• Loading...
 
Lập thân, lập nghiệp đâu phải cứ ly hương
Ngày xuất bản: 29/08/2017 8:28:00 CH
Lượt xem: 16392

Có những người trẻ rời quê để làm ăn nhưng lại thật sự nhọc nhằn mưu sinh nơi đất khách; có những người trẻ khác vẫn thành công trên chính mảnh đất quê mình - chuyện từ những đoàn viên, thanh niên ở thị xã Nghĩa Lộ gợi bao suy nghĩ về con đường lập thân, lập nghiệp của người trẻ!

Anh Hoàng Văn Hoà - Bí thư Đoàn phường cầu Thia (bên phải) thị xã Nghĩa Lộ, phát triển mô hình gia trại tổng hợp

Nhọc nhằn mưu sinh đất khách

Trẻ tuổi, cuộc sống nhà nông khốn khó nên vừa mới cưới nhau chưa được bao lâu, vợ chồng chị Lò Thị Đỉnh trú tại thôn Bản Bay, xã Nghĩa Phúc đã phải mỗi người một nẻo để mưu sinh. Sau khi sinh con, cuộc sống càng thêm khó khăn khiến Đỉnh luôn khao khát tìm kiếm việc làm mới. 

Năm 2016, Đỉnh theo một nhóm phụ nữ ở thôn vượt biên trái phép sang làm xây dựng và rửa bát cho nhà hàng bên Trung Quốc.

Bà Hoàng Thị Sươi - mẹ ruột của Đỉnh cho biết: "Tưởng đi xa có thể kiếm được nhiều tiền gửi về nuôi con nhưng chẳng ăn thua. Nó bảo do đi lao động chui, bất đồng ngôn ngữ nên lương ít ỏi lắm. Vậy là tiền gửi về chẳng đủ nuôi con mà vợ chồng, mẹ con lại còn phải xa nhau”.

Nhắc lại câu chuyện thương tâm của em Lường Văn Xiên sinh năm 1994 ở thôn Bản Pưn, xã Nghĩa Phúc, người thân trong gia đình vẫn rơm rớm nước mắt. Nhà nghèo, 6 khẩu trong gia đình Xiên chỉ trông chờ vào 1.200m2 ruộng và chăn nuôi thêm con lợn con gà, chưa kể lúc ông bà ốm đau, em gái phải nộp tiền học, bố mẹ Xiên phải chạy vạy khắp nơi. 

Chứng kiến hoàn cảnh gia đình thiếu thốn từ nhỏ, học hết lớp 9, Xiên xuống Quảng Ninh làm công nhân than. Đi làm chưa được bao lâu thì tháng 7/2014, Xiên không may bị điện giật trong lúc làm việc và đã tử vong. Bà Lò Thị Màn - mẹ ruột của Xiên nghẹn ngào: "Ân hận lắm, biết thế đã không để cho con đi làm xa như thế”.

Cán bộ Đoàn phường Pú Trạng nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu của đoàn viên, thanh niên về phát triển kinh tế.

Ước mơ ly hương tìm việc làm, có thu nhập cao, ổn định là chính đáng xong phần lớn lại không đơn giản như nhiều thanh niên vẫn nghĩ. Em Hoàng Văn Lợi, sinh năm 1997, ở tổ 22, phường Pú Trạng đi làm thợ xây ở Quảng Ninh. 

Công việc nặng nhọc, vất vả và nguy hiểm tiềm ẩn nhưng lương chỉ trên dưới 5 triệu đồng/ tháng, có tháng do chủ làm ăn thua lỗ nên cũng không trả. Cuối cùng, vì quá vất vả và thu nhập không ổn định, có khi còn không đủ nuôi bản thân nên Lợi đã phải bỏ về.

Hiện nay, nhiều xã, phường trên địa bàn thị xã có tỷ lệ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đi làm ăn xa chiếm từ 40 - 60% ĐVTN như xã Nghĩa Phúc, Nghĩa Lợi, phường Pú Trạng. Riêng xã Nghĩa Phúc có 300/ 400 ĐVTN và  4/6 bí thư chi đoàn thôn, bản đi làm ăn xa. 

Một số ĐVTN của xã còn phải bỏ mạng khi đi làm ăn nơi đất khách, như: Lò Văn Đoàn ở bản Pưn, làm công nhân mỏ ở Lai Châu, sập hầm chết năm 2010; Lường Văn Quang ở Ả Hạ, làm hàn tôn ở Hà Nội, cũng tử vong do tai nạn lao động vào năm 2009... Và còn rất nhiều những câu chuyện buồn của những lao động trẻ trên địa bàn thị xã chọn con đường ly hương để lập nghiệp. 

Theo thống kê mới nhất của Thị đoàn Nghĩa Lộ, hiện toàn thị xã có 400 ĐVTN đi làm ăn xa, trong đó ĐVTN ở khối nông nghiệp chiếm 70%, trong số đó có hơn 100 ĐVTN đi làm ăn xa không rõ địa chỉ. Đây chủ yếu là những người gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định, thiếu  đất sản xuất. 

 Anh Chu Quốc Hoàng - Bí thư Thị đoàn Nghĩa Lộ cho biết: "Việc ĐVTN đi làm ăn xa gây nhiều khó khăn cho hoạt động đoàn, nhất là việc tập hợp ĐVTN tham gia các hoạt động tình nguyện, bồi dưỡng phát triển đoàn viên mới. Một số ĐVTN đi làm ăn xa về còn kéo theo tệ nạn xã hội, tư tưởng xa hoa, hưởng thụ, lười lao động, rèn luyện và phấn đấu”. 

Lập nghiệp trên quê hương

Trong khi nhiều ĐVTN ở thị xã Nghĩa Lộ lựa chọn con đường rời xa quê hương xuống Hà Nội, đi các tỉnh thành khác và vào Nam, kể cả xuất cảnh trái phép để tìm kiếm cơ hội việc làm thì cũng ở chính mảnh đất này, với quyết tâm "bất ly hương”, nhiều lao động trẻ đã mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, vươn lên trở thành những triệu phú.

Điển hình là đoàn viên Lò Văn Bình ở thôn Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi. Với ý tưởng làm giàu từ phát triển du lịch cộng đồng, cuối năm 2012, Lò Văn Bình đã đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi rồi mạnh dạn tu sửa ngôi nhà sàn 5 gian của gia đình và liên kết với các công ty lữ hành trong nước làm du lịch. Hiện, trung bình mỗi tuần gia đình anh Bình đón từ 3 - 5 đoàn khách, mỗi ngày cũng có từ 2 - 7 khách đến ăn nghỉ.

Anh Bình chia sẻ: "Bản sắc văn hóa dân tộc là điều mà gia đình tôi có, vì thế tôi chọn làm du lịch để khai thác yếu tố này để phát triển kinh tế. Nhưng không phải vừa làm đã có hiệu quả ngay mà phải kiên trì, rút kinh nghiệm và không ngừng tìm hiểu nhu cầu của du khách, xu hướng chung trong du lịch cộng đồng để mình thay đổi, tiếp cận và phục vụ khách tốt hơn. Có như vậy mới phát triển bền vững được”.

Ở khối đường phố, tiêu biểu có đoàn viên Đào Tiến Mạnh - tổ 5, phường Trung Tâm. Mỗi tháng từ xưởng sửa chữa máy nông nghiệp, xe máy, Mạnh có thu nhập 15 - 20 triệu đồng và tạo việc làm ổn định cho gần chục lao động với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng. 

Đào Tiến Mạnh tâm sự: "Từ kinh nghiệm của bản thân mình, tôi cho rằng, với người trẻ, để lập nghiệp, trước tiên mình phải xác định được ngành nghề mà mình có năng khiếu, sở trường, từ đó theo đuổi, học tập; cũng phải có sự cần cù, chịu khó mày mò, sáng tạo. Khi mình đã có tay nghề vững thì cần phải mạnh dạn như mạnh dạn vay vốn đầu tư cơ sở vật chất ban đầu, mạnh dạn đứng chủ với tính toán cụ thể rõ ràng, đồng thời phải giữ chữ tín làm đầu”.

Là cơ sở Đoàn có tỷ lệ thu hút ĐVTN tham gia sinh hoạt Đoàn cao nhất thị xã Nghĩa Lộ, với tỷ lệ 83%, hiện Đoàn phường Trung Tâm có tổng số 157 ĐVTN sinh hoạt ở 17 chi đoàn, trong đó có 4 ĐVTN có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; 5 ĐVTN có mức thu nhập trên 50 triệu đồng/năm; chỉ có 3 chi đoàn có ĐVTN nghèo. Nhiều mô hình phát triển kinh tế tại địa phương do chính ĐVTN làm chủ đã mang lại hiệu quả cao và tạo sức lan tỏa như mô hình phát triển kinh tế của đoàn viên Đào Tiến Mạnh, Đinh Ngọc Lam, Đinh công Luận, Cầm Văn Thượng.

Chị Chu Thị Dựa - Bí thư Đoàn phường Trung Tâm cho biết: "ĐVTN có kinh tế phát triển, các phong trào hoạt động khác của Đoàn phường cũng phát triển mạnh mẽ. Điển hình như trong 5 năm qua, thông qua các phong trào, hoạt động, Đoàn phường Trung Tâm đã giới thiệu 21 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp và đã có 15 ĐVTN được kết nạp Đảng. Các hoạt động tình nguyện, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trong ĐVTN trên địa bàn phường rất sôi nổi. Tỷ lệ ĐVTN mắc tệ nạn xã hội giảm hẳn”.

Đoàn viên thanh niên thị xã Nghĩa Lộ tích cực học nghề để phát triển kinh tế tại địa phương.

Nghị quyết Đại hội Đoàn Thanh niên thị xã Nghĩa Lộ lần thứ V, nhiệm kỳ 2017 - 2022 đặt mục tiêu hết nhiệm kỳ có từ 55% trở lên lao động độ tuổi thanh niên ở nông thôn qua đào tạo và 30% qua đào tạo nghề trở lên; thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả 1 câu lạc bộ khuyến nông hoặc 1 câu lạc bộ nhóm thanh niên phát triển kinh tế.

Hàng năm Đoàn cơ sở xã, phường tích cực đồng hành với thanh niên trong phát triển kinh tế, quan tâm phát triển mới ít nhất một mô hình nông nghiệp chất lượng cao, mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên. Đặc biệt, có từ 70% Đoàn xã, phường trở lên tham gia nhận ủy thác các tổ tiết kiệm, vay vốn ngân hàng chính sách.

Anh Chu Quốc Hoàng - Bí thư Thị đoàn Nghĩa Lộ cho biết thêm: "Để tạo việc làm cho ĐVTN trên địa bàn, hiện, ngoài tổ chức các hoạt động tư vấn, định hướng cho thanh niên nông thôn về nghề nghiệp và việc làm, vươn lên làm chủ công nghệ, làm giàu chính đáng, tránh biểu hiện "an phận thủ thường”, Thị đoàn Nghĩa Lộ phối hợp với các cơ quan chuyên môn định hướng, giúp đỡ ĐVTN tiếp cận được với các chương trình dự án phát triển kinh tế, chăn nuôi hàng hóa..., giúp đỡ tiếp cận vay vốn, giới thiệu việc làm cho ĐVTN với các nhà máy may, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn...”.
Với sự năng động, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm của chính ĐVTN cùng với các giải pháp hỗ trợ tích cực của tổ chức Đoàn và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm, các ĐVTN trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm tại địa phương, lập thân, lập nghiệp trên chính đồng đất quê hương.

Hạnh Quyên