• Loading...
 
Bác Hồ với Bắc Ninh
Ngày xuất bản: 13/05/2019 12:00:00 SA

           Bắc Ninh là một tỉnh đồng bằng Bắc Bộ; phía bắc và đông bắc tiếp giáp với tỉnh Bắc Giang, phía đông nam và nam giáp với tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, phía tây và tây bắc giáp với thủ đô Hà Nội. Là vùng đất giàu truyền thống văn hiến, yêu nước và cách mạng, nơi phát tích vương triều Lý - đã tạo dựng nền văn minh Đại Việt, là một địa bàn quân sự trọng yếu của đất nước. Chính vì vậy, tỉnh Bắc Ninh vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm rất nhiều lần (18 lần). Người cũng đã viết nhiều tài liệu, bài báo nói về Bắc Ninh, căn dặn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân những công việc hết sức cụ thể trong xây dựng và phát triển địa phương.

Ngay từ những năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác đã quan tâm nghiên cứu cuộc sống và con người Bắc Ninh. Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” xuất bản tại Pháp năm 1925, Bác viết “tỉnh Bắc Ninh (Bắc Kỳ) bị lụt lội, tàn lụi, thế mà cũng phải nộp 500.000 đồng bạc thuế”(1).

Là một tỉnh có phong trào cách mạng sớm, ngay từ năm 1926, những thanh niên, học sinh và trí thức yêu nước của Bắc Ninh đã tiếp thu, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào địa phương. Trong đó có những nhân vật tiêu biểu như: Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt,… đã trở thành những lãnh tụ xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời được 11 ngày, nhân dịp Lễ kỷ niệm Lý Bát Đế, ngày 13/9/1945, Bác đã về thăm Đình Bảng (huyện Từ Sơn) - một xã có phong trào cách mạng vững mạnh trong thời kỳ vận động giải phóng dân tộc 1939-1945. Bác căn dặn nhân dân Đình Bảng phát huy truyền thống cách mạng để xứng đáng là một làng cách mạng kiểu mẫu. Người ân cần thăm hỏi và động viên nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, ra sức đấu tranh diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Người nói chuyện với bà con đến dự lễ: “Chắc đồng bào cũng biết ở Nam Bộ, chúng ta đang đánh giặc ngoại xâm; ở Bắc Bộ, đồng bào nhiều tỉnh bị nạn lụt, hạn hán, thật là đói khổ. Vậy bổn phận của chúng ta là phải ủng hộ đồng bào Nam Bộ, giúp đỡ đồng bào Bắc Bộ. Như thế là đồng bào đã giúp Chính phủ giữ cho nền độc lập được vững vàng. Bây giờ, Chính phủ là Chính phủ của dân thì chắc các cụ cũng nên thể theo ý dân, và nên hết sức cần kiệm cho xứng đáng là dân con trong lúc Tổ quốc đang lâm nạn”(2).

Năm 1946, trong hoàn cảnh thù trong giặc ngoài, đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn, chính quyền dân chủ nhân dân như ngàn cân treo sợi tóc. Ngày 4/2/1946, Bác Hồ đã về Đình Bảng xem xét địa điểm dự bị họp phiên đầu tiên của Quốc hội khóa I. Người nói: “Quốc hội họp lần đầu tiên ở đây sẽ là một vinh dự lớn cho Đình Bảng. Cả nước sẽ hướng về Đình Bảng”(3). Đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân Đình Bảng tưng bừng phấn khởi đón Bác và biểu thị sự quyết tâm ủng hộ, giúp đỡ Chính phủ.

 Trong không khí gấp rút cùng với cả nước xây dựng lực lượng chuẩn bị kháng chiến, tháng 5 năm 1946, Bác Hồ về thăm đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh. Sau khi làm việc với Ủy ban hành chính tỉnh, Người đã nói chuyện với nhân dân thị xã tại nhà thông tin. Hồ Chủ tịch đã nêu lên ý nghĩa to lớn của Cách mạng tháng Tám, những điều sung sướng hạnh phúc của nhân dân được sống trong một nước tự do độc lập. Tiếp đó, Bác đến thăm trại Sao Đỏ của Vệ quốc đoàn ở Đáp Cầu, động viên tinh thần luyện tập của anh em bộ đội. Người căn dặn nhân dân phải nâng cao dân trí, làm cho nước giàu, dân mạnh.

