Cuối những năm bốn mươi của thế kỷ 20, khi không còn giữ được vị trí độc quyền trong khi sử dụng "con ngoáo ộp hạt nhân", các chiến lược gia ở phương Tây đứng trước tình huống phải tìm ra một chiến lược mới nhằm thực hiện cuộc "thập tự chinh chống cộng sản".
Suốt mấy chục năm, dù phải trả một cái giá khá đắt trong các cuộc can thiệp quân sự có tính cục bộ như ở Việt Nam, người ta vẫn có lúc âm thầm, lúc rùm beng tiếp tục hoàn thiện chiến lược có tên gọi "diễn biến hòa bình". Bởi người ta hiểu rằng đọ sức bằng quân sự là việc làm vô vọng, nhất là khi cân bằng hạt nhân đã đạt tới mức kỷ lục thì việc gây nên chiến tranh chỉ là hành vi tự sát.
Do vậy, một cuộc chiến tranh tổng lực theo ý nghĩa rộng nhất đã được triển khai với nội dung chủ yếu là chạy đua vũ trang kết hợp tiến công kinh tế, tiến công văn hóa, và nó đã góp phần vào quá trình tan rã vào đầu thập kỷ 90 thế kỷ 20 của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Ấu.
Hôm nay, "diễn biến hòa bình" tiếp tục chĩa họng súng vô hình của nó vào các quốc gia đang lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và kiên quyết giữ vững nền độc lập dân tộc, và bản thân nó - "diễn biến hòa bình", cũng đã có sự thích nghi lịch sử mới với hai loại vũ khí về kinh tế và văn hóa, được ngụy trang dưới chiêu bài "tự do hóa về kinh tế", "dân chủ hóa về chính trị". Và do đó, thật sự trở thành một trong những nguy cơ đe dọa tiềm tàng.
Trong lịch sử loài người, mọi cuộc chiến tranh xâm lược dù ở phương Đông hay phương Tây cũng đều có chung một tình trạng là sức mạnh quân sự chỉ là đột phá khẩu, còn sức mạnh văn hóa mới bảo đảm cho quá trình xâm lược được hoàn tất.
Bởi xâm chiếm lãnh thổ chỉ có ý nghĩa khi buộc các dân tộc bị xâm lược từ bỏ văn hóa riêng, đi theo văn hóa áp đặt. Để làm điều này, vô số các thủ đoạn đã được thực thi.
Có nơi chính quyền đô hộ thẳng tay đàn áp mọi sự chống đối, tiêu diệt tận gốc văn hóa bản địa. Có nơi, sự thẩm thấu từ từ, lặng lẽ của văn hóa ngoại bang đã làm cho văn hóa bản địa lặng lẽ mất dần, dẫn tới triệt tiêu hoàn toàn.
Nhìn chung, các biện pháp cưỡng bức bạo lực tỏ ra kém hiệu quả nên xâm lăng quân sự thường đi liền với xâm lăng văn hóa. Vì thế không ít dân tộc bị mất dần các giá trị văn hóa ngay trên chính Tổ quốc mình. Và chỉ có dân tộc nào xây dựng được nội lực văn hóa mạnh mẽ mới vượt qua sự "bức tử văn hóa" từ bên ngoài.
Nằm ở khu vực giao lưu giữa các nền văn minh lớn, các điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội... đặc thù đã quy định sự hình thành một nền văn hóa Việt Nam có bản sắc riêng, có khả năng sinh tồn và tự vệ trước mọi cuộc xâm lăng.
Suốt hàng nghìn năm lịch sử tuy không có sức mạnh kinh tế - kỹ thuật nhưng cha ông chúng ta đã giải quyết khéo léo, linh hoạt một bài toán hóc búa của lịch sử là vừa xây dựng văn hóa, vừa bảo vệ văn hóa, vừa tiếp thụ những tinh hoa của văn hóa loài người.
Bản sắc văn hóa in đậm, khắc sâu và tiềm ẩn trong tâm hồn, cốt cách, lối sống, trong hoạt động sáng tạo vật chất, sáng tạo tinh thần của dân tộc.
Quan niệm về đất nước Việt Nam có cương vực rõ ràng, có lịch sử, phong tục riêng và có những người anh hùng dám xả thân cho đất nước đã khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử, nhất là từ ngày Lý Thường Kiệt viết Nam quốc sơn hà, Nguyễn Trãi viết Cáo bình Ngô - những tuyên ngôn chính trị cũng là những tuyên ngôn văn hóa.
Có một thực tế không thể bác bỏ được rằng, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần để phát triển dân tộc, văn hóa đồng thời là công cụ bảo vệ dân tộc. Một dân tộc có thể mất Tổ quốc vẫn có thể giữ gìn được văn hóa, nhưng một dân tộc bị nước ngoài lũng đoạn văn hóa thì dân tộc đó sẽ mất tất cả.
Nên không ngẫu nhiên "diễn biến hòa bình" lấy văn hóa làm trọng điểm tiến công nhằm làm băng hoại, làm chệch hướng xã hội ở Việt Nam. Cuộc tiến công văn hóa của "diễn biến hòa bình" ít nhất có thể nhận thấy trên hai bình diện: Một là thủ đoạn gây nên tình trạng "tự diễn biến" theo các giá trị văn hóa phương Tây đẩy tới tình trạng "tự diễn biến về chính trị". Hai là thủ đoạn sử dụng văn minh vật chất và truyền bá thông tin một chiều với mục đích gây hoang mang, mất phương hướng trong đời sống tinh thần xã hội, trong tâm lý cộng đồng, làm con người xa rời lý tưởng.
Một nhà nghiên cứu Trung Hoa nhận xét các thủ đoạn trên là: "Mũi dao thọc vào vương quốc tinh thần" và "thâm nhập văn hóa thực chất là thâm nhập về tâm lý mang mục đích chiến lược".
Bằng văn hóa, "diễn biến hòa bình" thẩm thấu vào các giá trị xã hội, vào lối sống, làm con người sao nhãng nghĩa vụ, khơi dậy những bản năng thấp hèn, quyến rũ họ chạy theo lạc thú, chạy theo lợi ích vật chất mà khô cạn tình người, quay lưng với truyền thống và quên đi tấm "căn cước văn hóa dân tộc".
Từ những dao động mơ hồ đến ý thức chống đối, đó là lộ trình, là kịch bản của cuộc xâm lăng văn hóa mà về cơ bản là "mưa dầm thấm lâu", song nếu có thời cơ nó cũng không bỏ lỡ, như người ta hy vọng sẽ đánh gục ý chí của các thế hệ sinh ra sau ngày đất nước thống nhất, khi quá khứ vinh quang của dân tộc chỉ còn là ký ức của lớp người lớn tuổi.
Với lợi thế hơn hẳn về sản phẩm hàng hóa và hệ thống thông tin nghe nhìn cho phép "diễn biến hòa bình" sử dụng văn hóa với hiệu suất cao nhất nếu chúng ta không đánh giá đúng và có phương án chống lại.
Thật ra, cuộc chiến tranh "giành giật trái tim khối óc" đã được thí điểm ở Việt Nam trong thời kỳ trước 1975. Khi ấy điều kiện lịch sử có đặc điểm riêng, còn hiện tại, các thủ đoạn thường nham hiểm hơn, tinh vi hơn, và tình hình quốc tế cũng đã có những biến đổi khác trước.
Đánh vào lòng người - chiến thuật "tâm công" của phương Đông, được "diễn biến hòa bình" lợi dụng triệt để thông qua những phương tiện mới. Mùi vị hấp dẫn của "văn hóa đại chúng" theo kiểu phương Tây làm cho con người dễ đánh mất mình, xa rời cộng đồng, tha hóa và phản bội, bột phát những hành vi phá vỡ nền tảng tinh thần của xã hội.
Xâm lăng văn hóa không dễ nhận thấy trong đời thường, đôi khi, căn cứ vào diện mạo bên ngoài sẽ dễ dàng bỏ qua. Nên cần nhận thức rằng những biện pháp kỹ thuật của "diễn biến hòa bình" trước đây khá lặng lẽ thì nay đang dần dần công khai, lộ liễu dưới những hình thức tinh xảo để gây nên một thứ nghiện ngập thái quá, một thứ ma túy đầy cám dỗ.
Nền kinh tế thị trường và mở cửa giao lưu kinh tế, giao lưu văn hóa hướng chúng ta tới những triển vọng, nhưng cũng tác động mạnh đến nền văn hóa dân tộc. Những vấn đề tôn giáo, dân tộc, những giá trị thẩm mỹ, những giá trị đạo đức... đang bị thách thức trước một cuộc xâm nhập văn hóa mới.
Nhìn vào thực trạng văn hóa, những dấu hiệu đầu tiên của sự biến động đã xuất hiện trong một bộ phận xã hội. Văn minh vật chất và "phương tiện nghe nhìn đen" đã làm đảo lộn nếp sống, phá rối hệ thống chuẩn mực đạo đức, đảo lộn phong cách ứng xử giữa người với người. Đồng tiền lên ngôi và sức ép của đô thị hóa đè nặng lên các giá trị gia đình.
Ở thành thị, nhiều gia đình không đóng nổi vai trò nuôi dưỡng và bệ phóng tinh thần cho thế hệ trẻ. Ở nông thôn, sức cám dỗ của thành thị thu hút thành phần lao động chủ yếu của nó, làm xuất hiện những hiện tượng vốn xa lạ với truyền thống làng xã. Làm giàu và làm giàu bằng mọi giá trở thành mục đích sống của một số không ít người. "Hội chứng vô cảm" không còn là một báo động giả, nó đang sừng sững giữa chúng ta - những con người từ xa xưa đã quen sống “lá lành đùm lá rách”, “chị ngã em nâng”.
Bên cạnh đó, bị lóa mắt bởi những ảo ảnh của "nền dân chủ phương Tây", có người quay ra phê phán những giá trị đã làm nên phẩm giá dân tộc trong thế kỷ 20. Ngoảnh mặt với lịch sử cha ông và sa sút bản lĩnh văn hóa, dù tự phát hay tự giác thì cũng là sự tiếp tay cho "diễn biến hòa bình".
"Diễn biến hòa bình" và cuộc tiến công văn hóa còn phải được đặt trong bối cảnh một thế giới đầy biến động. Chiến tranh lạnh kết thúc và cơn lốc quay cuồng của những tham vọng chính trị - kinh tế đã đẩy nhân loại vào tình huống phải đối mặt với những vấn đề toàn cầu mới. Xung đột tôn giáo, xung đột sắc tộc cùng với sự mất thăng bằng trong tư duy văn hóa... làm xảy ra cảnh "nồi da xáo thịt", "huynh đệ tương tàn" ở không ít quốc gia.
Nhạc Pop và nhạc Rock, quần bò Levis và Coca Cola, VCD, DVD và phim ảnh bạo lực, 3X... tạo nên một làn sóng tràn ngập thế giới trong xu thế siêu quốc gia, bất chấp những biên giới địa lý, bất chấp những bản sắc văn hóa.
Văn hóa đại chúng và nền dân chủ phương Tây đã gặp phải phản ứng gay gắt từ các quốc gia coi văn hóa và độc lập dân tộc là nền tảng cho phát triển. Những cơ thể văn hóa vốn khỏe mạnh như Pháp, Thụy Điển cũng không tránh khỏi sự xâm nhập của văn hóa nước ngoài và chính họ đang phải phát động một cuộc "kháng chiến về văn hóa".
Với châu Á, câu chuyện còn phức tạp hơn và trên lục địa này, những khát khao trở về với truyền thống cộng đồng, với những giá trị gia đình đang cháy bỏng trong mỗi người, từ dân thường tới nguyên thủ quốc gia.
Ở Singapore, ông Goh Chok Tong nói: "Những rối loạn ở Mỹ, Anh, với một tầng lớp dưới ngày càng đông, thiên về bạo lực, thiếu giáo dục, nghiện ngập, quan hệ tình dục bừa bãi, là kết quả trực tiếp của các đơn vị gia đình trở nên thừa hay không còn tác dụng... nếu chúng ta đánh mất các giá trị truyền thống của chúng ta, sức mạnh và sự cố kết gia tộc của chúng ta, chúng ta sẽ mất sức sống của mình và sẽ suy tàn".
Ở Thái-lan, ông Xrixakara Valithotama nhận xét: "Người Thái không bao giờ nhìn lại bản thân xem mình là ai. Những người được học hành ở nước ngoài trở về thì coi thường cả tổ tiên mình - đấy chính là điều tại sao đất nước này lâm vào cuộc khủng hoảng về bản sắc".
Khủng hoảng bản sắc - nỗi lo sợ không còn của riêng ai! Ở các lân bang gần gũi, người ta không còn ngước nhìn phương Tây với ánh mắt thán phục mà nhìn thẳng vào nó và tuyên bố một cách tự tin, dứt khoát không chấp nhận bất kỳ sự áp đặt văn hóa nào từ bên ngoài.
Ông Lý Quang Diệu nhấn mạnh: "Khuôn mẫu về nhân quyền ở phương Tây không có đất sống ở châu Á", còn ông Mahathi cho rằng: "Nền dân chủ phương Tây chỉ mang lại sự không ổn định, sự sa sút về kinh tế cũng như đói nghèo". Tất thảy những ý kiến trên không phụ thuộc vào ý muốn của cá nhân nào, chúng xuất phát từ thái độ khách quan trước hiện thực và hoàn toàn có cơ sở để chúng ta tham khảo.
Sự thách thức lớn nhất của xâm lăng văn hóa là "chiến lược giành dân", trong đó, trước hết thông qua phương tiện nghe nhìn. Trong thế giới có hệ thống thông tin đã phủ sóng toàn cầu, len lỏi vào tận giường ngủ của từng gia đình thì nó cũng bị người ta sử dụng nhằm lung lạc tư tưởng và ý chí dân tộc, như M.V.Losa từng coi đây là "một trận chiến văn hóa".
Hơn ba mươi năm trước, chúng ta từng chiến thắng trong trận "Điện Biên Phủ trên không", nhưng hơn 30 năm sau, từ trên trời trút xuống đất nước chúng ta không phải những trái bom chứa TNT mà là những "quả bom thông tin" từ vệ tinh viễn thông chuyển tải các chương trình TV, các website đủ loại cùng các làn sóng phát thanh với vô số giọng điệu tuyên truyền trắng, xám, đen. Cuộc tiến công đó tạo nên hoàn cảnh phải chống trả trong cả thời gian và không gian. Cũng tức là cuộc tự vệ văn hóa lúc này đa diện hơn, đa dạng hơn và cũng phức tạp hơn trước kia.
Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã trở thành một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Không thể hoài cổ đến hủ lậu, cũng không thể vọng ngoại lố lăng. Lời giải cho bài toán "hội nhập nhưng không hòa tan" chỉ có thể tìm thấy từ một môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh và lòng tự tôn dân tộc phải tiếp tục là "bộ gien di truyền", tiếp tục là "bộ chỉnh" bên trong của văn hóa. Cho nên, một chiến lược văn hóa sẽ thành công khi văn hóa trở thành sự tự ý thức trong mỗi công dân.
Đã đến lúc những bước tiến kinh tế phải được đặt trên nền tảng của sự nghiệp văn hóa. Không thể để những lợi ích trước mắt cản trở (thậm chí gây hại) tới lợi ích lâu dài. Trước những thách thức của thời đại, câu trả lời sáng suốt lúc này: "Hãy tự hào là người Việt Nam"!
Tin khác