• Loading...
 
Vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Pháp
Ngày xuất bản: 27/05/2019 12:00:00 SA

Tổng kết thực tiễn cách mạng đã khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc. Trong đó, vai trò của Hồ Chí Minh là vô cùng to lớn. Cùng với Trung ương Đảng, Người đã hoạch định, tổ chức và lãnh đạo quân dân ta thực hiện thắng lợi đường lối kháng chiến chống Pháp. Đường lối đó được xác định với nội dung cơ bản : “Kháng chiến, kiến quốc”, “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh".

Ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã cho rằng “vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân.” Trong bài “Toàn dân kháng chiến” viết ngày 5-11-1946, sau khi phân tích quy mô và ảnh hưởng của cuộc đấu tranh, Người cho rằng “muốn kháng chiến lâu dài để đi tới thắng lợi cuối cùng, cần phải động viên hết thảy mọi lực lượng…”. Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, ngày 19-12-1946, tư tưởng của Người về kháng chiến toàn dân được thể hiện rất rõ ràng: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm, dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

Căn cứ vào chiến lược kháng chiến toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã tập hợp được đông đảo các tầng lớp xã hội trong Mặt trận dân tộc thống nhất, từng bước xây dựng một lực lượng chính trị hùng hậu và lực lượng vũ trang nhân dân lớn mạnh, gồm ba thứ quân, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Cũng căn cứ vào chiến lược này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định “Mỗi công dân là một chiến sĩ. Mỗi làng là một chiến hào”, quyết tâm đánh bại thực dân Pháp xâm lược.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến hành kháng chiến toàn dân, đồng thời phải thực hiện toàn diện kháng chiến. Vì, thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta một cách toàn diện, chúng ta phải kháng chiến chống lại chúng một cách toàn diện trên các mặt trận: quân sự, kinh tế, văn hoá, tư tưởng, ngoại giao. Người nói: “Không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể nào thắng lợi được”.

 Để phát huy sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện nhất quán đường lối toàn diện kháng chiến, Người yêu cầu: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái, bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều phải cần trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá. Thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”. Người cho rằng, “trong kháng chiến, quân sự là việc chủ chốt”. Tuy nhiên, chỉ có đánh địch trên chiến trường thôi thì chưa đủ mà còn phải biết kết hợp với các mặt trận đấu tranh khác nữa. Ngay khi bước vào kháng chiến toàn quốc, Người kêu gọi vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa xây dựng hậu phương, vừa chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, vừa tiến hành đấu tranh ngoại giao, vừa thực hiện binh vận, vừa xây dựng nền văn hoá, giáo dục kháng chiến, bồi dưỡng nhân dân, vừa động viên, tổ chức nhân dân tham gia các đoàn thể kháng chiến, xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Để mở rộng khối đoàn kết toàn dân, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 5-1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt) được thành lập. Truyền thống yêu nước của toàn dân tộc được khơi lên mạnh mẽ, nhân dân ta tỏ rõ sự đoàn kết, nhất trí chung quanh Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Đó là sức mạnh vô địch để chống thù trong, giặc ngoài. Ngày 31-5-1946, Người lên đường thăm nước Pháp, với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. Trong thời gian ở Pháp, Người đã tuyên truyền làm sáng tỏ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân Pháp, nâng cao uy tín của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên trường quốc tế. Chính dịp này, một số trí thức, nhà khoa học Việt kiều được Người vận động, thuyết phục và cảm hoá đã tình nguyện theo Bác về nước cống hiến tài năng, trí tuệ cho cách mạng, cho sự nghiệp kháng chiến, như: kỹ sư Phạm Quang Lễ, Võ Quý Huân; bác sĩ Trần Hữu Tước...

 Trên cơ sở đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện và tương quan lực lượng địch - ta, đồng thời nắm chắc quy luật chuyển hoá của tương quan đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương “kháng chiến trường kỳ”. Trong văn kiện “Công việc khẩn cấp bây giờ” viết ngày 5-11-1946, Người nhấn mạnh: “Cuộc kháng chiến sẽ rất gay go cực khổ. Dù địch thua đến 99%, nó cũng rán sức cắn lại. Vì nó thất bại ở Việt Nam, thì toàn bộ cơ nghiệp  đế quốc nó sẽ tan hoang. Vì vậy nó sẽ đem rất nhiều viện binh… Nó sẽ tàn phá khủng bố rất dữ dội… Nhưng ta phải hiểu: Lực lượng địch chỉ có từng ấy thôi. Ta kiên quyết chống chọi cho qua giai đoạn “chớp nhoáng” đó, thì địch sẽ xẹp, ta sẽ thắng”.

Tư tưởng kháng chiến truờng kỳ được Người nhiều lần phân tích, giải thích lý do và luôn chứa đựng sự lạc quan, niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng. Người nói đại ý rằng: trường là dài, tức là đánh bao giờ địch bại, địch “cút”, thế mới là trường. Vì địch âm mưu đánh chớp nhoáng. Chúng muốn đánh mau, thắng mau, giải quyết mau, thì ta nêu lên khẩu hiệu: Trường kỳ kháng chiến… Thế là ngay từ lúc đầu chiến lược ta đã thắng chiến lược địch. Một lý do nữa Người nêu ra là: “Kháng chiến phải trường kỳ, vì đất ta hẹp, dân ta ít, nước ta nghèo, ta phải chuẩn bị lâu dài và phải có sự chuẩn bị toàn diện của toàn dân”.Trên cơ sở phân tích lợi hại của ta và địch khi thực hiện chiến lược trường kỳ kháng chiến, Người cho rằng: “Nếu chiến tranh kéo dài, hao binh tổn tướng, chúng sẽ thất bại. Vậy ta dùng chiến lược trường kỳ kháng chiến, để phát triển lực lượng, tăng thêm kinh nghiệm. Ta dùng chiến thuật du kích, để làm cho địch hao mòn, cho đến ngày ta sẽ tổng phản công để quét sạch lũ chúng”. Tuy nhiên, kháng chiến trường kỳ không có nghĩa là kéo dài vô thời hạn mà phải nỗ lực vượt bậc, vừa tiêu diệt địch, vừa bồi dưỡng phát triển lực lượng của ta, càng đánh ta càng mạnh, địch càng yếu, đánh bại từng âm mưu chiến lược của địch, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Cùng với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh phải “tự lực cánh sinh”. Người cho rằng “Kháng chiến trường kỳ gian khổ đồng thời lại phải tự lực cánh sinh… Cố nhiên sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”.Theo Người, tự lực cánh sinh là chính, kết hợp với sự giúp đỡ quốc tế là hết sức quan trọng. Vì vậy, trong kháng chiến chống Pháp, Người đã nêu cao ý chí tự lực tự cường, đồng thời khi có điều kiện, làm mọi việc để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của chính phủ và nhân dân các nước anh em, của nhân loại tiến bộ, kể cả nhân dân Pháp. Tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế nhưng không ỷ lại, không để ảnh hưởng đến tinh thần độc lập tự chủ của đất nước. Trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh như một người cầm lái bình tĩnh, sáng suốt, mưu trí, dũng cảm và dày dạn kinh nghiệm, đã đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh nguy hiểm. Với đường lối chính trị đúng đắn, biết phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược đối với kẻ thù, Hồ Chí Minh chính là “linh hồn” của cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Không những thế, Người còn là vị tư lệnh tối cao của lực lượng vũ trang, và vai trò của Người được thể hiện nổi bật trong các chiến dịch lớn. Những quan điểm, tư tưởng chiến lược quân sự của Người được quán triệt, thực hiện sáng tạo trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để lại dấu ấn sâu sắc, đậm nét trong lịch sử chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Với đường lối kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo quân dân cả nước từng bước huy động được sức mạnh của dân tộc vào cuộc chiến đấu và giành thắng lợi cuối cùng trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.Với vai trò to lớn như trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Đồng thời, những quan điểm, tư tưởng, đường lối chiến lược của Người vẫn tiếp tục là cơ sở cho những thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau này.

Ngày nay, chúng ta đang ra sức thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong điều kiện mới. Đó là, Việt Nam  là thành viên chính thức của WTO, đã và đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tăng cường hợp tác, hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu, có cả thời cơ, vận hội và khó khăn, thách thức đan xen. Hơn thế, lại trong tình hình các thế lực thù địch đang tăng cường các hoạt động chống phá bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ. Xây dựng, phát triển đất nước là nhiệm vụ trọng tâm, là yêu cầu bức thiết nhưng phải gắn chặt với bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN. Trong quá trình hợp tác, hội nhập, phát triển, nhất là trong lộ trình thực hiện cam kết với WTO cần thấu suốt quan điểm của Đảng, giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, phát huy nội lực là chính, đồng thời tranh thủ ngoại lực và thông qua hợp tác, hội nhập để biến ngoại lực thành nội lực, không ngừng tạo thế và lực mới của đất nước. Thiết nghĩ, đó cũng là quá trình vận dụng sáng tạo quan điểm, đường lối của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “kháng chiến, kiến quốc”, “ toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính” trong kháng chiến chống Pháp vào điều kiện lịch sử hiện nay nhằm phát huy nội lực, tranh thủ thời cơ quốc tế thuận lợi thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Cũng vì thế, việc tiếp tục nghiên cứu, thấu hiểu vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cương vị lãnh tụ của cách mạng, của dân tộc trong kháng chiến chống Pháp nói riêng, trong sự nghiệp giữ nước nói chung, không chỉ có ý nghĩa về mặt phương pháp luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Tư tưởng của Người luôn là kim chỉ nam của những quan điểm, đường lối của Đảng trong mỗi thời kỳ cách mạng. Theo đó, trong tình hình hiện nay, chúng ta phải giữ vững ổn định chính trị, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc. Đồng thời, kiện toàn, củng cố, nâng cao hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền; cảnh giác với những phương thức, thủ đoạn mới trong chiến lược “diễn biến hòa bình “ của địch, quyết không dành cho chúng một sơ hở nhỏ nào để thực hiện âm mưu kích động, chia rẽ sự đoàn kết thống nhất dân tộc, sự toàn vẹn lãnh thổ. Mặt khác, chúng ta phải tích cực đấu tranh, khắc phục những thiếu sót trong quản lý, xây dựng đất nước, những sơ hở, sai lầm trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, nhất là chính sách về dân tộc, tôn giáo; đấu tranh một cách kiên quyết, có hiệu quả với tệ nạn quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy điều hành các cấp; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, động viên toàn dân tham gia xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Không vì hội nhập kinh tế quốc tế mà lơi lỏng trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

ThS . Đinh Ngọc Quý - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh