa mưa đến. Đèo Lũng Lô, sườn núi có địa hình rất dốc, vì vậy phải mở những con đường vòng từ cao xuống thấp, từ đỉnh đèo xuống dưới chân đèo. Công binh, dân công đã ngày đêm xẻ núi, phá đá, bắc cầu, chống lún sạt, chống biệt kích và máy bay bắn phá. Vượt lên trên hy sinh, bom đạn, suối sâu, đèo cao, mưa rét..., quân và dân Yên Bái đã quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, phát huy nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong chống sạt, chống lún, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao sớm trước thời hạn một tháng, tiết kiệm được 41.917 ngày công, mở thông con đường từ căn cứ địa Việt Bắc tới mặt trận, bảo đảm an toàn cho hàng vạn người, hàng vạn lượt ô tô, đại bác, xe đạp thồ... ra chiến trường. Để hoàn thành nhiệm vụ này, tỉnh Yên Bái đã huy động 124.458 lượt người làm đường; 273.197 công đào đắp, san lấp hố bom, chống lún sạt; làm mới và sửa chữa 188 km đường huyết mạch của chiến trường.

Tháng 2/1954, thực dân Pháp tập trung lực lượng không quân đánh phá ác liệt các con đường lên Tây Bắc. Tại Bến phà Âu Lâu nơi mà bộ đội, dân công ta vượt sông, ngoài chuyên chở bằng phà, có những đêm cao điểm phải huy động thuyền nan của nhân dân để đưa bộ đội qua sông một cách nhanh chóng, an toàn. Tại đây, ngày cũng như đêm, máy bay địch quần thảo, ném bom nổ ngay, bom nổ chậm, bom na-pan xuống hai bên bến phà hòng ngăn chặn từ xa bước chân những người chiến sỹ. Đèo Lũng Lô là một trong những trọng điểm đánh phá của địch. Nơi đây, có một đại đội dân công và công binh túc trực. Có thể nói đây là một trong những túi bom trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo số liệu thống kê của Tổng cục hậu cần thì từ Yên Bái đến giáp Sơn La, máy bay địch đã ném tới 11.778 quả bom các loại trong đó có 508 quả bom nổ chậm. Có những ngày cao điểm, tại đèo Lũng Lô chúng ném tới 200 quả bom. Trong suốt chiến dịch, mỗi ngày có từ 16 - 18 máy bay oanh tạc đến 5 - 6 lần.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, khu vực cầu Đá Trắng cũng là một trong những nơi địch tập trung đánh phá. Mặc dù vị trí không hiểm trở như đèo Lũng Lô, phải vượt sông như bến phà Âu Lâu, trọng điểm cầu Đá Trắng là con đường độc đạo, một bên là suối, một bên là núi. Con đưòng đi qua đây không có nơi trú ẩn an toàn. Hơn thế nữa, tại đây máy bay cường kích B.26, máy bay Hen-cat hàng ngày rà soát, ném bom. Với tinh thần “Nhất định mở đường cho xe ta ra chiến trường tiếp viện” hàng vạn lượt dân công ngày đêm bám đường. Địch phá ta sửa ta đi, địch phá đoạn này, ta mở đoạn khác, địch phá ban ngày, ta mờ đường ban đêm... Với tinh thần quyết chiến quyết thắng nên tốc độ vận tải cho chiến trường trong chiến dịch từ 3km/giờ lên 13km/giờ; từ 8 - 9 xe qua sông Hồng tại bến Âu Lâu lên tới 30 - 90 xe qua sông và mỗi chuyến phà vượt sông trước đây phải mất 30 phút xuống còn 15 phút.

Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, bến phà Âu Lâu, Ngòi Lâu trở thành tọa độ lửa. Giặc Pháp muốn dùng bom đạn để biến sông Hồng thành hàng rào chặn đứng đoàn quân chi viện cho tiền tuyến. Tại các bến vượt qua Ngòi Nhì, Ngòi Thia... chúng cũng tập trung đánh phá ác liệt. Song, chúng đã lầm, mặc cho bom rơi, đạn nổ, pháo sáng..., nhân dân các xã ven sông Hồng thuộc huyện Trấn Yên, Văn Bàn và xã Nguyễn Phúc (Trấn Yên, Văn Yên, thành phố Yên Bái ngày nay) đã đóng hàng trăm thuyền, bè, mảng, vận chuyến 2.700 công và huy động 650 xe đạp thồ cho chiến dịch.

Thi đua với dân công mở đường, các chiến sỹ quân giới công binh xưởng Vĩnh Kiên (Yên Bình), Kiên Thành (Trấn Yên) đẩy mạnh sản xuất vũ khí, cuốc, xẻng... cho mặt trận. Những lò nấu gang, thép xưởng thợ làm việc liên tục cả 3 ca trong ngày, sản xuất ra lựu đạn, lưỡi lê góp phần tiêu diệt địch; con dao, cái cuốc, lưỡi xẻng, giúp dân công phát cây, mở đường, đào hào chia cắt các trận địa địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ...có một phần từ các công binh xưởng đặt tại Yên Bái.

Là hậu phương trực tiếp của mặt trận Điện Biên Phủ, mặc dù mới giải phóng (10/1952), nhưng với quyết tâm hoàn thành vượt mức kế hoạch lương thực, thực phẩm nuôi quân, đồng bào Thái ở Mường Lò, đồng bào Tày ở Thượng Bằng La, Đại Lịch (Văn Chấn) mặc dù mới thu hoạch vụ mùa đầu tiên đã đóng góp 500 tấn lương thực. Ở vùng tự do cũ như Yên Bình, Lục Yên, xã Nguyễn Phúc... ngày giao lương đã thực sự trở thành ngày hội. Từ các huyện vùng thấp đến vùng cao, lương thực không ngừng được chuyển về các kho của Tổng cục hậu cần cung cấp cho tiền phương. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân Yên Bái được giao nhiệm vụ xay giã 1.578 tấn thóc. Hàng ngàn cối nước đã mọc lên ở các xã Hưng Khánh, Hồng Ca, Thượng Bằng La, Tân Thịnh... giã gạo phục vụ bộ đội ăn no đánh thắng. Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Yên Bái đã cung cấp cho mặt trận 1.880 tấn gạo, 1.372 con trâu bò, 489 con lợn và 2.700kg đỗ, lạc... Những việc làm thiết thực đó đã góp phần động viên và chi viện kịp thời cho chiến dịch.

Không chỉ mở đường, cung cấp lương thực, thực phẩm, quân dân Yên Bái đã trực tiếp tham gia chiến dịch. Hướng về tiền tuyến, trai tráng các huyện Lục Yên, Văn Chấn, Trấn Yên, Văn Bàn... nô nức tòng quân. Đầu năm 1954, không khí đưa tiễn người thân ra chiến trường tưng bừng, nhộn nhịp khắp các thôn xóm, bản làng. Thanh niên, phụ nữ hăng hái xung phong đi dân công. Lần đầu tiên phụ nữ người Mông xuống núi, phụ nữ Thái rời khung cửi trong mùa dệt nhập vào đoàn quân tiếp lương, tải đạn. Trong chiến dịch này, Yên Bái huy động 31.652 lượt dân công, trung bình cứ bốn người dân thì có một người đi phục vụ chiến dịch. Trong đội hình dân công đã xuất hiện nhiều tấm gương xuất sắc, tiêu biểu là anh Hà Văn Lô - dân tộc Tày ở Đồng Khê (Văn Chấn) đã dũng cảm vượt qua những trọng điểm ác liệt, chuyển hàng an toàn đã được Bác Hồ tặng quà và huy hiệu của Người.

Sau những ngày gian khổ và anh dũng như nhà thơ Tố Hữu đã viết “56 ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”,lá cờ quyết chiến, quyết thắng của Quân đội ta đã tung bay trên nóc hầm của tướng Đờ-cát-tơ-ri, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Với tinh thần cả nước hướng về mặt trận, Đảng bộ, quân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã dồn hết sức người, sức của, chi viện cho chiến trường góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vĩ đại, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Yên Bái đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương chiến công, được Hội đồng cung cấp Trung trong tặng cờ thưởng luân lưu cho ngành Giao thông vận tải mang tên “Mở đường thắng lợi”, được Liên khu X tặng 15 bằng khen cho các tập thể và cá nhân xuất sắc. Song, bên cạnh những chiến công là sự hy sinh mất mát không nhỏ. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tỉnh Yên Bái có hàng ngàn liệt sỹ, hơn 700 thương bệnh binh. Riêng trong thời gian phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ, tỉnh Yên Bái có 52 dân công hy sinh và 46 dân công bị thương, hiện tại còn 45 hài cốt liệt sỹ ở lại Nghĩa trang Điện Biên Phủ. Xương máu của các liệt sỹ đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.

Phát huy truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Điện Biên Phủ 65 năm về trước và truyền thống đoàn kết, yêu nước của quê hương Yên Bái anh hùng, bước vào giai đoạn cách mạng mới, dưới sự lãnh đạo cùa Đảng bộ, quân và dân Yên Bái tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kết họp chặt chẽ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hoà bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch, đáp ứng vêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trên con đường đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hào khí của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn ngời sáng và cổ vũ chúng ta, đưa Yên Bái cùng cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 (Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh - Nguồn tư liệu: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)