• Loading...
 
Văn Chấn tham quan sinh hoạt truyền thống cho thanh thiếu nhi tại Tuyên Quang
Ngày xuất bản: 16/05/2018 8:00:00 SA
Lượt xem: 14083

Hướng tới kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong (TNTP) Hồ Chí Minh (15-5-1941 - 15-5-2018). Sáng ngày 15/5/2018, Huyện đoàn – Hội đồng đội huyện Văn Chấn tổ chức cho trên 132 thanh thiếu nhi nghèo vượt khó trên địa bàn huyện được tuyên dương đến tham quan và sinh hoạt truyền thống tại khu di tích lịch sử Tân Trào - Tuyên Quang.

Đoàn thiếu nhi huyện Văn Chấn tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại điểm di tích lịch sử Đình Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang

Tân Trào là thủ đô kháng chiến thời kỳ chống thực dân Pháp. Nơi đây có lán Nà Nưa - nơi Bác Hồ kính yêu đã sống và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945 để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Đó là một căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Nưa, cách làng Tân Lập gần 1 km về hướng đông, được dựng bằng tre theo kiểu nửa sàn, nửa đất của người miền núi, dưới các đám cây rậm rạp vừa đảm bảo được bí mật vừa đáp ứng được các yêu cầu của Bác đề ra: “Gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”. Lán Nà Nưa có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian ngoài là chỗ Bác làm việc và tiếp khách. Tiếp tục chuyến hành trình, chúng tôi đến gốc cây đa Tân Trào, làng Tân Lập, dưới tán cây này, chiều 16/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Uỷ ban Khởi nghĩa Toàn quốc đọc Bản Quân lệnh số 1 và hạ lệnh xuất quân tiến về Hà Nội. Cây đa Tân Trào là biểu tượng của cách mạng Việt Nam, biểu tượng của thủ đô kháng chiến. Rời cây đa Tân Trào, chúng tôi đến tham quan và dâng hương tưởng niệm tại Đình Tân Trào. Đình Tân Trào được xây dựng vào năm 1923 có kiến trúc theo kiểu nhà sàn, cột gỗ, ba gian hai chái, mái lợp lá cọ, sàn lát ván. Dưới mái đình này, ngày 16/8/1945 đã họp Quốc dân Đại hội để quyết định lệnh tổng khởi nghĩa, đề ra 10 chính sách lớn, quy định Quốc kỳ, Quốc ca và cử ra một chính phủ lâm thời. Có thể nói, Quốc dân Đại hội tại Tân Trào mãi mãi đi vào lịch sử như một thời khắc trọng đại của dân tộc, nó được coi như Hội nghị Diên Hồng lần thứ hai trong lịch sử nước ta.

Đây là một hoạt động về nguồn ý nghĩa và bổ ích giúp thanh thiếu nhi có những trải nghiệm thực tế trên quê hương cách mạng góp phần giáo dục truyền thống hào hùng của dân tộc cho thanh thiếu nhi trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước.

Huyền Anh – Văn Chấn