• Loading...
 
Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp cho thanh niên Yên Bái
Ngày xuất bản: 26/03/2024 3:04:00 CH
Lượt xem: 1247

Hưởng ứng Tháng thanh niên năm 2024 và chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc phỏng vấn anh Đồng Mạnh Linh – Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái để tìm hiểu về phong trào khởi nghiệp của thanh niên địa phương trong thời gian quan.



- Anh có thể khái quát về Phong trào thanh niên khởi nghiệp tại Yên Bái trong thời gian qua?  

Anh Đồng Mạnh Linh: Chúng tôi cho rằng, Phong trào khởi nghiệp của thanh niên Yên Bái đã có bước phát triển mới. Cụ thể là đoàn viên thanh niên (ĐVTN) có hiểu biết, tự giác hơn về lựa chọn ngành, chọn nghề, định hướng nghề nghiệp cho bản thân; phong trào cũng thu hút đông đảo ĐVTN quan tâm hưởng ứng và hình thành nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo mang lợi ích kinh tế, xã hội. 

Cùng đó, các cấp bộ Đoàn - Hội trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai "Cuộc vận động thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế” và tham mưu cho UBND tỉnh Yên Bái ban hành "Đề án hỗ trợ, phát triển phong trào thanh niên Yên Bái khởi nghiệp giai đoạn 2021 - 2025”; bám sát các nhiệm vụ chính trị hàng năm với những giải pháp và hoạt động cụ thể, phù hợp với nhiệm vụ chính trị từng địa phương, đơn vị, gắn với triển khai phong trào "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. 

 

- Những khó khăn trong khởi nghiệp của các bạn trẻ Yên Bái là gì thưa anh?

Anh Đồng Mạnh Linh: Phong trào khởi nghiệp của ĐVTN tại địa phương vẫn đang còn tồn tại những thực trạng, khó khăn cần được quan tâm tháo gỡ như: Công tác giáo dục, tập huấn các kiến thức về khởi nghiệp còn thiếu. Kinh nghiệm thực tế, các kiến thức cần thiết trong khởi nghiệp của thanh niên còn hạn chế. Khả năng kết nối và tập hợp các ý tưởng khởi nghiệp; xúc tiến thương mại, bảo hộ thương hiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối đầu tư, kinh doanh của chính sách Nhà nước cho các bạn trẻ khởi nghiệp chưa đạt được hiệu quả và yêu cầu đề ra. 

Bên cạnh đó, việc giải quyết vốn vay cho thanh niên khởi nghiệp cũng là những thách thức trong phong trào khởi nghiệp. Hầu hết thanh niên lập nghiệp có tuổi đời còn trẻ, hạn chế về tiềm năng kinh tế và để xây dựng mô hình phát triển kinh tế có quy mô thì cần nguồn vốn đầu tư lớn…

 

- Việc phát huy vai trò cầu nối, hỗ trợ ĐVTN trong khởi nghiệp đã được tổ chức Đoàn triển khai như thế nào?

Anh Đồng Mạnh Linh: Chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng cũng như mạng xã hội để ĐVTN tiếp cận với các mô hình, dự án, ý tưởng, gương điển hình khởi nghiệp một cách dễ dàng. 

Cùng đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức 4 lớp tập huấn tuyên truyền về kinh tế tập thể, Tổ hợp tác, Hợp tác xã, khởi sự kinh doanh tại thành phố Yên Bái, huyện Mù Cang Chải, huyện Lục Yên và huyện Văn Chấn cho 280 đoàn viên, thanh niên là chủ các tổ hợp tác do thanh niên làm chủ trên địa bàn tỉnh Yên Bái, các tác giả tham gia Cuộc thi ý tưởng dự án thanh niên khởi nghiệp tỉnh Yên Bái lần thứ IV, năm 2023. 

Chúng tôi đặc biệt chú trọng việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên tại địa phương. Cụ thể, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức xây dựng thỏa thuận hợp tác, tổ chức chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022-2027 với các đơn vị Bưu điện tỉnh Yên Bái, VNPT Yên Bái, Ngân hàng công thương Việt Nam Chi nhánh tỉnh Yên Bái, Ngân hàng BIDV Chi nhánh Yên Bái,... 

Ngoài các nội dung phối hợp theo chuyên đề, các bên sẽ thường xuyên phối hợp tổ chức, triển khai các hoạt động hỗ trợ thanh niên trên địa bàn tỉnh khởi nghiệp, lập nghiệp, thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo của thanh niên. Nhờ vậy, ĐVTN tỉnh nhà thường xuyên được tham gia các chương trình, hoạt động, dự án, ý tưởng khởi nghiệp đều có sự phối hợp, giúp sức của các cơ quan, đơn vị; doanh nghiệp từ trung ương tới địa phương.

  

 Anh Đồng Mạnh Linh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái. 

Trong thực hiện Đề án Hỗ trợ, phát triển phong trào thanh niên Yên Bái khởi nghiệp, giai đoạn 2021-2025, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai hàng năm với các nội dung, hoạt động cụ thể với các hoạt động hỗ trợ được xác định khá toàn diện, phù hợp với nhu cầu thực tế của thanh niên trong quá trình khởi nghiệp.

Cụ thể là tổ chức các lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp cho ĐVTN; tổ chức diễn đàn, cuộc thi thanh niên Yên Bái sáng tạo khởi nghiệp; hỗ trợ về vốn vay cho thanh niên để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; hỗ trợ đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho thanh niên; hỗ trợ ý tưởng, dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi, ngày hội sáng tạo khởi nghiệp cấp quốc gia, khu vực. 

Điển hình như Cuộc thi ý tưởng, dự án thanh niên khởi nghiệp tỉnh Yên Bái lần thứ IV, năm 2023 được tổ chức bài bản, quy mô đã có 78 ý tưởng khởi nghiệp đăng ký tham gia và trải qua 3 vòng thi, thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2023. Từ 10 ý tưởng, dự án xuất sắc nhất vòng Chung kết, Ban Tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả. Hầu hết, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong cuộc thi đều được các chuyên gia đánh giá có tính sáng tạo, khả thi cao và có giá trị làm lợi, hiệu quả về kinh tế, xã hội. 

Năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng đã giới thiệu 2 dự án tham gia Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2023” do Trung ương Đoàn tổ chức. Trải qua 3 vòng thi, Dự án "Máy tra hạt rau” của tác giả Hoàng Thị Liếng - ĐVTN Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đã vượt qua 446 dự án, ý tưởng trên toàn quốc để tham gia Vòng Chung kết Cuộc thi được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng vào tháng 11/2023. 

Tại "Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo” cụm Tây Bắc Bộ năm 2023, 2 dự án "Sản phẩm kháng khuẩn từ trầu không” của nhóm tác giả thuộc Đoàn Trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên và dự án "Sản xuất gạch siêu nhẹ, thân thiện với môi trường” của nhóm tác giả thuộc Đoàn Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái đã xuất sắc vượt qua 35 dự án, ý tưởng để đạt giải Nhì và giải Khuyến khích của Chương trình.

 

- Việc hỗ trợ thành lập, triển khai mô hình khởi nghiệp của thanh niên đã đạt kết quả như thế nào trong thời gian qua? 

Anh Đồng Mạnh Linh: Đến nay, các cấp bộ Đoàn đã hỗ trợ xây dựng mới 23 mô hình khởi nghiệp của thanh niên. Điển hình như việc hỗ trợ ĐVTN tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên gần 100 triệu đồng mua máy đóng trà túi lọc; hỗ trợ ĐVTN các xã Suối Giàng, Sùng Đô, Nghĩa Sơn của huyện Văn Chấn gần 10 nghìn cây quế giống để phát triển kinh tế đồi rừng... 

Các cấp bộ Đoàn đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ thành lập mới 91 tổ hợp tác, 13 hợp tác xã, 15 doanh nghiệp do thanh niên làm nòng cốt. Các mô hình khởi nghiệp tiêu biểu như: HTX sản xuất Dược liệu Viễn Sơn (Văn Yên) do đoàn viên Phạm Văn Hậu là giám đốc, có 15 ĐVTN tham gia; Công ty TNHH thương mại và Du lịch Hello Mù Cang Chải(Mù Cang Chải) do đoàn viên Giàng A Dê làm giám đốc đã vận động sáng tạo, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông để phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng Hello Mù Cang Chải đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Cùng đó là các HTX Thương mại du lịch Tà Chì Nhù (Trạm Tấu); HTX Du lịch cộng đồng tại xã Lâm Thượng (Lục Yên); HTX Nông nghiệp và Du lịch, thôn Đoàn Kết, xã Đại Sơn (Văn Yên). 

Ban Thường vụ Tỉnh đoàn thường xuyên tuyên truyền, hỗ trợ ĐVTN khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng chính sách và vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm kênh Trung ương Đoàn, đồng thời chỉ đạo các huyện, thị, thành Đoàn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, cho vay, sử dụng hiệu quả vốn vay. 

Tổng dư nợ do Đoàn thanh niên quản lý hiện là trên  860.000 triệu đồng; số tổ Tiết kiệm và vay vốn có 435 tổ, tổng số hộ vay còn dư nợ 15,989 hộ; huy động tiền gửi tiết kiệm qua tổ Tiết kiệm và vay vốn 32,6 tỷ đồng...