• Loading...
 
Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 9/2018
Ngày xuất bản: 24/08/2018 12:00:00 SA

                                                                                    TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY BÁC HỒ THĂM YÊN BÁI (25/9/1958 - 25/9/2018)

-----

Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, vị Lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta; là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và noi theo. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao phong trào tại các địa phương, cơ sở.

Đối với Yên Bái, Người đã dành cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc. Người đã nhiều lần gửi thư, viết bài khen ngợi các tập thể và cá nhân trong tỉnh lập nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Một vinh dự to lớn cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái là ngày 25/9/1958 được đón Bác về thăm.

Sự kiện này là mốc lịch sử quan trọng; tỉnh Yên Bái lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất được đón Bác Hồ. Đây là vinh dự to lớn, là sự cổ vũ, động viên phong trào cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.

I. BỐI CẢNH, NỘI DUNG VÀ Ý NGHĨA CHUYẾN THĂM YÊN BÁI CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

1. Bối cảnh

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm tỉnh Yên Bái trong bối cảnh miền Bắc nói chung, Yên Bái nói riêng vừa thực hiện thắng lợi nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, làm tốt vận động tăng cường đoàn kết toàn dân khôi phục kinh tế thời kỳ 1955 - 1957, bắt đầu bước vào năm đầu của thời kỳ 3 năm phát triển kinh tế - văn hoá, mở rộng cuộc vận động cải cách dân chủ gắn với hợp tác hoá 1958 - 1960.

Đây cũng là thời điểm Đảng bộ tỉnh đang tập trung lãnh đạo toàn dân tích cực sản xuất, phấn đấu thực hiện thắng lợi chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, tổ chức học tập chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cải tạo XHCN cho các thành phần kinh tế cá thể, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc vận động nhân dân đi vào con đường làm ăn tập thể và tăng cường công tác quản lý thị trường. Đảng bộ cũng đề ra các biện pháp phát triển mọi mặt kinh tế - văn hóa - xã hội: Mở cuộc vận động thành lập tổ đổi công, vận động đồng bào các dân tộc định canh định cư, đưa ruộng hoang vào canh tác, làm thủy lợi, áp dụng giống lúa mới, tăng cường bón phân chuồng và phân xanh, tích cực trồng màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Đến năm 1958, Yên Bái đã xây dựng được 5.364 tổ đổi công, thành lập được 4 hợp tác xã. Nhiệm vụ khôi phục và phát triển các ngành nghề lâm nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, bưu điện, tài chính, giáo dục, y tế, văn hóa, văn học nghệ thuật, thể dục thể thao có những bước phát triển mới, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định chính trị - xã hội, củng cố thêm lòng tin và quyết tâm của nhân dân đi theo con đường của Đảng, Bác Hồ đã chọn.

2. Nội dung cơ bản của chuyến thăm

Chiều ngày 24/9/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn cán bộ cấp cao của Đảng, Chính phủ về thăm Yên Bái. Từ 2 giờ chiều, hàng trăm đại biểu thay mặt các đoàn thể, đại diện các dân tộc đã tề tựu tại sân ga đón Bác. Một chuyến tàu hoả đặc biệt đưa Bác từ Lào Cai về Yên Bái. Cùng đi với Bác có bác sỹ Phạm Ngọc Thạch - Bộ trưởng Bộ Y tế, đồng chí Lê Dung - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cùng một số chuyên viên cao cấp của Trung ương.

