• Loading...
 
Phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng Yên Bái ngày càng phát triển
Ngày xuất bản: 28/06/2019 4:46:00 CH
Lượt xem: 20827

Ngày 3/2/1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng, cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã tập hợp đoàn kết đi theo cách mạng, tạo nên một khí thế hăng hái đấu tranh giành độc lập lan tỏa sâu rộng từ vùng thấp tới vùng cao của tỉnh.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm và dự Lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" cấp quốc gia Xuân Kỷ Hợi 2019 tại Yên Bái.

 

Đặc biệt, đầu những năm 40 của thế kỷ 20, những cán bộ cách mạng của Xứ ủy Bắc Kỳ được cử lên Yên Bái hoạt động đã xây dựng được một số cơ sở cách mạng quan trọng ở huyện Trấn Yên và thị xã Yên Bái. Tháng 10/1944 đến đầu năm 1945, nhiều cơ sở cách mạng đã được xây dựng, phát triển ở các huyện trong tỉnh, đặt nền móng cho sự ra đời của chi bộ đảng đầu tiên ở thị xã Yên Bái.

Ngày 30/6/1945, tại đình Hiền Lương, Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ do đồng chí Ngô Minh Loan làm Bí thư. Sự kiện trọng đại này đã đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái. 

Ngay sau khi được thành lập, Ban Cán sự Đảng đã đề ra 3 chủ trương tập trung lãnh đạo phong trào cách mạng và nhân dân kết hợp với lực lượng vũ trang xây dựng cơ sở cách mạng, tiến hành khởi nghĩa, giải phóng các châu: Văn Chấn, Lục Yên, Trấn Yên, Yên Bình và thị xã Yên Bái, đưa Yên Bái trở thành một trong những địa phương trong cả nước giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất. 

Ngày 22/8/1945, tại vườn hoa Nhà Kèn, Ban Cán sự Đảng tổ chức lễ mít tinh ra mắt UBND cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái. Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, chính quyền non trẻ tỉnh Yên Bái phải đối mặt với "giặc đói”, "giặc dốt” và giặc ngoại xâm. 

Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác, Đảng bộ, chính quyền và quân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã đoàn kết, dũng cảm, mưu trí bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng, củng cố lực lượng vũ trang vững mạnh, phối hợp với bộ đội chủ lực mở các chiến dịch lớn như: Chiến dịch Sông Thao, Lê Hồng Phong, Lý Thường Kiệt, đặc biệt là Chiến dịch Tây Bắc, đập tan hoàn toàn phân khu Nghĩa Lộ, mở thông cánh cửa sang phân khu sông Đà, giải phóng Yên Bái. 

Tiếp đó, tỉnh đã huy động sức người, sức của, cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Hòa bình lập lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Yên Bái bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra những biến đổi quan trọng trong đời sống xã hội ở địa phương. 

Trong khí thế toàn dân thi đua khôi phục kinh tế - xã hội, ngày 25/9/1958, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu phái đoàn của Đảng và Chính phủ tới thăm và ân cần chỉ dẫn cách xây dựng đời sống văn hóa mới, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền địa phương vững mạnh.

Đến nay, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhất là từ khi tái lập tỉnh (1991), mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Bái đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống anh hùng, phấn đấu vươn lên đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. 

Đặc biệt, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết XVIII của Đảng bộ tỉnh, tốc độ tăng GRDP bình quân của tỉnh đạt gần 6,4%, GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 33,6 triệu đồng, tăng 8,6 triệu đồng so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ. 

Cán bộ, đảng viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham dự Lễ báo công dâng Bác tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đến nay, toàn tỉnh có gần 50 xã chuẩn nông thôn mới, vượt gần 85% mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp bình quân đạt trên 10%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2018 đạt trên 9.700 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2015, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,3% so với năm 2017. 

Yên Bái đã hình thành một số khu vực, sản phẩm du lịch độc đáo có thương hiệu như: Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, hồ Thác Bà, Khu du lịch Mường Lò - Nghĩa Lộ... với tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn tỉnh gần 32 ngàn tỷ đồng, xấp xỉ 80% cả giai đoạn 2010 - 2015, thu ngân sách Nhà nước tăng 66% so với năm 2015, Yên Bái đã thu hút gần 600 ngàn lượt du khách tới địa phương trong năm 2018, tăng 46% doanh thu dịch vụ du lịch so với năm 2015. 

Toàn tỉnh thu hút trên 100 dự án trong các lĩnh vực với tổng số vốn hơn 35 ngàn tỷ đồng, trong đó, 24 dự án FDI có tổng vốn đầu tư trên 15 ngàn tỷ đồng đã giải quyết việc làm cho hơn 6.300 lao động địa phương. 

Trải qua 74 năm xây dựng và trưởng thành, từ chi bộ đảng đầu tiên chỉ có 3 đảng viên, đến nay, Đảng bộ tỉnh đã có 13 Đảng bộ trực thuộc, 557 tổ chức cơ sở Đảng, 3.080 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở với trên 55.800 đảng viên. Trong quá xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã không ngừng vươn lên, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trong từng thời kỳ cách mạng. 

Một tuyến đường của thành phố Yên Bái hôm nay.

Đảng bộ đã luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực và sức chiến đấu; xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII về xây dựng Đảng. 

Qua đó, cùng với việc xây dựng 1.547 tập thể và 1.361 cá nhân đăng ký mô hình, điển hình tiên tiến học tập và làm theo Bác, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra định kỳ 2.580 tổ chức Đảng cấp dưới, gần 12 ngàn đảng viên; giám sát chuyên đề đối với 1.359 tổ chức Đảng, 2.658 đảng viên; kiểm tra 13 tổ chức Đảng, 99 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, thi hành kỷ luật 10 tổ chức Đảng và 544 đảng viên, trong đó, có 114 cấp ủy viên các cấp. 

Cùng với tăng cường kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, Đảng bộ tỉnh còn luôn quan tâm thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất, đạo đức, có năng lực và trình độ công tác.

Xây dựng hệ thống chính quyền phục vụ các cấp từ tỉnh đến cơ sở vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thông qua việc thành lập và đi vào hoạt động của trung tâm và các bộ phận phục vụ hành chính công ở 100% xã, phường của tỉnh. Phát huy vai trò đoàn kết các dân tộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng và củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, nhân dân với Đảng ngày càng bền chặt, gắn bó. 

 Theo Báo Yên Bái