Nói đến báo chí, truyền thông trước hết là nói đến sự chính xác, chuẩn mực. Sự chính xác từ lâu được khẳng định là đặc tính cơ bản, cốt lõi của báo chí; còn tính chuẩn mực góp phần làm nên tính chuyên nghiệp và giá trị văn hóa của báo chí.
Khi không chú trọng sự chính xác, chuẩn mực thì người làm báo chưa làm tròn chức năng, sứ mệnh góp phần nuôi dưỡng niềm tin lành mạnh cho công chúng và góp phần bồi đắp, lan tỏa những giá trị chân-thiện-mỹ cho con người và xã hội.
Thời gian qua, đời sống văn hóa giải trí ở nước ta có lúc trở nên ồn ào, nhố nhăng và môi trường thông tin có lúc trở nên “ô nhiễm” một phần do không ít ca sĩ, diễn viên, người mẫu (gọi chung là nhân vật giải trí) cố ý gây ra những sự cố, những bê bối ngoài nghệ thuật nhằm “đánh bóng” bản thân, muốn nổi tiếng bằng các chiêu trò tai tiếng, phản cảm; ngoài ra còn có sự tiếp tay, dung túng của một bộ phận báo chí, truyền thông. Phía sau nhiều công ty giải trí, công ty quản lý nhân vật giải trí hiện nay không thể thiếu nhân sự chuyên trách làm truyền thông để liên kết với một số cơ quan báo chí (nhất là báo điện tử lấy xu hướng câu view làm trọng) nhằm chọn thời điểm tung ra những thông tin “làm nóng” dư luận.
Theo các chuyên gia truyền thông, cách “hâm nóng” các nhân vật giải trí là đưa ra những thông tin biết chắc gây tranh cãi trong dư luận thì mới thu hút được nhiều người đọc, lôi kéo được nhiều người quan tâm. Nhờ chiêu trò này, chỉ trong một thời gian rất ngắn, có nhân vật giải trí “tài ít, tật nhiều” hay đang ở giai đoạn “phong độ xuống dốc”, “tên tuổi nguội lạnh”, “công chúng thờ ơ” thì bỗng dưng... nổi đình nổi đám vì thông tin, hình ảnh của họ được xuất hiện liên tục, dày đặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thậm chí, có nhân vật giải trí biết trước là sẽ bị báo chí, truyền thông chế giễu, nhưng họ coi đó là “con đường ngắn nhất” để đạt được mục đích “đánh bóng” tên tuổi cá nhân mình.
Trong khi đó, một số nhà báo chuyên theo dõi mảng văn hóa giải trí hoặc là thiếu vốn tri thức văn hóa chính trị, hoặc là suy nghĩ đơn giản, hồn nhiên quá mức nên tự phong, tự gán cho nghệ sĩ những danh hiệu mà chính người trong cuộc cũng không dám nhận. Mới đây, một diễn viên tâm huyết với nghề đề nghị báo chí không gọi mình là “diễn viên triệu đô”, “ông hoàng phòng vé” vì một mặt, anh cảm thấy mệt mỏi, áp lực với danh hiệu hào nhoáng đó, mặt khác chính anh cũng thừa nhận nhiều bộ phim anh góp mặt đã bị thất thu khi ra rạp. Một nam diễn viên trẻ mới nổi cũng không thích truyền thông gọi là “ngôi sao trăm tỷ” vì rất sợ “báo chí nói vậy mà mình không làm được vậy thì xấu hổ lắm!”.
Hay như cô hoa hậu người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên từng bày tỏ mong muốn báo chí không gọi mình là “hoa hậu quốc dân” vì cô cảm thấy danh xưng ấy quá lớn lao đối với bản thân mình. Một diễn viên nổi tiếng được nhiều thế hệ biết đến là Lý Hùng, dù anh đã được Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là “Nam diễn viên đóng nhiều vai chính nhất phim Việt Nam trong hơn 50 bộ phim”, nhưng đến thời điểm này anh chỉ mong mọi người gọi mình với cái tên giản dị là diễn viên Lý Hùng. Anh cũng không muốn ai đó nhắc lại danh xưng mỹ miều như “Bạch mã hoàng tử Việt”, “Tài tử điện ảnh Việt Nam”...
Ngôn ngữ giới trẻ thời nay có từ “ô dề”-một cách nói chại, đọc chệch từ tiếng Anh “over” (nghĩa là “trên, qua, quá”)-với hàm ý chế nhạo, chê bai những người có thái độ, hành vi bồng bột, nông nổi, lố lăng, không phù hợp với giá trị chuẩn mực văn hóa chung của cộng đồng, xã hội.
Như trên đã nói, lẽ ra báo chí, truyền thông cần coi trọng sự chính xác, chuẩn mực trong việc đưa tin đến công chúng. Thế nhưng, người làm báo mà không những không tỉnh táo, thận trọng, trung thực, khách quan khi đưa tin, lại còn có biểu hiện chạy theo tâm lý đám đông, a dua người khác rồi tự gán ghép, đặt cho các nhân vật giải trí những danh xưng, danh hiệu mỹ miều mà bản thân người trong cuộc cũng không dám thừa nhận, thì đó cũng là hành vi “ô dề”. Khi ngòi bút của người làm báo chí, truyền thông rơi vào tình trạng “ô dề”, liệu họ có còn xứng đáng với niềm tin yêu của công chúng?
Tin khác