• Loading...
 
Làm giàu từ điêu khắc đá
Ngày xuất bản: 22/03/2017 8:15:00 SA
Lượt xem: 6209

 Trở lại đất Lục Yên sau bao lần lỡ hẹn, tôi lại có dịp thăm quan mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ trên vùng đất được mệnh danh là “Đất ngọc” bởi nơi đây ngoài đá quý còn khối lượng lớn đá trắng, xanh ngọc, canxit …phục vụ điêu khắc.

Theo chân Bí thư huyện đoàn Hoàng Trung Chinh, tôi đến gặp Trần Văn Hải, thôn Trung Tâm, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái thăm mô hình sản xuất đá mĩ nghệ.

Trần Văn Hải say sưa bên tác phẩm của mình

Hải dường như không vướng bận điều gì trước sự hiện diện của chúng tôi, mọi tâm trí tập trung cao độ cho từng nhát búa hoàn thiện bức phù điêu “Quan âm phật bà”. Hải phân trần: “Các anh thông cảm, em mải quá nên không để ý các anh đến. Làm cái nghề này nhiều lúc em như quên hết mọi việc xung quanh để hồn mình được sống chung cùng linh hồn của đá”. 

Trong câu chuyện Hải kể thì niềm đam mê đá được hình thành khi nhìn thấy bố và các bác sáng tạo nên những sản phẩm công phu, bắt mắt từ đôi bàn tay điêu luyện với những công cụ thủ công. Chính vì vậy, tốt nghiệp THPT năm 2001, anh không theo học các trường chuyên nghiệp mà tham gia lớp học điêu khắc đá mĩ nghệ tổ chức tại huyện. Học được 3 tháng thì lớp giải thể do không có vốn. Không chấp nhận bỏ cuộc, Hải đã lặn lội vào Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) học tiếp một năm rồi ra Hà Nội làm thuê tại công ty đá Việt Khánh.

Bốn năm lăn lộn, tay nghề dần được điêu luyện cũng là lúc giám đốc công ty đá Việt Khánh: Trương Đỗ Chinh thuyết phục, vận động về quê lập nghiệp với lời hứa sẽ đầu tư vốn và trả vốn bằng sản phẩm. Lời động viên đã khích lệ ý chí, quyết tâm của chàng trai trẻ trở về mảnh đất quê hương sau bao năm bôn ba kiếm sống.

Có vốn tài trợ, cộng thêm 30 triệu tiền vốn ủy thác do tổ chức Đoàn quản lý là nền tảng ban đầu để anh bắt tay vào xây dựng nhà xưởng tháng 4/2009. Từ các mẫu đơn giản như lọ hoa, ông thần tài, các con giống đến các sản phẩm có giá trị lớn như: ghế đá, sư tử, tượng phật... Dần dần, sản phẩm của anh không chỉ cung cấp cho công ty đỡ đầu mà còn được tiêu thụ ở các tỉnh lân cận cũng như chuyển vào miền trong.

Gần 6 năm tạo dựng, tuy sinh sau đẻ muộn so với nhiều cơ sở chế tác đá vùng này, nhưng sản phẩm khá phong phú và đa dạng, rất nhiều khách từ Nam Định, Hải Phòng…đã tìm đến để đặt hàng. Bên cạnh đục con giống, tượng, hiện nay anh còn làm đồ trang trí nội, ngoại thất và được đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.

“Không phải sản phẩm nào cũng thành công. Có nhiều tác phẩm ra đời các anh nhìn rất đẹp nhưng không thể bán ra thị trường bởi nó chưa lột tả được cái hồn dưới con mắt của người thợ. Nếu cố tình bán thương hiệu của mình sẽ dần mất đi. Với nghề này, đòi hỏi người thợ phải có đôi tay khéo léo, sự kiên trì và óc sáng tạo; sự tinh tế trong từng nét khắc, tạc, làm sao để những bức tượng toát được cái hồn và thần thái. Chỉ cần một chút lơi là sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm” Hải tâm sự khi nói về nghề.

Hiện cơ sở sản xuất đá mĩ nghệ của anh đang tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên có đóng bảo hiểm với mức thu nhập từ 5-7 triệu/tháng; 2 lao động phụ với thu nhập 3,5 triệu/tháng. Nhiều thanh niên sau khi đến lao động và học việc đã được anh hướng dẫn tận tình về kỹ thuật và được hỗ trợ vốn để đứng ra thành lập xưởng riêng. Mấy năm lại đây, tổng thu nhập sau khi trừ chi phí đạt 130 đến 150 triệu/năm.

Đánh giá về cơ sở sản xuất của Hải, đồng chí Hoàng Trung Chinh – Bí thư huyện đoàn cho biết: “Đây là cơ sở luôn đề cao việc đảm bảo an toàn cho người lao động. Sản phẩm của cơ sở đã có tiếng trên thị trường trong tỉnh và các tỉnh phía Bắc. Bên cạnh việc tạo việc làm cho thanh niên trong vùng, Hải còn thường xuyên tham gia các hoạt động do Đoàn – Hội – Đội tổ chức…”

“Hiện nay chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ để Hải tiếp nhận 99 triệu nguồn vốn của Đoàn tiếp tục đầu tư vào xưởng chế biến gỗ phục vụ đóng đá xuất khẩu” đồng chí Chinh cho biết thêm.

Nói về dự định cho tương lai Hải cho biết: “Thương hiệu luôn luôn được đặt lên hàng đầu, có thương hiệu cơ sở mới đứng vững và tạo thu nhập, việc làm cho người lao động. Mình vừa ký kết với công ty Thanh Sơn, chuyên cung cấp thùng gỗ để đóng đá xuất khẩu. Đây cũng là cơ hội để sản phẩm của mình đến với thị trường ngoài nước”.

Chúc anh gặt hái được nhiều thành công trong thời gian tới và sản phẩm của anh sẽ được thị trường nước ngoài biết đến để một lần nữa khẳng định giá trị chất lượng đá của vùng “Đất ngọc”.

Minh Quang