• Loading...
 
Tuổi trẻ Yên Bái và ước mơ nơi vùng cao
Ngày xuất bản: 14/09/2017 12:00:00 SA

Là một huyện miền núi, Trạm Tấu mang nét đẹp hoang sơ của vùng cao Tây Bắc với rừng thông bạt ngàn ngày đêm vi vu theo gió, với hoa đào, hoa ban rực rỡ, với những nóc nhà sàn thấp thoáng ẩn hiện trong sương và đến nay còn là một điểm đến lý tưởng cho giới trẻ thích khám phá với những trò mạo hiểm chinh phục “sống lưng khủng long” trên núi Tà Xùa hay săn mây trên đỉnh Tà Chì Nhù. Nhưng đằng sau vẻ đẹp ấy là biết bao nỗi khó khăn, vất vả mà chỉ những người đã sống và làm việc nơi đây mới cảm nhận hết được

Đ/c Đoàn Thị Thanh Tâm – Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh tham gia cùng thanh niên tình nguyện khai hoang ruộng bậc thang tại Trạm Tấu

 

Từ những khó khăn…

Mặc dù được sự quan tâm của Đảng, chính quyền nhưng với 80% dân số là người dân tộc Mông, hoạt động kinh tế chủ yếu là tự cung tự cấp, dựa vào nông nghiệp với cây lúa là cây lương thực chính, Trạm Tấu vẫn còn là 01 trong 62 huyện nghèo trên cả nước. Những thửa ruộng bậc thang vẫn được mở rộng thêm nhưng sức người có hạn, diện tích đất hoang hóa còn nhiều chưa được sử dụng hết. Muốn giúp người dân có thêm diện tích sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, Ban Thường vụ huyện Đoàn Trạm Tấu đã tham mưu với cấp ủy, tổ chức khai hoang 29,5 ha đất hoang hóa tại 04 xã Xà Hồ, Trạm Tấu, Pá Hu và Bản Công.

Không khí vùng cao khác biệt hẳn so với miền xuôi, giữa tháng 7 nhưng trời lất phất mưa mấy ngày không dứt. Không gian được phủ một lớp sương mù nhẹ khiến người ta mang một cảm giác thật dễ chịu. Dậy thật sớm, tôi cùng Đoàn công tác của Tỉnh đoàn Yên Bái khoác trên mình chiếc áo xanh tình nguyện, hòa vào dòng người đang đổ về thôn Cang Giông, xã Pá Hu để thực hiện công trình khai hoang ruộng nước. Từ Trung tâm thị trấn đến nơi tập kết cách khoảng 13km đường giao thông và 3km đường mòn nhỏ. Chật vật mãi, cuối cùng cũng đến nơi. Cứ tưởng mình sẽ là một trong những người đầu tiên đến sớm nhất, thì trước mắt tôi, bóng áo xanh tình nguyện đã trải khắp triền núi, tất cả đang say sưa với công việc của mình. Ngay lúc ấy, trong tôi bỗng trào dâng lên một cảm xúc thật khó diễn tả bằng lời. Thanh niên vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết như thế, không sợ gian khổ, sẵn sàng góp sức mình, tình nguyện thay đổi diện mạo quê hương.

Ngọn lửa tình nguyện đã lan tỏa mạnh mẽ

Thấy chúng tôi đến, anh em trong Ban chỉ huy công trường và các bạn thanh niên lao động gần đó vội ra đón. Những lời thăm hỏi, động viên, những món quà nho nhỏ trao nhau, tiếng cười nói ríu rít… cứ thế vang vọng khắp núi rừng đại ngàn.

Toàn bộ diện tích khai hoang tại xã Pá Hu đợt này là 7,5ha, diện tích khá lớn nên gần 600 thanh niên tình nguyện được chia ra thành tiểu đội nhỏ, phụ trách những khu vực khác nhau. Người cào đất, dọn cỏ, người cuốc đất, san gạt, be bờ… tất cả tạo nên không khí thật nhộn nhịp, khẩn trương. Tôi lăng xăng lấy 1 cái cuốc, cũng nhanh chóng hòa mình vào nhịp không khí sôi động ấy. Công việc cũng không dễ như tôi tưởng, đất ướt nhẹp vì thấm nước mưa, bám khá nhiều vào cuốc nên hơi nặng, sau một hồi hăng hái, mồ hôi đã ướt áo, tôi bắt đầu thấm mệt. Bao nhiêu năm chỉ ngồi bàn giấy, không phải lao động nặng bao giờ, đột nhiên cầm cuốc, cầm xẻng nên bàn tay có chỗ phồng rộp lên, đau rát. Quay sang cô bé có dáng người nho nhỏ bên cạnh, thấy em vẫn say sưa. Tôi hỏi em không mệt à? Trong mắt ánh lên nụ cười rạng rỡ. Cô bé chỉ về phía đối diện, đội mình đang thi với bên kia xem sau khi hoàn thành ruộng của ai đẹp hơn đấy chị! Thì ra giữa các đội còn diễn ra một cuộc đua ngầm, nhưng mục đích không phải vì lợi ích của bản thân mình, mà nó còn là động lực để mọi người cùng cố gắng. Khuôn mặt những thanh niên tình nguyện ấy bừng sáng lên và như có lửa trong mắt. Dường như tinh thần, nhiệt huyết của họ có sức lan tỏa mạnh mẽ, khiến những chàng trai, cô gái ở nhà được cưng chiều, ít khi phải lao động vất vả, thế mà đến đây lại say sưa cuốc đất, đắp bờ, không mệt mỏi. Trong không khí nhộn nhịp, hăng say, ai đó cất lên câu hát, rồi từng người, từng người hùa theo để bài hát cứ vang xa khắp cả núi rừng: “...Thanh niên ta ra đi theo con đường của Bác, tiếp bước cha anh truyền thông quật cường...”

Điều khiến tôi đặc biệt ấn tượng là bữa cơm trưa trên công trường, dưới nền đất mới san, tấm bạt được căng tạm để che mưa nắng, thức ăn được chuẩn bị sẵn từ trước, chủ yếu là đồ khô như lạc rang, cá khô… những tấm bìa từ thùng hộp mì tôm thay cho mâm, những chiếc lá rừng làm đĩa, nhưng không ai để ý đến điều đó, quan trọng hơn là không khí của bữa cơm rất vui vẻ, đầm ấm. Dù không có những món ăn ngon, nóng hổi nhưng đây có lẽ là bữa ăn ngon nhất và khiến tôi thấy nhớ nhất cho đến giờ.

Buổi sáng trôi qua nhanh chóng, từ một khu đất hoang sơ đầy cỏ dại, các thửa ruộng đã dần hình thành, nối tiếp nhau trải dài quanh triền đồi. Trong tôi dâng lên một niềm tự hào xen lẫn hạnh phúc, vì việc làm tuy nhỏ nhưng có ích cho cộng đồng và tôi tin, tinh thần tình nguyện của những người mặc màu áo xanh hy vọng sẽ lan tỏa khắp núi rừng, truyền thêm sức sống để bản làng vươn mình trỗi dậy.

Thanh niên tình nguyện tham gia công trình khai hoang ruộng bậc thang tại xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu

Xây dựng ước mơ

Gần 600 thanh niên tình nguyện, mỗi người một công việc và hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có chung lý tưởng, chung mục đích: làm sao để bà con nhân dân thoát nghèo, để không còn những em bé phải bỏ học cưỡi lưng trâu theo mẹ đi cày, để mỗi bữa cơm không còn độn ngô sắn và xa hơn nữa là đồng bào hướng đến xây dựng một cuộc sống văn minh hơn.

Mỗi ngày trôi qua, những thửa ruộng bậc thang mới lại hình thành, nối tiếp nhau trải dài xuống chân đồi. Công trình khai hoang ruộng bậc thang đã, đang và sẽ tiếp tục được triển khai, dự kiến trong tháng 9 sẽ hoàn thành 29,5ha như kế hoạch.

Tôi được biết, thực hiện chủ trương của tỉnh, bên cạnh mục đích an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, thì ruộng bậc thang cũng là một trong các tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch đặc trưng của vùng cao Tây Bắc nên việc khai hoang ruộng bậc thang cũng diễn ra thường xuyên hàng năm. Trong năm 2017 này, ngay từ tháng 3, tuổi trẻ Trạm Tấu đã khởi động công trình đầy ý nghĩa này tại xã Bản Công với 1,5ha. Đợt 2 của công trình tại 2 xã Pá Hu, Xà Hồ với tổng diện tích là 16ha và dự kiến trong tháng 9 khai hoang 11,5ha tại xã Trạm Tấu, hoàn thành tổng số 29,5ha như kế hoạch.

Từ đầu năm đến nay, tuổi trẻ Yên Bái đã triển khai hàng trăm công trình có ý nghĩa như mở mới 3,6 km; tu sửa, nâng cấp 32,5 km đường giao thông nông thôn; khơi thông 110 km kênh mương nội đồng; bê tông hoá 2.240 m2 sân chơi cho thanh thiếu nhi… trong đó nổi bật là các công trình như “Tiếp sức đến trường”, đóng thuyền sắt trọng tải 3,5 tấn, chuyên chở học sinh trường THCS bán trú Yên Thành, huyện Yên Bình đi học; công trình bê tông hóa 235 m đường giao thông nông thôn của huyện đoàn Văn Yên; Công trình “Bếp ăn trường mầm non Sao mai” tại xã Dế Xu Phình, huyện mù Cang Chải; Cụm công trình “Sân chơi cho thanh thiếu nhi” tại nhà Văn hóa 3/2, phường Tân an, thị xã Nghĩa Lộ…

Bằng sức trẻ và nhiệt huyết của mình, qua những hành động, việc làm cụ thể, tuổi trẻ Yên Bái đã góp phần làm bừng lên sức sống nơi vùng cao. Hành trình đầy ý nghĩa ấy sẽ không bao giờ dừng lại, bởi qua từng thế hệ, ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ sẽ còn tiếp nối và lan truyền mãi, bằng những việc bình thường nhưng có ích cho đời./.

Thu Hiền