Chiều hôm đó, Bác làm việc với các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại biểu các ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thị của tỉnh. Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Đức - Bí thư Tỉnh ủy báo cáo kết quả 4 năm khôi phục và phát triển kinh tế, Bác đã khen ngợi những thành tích của đồng bào các dân tộc trong tỉnh; Bác ân cần chỉ bảo, cặn kẽ nhắc nhở Đảng bộ và chính quyền phải chăm lo đời sống của đồng bào từ việc to, việc nhỏ, làm sao đời sống được cải thiện, ai cũng có cơm ăn áo mặc, các cháu được học hành. Bác quan tâm đến việc cung cấp thuốc chữa bệnh, muối, dầu hỏa, kim chỉ thêu cho đồng bào; đến bệnh sốt rét, bướu cổ... Bác quay lại nhắc bác sĩ Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch cử đội y tế lên giúp đỡ đồng bào. Về đoàn kết dân tộc, Bác nói đại ý: “Trong một nước có bao dân tộc đều là anh em một nhà, trong một tỉnh cũng vậy, chúng ta phải làm tốt công tác đoàn kết dân tộc, các dân tộc đều bình đẳng giúp đỡ các dân tộc thiểu số”. Về giáo dục, Bác hỏi bao nhiêu cháu còn chưa biết chữ, rồi Bác nhấn mạnh: “Muốn cho dân giàu nước mạnh, mọi người phải biết chữ, có văn hóa mới làm được việc. Bộ Giáo dục sẽ cử thêm giáo viên lên giúp tỉnh để vài năm tới tỉnh xóa được nạn mù chữ”. Về giao thông, Bác lưu ý: “Phải mở mang đường sá, huy động dân cùng Nhà nước làm đường. Phấn đấu xe vận tải lớn đến được tất cả các huyện, xã, điểm vùng cao, có như vậy mới giao lưu được hàng hóa, kinh tế mới phát triển”. Bác còn hỏi các thủ tục ma chay, cưới xin, tảo hôn, đánh vợ... Bác nói phải kiên trì, thuyết phục và vận động còn lâu dài, gian khổ.

Từ mờ sáng hôm sau, ngày 25/9/1958, hàng ngàn đồng bào đã tập trung tại Sân vận động thị xã dự mít tinh. Khi Bác bước lên lễ đài, hàng ngàn đồng bào vẫy cờ, hoa hô vang khẩu hiệu: “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm”. Sau đó, cả biển người im lặng, chăm chú nghe Bác nói chuyện. Đầu tiên, Bác chuyển lời thăm hỏi của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội tới cán bộ, chiến sỹ, đồng bào các dân tộc, khen ngợi và biểu dương thành tích mà Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đạt được trong 4 năm qua; đồng thời, Bác chỉ ra những nhiệm vụ để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc phấn đấu thực hiện.

Trước hết, Bác nói đến vấn đề đoàn kết dân tộc. Đây là vấn đề số một, hết sức quan trọng bởi vì: “…Trước kia bọn thực dân phong kiến chia rẽ chúng ta, chia rẽ các dân tộc, xúi giục dân tộc này hiềm khích oán ghét dân tộc khác để chúng áp bức, bóc lột chúng ta. Nay chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ.”. Bằng những hình ảnh, ví dụ hết sức gần gũi, sinh động, dễ hiểu, Bác đã nêu ý nghĩa của vấn đề đoàn kết: “…10 dân tộc ở tỉnh nhà như 10 ngón tay. Nếu xoè 10 ngón tay mà bẻ từng ngón, như thế có dễ bẻ không? Nếu nắm chặt cả 10 ngón tay thì có bẻ được không? Nếu kẻ nào chia rẽ thì phải làm thế nào? Thì phải đập vào đầu chúng nó…”.

Tiếp đến, Bác nói đến việc tăng gia sản xuất phải làm thế nào để đời sống nhân dân được sướng hơn, được ăn no mặc ấm. Bác khẳng định, để làm được điều đó thì: “Phải tăng gia sản xuất ! … đồng bào phải cố gắng làm ăn định canh. Điểm nữa là nên tăng vụ… Thứ ba là về phân bón… Ruộng không có phân như người không có cơm. Người không có cơm có lớn được không? Lúa không có phân có tốt không?… Muốn có nhiều thóc phải bỏ nhiều phân…”. Bác còn nhấn mạnh: “Muốn tăng gia sản xuất thì phải có tổ chức, phải có tổ đổi công… Thế nào là tổ đổi công? Không phải đánh trống, đếm người 1,2,3 rồi báo cáo lên huyện, lên tỉnh. Tổ đổi công phải thật sự giúp đỡ nhau, chứ không phải chỉ khai trên giấy. Không phải là cầm tay dắt cổ bảo “anh phải vào tổ đổi công” mà phải làm cho đồng bào tự nguyện, tự giác”.

Vấn đề thứ ba Bác đề cập đến trong bài nói chuyện là phải tiết kiệm và thực hiện đời sống văn hoá mới. Đó là, tiết kiệm trong tăng gia sản xuất, tiết kiệm trong tổ chức ma chay, cưới xin…

Bác nêu một ví dụ rất sinh động về thực hành tiết kiệm: “Bây giờ ví dụ ai cũng tiết kiệm từ trên xuống dưới, từ thành thị đến nông thôn đều tiết kiệm, mỗi người mỗi ngày bớt một dúm gạo thôi, mỗi tháng mỗi người dành nửa ki lô. Trong kháng chiến chúng ta đã làm được. Làm như thế trong tỉnh nhà, mỗi năm tiết kiệm được 750 tấn gạo… Trước kia, ta phải đưa gạo từ dưới xuôi lên. Đồng chí Chủ tịch có cho biết là vừa rồi cũng phải đưa lên 300 tấn. Nếu tiết kiệm được như trên thì không phải đưa gạo từ dưới xuôi lên. Làm như thế có khó không? Không khó. Có dễ không ? Không dễ. Mà phải có tổ chức”.

Về xây dựng đời sống văn hoá mới gắn với thực hành tiết kiệm, Bác tường tận đến từng chi tiết, từng nét văn hóa cho tới những hủ tục cần loại bỏ của đồng bào: “Đồng bào ta đây có nhiều điểm tốt, nhưng cũng còn có khuyết điểm cần phải sửa chữa dần dần. Hỏi có tiết kiệm không? Cũng có tiết kiệm nhưng lúc đám cưới, mời họ nội, họ ngoại chè chén linh đình, 2 bữa say sưa bằng thích. Nhưng sau đấy nhà trai, nhà gái phải bán trâu, bò, thóc, bán ruộng, đi vay nợ. Như thế là không tốt… đám ma cũng thế. Thường thì chôn cất cũng đủ, nhưng cũng cứ phải chén, thế rồi cũng bán thóc, bán trâu, bán ruộng…”.

Cuối cùng, Bác đề nghị: “Yên Bái phải thi đua để trở thành một tỉnh khá nhất của các tỉnh miền núi, liệu các cô, các chú có hứa với Bác thực hiện được không?”. Như một làn sóng, mọi người hô vang khẩu hiệu “Quyết tâm”. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh hứa quyết tâm thực hiện lời Bác dạy.

Kết thúc cuộc mít tinh, Bác bắt nhịp cho mọi người cùng đứng dậy hát bài “Kết đoàn”.

3. Ý nghĩa chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại ấn tượng và tình cảm sâu sắc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; biểu thị sự quan tâm, chăm sóc của Người, là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao đối với sự nghiệp cách mạng ở địa phương.

Đặc biệt, bài nói chuyện của Bác ngày 25/9/1958 có ý nghĩa hết sức sâu sắc, vừa mang tính cấp bách, vừa có tính lâu dài, tác động to lớn đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, chiến sỹ, đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái với nội dung thiết thực, cụ thể, bám sát tình hình chính trị - kinh tế - văn hoá - xã hội của tỉnh Yên Bái; đúng, trúng những vấn đề, nhiệm vụ cơ bản trong thời kỳ đầu xây dựng chế độ mới XHCN mà Đảng bộ, chính quyền tỉnh Yên Bái đặt ra và đang cố gắng thực hiện. Đó là những chỉ thị trực tiếp cho Đảng bộ và nhân dân Yên Bái với các vấn đề quan trọng như đoàn kết chặt chẽ, lo cho nhân dân được ăn no, mặc ấm, định canh định cư, tăng gia sản xuất, xây dựng tổ đổi công, thực hành tiết kiệm, bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu trong làm ăn, ma chay, cưới xin...

Bài nói chuyện của Bác là lời dạy bảo ân tình, ân nghĩa, ai cũng có thể hiểu được, làm được. Bác không dùng lý luận chính trị để giải thích, cũng không đưa những dẫn chứng về những việc đã và đang làm được hay các con số thống kê cụ thể như một báo cáo thông thường, mà Bác ân cần giảng giải, căn dặn từng vấn đề rất thiết thực, cần làm, nên làm; Bác nêu ra những câu hỏi, sau đó đưa ra những câu trả lời khiến ai ai cũng cảm thấy dễ hiểu, ấm lòng, thấm thía.

Tự bản thân bài nói của Bác đã toát lên mọi tư tưởng, hành động cách mạng, hệ thống lý luận sắc bén gắn bó với thực tiễn cách mạng ở địa phương, gần gũi với đời sống nhân dân, thể hiện tấm lòng, tình cảm, phẩm chất đạo đức cao đẹp của Bác.

Bài nói chuyện của Bác còn là phương pháp luận cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng noi theo, học tập; thể hiện sự lô-gíc, khoa học, nội dung hết sức thiết thực, gần gũi, đi vào lòng người, không sáo mòn nhưng cũng rất cụ thể.

II. YÊN BÁI HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI  BÁC

Trong lịch sử đấu tranh giành chính quyền và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, anh dũng, kiên cường và cần cù, năng động, sáng tạo. Truyền thống tốt đẹp đó được nâng lên một tầm cao mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là Bác Hồ kính yêu.

Ngày 30/6/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ. Sự kiện trọng đại này đã mở ra một bước ngoặt mới cho phong trào đấu tranh cách mạng ở địa phương. Mặc dù Đảng bộ Yên Bái mới ra đời, số lượng đảng viên ít, song Đảng bộ đã thực hiện đúng đắn, sáng tạo chủ trương của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Xứ ủy Bắc Kỳ, lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng ngày một phát triển, khởi nghĩa thành công, lập nên chính quyền cách mạng lâm thời (22/8/1945), là một trong những địa phương tiêu biểu sớm giành được chính quyền và ít hao tổn xương máu.

Sau thắng lợi của cách mạng tháng Tám, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Yên Bái đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách: giặc đói, giặc dốt, thiên tai và giặc ngoại xâm. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã chèo lái con thuyền cách mạng, vượt qua những ghềnh thác nguy hiểm. Trong một thời gian ngắn, Yên Bái đã xây dựng được hệ thống chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở, củng cố lực lượng vũ trang, tránh được sự xô xát với quân Tưởng, cô lập cao độ bọn phản động Việt Quốc, đuổi chúng ra khỏi biên giới, chuẩn bị mọi mặt để cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Từ năm 1947, khi thực dân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng, thôn tính tỉnh ta tới 2/3 diện tích, Đảng bộ và quân dân Yên Bái kiên trì thực hiện đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh” kết hợp “vừa kháng chiến vừa kiến quốc” của Đảng và Bác Hồ, huy động sức người, sức của và phối hợp với bộ đội chủ lực mở nhiều chiến dịch như: Sông Thao (1949), Lê Hồng Phong (1950), Lý Thường Kiệt (1951) loại khỏi vòng chiến đấu hàng vạn tên địch, từng bước mở rộng vùng giải phóng. Đặc biệt trong chiến dịch Tây bắc  (1952), cùng với bộ đội chủ lực, quân, dân tỉnh ta đã đập tan hoàn toàn phân khu Nghĩa Lộ, mở thông cánh cửa sang phân khu sông Đà, giải phóng quê hương khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp.

Trước ngày mở chiến dịch Tây Bắc, giải phóng Nghĩa Lộ, Bác Hồ đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho cán bộ và chiến sỹ với lời căn dặn “Chiến dịch này phải thắng lợi”… Trong công tác phục vụ chiến dịch Tây Bắc, cùng với thành tích chung của quân và dân trong tỉnh, anh Hà Văn Nô ở xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn đã có những thành tích xuất sắc, là đại biểu dự Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc và vinh dự được gặp Bác Hồ. Tại Hội nghị, Bác đã biểu dương và tặng một chiếc áo ấm. Bác còn gửi thư khen ngợi các cháu thiếu nhi tỉnh Yên Bái, gửi thư cho linh mục và đồng bào công giáo, gửi thư cho công đoàn vận tải thủy sông Thao… Những lời căn dặn, động viên và phần thưởng hết sức kịp thời của Bác là sức mạnh to lớn, động viên, khích lệ toàn Đảng bộ, quân dân các dân tộc, các tôn giáo trong tỉnh tiếp tục vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Ngay sau khi Yên Bái được giải phóng (10/1952), Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tiếp tục dồn sức thực hiện nhiệm vụ do Đảng, Bác Hồ và Chính phủ giao phó là mở con đường huyết mạch nối liền căn cứ địa Việt Bắc với chiến trường Tây Bắc. Đảng bộ đã huy động gần 5 vạn lượt người, góp 3,6 triệu ngày công, cung cấp hơn 2.000 tấn lương thực, thực phẩm cho chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954. Với thành tích phục vụ chiến dịch, ngành giao thông vận tải tỉnh Yên Bái đã vinh dự nhận cờ luân lưu của Bác Hồ trao tặng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Đảng bộ đã lãnh đạo, động viên cao độ tinh thần, khí  thế và sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu; tổ chức thực hiện tốt các phong trào “tay cày, tay súng”, “tay búa, tay súng”, “mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”… Năm 1959, một năm sau ngày Bác thăm Yên Bái, cán bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh ta đã đạt thành tích xuất sắc trong công tác ba thu (thu thuế nông nghiệp, thu mua lương thực, thu nợ) và được nhận Bằng khen của Bác Hồ trao tặng. Năm 1961, cán bộ, đoàn viên thanh niên của tỉnh được Bác Hồ tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong thực hiện kế hoạch Nhà nước. Năm 1963, nhân dân xã Hưng Khánh (Trấn Yên) được Bác Hồ tặng Bằng khen cho thành tích xã có phong trào bảo vệ trị an khá nhất các tỉnh miền núi. Năm học 1966 - 1967, Bác đã tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Trường Phổ thông cấp I xã Báo Đáp (Trấn Yên) vì đã nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, lập nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dạy tốt, Học tốt”...

Với vị trí đặc biệt của một trong những tuyến đường huyết mạch vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, khí tài từ nước ngoài viện trợ vào Việt Nam; các thiết bị, máy móc xây dựng nhà máy thủy điện Thác Bà  - đứa con đầu lòng của ngành thủy điện Việt Nam qua Yên Bái đều được đảm bảo. Mặc dù khó khăn, ác liệt, song quân và dân Yên Bái đã bảo vệ an toàn tuyến đường sắt Hà - Lào (đoạn chạy qua Yên Bái dài hơn 100km). Tổ lái tàu 402 đầu máy Hà - Lào trước đây đã vinh dự đưa Bác về thăm Yên Bái, nay có nhiều thành tích trong việc lái tàu an toàn, vượt qua trọng điểm đã xứng đáng được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang, vinh dự được nhận Bằng khen của Bác trao tặng.

Vừa đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm chi viện cho tiền tuyến, vừa anh dũng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, quân và dân Yên Bái đã phối hợp với bộ đội chủ lực bắn rơi 115 máy bay, tiêu diệt và bắt gọn nhiều toán gián điệp, biệt kích. Dịp này, dân quân tự vệ xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn đã vinh dự được nhận cờ luân lưu của Bác Hồ về thành tích bắn rơi máy bay Mỹ; quân dân tỉnh ta đã được Bác Hồ gửi thư biểu dương, khen ngợi. Trong thư Bác viết: “... Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào các dân tộc, các đơn vị bộ đội, các lực lượng vũ trang nhân dân và cán bộ tỉnh Yên Bái, ngày 27/11/1965 đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 800 và 801 của giặc Mỹ”.

Với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, tỉnh Yên Bái đã huy động cao độ sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, đóng góp 29 vạn tấn lương thực, 15 vạn tấn thực phẩm; tiễn đưa gần 25.000 thanh niên tham gia nhập ngũ, trong đó có 4 tiểu đoàn mang tên Yên Ninh tham gia chiến đấu trên khắp chiến trường, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau năm 1975, non sông thu về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trước hoàn cảnh lịch sử mới, năm 1976, Quốc hội khóa 5 đã nghị quyết hợp nhất ba tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lào Cai thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Đảng bộ đã lãnh đạo thành công cuộc tổng tuyển cử, bầu Quốc hội chung của cả nước; đồng thời đề ra nhiều chủ trương, biện pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; tăng cường tiềm lực quốc phòng, chống lại âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Quân và dân tỉnh Hoàng Liên Sơn đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, kiên cường chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ vững chắc tuyến phòng thủ biên giới phía Bắc, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Phát huy truyền thống anh hùng trong lao động, sản xuất và chiến đấu đó, cùng với toàn Đảng và nhân dân cả nước, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, nhất là cuối những năm 80 của thế kỷ XX, khi các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng của nước ta quyết liệt bằng nhiều thủ đoạn, bao vây, cấm vận bằng kinh tế. Từ khi tái lập tỉnh (10/1991) đến nay, đặc biệt, từ khi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng; đoàn kết, vượt khó vươn lên; năng động, sáng tạo trong việc cụ thể hóa đường lối của Đảng vào thực tiễn địa phương; góp phần hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch đề ra với nhiều dấu ấn quan trọng, cơ bản làm thay đổi diện mạo của tỉnh.

Đáng chú ý, qua nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, đến nay, kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả ban đầu quan trọng và khá toàn diện. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng GRDP (giá so sánh 2010) bình quân 3 năm đạt 6,64% (mục tiêu Nghị quyết là bình quân cả giai đoạn đạt trên 7%). Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực: Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 24,2% xuống còn 22,5%; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 24,4% lên 26,1%; tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 40,4% lên 47,7%. GRDP bình quân đầu người năm 2016 đạt 28 triệu đồng, năm 2017 đạt 29,7 triệu đồng, ước năm 2018 đạt 31 triệu đồng (bằng 62% mục tiêu Nghị quyết đến năm 2020 là 50 triệu đồng). Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt gần 4,5%/năm (mục tiêu đề ra là 5,0%/năm); riêng 6 tháng đầu năm 2018, tốc độ tăng trưởng sản phẩm nông nghiệp đạt 4,52% so với cùng kỳ năm 2017 (cao nhất trong 03 năm trở lại đây). Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, toàn tỉnh hiện có 37/157 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 23,6% tống số xã của tỉnh, vượt 54% mục tiêu Nghị quyết đề ra. Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, đã thu hút thêm 52 dự án sản xuất công nghiệp với tổng vốn đầu tư trên 7.580 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,46% so với cùng kỳ (cao nhất trong 05 năm gần đây). Dịch vụ du lịch có nhiều khởi sắc, riêng 6 tháng đầu năm 2018 đã tổ chức được nhiều hoạt động du lịch độc đáo, đón và phục vụ 253.234 lượt khách, tăng 5,3 % so với năm 2017 (khách quốc tế chiếm 4,6%). Các ngành ngân hàng, vận tải, thương mại cũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt kết quả khá, tăng 66% so với năm 2015, bằng 95,2% mục tiêu Nghị quyết Đại hội (năm 2016 đạt 2.300 tỷ đồng, vượt 31% kế hoạch, tăng 31% so với năm 2015; năm 2017 đạt 2.515 tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch, tăng trên 9% so với năm 2016; riêng 6 tháng đầu năm 2018 đạt 1.148,3 tỷ đồng, bằng 41% dự toán cả năm 2018 là 2.900 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2017). Công tác thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp tiếp tục triển khai hiệu quả, từ năm 2016 đến nay đã thu hút được gần 100 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 29.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cả giai đoạn 2010 - 2015; riêng 6 tháng đầu năm 2018 đã quyết định chủ trương đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đăng ký 159 tỷ đồng. 12 công trình trọng điểm của tỉnh đã và đang triển khai cùng hàng trăm dự án hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư tiếp tục tạo sắc diện mới từ đô thị đến nông thôn. Chất lượng giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng số trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia là 162 trường, chiếm 38,5% tổng số trường trong toàn tỉnh. Lao động, việc làm và an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo, các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội được đảm bảo, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Hệ thống y tế có bước phát triển đáng kể, toàn tỉnh đã có 95 xã đạt tiêu chí quốc gia y tế, chiếm 52,8% tổng số xã của tỉnh. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có nhiều đổi mới, tạo được phong trào quần chúng sâu rộng, thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Công tác cải cách thủ tục hành chính; tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Bước đầu triển khai, toàn tỉnh đã giảm được 23,5% đầu mối cơ quan, đơn vị và 13,8% biên chế so với năm 2015. 

Việc triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thực hiện nghiêm túc, bài bản. Đến nay, các cấp trong toàn Đảng bộ có 1.547 tập thể và 1.361 cá nhân đăng ký xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến học tập và làm theo Bác. Bên cạnh đó, Đảng bộ luôn chăm lo làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Từ chi bộ đảng đầu tiên chỉ gồm vài đảng viên của những ngày đầu mới thành lập, đến nay, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã có 13 đảng bộ trực thuộc, 563 tổ chức cơ sở đảng (321 đảng bộ cơ sở, 242 chi bộ cơ sở), 3.106 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với gần 55.000 đảng viên; 100% thôn, bản, tổ dân phố đã có chi bộ.

Ghi nhận những thành tích to lớn mà Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đạt được trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý cho quân và dân tỉnh ta: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái (năm 2003) và 31 tập thể và 06 cá nhân; Danh hiệu Anh hùng lao động cho 07 tập thể và 07 cá nhân, trong đó, 05 tập thể và 03 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, cùng hàng trăm huân, huy chương, bằng khen cho các tập thể, cá nhân khác có thành tích, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Nhìn lại lịch sử cách đây 60 năm, kinh tế Yên Bái lúc bấy giờ còn khó khăn, nghèo nàn, lạc hậu, đời sống đồng bào đói nghèo, văn hóa - xã hội yếu kém, nhiều hủ tục lạc hậu, giáo dục, y tế chưa được mở mang… Đến nay, sau 88 năm Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo, 70 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh, 60 năm thực hiện lời Bác dạy, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã bước sang một trang sử mới, cuộc đời mới, thời kỳ phát triển mới: Hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc; cùng cả nước vững bước trên con đường đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển. Tỉnh Yên Bái đã trở thành một tỉnh phát triển ngày càng toàn diện và vững chắc; kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát triển kinh tế hàng hoá, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Công tác xây dựng đảng được quan tâm, chú trọng; xây dựng hệ thống chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở vững mạnh, phát huy vai trò đoàn kết các dân tộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và phát triển tỉnh Yên Bái. Mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, nhân dân với Đảng ngày càng bền chặt. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh từ kiếp đời “nô lệ”, đã thực sự trở thành người chủ quê hương, đất nước. Sắc diện từ thành thị đến nông thôn, cả vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều đổi thay và không ngừng phát triển, tiến bộ.

Chúng ta có thể tự hào rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu, những năm qua, đặc biệt là sau 60 năm ngày Bác thăm Yên Bái, Đảng bộ tỉnh đã giác ngộ, giáo dục, tập hợp, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, sức mạnh của cả Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, hợp tác xã và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh làm nên kỳ tích anh hùng - một tỉnh Yên Bái phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, vững bước đi lên cùng cả nước trong sự nghiệp đổi mới - công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đạt được trong suốt chặng đường 60 năm qua có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề vững chắc đưa tỉnh ta vững vàng trên con đường đổi mới. Để cụ thể hóa những lời dạy của Bác khi Người thăm Yên Bái, đồng thời thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch năm 2018, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái phải nêu cao quyết tâm chính trị thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. Thực hiện có hiệu quả các đề án, chính sách của tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh giai đoạn 2016 - 2020 đã ban hành; đồng thời, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt của doanh nghiệp và nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả 03 khâu đột phá chiến lược về “cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông” và các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế. Tận dụng tối đa lợi thế trung tâm vùng, đầu mối liên kết khu vực và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai để phát triển đồng bộ các lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, công nghiệp, ngân hàng, vận tải, du lịch, dịch vụ công... Phát huy nội lực đi đôi với khai thác có hiệu quả các nguồn lực ngoài tỉnh để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho những công trình hạ tầng thiết yếu về giao thông, giáo dục, xây dựng nông thôn mới và tập trung khắc phục các công trình hư hỏng do thiên tai gây ra.

2. Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả lĩnh vực văn hóa - xã hội, chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục và đào tạo, tăng cường hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nâng cao mặt bằng dân trí. Đầu tư thỏa đáng cho chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động ở nông thôn. Quan tâm, chăm lo công tác y tế, dân số, gia đình và trẻ em, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực cho các cơ sở y tế từ tỉnh đến cơ sở; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII); Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII).

Nâng cao chất lượng công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu; thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với xây dựng môi trường sống và gia đình văn hóa; khơi dậy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc để bảo tồn, phát huy và phục vụ phát triển du lịch.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ của công chức, viên chức, phát huy rõ vai trò người đứng đầu các cấp, các ngành, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

3. Phát triển kinh tế - xã hội phải kết hợp chặt chẽ với củng cố quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Phát huy sức mạnh tổng hợp, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc. Phát huy sức mạnh của quần chúng trong công tác bảo đảm an ninh trật tự; giảm thiểu tai nạn giao thông, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm và phòng chống tệ nạn xã hội; xây dựng xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; không để xảy ra các “điểm nóng” trên địa bàn tỉnh.

4. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, từ đó quan tâm làm tốt công tác vận động quần chúng, thực hiện có hiệu quả quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, nắm vững tâm tư, nguyện vọng, đời sống của nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền những thành tựu đạt được, cổ vũ động viên gương người tốt, việc tốt; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo đồng thuận trong xã hội.

5. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; trọng tâm là nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng kết hợp với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật Đảng; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và chuẩn bị nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ 2020 - 2025. Triển khai thực hiện tốt Đề án về “Xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.

Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ công tác nội chính, phòng chống tham nhũng. Trong đó, tập trung thực hiện 5 nội dung trọng tâm, 3 nhiệm vụ chủ yếu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018 theo Kế hoạch số 85-KH/TU, ngày 23/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 20/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của mọi tổ chức Đảng, nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, gắn bó máu thịt với nhân dân; thực sự là hạt nhân chính trị lãnh đạo ở cơ sở, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra; trước mắt là hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2018, tạo yếu tố nền tảng cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

*

*       *

Kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2018) là dịp để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh ôn lại lịch sử truyền thống, mãi mãi ghi nhớ lời dạy của Người; tiếp tục giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân lòng tự hào và biết ơn sâu sắc trước công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ đó, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo Bác.

Phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí, vượt khó vươn lên, chúng ta tin tưởng rằng, mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh sẽ nỗ lực phấn đấu, thi đua học tập, công tác, lao động sản xuất... lập nhiều thành tích xuất sắc, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang, cách mạng và anh hùng của tỉnh; đồng lòng, chung sức xây dựng tỉnh Yên Bái ngày càng phát triển; vững bước cùng cả nước xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội; quyết tâm hiện thực hóa lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Yên Bái phải thi đua để trở thành một tỉnh khá nhất của các tỉnh miền núi”./.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY