Không đợi “mất bò mới lo làm chuồng”, đó là lời khẳng định của Nguyễn Văn Tiến – chủ trang trại nuôi vịt ở tổ 4, thị trấn nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái khi trao đổi với chúng tôi về dịch cúm gia cầm H1N1, H7N9 đang diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn cả nước làm ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của các ông chủ trang trại chăn nuôi gia cầm.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Phú Kim - Thạch Thất - Hà Tây, với điều kiện kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn không thể học cao hơn nữa. Rời ghế nhà trường Tiến đã chọn ghề buôn bán gà, vịt để mưu sinh tạm thời nuôi sống bản thân và các em trong gia đình.
Những ngày bươn trải
Như thân con Vạc nay đây mai đó lặn lội đi tìm nguồn hàng cho các cửa hàng để giữ mối làm ăn, Tiến không ngại ngày đêm, nắng mưa vất vả lặn lội đi các tỉnh, từ Hòa Bình, Phú Thọ đến Yên Bái, Lào Cai… để tìm ra được nguồn hàng vừa chất lượng, vừa rẻ cung cấp cho các đầu mối theo hợp đồng. Bao niềm vui, hạnh phúc khi được cầm đồng tiền về phụ giúp gia đình là bấy nhiêu đắng cay, vất vả khi phải nếm trải mưa gió thất thường, ốm đau nằm lại nhà người dân nơi anh đến thu mua gom hàng.
Những ngày đó, bao suy nghĩ về công việc hiện tại đang làm cứ ẩn hiện trong anh. Có nên tiếp tục hay là chuyển việc khác? Làm gì bây giờ khi không có điều kiện để tăng gia sản xuất? Có nên tìm một công việc ổn định hơn? Bao toan tính cứ đến và dần đi qua để rồi….
Theo giới thiệu của bạn bè, Tiến đã đặt chân lên mảnh đất Yên Bái xa xôi và từ đây ước mơ của anh đã thành hiện thực. Nhận thấy địa hình khí hậu ở Liên Sơn tương đối trong lành, đất đai rộng rãi, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc chăn nuôi vịt. Tiến đã về bàn với gia đình mua đất lập nghiệp.
Được sự động viên, trợ giúp của tổ chức Đoàn, sự ủng hộ của gia đình và người thân, anh gom góp số tiền đã tích cóp được kết hợp với vay thêm từ anh em, bạn bè và đã mua được gần 1ha đất đồi tại thị trấn nông trường Liên Sơn và 500 con vịt giống nuôi sinh sản.
|
Anh Nguyễn Văn Tiến kiểm số trứng trước khi giao hàng |
Lập nghiệp trên quê mới
Vạn sự khởi đầu nan, với kiến thức học được từ các ông chủ trang trại nơi gom hàng cộng thêm kiến thức tự học trên sách báo, mạng Internet…mọi việc rất thuận, đàn vịt không bị bệnh và đang trong đà tăng trưởng rất nhanh. Nhưng cũng từ đó, vịt lớn, ăn nhiều mà không đẻ. Lưng vốn tích cóp được cũng dần cạn kiện và dường như không tìm được lối thoát khi nợ bạn bè vẫn chưa trả xong, lấy gì để tiếp tục đầu tư, xoay vòng khi thân cô thế cô nơi đất khách quê người?
“Thời điểm đó, lối thoát duy nhất là mang vịt ra chợ bán lấy tiền vốn chuyển nghề kinh doanh” – Tiến tâm sự.
Trong lúc tưởng chừng không lối thoát đó, tổ chức Đoàn đã đến với anh, BCH Đoàn thị trấn nông trường đã hướng dẫn anh làm hồ sơ để được tiếp quản nguồn vốn 25 triệu do Đoàn quản lý.
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài những ngày đầu vịt đẻ toàn bộ số trứng được anh mang bán. Khi kinh tế đã dần ổn định anh liền chuyển đổi hình thức kinh doanh, đầu tư xây dựng lò ấp trứng tại nhà.
Khởi nghiệp từ năm 2010, sau 3 năm chăn nuôi, hiện nay anh có trên 2000 con vịt sinh sản, mỗi ngày thu gần 2000 quả trứng, xuất ra thị trường trên 1.500 trứng vịt lộn với giá 3.700 đồng/1 quả.
Được hỏi về sự khó khăn vất vả trong quá trình chăn nuôi Tiến cho biết: “Nuôi gia cầm không đơn giản chút nào, chỉ cần bị dịch là mọi vốn liếng coi như đổ xuống sông xuống bể hết. Chính vì vậy chúng em luôn nêu cao công tác phòng dịch, bệnh cho đàn gia cầm. Không tin anh đợi đến 4h chiều sẽ biết”.
Thời gian 4h chiều mà Tiến đề cập đến chính là công tác tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của thị trấn do tổ chức Đoàn đảm nhiệm, tuyên truyền về cách phòng bệnh cho gia súc, gia cầm ngày nào cũng được bật nhằm nâng cao kiến thức và ý thức cho bà con. Bên cạnh việc tuyên truyền bằng loa, BCH Đoàn thị trấn thường xuyên xuống tận nơi kiểm tra, vận động từng hộ gia đình thực hiện đúng quy trình vệ sinh, tiêu độc, khử trùng theo quy định.
Nhận thức rõ điều đó anh còn phối hợp với trạm thú y huyện để được thường xuyên cập nhập vacxin tiêm cho đàn gia cầm đúng theo hướng dẫn. Nhờ quan tâm đến công tác phòng dịch nên đàn gia cầm của anh không bị bệnh và phát triển khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, tận dụng nguồn phân sẵn có anh kết hợp trồng 0,4ha chè, trên 100 gốc Bưởi Diễn và đến nay đã chuẩn bị cho thu nhập; đồng thời nuôi thêm 4 con lợn nái và 15 lợn bột, 2000 con gà ra pa siêu đẻ.
Với những cố gắng đó, hiện nay tổng thu nhập của gia đình anh hàng năm đạt gần 180 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, Tiến đang có ý định tiếp tục mở rộng đàn vịt lên tới 5000 con, hiện nay Đề án phát triển mô hình gà đồi của anh cũng đang được UBND thị trấn xem xét để đầu tư phát triển.
Mô hình trang trại của Tiến nói riêng và của các ĐVTN trên địa bàn tỉnh Yên Bái nói chung đang được các cấp bộ Đoàn quan tâm thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đoàn tỉnh Yên Bái lần thứ XIII và cụ thể hóa Đề án phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ được Tỉnh đoàn triển khai đồng bộ sau Đại hội.
Một tin vui trước khi chia tay Tiến tôi nhận được đó là BCH Đoàn thị trấn đang hoàn thiện hồ sơ chuyển các cấp bộ Đoàn xem xét đề nghị để Tiến được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2013.
Hy vọng với những cố gắng của Tiến, giải thưởng cao quý mang tên Nhà nông học sẽ được anh đại diện cho thế hệ thanh niên toàn tỉnh đón nhận. Chúc anh luôn gặt hái được nhiều thành công./.
CTV Lê Minh Quang
|