• Loading...
 
Đẩy mạnh tập hợp, đoàn kết thanh niên vùng dân tộc thiểu số
Ngày xuất bản: 02/03/2017 2:36:00 CH
Lượt xem: 4266

 Đoàn kết tập hợp thanh niên nói chung, thanh niên dân tộc thiểu số nói riêng là yếu tố quan trọng để ổn định chính trị, phát huy mạnh mẽ tiềm năng của giới trẻ cho sự nghiệp phát triển quê hương, đất nước.

Đoàn viên thanh niên khám, tư vấn sức khỏe cho nhân dân tại Ngày hội nhân ái vì sức khỏe cộng đồng được tổ chức tại Nghĩa Lộ.

Nhận thức tầm quan trọng đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn - Ban Thư ký Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh Yên Bái đã tập trung chỉ đạo các cấp bộ Đoàn - Hội trong tỉnh đẩy mạnh triển khai tập hợp, đoàn kết thanh niên vùng dân tộc thông qua các mô hình câu lạc bộ, nhóm thanh niên với phương châm: “Đoàn kết tập hợp thanh niên là trọng tâm, vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn là then chốt, đa dạng hóa các hình thức tập hợp thanh niên là cơ sở để phát triển tổ chức Đoàn - Hội là nhiệm vụ thường xuyên”.

Mong muốn được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ là nhu cầu tất yếu của đông đảo thanh niên các dân tộc. Nắm bắt được nhu cầu đó, trong những năm qua, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam các cấp phối hợp với ban thường vụ Đoàn cùng cấp, các ngành chức năng tổ chức các hội thi, hội diễn về lĩnh vực văn hoá của các dân tộc như hội diễn nghệ thuật quần chúng, các lễ hội truyền thống theo mùa trong năm gắn với các địa danh, di tích lịch sử, văn hóa.

Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng các mô hình câu lạc bộ tập hợp thanh niên như: Câu lạc bộ múa xoè ở xã Nghĩa An thị xã Nghĩa Lộ, các câu lạc bộ “Khèn Mông” ở Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Câu lạc bộ "Văn hóa dân gian truyền thống”, "Thanh niên với văn hoá dân tộc" ở Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Văn Yên... thu hút đông đảo thanh niên các dân tộc tham gia. Các hội thi, hội diễn, các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ thực sự trở thành sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp thanh niên có cùng sở thích được giao lưu, gặp gỡ, học hỏi; vừa phát huy tốt vai trò tập hợp thanh niên, vừa góp phần khơi dậy niềm tự hào, giáo dục ý thức giữ gìn, phát huy những nét đẹp, bản sắc truyền thống, những nét văn hoá đặc trưng của các dân tộc trong tỉnh.

Thiết thực hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa", ủy ban Hội tỉnh đã chỉ đạo ủy ban Hội các cấp đẩy mạnh tổ chức cho hội viên, thanh niên tham gia các hoạt động tuyên truyền, vận động bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, văn hoá phẩm độc hại, xây dựng đời sống văn hóa mới.

Cuộc vận động "Đoàn viên, hội viên, thanh niên thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội" đã được đông đảo tuổi trẻ hưởng ứng với nhiều mô hình mới như: lễ đăng lý kết hôn theo chủ đề "Uống nước nhớ nguồn", đám cưới thanh niên không sử dụng thuốc lá…; ra mắt các mô hình chi đoàn, xã đoàn không có thanh niên nghiện ma tuý; vận động hội viên, thanh niên các dân tộc huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải đi đầu trong tham gia trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng rừng kinh tế; tuyên truyền vận động đồng bào vùng cao thực hiện "3 bỏ", không tái trồng cây thuốc phiện; thực hiện chủ trương vận động đồng bào dân tộc Mông ăn một tết vào dịp tết cổ truyền của cả dân tộc...

Đặc biệt, trong năm 2012 và 2013, Ban Thư ký Hội LHTN Việt Nam tỉnh cùng Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tập trung chỉ đạo Ban Thường vụ Huyện đoàn - Ủy ban Hội LHTN Việt Nam huyện Mù Cang Chải xây dựng các mô hình tập hợp thanh niên mới, sát với điều kiện thực tế ở địa phương. Đó là mô hình “Bản văn hóa nông thôn mới” tại bản La Phu Khơ xã Kim Nọi; mô hình chi đoàn - chi hội “4 không” (không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, không sinh con thứ ba và không thách cưới cao) tại các xã Mồ Dề, Khao Mang....

Không chỉ có chức năng tập hợp, đoàn kết thanh niên, các mô hình này còn làm tốt chức năng giáo dục, tuyên truyền, vận động quần chúng đối với đoàn viên thanh niên và bà con nhân dân. Qua đó, tổ chức Đoàn - Hội đã làm tốt công tác dân vận, cùng các cấp chính quyền, ngành chức năng ở địa phương tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới trong đồng bào người dân tộc Mông huyện Mù Cang Chải.

Bên cạnh lĩnh vực văn hóa, ủy ban Hội các cấp còn triển khai cuộc vận động “Thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng”, tập trung hỗ trợ, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ trong vùng dân tộc, từ quy mô hộ gia đình đến các trang trại lớn hoặc liên kết tạo thành các tổ, nhóm kinh doanh; với nhiều lĩnh vực, mặt hàng, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp như: nuôi dê, nuôi cá, ba ba, nuôi dế, trồng nấm rơm, nuôi cá lồng, trồng tre măng Bát Độ...

Các mô hình phát triển kinh tế không chỉ giúp thanh niên xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu mà còn giúp cấp bộ Đoàn - Hội ở cơ sở tập hợp, giáo dục và định hướng cho tuổi trẻ.

Một trong những gương thanh niên dân tộc làm kinh tế giỏi là đoàn viên Chang A Dê - hội viên xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải. Mặc dù tuổi đời còn trẻ (sinh năm 1988), song Chang A Dê đã là chủ của một mô hình kinh tế kết hợp trồng thảo quả, nuôi dê, trồng rừng, nuôi ong lấy mật với thu nhập hàng năm trên 80 triệu đồng. Dê là một trong những “cá nhân điển hình tiên tiến học tập và làm theo lời Bác” được UBND tỉnh tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ lên thăm Yên Bái.

Chang A Dê khiêm tốn chia sẻ: “Nhờ có tổ chức Đoàn - Hội mà trực tiếp là các anh cán bộ Đoàn – Hội ở xã, huyện đã chỉ bảo, hướng dẫn cho mình cách làm, cho mình thấy được những tiềm năng có thể khai thác ngay trên quê hương, nên mình đã quyết định không bỏ quê về xuôi làm thuê như nhiều người khác mà ở lại phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ tiếp tục duy trì, phát triển kinh tế cho gia đình, mình sẽ cùng các anh cán bộ Đoàn - Hội vận động, giúp đỡ các bạn thanh niên trong xã nuôi dê, trồng thảo quả, nuôi ong lấy mật...”.

Tập hợp, đoàn kết thanh niên vùng dân tộc thông qua các mô hình câu lạc bộ, nhóm thanh niên là một trong những giải pháp chủ yếu được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn – Ban Thư ký Hội LHTN Việt Nam tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai trong quá trình thực hiện Đề án “Xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội LHTN Việt Nam tại các khu vực đặc thù tỉnh Yên Bái đến năm 2015, điều chỉnh, bổ sung đến năm 2017” với mục tiêu tiếp tục mở rộng mặt trận tập hợp đoàn kết các tầng lớp thanh niên Yên Bái cùng chung tay đóng góp nhiệt huyết, trí tuệ, sức trẻ vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng quê hương Yên Bái giàu đẹp, văn minh.

Ban ĐKTHTN