• Loading...
 
Tài liệu sinh hoạt tháng 6/2019
Ngày xuất bản: 02/06/2019 12:00:00 SA

 I. CÁC NGÀY LỄ KỶ NIỆM TRONG THÁNG 6

- 01-06: Quốc tế thiếu nhi
- 05-06-1911: Nguyễn Tất Thành rời cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước
- 21-06-1925: Ngày báo chí Việt Nam
- 28-06-2011: Ngày gia đình Việt Nam

II. LỊCH SỬ THÀNH LẬP NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI 1-6-1949

Lịch sử ra đời ngày Quốc tế Thiếu nhi gắn liền với một sự kiện đau thương trong quá khứ. Vào rạng sáng ngày 1/6/1942, phát xít Đức bao vây làng Li-đi-xơ (Tiệp Khắc), chúng bắt 173 người đàn ông, 196 người phụ nữ và trẻ em. Tại đây, chúng đã tàn sát dã man 66 người và đưa 104 em thiếu nhi vào trại tập trung, 88 em đã bị chết trong các phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít. Làng Li-đi-xơ không còn một bóng người.

Hai năm sau, ngày 10/6/1944, bọn phát xít Đức lại bao vây thị trấn Ô-ra-đua (Pháp), chúng dồn 400 người vào nhà thờ, trong đó có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em, phóng hỏa đốt cháy một cách thảm thương.

Với trách nhiệm thiêng liêng và cao quý của mình, năm 1949 Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm ngày quốc thế bảo vệ thiếu nhi, nhằm đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sáchgiáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng.

Ý nghĩa của ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6

Ngày quốc tế Thiếu nhi 1/6 là ngày hội dành cho mọi trẻ em, là ngày các em xứng đáng nhận được nhiều tình yêu thương, quan tâm từ gia đình mình.

Ngoài phạm vi gia đình, trong toàn xã hội, đây là ngày nhắc nhỏ mỗi chúng ta hãy mạnh mẽ đấu tranh để bảo vệ trẻ em trước tất cả những sự xâm hại không đáng có, đặc biệt là sự xâm hại về thể xác và tinh thần. Những vấn đề như bạo hành trẻ em, ấu dâm cần được lên án mạnh mẽ và những kẻ đã gây ra sự tổn thương cho các em nhỏ cần được trừng phạt nghiêm khắc. Với tâm hồn non nớt, trong sáng, các em nhỏ cần được bảo vệ và dạy dỗ một cách hợp lý, khoa học để có sự phát triển toàn diện.

Ngày Quốc tế Thiếu nhi, chúng ta lại gợi nhớ về những lời dặn dò, yêu thường của Bác Hồ dành cho các em như: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình” và căn dặn các em thiếu niên nhi đồng 5 điều quý báu:

“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

 Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt

 Học tập tốt, lao động tốt

Giữ gìn về sinh thật tốt

Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

Với những ý nghĩa như vậy, cha mẹ, thầy cô chính là những người cần giúp các em thiếu nhi hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình. Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 là ngày mà các em xứng đáng nhận được nhiều sự yêu thương hơn bao giờ hết.

III. BÁC HỒ VỚI BÁO CHÍ CÁCH MẠNG.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), báo Thanh Niên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra số đầu. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta. Báo Thanh Niên ra được 88 số, đào tạo 300 cán bộ, phóng viên, do Bác Hồ trực tiếp giảng dạy về nghiệp vụ báo chí và tham gia viết bài. Tiến trình phát triển và trưởng thành của báo chí cách mạng Việt Nam không tách rời sự tổ chức, lãnh đạo và sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là một nhà báo vĩ đại

Là người am hiểu tinh hoa văn hóa đông tây, kim cổ và sớm tiếp thụ chủ nghĩa Mác – Lênin, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã thấy rõ sức mạnh to lớn, diệu kỳ của báo chí trong sự nghiệp cách mạng, trong đời sống xã hội và trong việc nâng cao dân đức, dân trí. Với 60 năm hoạt động cách mạng cứu nước, cứu dân, Bác Hồ đã dùng báo chí như một vũ khí sắc bén để đấu tranh với các loại kẻ thù của dân tộc, đồng thời tuyên truyền, động viên, giác ngộ nhân dân làm cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng XHCN. Bài báo đầu tiên của Bác có nhan đề “Quyền các dân tộc”, với bút danh Nguyễn Ái Quốc, đăng báo Nhân Đạo, cơ quan TƯ của Đảng CS Pháp, ra ngày 18/6/1919. Bài báo cuối cùng của Bác là bài “Thư trả lời Tổng thống Mỹ”, đăng báo Nhân Dân ngày 25/8/1969, tức là trước một tuần ngày Bác đi xa. (Có tài liệu cho rằng: Bài báo cuối cùng của Bác là bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng”, ký tên CB, đăng báo Nhân Dân, số ra ngày 1/6/1969).

Trong 50 năm viết báo cách mạng, Bác Hồ đã có trên 2 nghìn bài báo thuộc các thể loại, viết cho hơn 50 tờ báo và tạp chí ở trong và ngoài nước, bằng nhiều thứ tiếng, với trên 50 bút danh (hiện có tài liệu cho biết: Bác Hồ dùng tới trên 100 bút danh). Những bài báo của Bác thể hiện tư tưởng cách mạng, yêu nước thương dân và đạo đức cao cả, với ngôn ngữ giản dị, bình dân, với phong cách đa dạng và hấp dẫn, có sức lay động trái tim và khối óc của hàng trăm triệu người trên toàn thế giới, thôi thúc họ đứng lên làm cách mạng và tiến tới những giá trị cao đẹp Chân – Thiện – Mỹ.

Luận điểm giản dị và nổi tiếng của Bác Hồ về báo chí cách mạng

Chỉ đạo báo chí cách mạng nước ta, Bác Hồ nêu lên một luận điểm nổi tiếng: “Viết để làm gì? – Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng” (Xem bài “Cách viết” (1953), in trong “Hồ Chí Minh – Toàn tập”, tập VI, NXB Sự Thật, Hà Nội – 1986, từ trang 443; hoặc xem cuốn Hồ Chí Minh – “Về công tác văn hóa, văn nghệ”, NXB Sự Thật, Hà Nội – 1977). Đấy là tư tưởng chủ đạo của báo chí cách mạng nước ta: Báo chí cách mạng phải phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Đấy cũng là chân lý của báo chí cách mạng, là tuyên ngôn của các nhà báo chân chính Việt Nam.

Bác chỉ ra những nhiệm vụ vừa khái quát, vừa cụ thể của các nhà báo, đồng thời đề cao tính trung thực – một đặc trưng quan trọng hàng đầu của báo chí, và đây cũng là sự mở rộng luận điểm nổi tiếng nói trên về báo chí cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào, nói thế ấy”. Nói cách khác, Bác phê phán hai khuynh hướng “tô hồng” và “bôi đen” của báo chí nói chung và khẳng định báo chí cách mạng phải phản ánh trung thực hiện thực khách quan – với mục đích: “Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng”.

Bác Hồ khẳng định: cán bộ báo chí là “Chiến sĩ cách mạng”

Trong “Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ vai trò của những người cầm bút cách mạng: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận/ Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Hồ Chí Minh – “Về công tác văn hóa, văn nghệ”, sđd, tr. 32). Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định và đề cao vai trò của người làm báo đối với đất nước và dân tộc, đồng thời ân cần nhắc nhở: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động” (Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, 8/9/1962; xem: “Hồ Chí Minh – Toàn tập”, tập 10, NXB CTQG, Hà Nội – 2000, tr. 616).

Bác Hồ dạy “cách viết” cho những người làm báo

Là một nhà báo lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy “Cách viết” (bài giảng của Bác tại Lớp Chỉnh Đảng Trung ương, ngày 17/8/1953 – Xem: Hồ Chí Minh – “Về công tác văn hóa, văn nghệ”, Sđd) cho những người làm báo; trong đó Bác chỉ ra 5 cách tìm tài liệu để viết: “1- Nghe: lắng tai nghe các cán bộ, nghe các chiến sĩ, nghe đồng bào để lấy tài liệu mà viết./ 2- Hỏi: hỏi những người đi xa về, hỏi nhân dân, hỏi bộ đội những việc, những tình hình ở các nơi./ 3- Thấy: mình phải đi đến, xem xét mà thấy./ 4- Xem: xem báo chí, xem sách vở. Xem báo chí trong nước, xem báo chí nước ngoài./ 5- Ghi: những gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng mà viết, có khi xem mấy tờ báo mà chỉ được một tài liệu thôi. Tìm tài liệu cũng như những công tác khác, phải chịu khó”.

Bác còn nhắc nhở: “Phải tránh cái lối viết rau muống, nghĩa là lằng nhằng, tràng giang đại hải, làm cho người xem như là chắt chắt vào rừng xanh”. Bác căn dặn các nhà báo: “Chớ ham dùng chữ (Khái niệm “chữ” ở đây – tức là từ Hán – Việt và tiếng nước ngoài – ĐNĐ). Những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng. Những chữ mà ta có, thì phải dùng tiếng ta”. Bác căn dặn các nhà báo phải đề cao tiếng nói của dân tộc, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; phải học cách nói, tiếng nói của quần chúng; viết giản dị, dễ hiểu và viết phải “thiết thực”.

IV. CHIẾN DỊCH THANH NIÊN TÌNH NGUYỆN HÈ 2019

Chiến dịch “Thanh niên tình nguyện hè” năm 2019, được thống nhất triển khai trên 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh từ 03/6/2019 đến ngày 10/8/20109 và chọn  tháng 7/2019 là “Tháng cao điểm của Chiến dịch”. Lực lượng tham gia gồm 2000 chiến sĩ được tuyển chọn từ các trường Đại học, Cao đẳng trong và ngoài tỉnh và 4000 thanh niên tình nguyện được tuyển chọn tại địa phương.

Các lực lượng được biên chế thành 8 đội hình chuyên, tương ứng với 01 chương trình và 4 chiến dịch, gồm: “Kì nghỉ hồng:, “Khăn hồng tình nguyện”, “Hành quân xanh”, “Tiếp sức mùa thi”, “Luật gia trẻ”, “Thắp sáng đường quê”, “Niềm tin xanh”, “Mùa hè xanh” và lực lượng tại chỗ đối ứng.

Một số mục tiêu cơ bản: Xây dựng và sữa chữa ít nhất 50km đường giao thông nông thôn; thắp sáng ít nhất 20km đường giao thông nông thôn; đội hình tuyên truyền viên hỗ trợ tổng cộng ít nhất 15 ngày công lao động; xây mới sữa chữa 100 căn nhà; mỗi huyện, thành phố tổ chức thực hiện đảm bảo ít nhất 02 “ Ngày Chủ nhật nông thôn mới”; …

CHUỖI HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 20 NĂM PHONG TRÀO TÌNH NGUYỆN: Tổ chức phát động hoạt động Sưu tầm kỷ niệm “Dấu ấn 20 năm tình nguyện”,  Tọa đàm “Hành trình 20 năm – Sáng mãi ngọn lửa tình nguyện”, Hội thao “20 năm – Thủ lĩnh phong trào tình nguyện”, Hoạt động chạy việt dã “Cung đường kết nối 20 năm – Sức trẻ tình nguyện”, Hoạt động rước và thắp sáng ngọn đuốc “Sáng mãi ngọn lửa tình nguyện” của phong trào tình nguyện qua 20 năm, Hoạt động trò chơi tập thể “20 năm – Sáng mãi ngọn lửa tình nguyện”. Lễ Tổng kết Chiến dịch “Thanh niên tình nguyện hè” tỉnh Bến Tre và Chương trình kỷ niệm 20 năm “Sáng mãi ngọn lửa tình nguyện” dự kiến diễn ra từ 18 giờ, ngày 10/8/2019 tại Sân Vận động Bến Tre (thành phố Bến Tre)./.

Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn