• Loading...
 
Tuổi trẻ Nghĩa Lộ lập nghiệp trên quê hương
Ngày xuất bản: 17/07/2017 9:00:00 SA
Lượt xem: 9660

Trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ có hơn 200 cơ sở sản xuất, cửa hàng, cửa hiệu, mô hình du lịch cộng đồng quy mô vừa và lớn do ĐVTN làm chủ.

Một mô hình phát triển kinh tế bằng chăn nuôi của đoàn viên thanh niên ở thị xã Nghĩa Lộ.

Sau khi theo học một khóa học về cơ khí, trở về địa phương, anh Nguyễn Văn Thanh ở phường Tân An đã mạnh dạn đầu tư 2 tỷ đồng vào cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại như: máy cắt, máy tiện, máy hàn để mở xưởng sửa chữa ô tô trên tổng diện tích hơn 200 m2.

Đến nay, xưởng sửa chữa ô tô của anh Nguyễn Văn Thanh là một trong những mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao trên địa bàn phường, bình quân mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập 200 triệu đồng và tạo việc làm cho 15 lao động với mức lương 7 triệu đồng/tháng.

Cơ sở sửa chữa máy nông nghiệp của anh Đào Tiến Mạnh ở tổ 5, phường Trung Tâm là một trong những cơ sở lớn của thị xã Nghĩa Lộ. Xưởng sữa chữa của anh hoạt động hơn 10 năm nay, chủ yếu là sửa chữa, thay thế máy móc nông nghiệp. Ban đầu, cơ sở của anh có quy mô nhỏ nên thu nhập cũng không cao.

Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, anh đã tạo dựng uy tín bằng chất lượng sản phẩm và giá cả phải chăng nên lượng khách ngày càng nhiều. Hiện tại, anh đã hướng dẫn và tạo việc làm ổn định cho 5 thợ chính với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân mỗi tháng của gia đình anh vào khoảng 15 - 20 triệu đồng.

Anh Mạnh chia sẻ: “Những năm gần đây, nông dân sử dụng nhiều các loại máy móc cơ giới trong sản xuất nông nghiệp nên các loại máy móc cần sửa chữa, bảo dưỡng tăng lên. Phần lớn nông dân khi sử dụng máy móc nông nghiệp chỉ được đại lý bán máy và hướng dẫn qua loa việc vận hành. Vì vậy, quá trình sử dụng không tránh khỏi những thao tác sai, dẫn đến hỏng hóc hoặc làm cho máy nhanh xuống cấp. Vì vậy, khi sửa chữa máy, tôi hướng dẫn thêm cho người dân cách vận hành và bảo dưỡng để tăng độ bền của máy móc”.

Ở bản Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi, mô hình du lịch cộng đồng của anh Lường Văn Bình cũng là một điển hình. Gia đình anh làm căn nhà sàn 5 gian cuối năm 2012 với mục đích chỉ làm lại nhà để ở, nhưng khi vừa hoàn thành thì được một công ty du lịch đến đặt vấn đề làm chỗ ăn nghỉ cho khách du lịch.

Nhận lời với công ty du lịch này, anh mạnh dạn đầu tư thêm vào khuôn viên nhà, nhất là công trình vệ sinh, trang trí các vật dụng, tham gia các lớp tập huấn làm du lịch cộng đồng, cách chế biến các món ăn... Gia đình anh từng bước làm du lịch cộng đồng chuyên nghiệp hơn, thu hút được nhiều khách hơn, bình quân tháng nào cũng có từ 5 đoàn khách trở lên, giúp gia đình anh có thu nhập ổn định và tạo việc làm thêm cho 3 lao động.

Hiện, trên địa bàn thị xã có hơn 200 cơ sở sản xuất, cửa hàng, cửa hiệu, mô hình du lịch cộng đồng quy mô vừa và lớn do ĐVTN làm chủ, tạo việc làm cho trên 500 lao động với mức lương từ 3 triệu đồng/người/tháng trở lên. Thanh niên khối nông nghiệp tham gia tích cực vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hoá; thực hiện đề án 500 ha lúa năng suất, chất lượng cao; áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất như: tham gia sản xuất lúa lai F1, kỹ thuật phân viên nén dúi sâu; đầu tư máy cày, máy bừa, máy gặt, máy tuốt lúa...

Đây cũng là kết quả nổi bật của Phong trào “Tuổi trẻ xung kích phát triển kinh tế” trong nhiệm kỳ 2012 - 2017 của Thị đoàn Nghĩa Lộ. Để thúc đẩy phong trào, Thị đoàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, đề án phát triển kinh tế của thị xã; khuyến khích ĐVTN xây dựng các mô hình kinh tế trên các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp; tạo điều kiện cho ĐVTN được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế... Qua đó, đã đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, tổ hợp tác ĐVTN...

Anh Chu Quốc Hoàng - Bí thư Thị đoàn Nghĩa Lộ cho biết: "Thời gian tới, Thị đoàn tiếp tục tuyên truyền nhân rộng các mô hình kinh tế tiêu biểu; tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho ĐVTN được vay vốn ưu đãi với mức vay cao hơn; tuyên truyền cho ĐVTN tích cực tham gia vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, thực hiện các mục tiêu của thị xã mở rộng 500 ha lúa năng suất, chất lượng cao lên 600 ha, đẩy mạnh thực hiện làm vụ đông đạt trên 75% diện tích lúa hai vụ... để thu hút lao động là ĐVTN và tạo cơ hội cho tuổi trẻ thị xã làm giàu trên quê hương mình”.

Hạnh Quyên