• Loading...
 
Chàng thanh niên làm giàu từ thất bại của cha
Ngày xuất bản: 21/02/2017 9:49:00 SA
Lượt xem: 4716

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thuần nông vì thế mà làm nông nghiệp, đặc biệt sở thích chăn nuôi đã ngấm vào chàng thanh niên trẻ như một niềm đam mê khi vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Tốt nghiệp THPT năm 2000, Đoàn Thanh Sơn - Thôn Văn Hưng, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái không giống như bạn bè cùng trang lứa cắp sách tìm thầy, khổ luyện ôn thi mong được đậu vào trường chuyên nghiệp để có cái nghề kiếm kế mưu sinh. Anh quyết định không đi học tiếp, không làm việc tại các xưởng tư nhân mà về quê xây dựng trang trại VAC trên chính mảnh đất của cha mình.

Quyết định của anh không những bị gia đình, dòng họ mà cả bạn bè cùng trang lứa phản đối bởi Sơn học đâu có kém bạn kém bè. Bởi, kỷ niệm buồn của người cha sau 20 năm bám trụ với nghề nuôi ba ba vẫn còn đó, vẫn in đậm trong tâm trí của các thành viên trong gia đình khi cha nhờ hàng xóm đến dỡ nhà đi bán để lấy tiền trả nợ do nuôi ba ba thất bại.  

Rau cháo nuôi nhau, cha vẫn bám trụ với nghề mình lựa chọn và có chiều hướng tốt hơn trước khi giống ba ba gai đang nuôi được cha lặn lội xuống tận Hải Dương mang về đang phát triển rất nhanh nhưng thành quả như thế nào chưa rõ.

Bao đêm suy nghĩ, thuyết phục, gia đình cũng đã nhất trí và ủng hộ việc chăn nuôi của Sơn bởi Sơn đã chỉ ra được nguyên nhân thất bại của cha bấy lâu nay là do không được tập huấn về kỹ thuật, không có tài liệu nghiên cứu, không được người đi trước hướng dẫn, con giống mua thu gom nên không đảm bảo chất lượng…Hơn nữa, trong thời gian này anh lại được tham gia tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do Tỉnh đoàn Yên Bái tổ chức tại huyện đoàn Văn Chấn lại càng thôi thúc anh quyết tâm khắc phục thất bại của cha để khẳng định mình.

 Với số vốn 30 triệu gia đình cung cấp, anh vay thêm 20 triệu nguồn vốn ủy thác do Đoàn quản lý tiến hành đầu tư xây dựng 2.000 m2 ao trên diện tích đất của gia đình. Khởi điểm với 40 cặp ba ba, đến nay anh đã có 100 cặp sinh sản, mỗi năm ba ba sinh sản ấp nở trên 5.000 con ba ba giống; trên 50 con thương phẩm, bình quân mỗi con nặng khoảng 4kg; tổng trị giá gần 500 triệu đồng.

Để có thành quả như ngày hôm nay đó là sự nỗ lực học tập, nghiên cứu tài liệu sách báo và kinh nghiệm truyền lại của những người đi trước; là sự hòa quyện giữa mồ hôi và nước mắt, sự trăn trở và niềm đam mê khi chọn đi tiếp con đường cha đã thất bại.

Sơn cho biết: “Nuôi ba ba sinh sản rất đơn giản, chỉ cần giữ nguồn nước trong ao nuôi luôn sạch sẽ, môi trường sinh đẻ đảm bảo các yếu tố tự nhiên như cát ẩm, kín đáo... là có được hiệu quả sinh sản. Ba ba gai dễ nuôi dễ bán nên không sợ thiếu đầu ra. Những con ba ba non còn chưa chào đời đã được đặt hàng”.

Bên cạnh đó, với 4 ha đất đồi anh đã trồng được 3 nghìn cây keo, trên 1.500 cây bồ đề và 01ha chè bát tiên. Tổng lợi nhuận hàng năm trên 250 triệu đồng.

Năm 2012, anh đã vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của mang tên nhà nông học có nhiều đóng góp cho ngành nông nghiệp nước nhà. Đây là phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn dành tặng hàng năm cho các thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và có đóng góp tích cực đối với hoạt động Đoàn, Hội ở địa phương.

Nhìn thấy mô hình của anh phát triển tốt bạn bè cũng mừng và vui nhưng họ cũng khuyên anh không nên mở rộng thêm nữa vì “tham thì thâm”. Nhưng không dừng lại ở thành quả đã đạt được, anh đang ấp ủ ước mơ trong những năm tiếp theo sẽ mở rộng quy mô cơ sở chăn nuôi ba ba gai lên trên 500 cặp sinh sản đảm bảo cung cấp con giống và nhu cầu thương phẩm trên thị trường trong khu vực.

Ngoài sản xuất chăn nuôi giỏi, anh còn là Ủy viên BCH chi đoàn thôn Văn Hưng, tích cực đóng góp cho hoạt động Đoàn tại địa phương như: tặng nhiều suất quà cho học sinh nghèo vượt khó, thăm hỏi gia đình chính sách...Trong các buổi sinh hoạt chi đoàn, Sơn đã mang kinh nghiệm của mình truyền đạt cho ĐVTN trong thôn và trực tiếp giúp đỡ con giống, hướng dẫn kỹ thuật cho 04 đoàn viên xây dựng mô hình như mình.

Hy vọng, giải thưởng Lương Định Của và những thành công ban đầu sẽ là động lực cho Sơn cũng như những thanh niên khác phát huy sức trẻ, xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, góp phần tích cực vào thay đổi nhận thức phải thoát ly và góp một phần công sức vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của quê nhà.

Lê Minh Quang – TĐ Yên Bái