Những ngày đầu của Chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hoà, dù bận rất nhiều công việc, Người vẫn dành thời gian đi đến các giáo xứ có linh mục ngoại quốc coi sóc để thăm hỏi, chuyện trò trao đổi như đến Bắc Ninh thăm linh mục Ataraz, đến Bắc Giang gặp gỡ cha Mayor; hay như Linh mục Lê Văn Yên ở tỉnh Bắc Ninh đã nêu cao tinh thần gương mẫu, chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc đã được Bác viết thư khen ngợi. Trong thư có đoạn: Tôi rất vui là được Ủy ban kháng chiến khu III báo cáo rằng ngoài sự làm tròn nhiệm vụ một ủy viên trong Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Bắc Ninh, ngài đã luôn luôn ra sức củng cố tinh thần đại đòan kết giữa đồng bào lương và giáo. Ngài luôn luôn tận tâm săn sóc anh em thương binh. Ngài lại không nhận lương phụ cấp. Như thế là ngài đã nêu cao cái gương cần, kiệm, liêm, chính cho mọi người... Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ khen ngợi ngài. Tôi chắc rằng với những người đại biểu hy sinh kiên nhẫn như ngài thì trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất độc lập nhất định thành công.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác luôn luôn theo dõi phong trào cách mạng của tỉnh Bắc Ninh, khi lập được thành tích, Bác kịp thời khen thưởng khích lệ, khi gặp khó khăn Bác ân cần động viên. Được báo cáo thành tích của Đội công an danh dự Bắc Ninh đã đột nhập trường bay, cướp súng, lấy tài liệu của địch và trừ gian ở sân bay Gia Lâm, ngày 15/7/1948, Bác viết thư khen ngợi: “Những công việc đó chứng tỏ anh em đã khôn khéo, can đảm, làm vẻ vang cho Công an Bắc Ninh và toàn quốc. Tôi gửi lời thân ái ngợi khen các bạn và mong các bạn luôn luôn cố gắng thi đua, để thực hiện khẩu hiệu: Mỗi ngày lập một chiến công”(4). Đặc biệt, trong bài viết đăng báo Nhân dân số 356 ra ngày 21/2//1955 dưới đầu đề: “Việt Nam anh dũng”, Bác đã tổng kết thành tích kháng chiến chống thực dân Pháp của tỉnh Bắc Ninh. Bác khẳng định: “...tỉnh Bắc Ninh đã góp một phần khá trong cuộc kháng chiến thắng lợi của nhân dân”.

Với chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 20/7/1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, ngày 17/12/1955, Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất của Đoàn Bắc - Bắc tổ chức tại Đền Đô (xã Đình Bảng, Tiên Sơn) đã được đón Bác và nghe Bác nói chuyện. Sau khi biểu dương những cố gắng của cán bộ, nhân dân địa phương trong cải cách ruộng đất, Người chỉ rõ những khuyết điểm cần kiên quyết khắc phục như chưa phân biệt thật rõ ai là địch, ai là ta, chưa đi đúng đường lối công tác quần chúng của Đảng. Người phê bình nghiêm khắc biện pháp nhục hình: “Dùng nhục hình là dã man. Chỉ có bọn đế quốc và phong kiến mới dùng…. Đánh người ta đau quá thì không có người ta cũng phải nhận là có. Như thế là cán bộ đã tự mình lừa mình. Từ nay các cô các chú phải kiên quyết sửa chữa khuyết điểm này”(5).

Ngày 11/7/1958, Bác về thăm và nói chuyện với đại biểu dự Hội nghị sản xuất nông nghiệp của tỉnh tổ chức tại thị xã Bắc Ninh. Tại hội nghị, Bác nói chuyện với 200 cán bộ các cấp từ tỉnh đến cơ sở, các chiến sĩ thi đua, tổ trưởng tổ đổi công khá, đại biểu hợp tác xã nông nghiệp,… Bác đã tặng huy hiệu cho tổ đổi công xã Liên Hà (huyện Từ Sơn) và xã Hà Mãn (huyện Thuận Thành) là hai đơn vị khá nhất tỉnh. Bác căn dặn: “Cô chú nào muốn được Bác thưởng thì làm cho kịp tổ Liên Hà, xã Hà Mãn. Còn tổ Liên Hà, xã Hà Mãn cần phải cố gắng thêm”(6).

Hợp tác hóa và thủy lợi hóa được tiến hành đồng thời và phát triển mạnh mẽ vào những năm 1958-1959 trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là việc xây dựng hệ thống đại thủy nông Bắc - Hưng- Hải. Đây là hệ thống thủy nông đầu tiên lớn nhất miền Bắc, phục vụ nước tưới cho hàng chục vạn hécta ruộng đất thuộc 3 tỉnh Bắc Ninh- Hưng Yên- Hải Dương. Với ý nghĩa đó, công trình đại thủy nông Bắc - Hưng- Hải được Trung Ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Bác đã 4 lần về thăm và động viên dân công lao động trên công trường: Ngày 20/9//1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Trần Đăng Khoa và Nguyễn Văn Lộc thăm cán bộ, công nhân và dân công đang làm việc trên công trường đại thủy nông Bắc - Hưng- Hải. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về ý nghĩa, mục đích của công trình đại thủy nông Bắc - Hưng- Hải: “Ngày trước, dưới chế độ thực dân phong kiến, ba tỉnh Bắc - Hưng- Hải mười năm chín hạn. Năm nào cũng đói kém. Nhân dân cực khổ nghèo nàn... Nay Đảng và Chính phủ quyết định cùng nhân dân xây dựng công trình thủy lợi Bắc - Hưng- Hải để đưa nước vào ruộng cho đồng bào. Bây giờ chịu khó phấn đấu trong mấy tháng. Sau này sẽ hưởng hạnh phúc lâu dài hàng trăm năm”(7).

Ngày 16/10/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm một số công trường thủy lợi loại vừa ở Bắc Ninh và lần thứ hai đến Công trường thuỷ lợi lớn Bắc - Hưng - Hải. Người đến tận nơi thăm anh chị em dân công đang hăng hái thi đua đào kênh và nạo vét sông. Nói chuyện với đông đảo cán bộ tỉnh Bắc Ninh, Người khen ngợi những đơn vị, cá nhân có thành tích thi đua; cảm ơn các cụ và đồng bào địa phương đã tận tình giúp đỡ nơi ăn, chốn ở, lại luôn luôn đến thăm hỏi động viên dân công và căn dặn: “Việc xây dựng công trình đại thủy lợi Bắc - Hưng- Hải là một chiến dịch, chiến dịch chống giặc hạn. Trong chiến dịch này, ta phải có tinh thần quyết chiến, quyết thắng”(8).

Ngày 25/12/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm công trường Bắc - Hưng- Hải lần thứ ba giữa lúc cán bộ, dân công đang thi đua đổ bê tông tầng móng cống Xuân Quan và hoàn thành việc đào kênh để kịp lấy nước phục vụ sản xuất Đông- Xuân. Người khen anh em công nhân có nhiều tiến bộ và nhắc nhở cần cố gắng hơn nữa, phát huy nhiều sáng kiến, bảo đảm chất lượng công trình, đồng thời đẩy mạnh việc chống lãng phí, tham ô.

Ngày 20/2/1959, lần thứ tư, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm công trường đại thủy lợi Bắc - Hưng- Hải. Khi nghe Ban chỉ huy công trường và anh em công nhân báo cáo việc lắp ván khuôn toàn bộ cống đã xong trước thời hạn 3 ngày và việc đổ bê tông có thể hoàn thành cuối tháng này, Bác đã rất vui. Người nói: “Trong việc thực hiện kế hoạch bảy năm do Đại hội lần thứ 21 Đảng cộng sản Liên Xô vừa thông qua, nhân dân các nơi ở Liên Xô đã hứa sẽ thi đua hoàn thành kế hoạch trước thời hạn từ một năm đến bốn năm. Chúng ta cần noi gương nhân dân Liên Xô, quyết thi đua vượt mức kế hoạch trong mọi mặt công tác”(9).

Nhiệm vụ thủy lợi, nhất là thủy lợi nhỏ của tỉnh Bắc Ninh đạt kết quả tốt do biết dựa vào nhân dân, phát huy toàn dân làm thủy lợi. Ngày 14/9/1959, Trung ương tổ chức Hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc tại xã Hiên Vân, huyện Tiên Du. Hội nghị vinh dự được đón Bác về thăm. Sau khi nghe đại biểu Bắc Ninh đánh giá thành tích công tác thủy lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao cho tỉnh 10 huy hiệu của Người để tỉnh trao tặng cho những cá nhân có thành tích trong công tác thủy lợi vừa qua. Nói chuyện với Hội nghị, Người phân tích về nhiệm vụ của công tác thuỷ lợi và nhấn mạnh: “Làm thuỷ lợi phải là phong trào của toàn dân. Xã này với xã khác, huyện này với huyện khác, tỉnh này với tỉnh khác, đều có liên quan với nhau, phải cùng làm, phải thảo luận với nhau, phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, không nên chỉ nhìn thấy lợi ích của nơi mình mà để thiệt cho nơi khác”(10). Hiểu sâu sắc tầm quan trọng của thủy lợi, tháng 7 năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi kiểm tra tình hình đê điều và công tác chuẩn bị phòng chống lũ lụt ở Bắc Ninh, thăm đê sông Cầu. Người căn dặn: Phải lấy thanh niên làm nòng cốt trong việc phòng chống lụt, bảo đảm mùa vụ thắng lợi.

Luôn quan tâm sâu sắc tới giáo dục, ngày 14/12/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm trường Trung cấp Thể dục thể thao. Bác căn dặn giáo viên và học sinh của trường: “Học thể dục thể thao không phải là để làm ông kiện tướng nọ, bà kiện tướng kia, mà để phục vụ sức khỏe nhân dân… Nhân dân ta nhờ tập luyện các môn võ cổ truyền đã đánh thắng bọn xâm lược. Ngày nay, ta phải kế tục truyền thống thượng võ của tổ tiên, nhưng phải chọn lọc”(11).

Ngày 17/10/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm đồng bào, cán bộ và dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc. Phát biểu ý kiến tại Đại hội, Người nhấn mạnh vấn đề đoàn kết nhất trí trong Đảng, nhất là khi hai tỉnh mới sát nhập. Người dặn dò các cán bộ phải tuyệt đối tránh địa phương chủ nghĩa, phải nhất trí về tư tưởng, về hành động, về tình cảm. Mỗi đảng viên phải khắc phục bệnh cá nhân chủ nghĩa, bệnh công thần, óc địa vị, kèn cựa, không ai phục ai, không giúp đỡ nhau, không cộng tác chặt chẽ với nhau; phải đề cao cảnh giác cách mạng và chấp hành thật đúng các chính sách của Đảng. Người chỉ thị cho Đảng bộ tỉnh Hà Bắc: “Từ nay phải có một sự chuyển biến mạnh dạn, mới mẻ và vững chắc trong mọi công tác để giành lấy những thắng lợi ngày càng to lớn hơn”(12). Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với khí thế thi đua phấn khởi, Đại hội đã nghiêm túc kiểm điểm tình hình mọi mặt công tác, những ưu, khuyết điểm trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị từ năm 1961 đến 1963. Cùng với việc hợp nhất tỉnh Hà Bắc, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất đã được tổ chức thành công tốt đẹp, đánh một mốc son lịch sử, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của tỉnh ngày càng phát triển.

Đúng ngày mùng một tết Đinh Mùi (tức ngày 9/2/1967), đảng bộ và nhân dân tỉnh và xã Tam Sơn (huyện Tiên Sơn) vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Sau khi nghe đồng chí Lê Quang Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy báo cáo tình hình trong tỉnh, Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ mừng tết toàn thể đồng bào, bộ đội, cán bộ, các cháu thanh niên và thiếu niên tỉnh Hà Bắc. Bác căn dặn cán bộ đoàn viên phải thực sự đoàn kết, gương mẫu, tôn trọng dân chủ, phải lấy tinh thần quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược mà đẩy mạnh phong trào sản xuất chiến đấu của nhân dân.

Ngày 19/5/1969, mặc dù sức khỏe giảm sút, Bác vẫn biên thư khen ngợi các cháu thiếu niên “Hợp tác xã măng non Phú Mẫn” (xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong) đã có nhiều cố gắng trong việc chăm sóc tốt trâu bò của hợp tác xã. Bức thư có đoạn: “Các cháu tuy tuổi còn nhỏ, cũng có thể làm những việc ích nước lợi dân. Các cháu là những người chủ tương lai của nước nhà, của hợp tác xã. Thiếu niên Việt Nam ta ngày nay cả ở hai miền Nam Bắc có nhiều cháu rất dũng cảm, thông minh, đã làm nên nhiều việc rất tốt đẹp trong học tập, sản xuất và chiến đấu”(15). Suốt 24 năm làm Chủ tịch nước, hầu như năm nào Bác cũng gửi thư cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Và đây là thư cuối cùng Bác Hồ gửi cho thiếu nhi Việt Nam. Một lần nữa Bác lại khẳng định lòng tin vào những người chủ nhỏ của đất nước, những thanh niên của tương lai dân tộc.

Gần một nửa thế kỷ Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, công lao to lớn, đạo đức sáng ngời và tình cảm cao đẹp của Người còn sống mãi với Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh. Thực hiện lời dạy của Người, cán bộ và nhân dân Bắc Ninh đã nêu cao truyền thống đấu tranh anh dũng, đoàn kết hăng hái thi đua lao động sản xuất, học tập và công tác, góp phần cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xây dựng CNXH ở miền Bắc và chống Mỹ cứu nước thắng lợi.

Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, phát huy các thế mạnh và khai thác mọi nguồn lực để tập trung phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội. Từ một tỉnh công nghiệp kém phát triển, kinh tế thuần nông, Bắc Ninh vươn lên trở thành một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thứ 2 trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: 12,4% (1997-2000) lên 14% (2001-2005) và 15,5% trong 3 năm (2006-2008). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, thương mại, các ngành sản xuất đều phát triển, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm sau cao hơn năm trước, GDP bình quân đầu người ngày càng tăng, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát triển, đường giao thông, điện, trường học, bệnh viện, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt và các công trình phúc lợi được đầu tư phát triển mạnh làm cho diện mạo Bắc Ninh có nhiều thay đổi nhanh chóng, nhất là thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn và các thị trấn, thị tứ. Văn hóa - xã hội có những bước phát triển, chính trị được ổn định; an ninh quốc phòng được củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Bắc Ninh là một tỉnh dẫn đầu cả nước về giáo dục- đào tạo. Công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân được quan tâm, chú trọng, hoạt động có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế- xã hội.

Triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2011, với quyết tâm cao và tinh thần chủ động sáng tạo, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, tập trung, kịp thời, có hiệu quả của Đảng bộ và UBND tỉnh, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh mà Bắc Ninh đạt nhiều kết quả tích cực trong điều kiện khó khăn chung của cả nước. Các mục tiêu đặt ra từ đầu năm cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức. nhất là 4 chỉ tiêu điều chỉnh (tổng sản phẩm từ 14-15%, lên 16-17% - đạt 16,24%; GTSX công nghiệp trên địa bàn từ 38.000 lên 50.000 tỷ đồng - đạt 59,7 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu từ 3 tỷ lên 4,5 tỷ USD - đạt 4,7 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ 5.750 lên 6.800 tỷ đồng - đạt 6.800 tỷ đồng là năm đầu tiên Bắc Ninh nằm trong số 13 tỉnh, thành phố có điều hòa ngân sách về Trung ương. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp và dịch vụ chiếm 91,4%, nông nghiệp chỉ còn 8,6%. Sản xuất công nghiệp là đầu tầu, tăng trưởng cao (62%) so với năm 2010, vượt 19,4% so với mục tiêu phấn đấu. Trồng trọt được mùa, năng suất và sản lượng lúa cao nhất từ trước tới nay; cơ bản hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa. Hoạt động xuất, nhập khẩu tăng đột biến. Môi trường kinh doanh được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh đứng thứ 6 toàn quốc, thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài. Giáo dục đào tạo có chuyển biến tiến bộ, bước đầu có đột phá trong thành tích cao. Tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT xếp thứ 6 toàn quốc, thi học sinh giỏi quốc gia vượt kế hoạch (nằm trong tốp 5 tỉnh dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Hồng); kỳ thi đại học xếp thứ 8 toàn quốc. Văn hóa quan họ được bảo tồn, phát huy, lan tỏa rộng (đưa dạy hát quan họ vào trường học, đã phát triển 329 làng quan họ mới).

Bắc Ninh vinh dự là một trong những địa phương được Bác Hồ về thăm nhiều lần nhất (18 lần). Tuy Bác đã đi xa, nhưng hình ảnh và những lời căn dặn của Người vẫn mãi là nguồn cổ vũ, động viên cán bộ và nhân dân trong tỉnh vươn lên không ngừng trong sự nghiệp đổi mới, phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh văn hiến và cách mạng ngày càng giàu đẹp, văn minh như ước nguyện của Người.

Ths Nguyễn Thị Bình - Phòng TTGD, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phủ chủ tịch

Chú thích:

1.      Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2011, tập II, tr. 83.

2.      Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2006, t. 3, tr. 10-11.

3.      Ban thường vụ tỉnh Bắc Ninh, Bác Hồ với Bắc Ninh, Nxb. Thế giới, H. 2000, tr. 22.

4.      Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 57.8

5.      Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, H. 2008, t. 6, tr. 196.

6.      Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, Nxb. CTQG, H. 2010.

7.       Ban thường vụ tỉnh Bắc Ninh, Bác Hồ với Bắc Ninh, Sđd, tr. 53.

8.       Ban thường vụ tỉnh Bắc Ninh, Bác Hồ với Bắc Ninh, Sđd, tr.59.

9.       Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, H. 2009, t. 7, tr. 339.

10.  Ban thường vụ tỉnh Bắc Ninh, Bác Hồ với Bắc Ninh, Sđd, tr. 68-69.

11.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 185.

12.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 569.

Nguồn: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch