• Loading...
 
Dự án 600 tri thức trẻ ở Trạm Tấu: Khó đã qua, “đầu ra” đã có
Ngày xuất bản: 13/07/2017 6:40:00 CH
Lượt xem: 653

Từ buổi ban đầu còn bỡ ngỡ với phong tục, tập quán địa phương, với ngôn ngữ của đồng bào Mông, song với tâm nguyện hết lòng cống hiến cho vùng cao, sau 5 năm kết thúc Dự án 600 trí thức trẻ, mỗi đội viên Dự án ở Trạm Tấu đã tự tin hơn, trưởng thành hơn và điều quan trọng là họ đã được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ghi nhận và tiếp tục bố trí công tác, tạo thêm cơ hội để họ cống hiến sức trẻ cho vùng cao.

Đội viên Hà Chánh Thảo (bên phải) kiểm tra sinh trưởng của lúa theo phương pháp thâm canh mới tại xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu

Không còn bỡ ngỡ như buổi ban đầu đến nhận công tác làm Phó Chủ tịch UBND xã Pá Hu - đội viên Hà Chánh Thảo, sinh năm 1988, tốt nghiệp chuyên ngành trồng trọt Đại học Tây Bắc (hệ chính quy) nay đã trưởng thành và rắn rỏi hơn hẳn.

Với kiến thức cơ bản về trồng trọt, 5 năm qua, Thảo đã góp sức mình  giúp đồng bào trong xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh, tăng vụ từng bước xóa đói giảm nghèo.

Đến nay, Pá Hu đã gieo trồng 94 ha lúa hai vụ, tăng khoảng 30 ha so với năm 2012 và sản lượng đạt trên 800 tấn, tăng hơn 200 tấn so với năm 2012; chuyển đổi trên 100 ha lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô và xã đã hình thành được vùng chuyên canh ngô hàng hóa với diện tích gần 500 ha/năm.

Để có được kết quả đó, bản thân đội viên Hà Chánh Thảo suốt 5 năm thực hiện Dự án đã không ngại khó ngại khổ "3 cùng" với dân để vừa học tiếng vừa học hỏi phong tục, tập quán của người dân. Từ buổi đầu không biết một câu tiếng Mông thì nay anh đã có thể giao tiếp được với đồng bào, nói cho đồng bào hiểu và hiểu được đồng bào nói.

Chính sự nhiệt huyết đó, đã được đồng bào đồng thuận, tin tưởng, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận. Vì vậy, sau 5 năm kết thúc Dự án, anh được UBND huyện dự kiến tiếp tục bố trí sắp xếp vị trí công tác là Phó Chủ tịch UBND xã Pá Hu, phụ trách mảng nông - lâm nghiệp.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian thực hiện Dự án và tiếp tục được bố trí công tác tại địa phương, khiến đội viên Hà Chánh Thảo không giấu được niềm vui. Anh cho biết: bản thân sẽ tiếp tục tìm hiểu phong tục, tập quán, đặc biệt là ngôn ngữ của đồng bào Mông. Đồng thời, bám sát  vào chủ trương, kế hoạch của huyện; từ đó, kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng tốt các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hàng năm cũng như hoạt động thường xuyên của UBND xã tới các thôn, bản.

Cũng như đội viên Hà Chánh Thảo, trong 5 năm thực hiện vai trò Phó Chủ tịch UBND xã Xà Hồ, đội viên Mùa A Ninh đã tích cực tham gia mọi hoạt động của xã và anh đã có những đóng góp thiết thực để Xà Hồ từng bước đẩy lùi các hủ tục ở địa phương như: nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh con thứ ba trở lên, thách cưới, để người chết dài ngày trong nhà...

Đồng thời, anh cũng tích cực tham gia xây dựng và triển khai thực hiện nếp sống mới theo quy ước, hương ước thôn bản; công tác giáo dục được quan tâm đúng mức, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Bà con thôn Đầu Cầu, xã Xà Hồ không thể quên trường hợp gia đình anh Hờ A Su B (Su gầy), vì đông con nên không muốn cho mấy đứa lớn đi học để chúng ở nhà giúp bố mẹ làm ruộng làm nương. Thương các cháu đang tuổi đến trường mà phải nghỉ học, Mùa A Ninh đã cùng bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản trực tiếp đến tận nhà vận động gia đình cho các cháu đến trường.

Lúc đầu, anh Su không đồng ý, nhưng nhờ sự kiên trì vận động, phân tích rõ lợi ích của việc cho con học chữ, trong đó anh Ninh đặc biệt nhấn mạnh: "Tôi cũng là người Mông, bố mẹ tôi cũng nghèo khổ nhưng vẫn cho tôi đi học đầy đủ nên giờ tôi mới được như thế này. Nếu anh chỉ vì cái lợi trước mắt mà không cho con đi học thì sau này anh sẽ phải hối hận đấy!". Cũng phải mất vài lần vận động, cuối cùng anh Su cũng đã cho các con đi học.

Với những kinh nghiệm 5 năm làm Phó Chủ tịch UBND xã Xà Hồ, đã giúp Mùa A Ninh trưởng thành hơn không chỉ trong nếp nghĩ, cách làm mà hơn thế, anh đã xác định được bản thân phải làm gì trong vai trò Phó Chủ tịch UBND xã. Được biết, dự kiến tới đây, anh sẽ được bố trí, sắp xếp làm Phó Chủ tịch UBND xã Bản Mù. Anh Ninh chia sẻ: "Bản thân tôi rất phấn khởi khi được Sở Nội vụ, UBND huyện Trạm Tấu quan tâm tiếp tục bố trí sắp xếp công tác tại địa phương. Vì thế, tôi sẽ cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao bằng cách tích cực tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền xã xây dựng sát thực các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, xã hội.

Anh cũng cho biết, thuận lợi nhất của anh khi nhận công tác tại xã Bản Mù là nơi đây có 100% dân số là đồng bào Mông và bản thân anh lại là người Mông nên thông thạo về ngôn ngữ, phong tục, tập quán của đồng bào. Do vậy, sẽ thuận lợi trong công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như quy định của địa phương. Cộng với những kinh nghiệm trong 5 năm thực hiện Dự án, anh Ninh tin tưởng mình sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Được triển khai từ năm 2012, huyện Trạm Tấu có 10 đội viên thuộc Dự án 600 trí thức trẻ được phân công công tác tại 10 xã của huyện; trong đó, có 5 đội viên phụ trách lĩnh vực kinh tế, 5 đội viên phụ trách lĩnh vực văn hoá - xã hội. Những  ngày đầu bỡ ngỡ, sự hồi hộp pha chút lo lắng: "Liệu sau 5 năm mình có làm được gì cho địa phương không? có làm được gì giúp đồng bào không?... luôn làm cho Đặng Phúc Long - Phó Chủ tịch UBND xã Phình Hồ trăn trở.

Và để hoàn thành nhiệm vụ, Hà Chánh Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Pá Hu luôn canh cánh trong lòng là phải cố gắng học hỏi các đồng chí lãnh đạo địa phương từ những việc nhỏ nhất; phải tạo được mối đoàn kết đối với chính quyền địa phương; Triệu Sinh Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Mù nguyện phấn đấu hết mình, đề cao trách nhiệm cá nhân thực hiện nghiêm túc mọi quy định của địa phương và Vĩnh cũng mong muốn được các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể  địa phương tạo điều kiện dìu dắt, chia sẻ những bỡ ngỡ ban đầu...

Đến nay, sau 5 năm, 10 đội viên Dự án đã có nhiều đóng góp như: phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả như trồng lúa nương, sắn sang trồng ngô 2 vụ; duy trì diện tích gieo cấy 2 vụ; triển khai tốt công tác phòng chống dịch bệnh, dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông; vận động nhân dân thực hiện trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nhờ đó, tỷ lệ che phủ rừng của địa phương được nâng lên.

Với nhiệm vụ được giao, các đội viên trí thức trẻ đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt quy ước, hương ước thôn, bản; vận động các gia đình cho con em đến trường đúng độ tuổi, góp phần giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Theo đánh giá của huyện, hàng năm, các đội viên đều hoàn thành nhiệm vụ trở lên.

Để tiếp tục bố trí, sắp xếp công việc phù hợp sau khi kết thúc Dự án, huyện Trạm Tấu đã dự kiến bố trí 9 đội viên vào các vị trí công việc phù hợp với năng lực, trình độ đào tạo, đó là công chức Hội Nông dân huyện; Phó Chủ tịch UBND các xã: Túc Đán, Pá Hu, Bản Mù; Chủ tịch Hội Nông dân xã Bản Mù; Chủ tịch MTTQ xã Pá Lau; Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Trạm Tấu; công chức địa chính xã Bản Công, xã Tà Xi Láng.

Được tiếp tục bố trí, sắp xếp công việc phù hợp tại địa phương, không chỉ đội viên Hà Chánh Thảo, đội viên Mùa A Ninh mà những đội viên khác cũng tỏ ra hết sức phấn khởi, bởi sau 5 năm cống hiến sức trẻ, tâm lực của họ đã được ghi nhận; từ đó, tiếp thêm động lực để họ tiếp tục vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ trong vai trò mới.

Sau 5 năm triển khai Dự án 600 trí thức trẻ, khó đã qua, “đầu ra” đã có không chỉ gỡ khó về việc làm cho cá nhân mỗi đội viên, thêm cơ hội để họ tiếp tục được cống hiến sức trẻ cho vùng cao, mà còn chứng tỏ sức sống của Dự án này. 

Theo Báo Yên Bái