Ông Tân có hai người con trai đi lao động, định cư ở nước ngoài và một người con gái lấy chồng xa. Cách đây chừng nửa tháng, hai anh con trai về chơi trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch.
Ông hào hứng tuyên bố với hàng xóm rằng, nhà mình là cấp tiến nên chỉ ăn Tết tây. Lúc bấy giờ, ông gọi cho con gái cùng chồng con về ăn Tết thì cô con gái bảo chỉ được nghỉ hai ngày nên không về. Ông Tân cho là con gái không nghe lời cha nên đã trách mắng, giận dỗi.
Giờ càng cận Tết Nguyên đán Quý Mão, thấy các gia đình sốt sắng mua sắm, tấp nập cháu con, ông Tân thấy buồn. Ngồi phụ gói bánh chưng với nhà hàng xóm, ông đem chuyện ra tâm sự. Người bạn già ôn tồn:
- Tôi đã nói với ông rồi, người Việt là phải ăn Tết cổ truyền của dân tộc. Tôi biết gia đình ông con cháu ở xa, song không thể bỏ Tết truyền thống được ông ạ. Đây mới là dịp để đoàn tụ gia đình.
- Giờ ông nói, tôi thấy ân hận quá. Tôi đọc trên mạng, người ta bảo ăn Tết Dương lịch cho gọn. Với cả đúng dịp hai cháu nó ở nước ngoài về nên tôi định kết hợp làm một lần. Bấy giờ, tôi gọi con Thủy Tiên về ăn Tết tây, con bé cũng nói như ông mà tôi không nghe, còn mắng nó. Giờ tôi không biết phải làm thế nào.
- Hóa ra, do ông nghe luận điệu của những kẻ xa rời truyền thống, thậm chí âm mưu của bọn phản động nhằm xóa bỏ văn hóa dân tộc ta, thời gian qua nó thường xúi giục trên mạng xã hội mà ông sinh ra ý định bỏ Tết ta à?
- Thì tôi cũng tưởng thế là văn minh, là theo kịp thời đại. Với lại cả hai con trai tôi đang ở nước ngoài nó cũng ủng hộ nên tôi mới nghe theo ông ạ.
- Ông ơi, đã là người Việt thì phải trân trọng Tết cổ truyền. Đó cũng chính là giữ gìn văn hóa dân tộc. Tôi nghĩ, ông cũng nên nói với hai anh con trai như vậy, chứ không thể mang văn hóa tây về mà “đè” văn hóa ta được. Hiện nay, có những đối tượng xấu đang xúi giục thanh niên không ăn Tết cổ truyền, nếu được nghỉ Tết Nguyên đán thì đi chơi với bạn bè, ra nước ngoài du lịch. Âm mưu của chúng là muốn lớp trẻ dần bỏ bê truyền thống gia đình, xa rời văn hóa dân tộc, sính ngoại, xa hơn là rũ bỏ trách nhiệm với gia đình, quê hương, đất nước đấy ông ạ. Chúng ta trưởng thành, sống có trách nhiệm với gia đình, quê hương, đất nước, gắn kết với nhau bao năm qua cũng là từ truyền thống văn hóa dân tộc mà điển hình nhất là Tết cổ truyền, dịp để sum vầy, báo hiếu, tri ân, tạo động lực cho mọi người phấn đấu. Ông thấy có đúng không?
Nghe người bạn già phân tích, ông Tân càng hối hận. Giá mà ông không vội tin vào mạng xã hội, giá mà ông suy nghĩ sâu sắc, kín kẽ hơn thì bây giờ gia đình ông cũng đang gói bánh chưng, sum vầy đón Tết... Nghĩ đến đây, ông rưng rưng và bấm điện thoại gọi cho con gái...
Tin khác