• Loading...
 
Bác Hồ với phong trào Thi đua yêu nước
Ngày xuất bản: 04/03/2019 12:00:00 SA

Cách đây tròn 70 năm, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta đang bước vào giai đoạn gian khổ, ác liệt nhất, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị đẩy mạnh phòng trào thi đua ái quốc để động viên mọi lực lượng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Chỉ thị nêu rõ: “Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”. Triển khai thực hiện Chỉ thị này, ngày 11/6/1948, Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát đông cuộc vận động Thi đua ái quốc.

Chỉ với vẻn vẹn 441 từ, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ đã dấy lên một phong trào thi đua lớn kéo dài đến tận ngày nay. Với cách viết ngắn gọn, rành mạch, xúc tích, ngôn ngữ giản dị, mở đầu Lời kêu gọi, Bác Hồ viết: “Mục đích thi đua ái quốc là gi?: Diệt giặc đói khổ; diệt giặc dốt nát; diệt giặc ngoại xâm”. “Cách làm là dựa vào: Lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân. Vì vậy, bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sỹ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua: Làm cho mau; làm cho tốt; làm cho nhiều. Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ,đều cần phải trở nên một chiến sỹ đấu tranh trên mọi mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến; toàn diện kháng chiến. Trong cuộc thi đua ái quốc, chúng ta: Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.

Ảnh tư liệu.

Kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc là: Toàn dân đủ ăn đủ mặc; toàn dân sẽ biết đọc, biết viết; toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực, khí giới để giết giặc ngoại xâm. Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn. Thế là chúng ta thực hiện: Dân tộc độc lập; dân quyền tự do; dân sinh hạnh phúc”. Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Bác Hồ chỉ rõ công việc thi đua cụ thể của “các cụ phụ lão, các cháu nhi đồng, đồng bào công thương, đồng bào công nông, đồng bào trí thức, nhân viên Chính phủ, bộ đội và dân quân…”, để tạo nên “Phong trào sôi nổi, thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”.

Tháng 11/1948, để tăng cường hơn nữa phong trào thi đua ái cuốc và công tác thi đua khen thưởng, tại Đồng Man, thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương), Bác Hồ gửi thư cho đồng chí Tôn Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Thi đua ái quốc Trung ương trao đổi về công tác huấn luyện cán bộ,  về việc khen thưởng và các danh hiệu thi đua.

Tại Đại hội Anh hùng, chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc diễn ra từ ngày 1 đến ngày 6/5/1952, tại Hội trường họp Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng ở xã Kim Bình (Chiêm Hóa), Bác Hồ đến dự và nói chuyện. Sau khi nêu mục đích của thi đua, Người phân tích hết sức tỷ mỷ, chi tiết ý nghĩa của thi đua yêu nước, đó là: “Thi đua là đoàn kết… Thi đua tăng cường đoàn kết mà đoàn kết đẩy mạnh thi đua. Đoàn kết ấy là đoàn kết thật sự và rất chặt chẽ”; “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”; “Thi đua là tinh thần quốc tế…Thi đua chẳng những bồi dưỡng tinh thân đoàn kết và tinh thần yêu nước của dân tộc ta, mà lại làm cho nhân dân ta đoàn kết với nhân dân lao động thế giới”; “Thi đua là góp sức giữ gìn hòa bình và dân chủ thế giới… Ta tiêu diệt lực lượng đế quốc Pháp và bọn can thiệp Mỹ, tức là ta thiết thực góp phần vào công cuộc gìn giữ hòa bình và dân chủ thế giới”; “Thi đua là cải tạo con người…Chiến sỹ thi đua là những con người mới, những người luôn luôn cố gắng thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, là những người tôi trung thành của nhân dân, con hiếu của Tổ quốc”. Để phát triển phong trào thi đua phải chống bệnh quan liêu, chống nạn tham ô lãng phí; vì bệnh quan liêu sẽ ngăn trở phong trào thi đua, nạn tham nhũng sẽ làm giảm bớt những kết quả của phong trào thi đua.

Căn dặn các chiến sỹ thi đua toàn quốc, Bác Hồ nhấn mạnh: Nhiệm vụ của các chiến sỹ thi đua là phải cố gắng mãi, tiến bộ mãi, khiêm tốn và gần gũi quần chúng; tuyệt đối không được tự mãn và xa rời quần chúng nhân dân. Đẩy mạnh phong trào thi đua nhằm thực hiện khẩu hiệu:

                                            “Người người thi đua

                                             Ngành ngành thi đua

                                            Ta nhất định thắng

                                            Địch nhất định thua”.

Bác Hồ là người khởi xướng thi đua ái quốc và cũng là người trực tiếp theo dõi, chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước. Thi đua ái quốc thật sự đã mang lại thành công lớn, có tác động mạnh mẽ trong suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đặc biệt, từ Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ, đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong tất cả mọi lĩnh vực, trên tất cả các mặt trận, tạo ra thế và lực của cách mạng để đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta chuyển từ giai đoạn cầm cự sang tổng phản công giành được nhiều thắng lợi vang dội.

70 năm đã trôi qua kể từ ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948) và 49 năm ngày Người mãi mãi đi xa, nhưng vẫn còn đó lời kêu gọi của lòng yêu nước và tinh thần thi đua ái quốc; sức sống mãnh liệt và sự lan tỏa của Lời kêu gọi và một phong trào lớn - phong trào thi đua yêu nước đến tận bây giờ và chắc chắn sẽ còn lâu hơn nữa.