• Loading...
 
Tuổi trẻ Trạm Tấu với khát vọng lập thân, lập nghiệp nơi vùng khó
Ngày xuất bản: 11/12/2023 3:58:00 CH
Lượt xem: 1321

Sự nỗ lực, vươn lên, dám nghĩ, dám làm của thanh niên các dân tộc đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở nơi vùng cao Trạm Tấu còn nhiều khó khăn. Các mô hình kinh tế hiệu quả do thanh niên làm chủ đang xuất hiện ngày càng nhiều và bắt kịp với xu thế thời đại…

Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là Huyện đoàn Trạm Tấu đã dành nhiều chính sách hỗ trợ thanh niên lập thân lập nghiệp, nhất là thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.  

Mưa lớn và cơn lũ lịch sử năm 2017 gây thiệt hại về người, tài sản hết sức nặng nề trên địa bàn huyện Trạm Tấu nói chung và xã Hát Lừu nói riêng. Cạnh nhà của vợ chồng đoàn viên Hoàng Thị Dung ở thôn Hát 2 đã có 5 ngôi nhà bị cuốn trôi, hư hỏng toàn bộ tuyến đường vào thôn. 

Đã 6 năm trôi qua, kể từ ngày thảm họa thiên nhiên xảy ra, đường vào thôn Hát 2, xã Hát Lừu nay đã được bê tông hóa, nhiều ngôi nhà được xây dựng, sửa chữa kiên cố, vững chãi, cuộc sống người dân đã từng bước ổn định.

 

Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình đoàn viên Hà Thị Mơ, xã Hát Lừu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đường vào thôn Hát 2, xã Hát Lừu cũng là một trong những cung đường dẫn vào điểm leo núi chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù. Nhận thấy đây là cơ hội để phát triển du lịch cộng đồng, vợ chồng chị Dung đã mạnh dạn vay mượn cùng số tiền tiết kiệm ít ỏi xây dựng ngôi nhà sàn 5 gian rộng hơn 300 m2 với phòng nghỉ cộng đồng rộng rãi, khang trang. 

Chị Dung chia sẻ: "Đầu năm 2022, vợ chồng tôi xây dựng xong nhà sàn rồi cùng bắt tay cải tạo cảnh quan, tìm tòi, học hỏi cách làm du lịch cộng đồng. Với địa lý đặc thù, gia đình tôi chủ yếu phục vụ các đoàn khách đi trekking, leo núi chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù. Chúng tôi may mắn khi được Huyện đoàn Trạm Tấu, Đoàn xã Hát Lừu quan tâm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá về homestay trên các trang mạng xã hội; tạo điều kiện cho đi tập huấn, tham quan mô hình homestay tại tỉnh Hà Giang; học cách thức trang trí, nấu nướng, chế biến các món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái. Hiện, homestay duy trì lượng khách ổn định từ 10 - 20 người/ngày trong tuần và 30 - 40 người vào cuối tuần”. 

Được sự giúp đỡ của Huyện đoàn Trạm Tấu, thời gian tới, vợ chồng chị Dung sẽ đưa một số sản phẩm đặc sản vùng miền bày bán ngay tại homestay; trồng rau, khoai sọ trực tiếp phục vụ các bữa ăn cho khách du lịch; nhận dịch vụ kết nối tour, tuyến, thuê porter cho các đoàn leo núi và khách du lịch…

Ngược lên thôn Hát 1, xã Hát Lừu, đồng chí Phó Bí thư Huyện đoàn Trạm Tấu đưa chúng tôi đến thăm mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi tổng hợp của gia đình đoàn viên Hà Thị Mơ. Bắt đầu chăn nuôi từ sớm nhưng nhỏ lẻ, năm 2018 chị Mơ đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi gà, lợn rừng, vịt… 

Tuy hạn chế bởi địa hình đồi núi dốc, nhưng chị Mơ đã nhanh nhạy xen kẽ các mô hình chăn nuôi hợp lý. Giống gà rừng lại được cho ăn hoàn toàn bằng gạo, ngô, làm cho thịt gà chắc ngọt, thơm ngon và ngày càng được nhiều người biết đến. 

Hiện, đoàn viên Hà Thị Mơ đang duy trì đàn gà hơn 200 con, xuất bán 3 lứa/năm; nuôi 4 lợn nái, 15 lợn thịt xuất chuồng 2 lứa/năm; đàn vịt 150 con, xuất bán 3 lứa/năm và sau khi trừ chi phí, gia đình thu về gần 200 triệu đồng/năm. 

Trồng cà chua trên đất ruộng là ý tưởng mới của đoàn viên Giàng Thị Dí, xã Xà Hồ được Huyện đoàn Trạm Tấu đánh giá cao. 

Ở vùng đất khó, thời tiết khắc nghiệt như Trạm Tấu, để chăn nuôi và duy trì đầu ra ổn định cung ứng sản phẩm chăn nuôi cho các nhà hàng, homestay trên địa bàn huyện như gia đình chị Mơ quả thật không nhiều. Đây cũng là mô hình kinh tế điển hình tiên tiến trong phát triển chăn nuôi của tuổi trẻ Trạm Tấu. 

Về lại thôn Háng Xê, xã Xà Hồ, một mô hình phát triển kinh tế khác không thể không kể đến là mô hình trồng cà chua. Tận dụng những mảnh đất ruộng mang lại hiệu quả kinh tế không cao, chị Giàng Thị Dí đã tự tìm hiểu, trồng cà chua với quy mô 700 m2. Cây cà chua hợp thổ nhưỡng, khí hậu Trạm Tấu vượt trên mong đợi của chị Dí khi vụ đầu tiên đã cho thu hoạch thành công. 

Chị Dí tâm sự: "Nhìn đất ruộng để hoang, cằn cỗi mà tôi xót ruột quá. Tôi nghĩ, phải làm gì đó để tận dụng diện tích đất này. Ban đầu, tôi dự định trồng su su hoặc rau, nhưng qua tìm hiểu tôi thấy cây cà chua cũng là hướng đi mới và khá thuận lợi. Thật may mắn, ngay sau khi cải tạo đất trồng cà chua, cây sinh trưởng tốt, đậu quả to, đẹp, năng suất trên 10 tạ quả. "Thắng vụ cà chua này và có đầu ra ổn định, tôi tính sẽ nhân rộng diện tích trồng lên 1.000 m2”- chị Dí cho biết.  

Tuổi trẻ Trạm Tấu nói chung, đặc biệt là bộ phận thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nói riêng đã dần có nhận thức, nhìn thấy tiềm năng, thế mạnh của địa phương và đã bứt phá để phát triển kinh tế theo hướng tích cực với khát vọng đổi mới. 

Đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân lập nghiệp, Huyện đoàn Trạm Tấu đóng vai trò cầu nối, tiếp thêm sức mạnh, nội lực cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) nuôi dưỡng ý chí, khát vọng vươn lên, thỏa sức sáng tạo và trải nghiệm. Đồng thời, giúp thanh niên vùng cao phát huy sức trẻ vào phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội địa phương. 

Theo đó, Huyện đoàn Trạm Tấu thường xuyên đổi mới các phương thức tuyên truyền, vận động thanh niên nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò và không ngừng học tập nâng cao trình độ, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.

Anh Lò Văn Tuất - Phó Bí thư Huyện đoàn cho biết: năm 2023, các cấp bộ Đoàn trong huyện đã tổ chức nhiều hoạt động tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ, "tiếp lửa” cho ĐVTN. Duy trì có hiệu quả 71 tổ hợp tác và 4 hợp tác xã đã thành lập từ năm 2022 trở về trước; thành lập mới 8 tổ hợp tác và 2 hợp tác xã do thanh niên làm chủ. 

Phối hợp triển khai: "Ngày hội việc làm”, "Ngày hội tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm” tại các địa phương trong huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên trường học và lực lượng lao động trẻ trên địa bàn huyện có cơ hội tiếp cận các thông tin về tuyển sinh, nghề nghiệp, việc làm; công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho thanh niên được chú trọng. 

Bên cạnh đó, Huyện đoàn còn phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề, tuyển lao động tổ chức 7 hoạt động hướng nghiệp, định hướng việc làm cho ĐVTN khối trường học thu hút trên 700 lượt ĐVTN tham gia; tổ chức 43 buổi tuyên truyền, định hướng việc làm cho thanh niên nông thôn, thu hút trên 2.000 lượt ĐVTN; phối hợp với các cơ quan, đơn vị giới thiệu việc làm cho hơn 1.500 lượt ĐVTN tham gia và giải quyết việc làm cho 516 ĐVTN. 

Tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm, phát triển kinh tế cho ĐVTN và các hộ gia đình; rà soát, hướng dẫn vay vốn đối với ĐVTN có nhu cầu về vốn để khởi nghiệp, phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả do ĐVTN làm chủ, xuất khẩu lao động. Đoàn các xã, thị trấn duy trì quản lý 30 tổ tiết kiệm và vay vốn với 1.213 hộ vay, tổng dư nợ là 64.756 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, những người trẻ tại địa phương luôn đóng vai trò quan trọng, là hạt nhân xung kích về những vấn đề mới, khó và có nhiều ý tưởng, kết nối, lan tỏa tinh thần học tập, khởi nghiệp trong cộng đồng. Hoàng Thị Dung, Hà Thị Mơ hay Giàng Thị Dí chỉ là 3 trong số những thanh niên đã và đang nỗ lực từng ngày, từng giờ trên con đường lập thân, lập nghiệp. 

Song, dù ở lĩnh vực nào, khởi nghiệp đối với người trẻ vùng thấp hay vùng cao đặc biệt khó khăn thì vai trò trụ đỡ của tổ chức hội, đoàn thể là vô cùng quan trọng, giúp họ vượt khó vươn lên bằng ước mơ, hoài bão và khát vọng của thanh niên. 

Chúng tôi ra về khi hoàng hôn buông vàng xuống những cánh ruộng bậc thang đẹp lung linh. Tin tưởng rằng, với sự nhiệt huyết, đoàn kết và khát vọng làm giàu, tuổi trẻ Trạm Tấu sẽ lan tỏa những giá trị tinh thần tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới trên vùng cao khó khăn theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc.